Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:17 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trà Vinh là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, với diện tích đất liền 2.341,2 km2, bờ biển dài 65 km; dân số 1.051.229 người1; trong đó, dân tộc khmer chiếm 32%. Trên địa bàn Tỉnh có 05 tôn giáo chính: Phật giáo, Cao đài, Thiên chúa, Tin lành, Hồi giáo, với 465 cơ sở tín ngưỡng, 4.373 chức sắc, chức việc, nhà tu hành và 596.325 tín đồ. Những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19 kéo dài, nhưng được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang nên Tỉnh có nhiều chuyển biến về mọi mặt; trong đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững, kinh tế tăng trưởng khá, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Các chương trình Quốc gia, công tác quốc phòng, quân sự được các cấp, ngành, địa phương quan tâm triển khai tổ chức thực hiện đạt kết quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuy nhiên, trên địa bàn Tỉnh, các thế lực thù địch, phản động, đối tượng cực đoan trong và ngoài nước vẫn đang tiến hành chống phá ngày càng công khai, quyết liệt hơn. Chúng triệt để lợi dụng các vấn đề nhạy cảm về dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động, kêu gọi biểu tình, đình công, gây rối. Thêm vào đó, hoạt động của các loại tội phạm cũng có chiều hướng gia tăng, nhất là tội phạm công nghệ cao, ma túy, tín dụng đen, v.v. Bên cạnh đó, thời tiết, dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, giá cả nguyên liệu đầu vào cho ngành nông nghiệp, thủy sản tăng cao. Đây là những yếu tố ảnh hưởng không nhỏ đến tư tưởng, đời sống của nhân dân và hoạt động của lực lượng vũ trang Tỉnh. Trước tình hình đó, Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; trong đó, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh là giải pháp quan trọng, nhằm xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.
Trước hết, Tỉnh tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là giải pháp quan trọng; đồng thời, là nguyên tắc chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo sự thống nhất cao trong toàn Tỉnh. Quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 08-CT/TU, ngày 13/12/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; Luật giáo dục quốc phòng và an ninh; các nghị định, thông tư, hướng dẫn của trên về công tác này, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh - với vai trò là cơ quan thường trực, tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh cụ thể hóa thành nội dung, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đạt hiệu quả thiết thực. Trên cơ sở Hướng dẫn số 90/HD-HĐGDQPANTW, ngày 31/5/2016 của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương về danh mục và đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả Quyết định số 206/QĐ-UBND, ngày 25/01/2022 về việc giao chỉ tiêu, nhiệm vụ và trách nhiệm bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh năm 2022 trên địa bàn Tỉnh. Đồng thời, tham mưu cho Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc các kế hoạch của Hội đồng về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2022 bằng nhiều nội dung, phương pháp, hình thức, phong phú, sáng tạo. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn dân; phát huy hiệu quả, sức mạnh lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn Tỉnh.
Chủ động kiện toàn, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp là một trong những giải pháp cơ bản được Tỉnh hết sức chú trọng và phát huy hiệu quả. Theo đó, cùng với chủ động tham mưu, tổ chức rà soát, kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, đảm bảo cơ cấu, thành phần theo Luật định, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới phương thức, hiệu quả hoạt động của từng hội đồng, cũng như bổ sung quy chế hoạt động cho phù hợp. Trong đó, việc duy trì hoạt động đúng quy chế, kế hoạch, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương được thực hiện nghiêm túc; phát huy vai trò làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, quán triệt và thực hiện đầy đủ các văn bản của Đảng, Nhà nước, cấp trên và của Tỉnh về nội dung, chương trình, đối tượng giáo dục quốc phòng và an ninh. Để nâng cao hiệu quả giáo dục, bồi dưỡng, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh yêu cầu từng thành viên hội đồng ở các cấp phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm gắn với nhiệm vụ chính trị của từng ngành, lĩnh vực công tác. Quá trình hoạt động, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của các cơ quan, địa phương, cơ sở. Qua đó, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cũng như biểu dương, nhân rộng điển hình tiên tiến, cách làm hay, đưa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Tỉnh thành nền nếp, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quan trọng này.
Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là vấn đề cốt lõi trong nâng cao chất lượng, hiệu quả đối với nhiệm vụ này và được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Theo đó, Tỉnh tập trung nghiên cứu, cập nhật tình hình, làm cơ sở để đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng. Về nội dung, Tỉnh bám sát, cập nhật quan điểm, những phát triển mới về đường lối quốc phòng, an ninh của Đảng mà Đại hội XIII đã tổng kết và chỉ ra; nhiệm vụ của Quân đội, của Quân khu 9 và của lực lượng vũ trang Tỉnh. Chú trọng giáo dục, thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tác và đối tượng; kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; nắm vững yêu cầu, nhiệm vụ, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các cấp, Tỉnh thường xuyên bổ sung nội dung, chương trình, giáo trình giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhất là cán bộ chủ trì các địa phương. Cùng với đó, Tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh để bổ sung, hoàn chỉnh chương trình giáo dục quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên theo hướng “chuẩn hóa”, lồng ghép vào chương trình giáo dục và đào tạo chính quy tại các nhà trường. Trên cơ sở đó, các trường trên địa bàn Tỉnh đều tổ chức học theo phân phối chương trình học, tiết học đúng quy định. Đối với sinh viên, Tỉnh thực hiện liên kết giữa Trung tâm giáo dục quốc phòng, an ninh và các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn. Trong đó, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Trà Vinh chịu trách nhiệm giảng dạy giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh Trà Vinh2. Đối với công tác tuyên truyền, phổ biến cho toàn dân, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài của Tỉnh, của Quân khu 9, xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án; mở chuyên trang, chuyên mục, đa dạng nội dung tuyên truyền; thông qua đội ngũ báo cáo viên, mạng xã hội để tuyên truyền và phổ biến kiến thức quốc phòng, an ninh đến mọi tầng lớp nhân dân. Kết hợp chặt chẽ phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh với tăng cường xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, xây dựng nông thôn mới, các hoạt động, các phong trào và các cuộc vận động của địa phương. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi công dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương.
Để công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đạt hiệu quả cao, Tỉnh còn chỉ đạo tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh. Đây là một trong những giải pháp rất quan trọng, bởi, đội ngũ này là lực lượng trực tiếp tham gia và có vai trò quyết định chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có tổng số 39 trường, với 85 giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Đội ngũ giáo viên ở các trường cơ bản qua đào tạo, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm đương tốt môn học giáo dục quốc phòng và an ninh, chất lượng giảng dạy được nâng lên. Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, đội ngũ giáo viên còn thiếu về số lượng, chất lượng không đồng đều. Vì vậy, Tỉnh triển khai thực hiện Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường: trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”3, giai đoạn 2021 - 2025, khi có chủ trương của Trung ương; bồi dưỡng, tập huấn, bố trí giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh đúng theo quy định; chủ động tập huấn, cung cấp thông tin, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở cơ sở. Tỉnh chỉ đạo cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh phối hợp với Sở giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên khảo sát, đánh giá đúng thực chất đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh; xây dựng kế hoạch, quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo hướng “chuẩn hóa”, đáp ứng yêu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh trong thời kỳ mới.
Với những giải pháp đồng bộ trên, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của tỉnh Trà Vinh có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương ở các cấp, xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ Tỉnh vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Đại tá TRƯƠNG THANH PHONG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh ________________
1 - Theo điều tra dân số năm 2021.
2 - Gồm: Trường Đại học Trà Vinh, Trường Cao đẳng Y tế Trà Vinh, Trường Cao đẳng nghề Trà Vinh.
3 - Được phê duyệt tại Quyết định số 607/QĐ-TTg, ngày 24/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
Tỉnh Trà Vinh,giáo dục quốc phòng và an ninh,nâng cao chất lượng
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh