Thứ Sáu, 22/11/2024, 16:01 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Sóc Trăng là tỉnh ven biển, thuộc vùng hạ lưu - Nam sông Hậu, có đường bờ biển dài 72 km và 03 cửa sông lớn là: Định An, Trần Đề, Mỹ Thanh đổ ra Biển Đông, có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng và an ninh. Nhận rõ điều đó, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong Tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; không ngừng tăng cường quốc phòng và an ninh; đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Tuy vây, do nhiều nguyên nhân khác nhau, trên địa bàn Tỉnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn và tệ nạn xã hội có nơi còn diễn biến phức tạp; các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để xuyên tạc, chống phá, nhất là trên không gian mạng,... gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình phát triển và triển khai thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trước thực tế trên, Bộ Chỉ huy Quân sự đã kịp thời tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; trong đó, chú trọng đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của trên về giáo dục quốc phòng và an ninh1, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; sớm ban hành các văn bản để triển khai thực hiện chặt chẽ, toàn diện, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác này. Đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện, cơ bản khắc phục được biểu hiện “khoán trắng” cho cơ quan quân sự, an ninh; lấy kết quả thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh làm tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ chủ trì các cấp. Định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định nguyên nhân hạn chế, đề ra các chủ trương, giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả.
Hoạt động của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp luôn được Tỉnh coi trọng; thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn đủ số lượng và đúng thành phần, nhất là sau mỗi đợt điều chuyển nhân sự chủ trì ở các cấp. Cơ quan Thường trực chủ động tham mưu cho Tỉnh bổ sung, hoàn thiện quy chế, kế hoạch công tác, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện. Các thành viên Hội đồng luôn bám sát sự chỉ đạo của Hội đồng, duy trì hoạt động theo quy chế, kế hoạch, thường xuyên hiệp đồng chặt chẽ với các ban, sở, ngành, đoàn thể tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền các cấp lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với từng địa phương, đối tượng. Đồng thời, thường xuyên phối hợp rà soát, chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo phân cấp, không để sót đối tượng. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện công tác quan trọng này ở các cơ quan và địa phương; tổ chức sơ kết, tổng kết theo định kỳ, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo đúng quy định.
Đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được chỉ đạo thực hiện thống nhất từ Tỉnh đến cấp xã. Theo đó, cùng với tham mưu cho Tỉnh ủy cử cán bộ đối tượng 1, 2 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do cấp trên tổ chức2; Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo Nghị định số 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ. Với đối tượng 3, Tỉnh yêu cầu rà soát chặt chẽ, giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương, đơn vị; đồng thời, thông báo sớm kế hoạch bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh để đội ngũ cán bộ sắp xếp công việc tham gia đầy đủ, tinh thần trách nhiệm cao3. Với đối tượng 4, Tỉnh chỉ đạo và phân công thành viên Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng chặt chẽ, khoa học, hiệu quả, phù hợp với đặc thù địa bàn4; đồng thời, yêu cầu các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn mở rộng đối tượng bồi dưỡng là chức sắc, chức việc các tôn giáo, chủ hộ ngư dân, tàu thuyền, kinh doanh, chủ các doanh nghiệp5, v.v. Quá trình tổ chức thực hiện, Tỉnh chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên ở các cấp theo hướng “chuẩn hóa”, phù hợp với từng đối tượng. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, địa phương đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp bồi dưỡng, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng bài giảng. Kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung với lồng ghép bồi dưỡng thông qua các đợt tập huấn chuyên môn của các sở, ngành; tham quan các khu kinh tế, quốc phòng, di tích lịch sử, v.v. Ở các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, Tỉnh phân công thành viên Hội đồng, các tổ, nhóm báo cáo viên trực tiếp chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến về quốc phòng, an ninh; chú trọng địa bàn có đông đồng bào theo đạo, các làng chài, cảng cá ven biển. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng, thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh ở địa phương, cơ sở.
Xác định học sinh, sinh viên là lực lượng rất quan trọng, nguồn nhân lực tương lai của địa phương và đất nước, Tỉnh chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường trên địa bàn. Theo đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo quán triệt và thực hiện hiệu quả Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGD&ĐT-BLĐTB&XH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, quy định việc thành lập, tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 trường cao đẳng6 đã ký kết với Trường Quân sự Quân khu 9 để tổ chức giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên7. Đối với các nhà trường còn lại, nhất là các trường trung học phổ thông, Tỉnh yêu cầu phải thường xuyên đổi mới nội dung, chương trình và phương pháp giảng dạy môn học, nhất là cập nhật, bổ sung những nội dung mới; đội ngũ giáo viên giảng dạy kiến thức quốc phòng và an ninh phải qua đào tạo cơ bản, được bồi dưỡng hằng năm, không ngừng nâng cao trình độ và sự nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong giảng dạy. Để thực hiện hiệu quả, quá trình giảng dạy, giáo viên kết hợp giáo dục quốc phòng và an ninh với hoạt động ngoại khóa, tham quan nhà truyền thống, di tích lịch sử,… trên địa bàn, nâng cao hiểu biết và tình yêu quê hương, đất nước cho học sinh, sinh viên. Năm 2022, 40 trường trung học phổ thông trong Tỉnh đã tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho 29.362 học sinh, kết quả kiểm tra 100% đạt yêu cầu, trên 90% khá, giỏi, được Quân khu 9 đánh giá cao.
Cùng với đó, Tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông làm tham mưu và chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí của Tỉnh và các huyện, thị xã mở chuyên trang, chuyên mục quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo. Tập trung tuyên truyền làm rõ về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; gắn trách nhiệm của công dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ địa bàn, bảo vệ biển, đảo; bản chất, âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; vấn đề “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền”; chủ trương, chính sách sống “tốt đời đẹp đạo” của Đảng, Nhà nước đối với các tôn giáo; truyền thống cách mạng của lực lượng vũ trang, các địa phương. Để đạt hiệu quả, bên cạnh xây dựng đội ngũ báo cáo viên có chất lượng cao8, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh, các ngành có liên quan thực hiện chuyên mục “Quốc phòng toàn dân”; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng theo định kỳ, kết hợp lồng ghép các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, các đợt huấn luyện của các cơ quan, đơn vị, gắn với các phong trào thi đua, cuộc vận động, hoạt động của các tổ chức quần chúng để tuyên truyền, giáo dục; hình thức, phương pháp phù hợp thực tiễn của từng địa phương. Năm 2022, xây dựng 24 chuyên mục trên Đài Truyền hình, với 82 tin, bài; 220 chuyên mục trên Đài Phát thanh, với 1.310 tin, bài; phối hợp với Báo Sóc Trăng xây dựng được 21 chuyên mục với 97 tin, bài. Qua đó, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; tích cực tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.
Những kết quả và kinh nghiệm trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh thời gian qua góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo động lực để Sóc Trăng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược trong thời kỳ mới.
Đại tá TRẦN QUỐC KHỞI, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh _____________
1 - Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Nghị định số 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP, ngày 25/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, v.v.
2 - Năm 2022, cử 01 cán bộ đối tượng 1; 10 cán bộ đối tượng 2.
3 - Năm 2022, mở 04 lớp đối tượng 3, với sự tham gia 303/341 cán bộ, đạt 88,86%; riêng lực lượng vũ trang: 01 lớp, 133/133 cán bộ, đạt 100%.
4 - Năm 2022, mở 49 lớp đối tượng 4, 4.548/4.600 cán bộ, đạt 99,04%; riêng lực lượng quân sự: 13 lớp, 313/400 cán bộ, đạt 76,25%; lực lượng Công an: 01 lớp, 100 cán bộ.
5 - Tỉnh mở 08 lớp, 656/721 vị chức sắc, chức việc, đạt 90,98%; mở 05 lớp, 432/450 chủ doanh nghiệp, đạt 96%.
6 - Trường Cao đẳng Cộng đồng và Trưởng Cao đẳng nghề.
7 - Năm 2022, tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho 641 sinh viên, 100% đạt yêu cầu, trên 85% khá, giỏi.
8 - Hiện nay, có 02 báo cáo viên và 17 tuyên truyền viên cấp Tỉnh; 11 báo cáo viên và 22 tuyên truyền viên cấp huyện, 109 tuyên truyền viên cấp xã.
Tỉnh Sóc Trăng,quốc phòng và an ninh,đẩy mạnh giáo dục,quốc phòng toàn dân
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh