Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:36 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Những năm gần đây, cùng với thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung giảng dạy chính khóa theo quy định, Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hà Nội 2 (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) còn chú trọng tổ chức các hoạt động ngoại khoá (HĐNK) cho sinh viên và đạt được nhiều kết quả tốt, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh (QP-AN) cho sinh viên.
Để tổ chức tốt các HĐNK, Ban Giám đốc Trung tâm đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, trước hết là tập trung quán triệt, giáo dục cho các đối tượng về vai trò, vị trí của HĐNK đối với môn học giáo dục QP-AN. Thực tế cho thấy, phần lớn sinh viên mới đến Trung tâm còn nhận thức về môn học này chưa đúng, thường tập trung vào các nội dung chuyên ngành, mà ngại tham gia các HĐNK, thậm chí một số có tư tưởng học đối phó,… Hơn nữa, HĐNK được tiến hành ngoài giờ hành chính và có nội dung không bắt buộc phải thực hiện, nên dễ nảy sinh tư tưởng ngại tổ chức, ngại tham gia các hoạt động này trong một số cán bộ, giảng viên và sinh viên. Vì vậy, nếu không có nhận thức đúng, quyết tâm cao và hình thức, biện pháp phù hợp, thì việc tổ chức các HĐNK sẽ không có hiệu quả thiết thực đối với sinh viên.
Thông qua sinh hoạt, học tập, Trung tâm đã chủ động quán triệt, giáo dục làm cho mỗi người nhận thức rõ HĐNK là một hoạt động giáo dục cơ bản, được tiến hành xen kẽ với chương trình dạy - học; diễn ra trong suốt quá trình đào tạo, góp phần tạo sự gắn kết giữa lý thuyết với thực hành, giữa nhận thức với hành động, giữa giáo dục trong nhà trường với ngoài xã hội, bổ trợ trực tiếp cho các nội dung chính khoá. HĐNK còn góp phần quan trọng trong việc truyền thụ cho sinh viên những kiến thức ngoài giáo trình, bổ trợ và nâng cao các kiến thức đã học. Mặt khác, HĐNK còn khắc phục những bất cập trong nội dung, chương trình, giữa thời gian học tập ngắn với khối lượng kiến thức cần phải truyền đạt nhiều... Bởi nó có thể mở rộng và đi sâu vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm; bổ sung, làm rõ những vấn đề khó hiểu, trừu tượng trong chương trình chính khóa, giúp cho sinh viên tiếp cận với môi trường quân đội, hình thành những kỹ năng cần thiết (tự quản, tự tổ chức, điều khiển, nhận xét, đánh giá, hòa nhập, ứng xử…), thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho sinh viên.
Trên cơ sở xác định rõ vị trí, vai trò của HĐNK, Trung tâm đã quan tâm chỉ đạo tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện, khả năng của mình, từng bước đưa HĐNK vào nền nếp hằng năm, nhiệm vụ này được xác định trong kế hoạch hoạt động của các tổ chức trong Trung tâm. Để HĐNK phong phú, sinh động và đạt hiệu quả thiết thực, Trung tâm coi trọng đề cao trách nhiệm, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của cán bộ, giảng viên, sinh viên; đồng thời, có sự đầu tư phù hợp, khắc phục những khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí bảo đảm cho HĐNK.
Giáo dục QP-AN là môn học có tính đặc thù cao, chương trình gồm 2 phần: lý thuyết (học trên giảng đường) và thực hành (học trên thao trường, bãi tập). Do đó, trên cơ sở chương trình, nội dung quy định, Trung tâm đã nghiên cứu đưa vào HĐNK những nội dung phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa nội dung HĐNK với nội dung chính khoá để mở rộng kiến thức và giúp sinh viên phát huy năng lực thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn. Các nội dung HĐNK của Trung tâm còn được nghiên cứu bảo đảm phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý, lứa tuổi, tạo được sự cuốn hút, phát huy được sở trường của sinh viên; đồng thời, tận dụng triệt để, hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất, phương tiện của Trung tâm và khai thác các tiềm năng tự nhiên của địa phương. Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế, HĐNK của Trung tâm những năm qua thường tập trung vào các hoạt động: văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao, các trò chơi quân sự, tổ chức nói chuyện chuyên đề, tham quan các đơn vị quân đội, các viện bảo tàng, di tích lịch sử, thi tìm hiểu về các tấm gương anh hùng, các trận đánh tiêu biểu trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và tổ chức các hoạt động xã hội cho sinh viên (dân vận, tuyên truyền, hiến máu nhân đạo, an toàn giao thông, phòng chống các tệ nạn xã hội...).
Thực tiễn cho thấy, mỗi hình thức HĐNK đều có mục đích, yêu cầu riêng; do đó, người tổ chức phải thường xuyên quan tâm, nghiên cứu các hình thức hoạt động sao cho phù hợp với mục tiêu, đối tượng, thời gian, cơ sở vật chất, nguồn kinh phí, môi trường sư phạm và con người hiện có. Đồng thời, công tác chuẩn bị phải chu đáo, khoa học và hợp lý từ xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện cho đến việc sơ kết, rút kinh nghiệm. Quá trình tiến hành phải tạo thành guồng máy hoạt động nhịp nhàng theo kế hoạch, chương trình, nội dung hoạt động cụ thể; cần phân công người phụ trách và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức, đoàn thể trong và ngoài Trung tâm. Ngoài ra, Trung tâm còn khuyến khích, tạo điều kiện để các lớp tự tổ chức HĐNK trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ của sinh viên, với các hoạt động: tổ chức thi thuyết trình theo chủ đề, nói chuyện chuyên đề, thi vấn đáp về các kiến thức khoa học quân sự; giờ sinh hoạt 15 phút đầu các buổi học, tổ chức cho sinh viên truy bài, sinh hoạt tập thể, trao đổi hoặc tranh luận các vấn đề khoa học…
Hiệu quả HĐNK phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, trách nhiệm của người thầy, cán bộ quản lý và sự tham gia nhiệt tình của sinh viên. Vì vậy, Trung tâm luôn coi trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tổ chức HĐNK cho đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên và cán bộ lớp. Công tác này được thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo bằng nhiều hình thức, có thể do Trung tâm hoặc các lớp học tổ chức thông qua các hoạt động thực tế. Cùng với bồi dưỡng toàn diện về nội dung, hình thức, phương pháp HĐNK, Trung tâm chú trọng phát huy trách nhiệm, nhiệt tình và năng khiếu, sở trường, sự linh hoạt, sáng tạo của các đối tượng; đồng thời, hướng dẫn cho họ lựa chọn nội dung, hình thức HĐNK phù hợp với từng chuyên đề học tập chính khoá và nhu cầu của sinh viên. Những năm qua, nhiều HĐNK của Trung tâm đạt hiệu quả cao và được nhân rộng, như các hoạt động với chủ đề: “Chúng tôi cũng là chiến sĩ”, “Tiếng hát sinh viên”, “Tình Bác sáng đời ta”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”…
Với đối tượng là sinh viên đào tạo giáo viên giáo dục QP-AN, Trung tâm có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn, bằng các biện pháp cụ thể, như: phân công các giảng viên hướng dẫn sinh viên viết giáo án và tổ chức thực hành giảng bài; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng phương pháp tổ chức HĐNK với bố trí họ vào các bộ phận tổ chức, hướng dẫn sinh viên tiến hành các hoạt động này. Bên cạnh đó, Trung tâm còn thường xuyên tổ chức cho sinh viên đi tham quan thực tế công tác huấn luyện ở Đoàn Đặc công 113, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304...; qua đó, bồi dưỡng và nâng cao năng lực thực hành cho người giáo viên giáo dục QP-AN tương lai.
Cùng với đó, Trung tâm luôn quan tâm xây dựng môi trường học tập, rèn luyện sát với môi trường hoạt động của bộ đội. Về học tập môn giáo dục QP-AN ở Trung tâm, sinh viên được biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội để thuận lợi cho công tác quản lý của cán bộ khung và nhiệm vụ học tập, rèn luyện của sinh viên. Khung quản lý đại đội, do sĩ quan trong Trung tâm đảm nhiệm; cán bộ trung đội, tiểu đội do sinh viên kiêm nhiệm. Đội ngũ cán bộ kiêm nhiệm này đều được lựa chọn kỹ và qua bồi dưỡng về công tác quản lý, chỉ huy để họ có thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực tế cho thấy, hình thức tổ chức này có tác dụng rất tích cực, vừa giúp các em làm quen với công tác chỉ huy, vừa trực tiếp rèn luyện kỷ luật, nền nếp chính quy, góp phần nâng cao chất lượng môn học. Các chế độ, Điều lệnh, điều lệ của quân đội được Trung tâm duy trì, thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ từ lúc báo thức đến khi tắt đèn đi ngủ. Những hoạt động duy trì “kỷ luật quân đội” ngoài giờ hành chính vừa mang tính ngoại khóa, vừa mang tính bắt buộc giúp sinh viên sớm tiếp cận với nếp sống quân sự. Đây chính là sự khác biệt giữa GDQP-AN tại Trung tâm và GDQP-AN tại các khoa GDQP-AN trong các trường đại học, cao đẳng.
Trong công tác bảo đảm cơ sở vật chất, Trung tâm đã kết hợp khai thác từ nhiều nguồn: kinh phí trên cấp, kinh phí hỗ trợ của các lực lượng ngoài xã hội và nguồn đóng góp của sinh viên. Vì vậy, mặc dù sinh viên về học tập tại Trung tâm với lưu lượng rất lớn (từ 25.000 - 30.000 sinh viên/năm) song các em đều được mang mặc thống nhất, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, cơ sở vật chất cho huấn luyện, giáo dục luôn được đảm bảo với sự cố gắng cao nhất. Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên giáo dục cho sinh viên nêu cao ý thức giữ gìn, sử dụng hợp lý, tiết kiệm cơ sở vật chất, trang bị, hạn chế thấp nhất sự đóng góp của các em.
Có thể khẳng định, HĐNK đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng GDQP-AN cho sinh viên trong những năm qua tại trung tâm (hằng năm, có 95% sinh viên đạt yêu cầu trở lên, trong đó có từ 45 đến 60% khá, giỏi). Từ kết quả và kinh nghiệm thu được, thời gian tới, Trung tâm tiếp tục nghiên cứu, vận dụng để tổ chức HĐNK phong phú, đa dạng hấp dẫn hơn, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng môn GDQP-AN cho sinh viên về học tập rèn luyện tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng Hà Nội 2.
Thượng tá PHAN XUÂN DŨNG
Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh