Thứ Bảy, 23/11/2024, 10:53 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Tỉnh Hậu Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 1.622,23 km2, dân số hơn 733.000 người, với 08 đơn vị hành chính cấp huyện và 75 đơn vị cấp xã; trong đó có 34 xã, phường, thị trấn là trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng không nhỏ từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, nhất là dịch Covid-19, song Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong Tỉnh đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển (tổng thu ngân sách của Tỉnh năm 2022 đạt 109,48%). Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp và do nhiều nguyên nhân khác nhau, tăng trưởng kinh tế của Tỉnh còn ở mức khiêm tốn, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo còn chiếm tỷ lệ cao (chiếm 6,45% dân số). Trong khi đó, các thế lực thù địch, phần tử phản động lợi dụng những hạn chế liên quan đến quản lý nhà nước, xã hội; các vấn đề về “dân chủ”, “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” để đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá. Bên cạnh đó, vấn đề trật tự, an toàn xã hội ở một số nơi trên địa bàn Tỉnh, nhất là khu vực nông thôn còn tiềm ẩn một số nhân tố gây mất ổn định. Thêm vào đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, giá cả một số mặt hàng thiết yếu có xu hướng tăng cao đã tác động không nhỏ đến đời sống nhân dân và lực lượng vũ trang. Trước thực tế đó, Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Quán triệt Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, các nghị định, quyết định của Chính phủ cùng các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh đã thường xuyên tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, lập kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng hoàn thiện, ban hành, triển khai đồng bộ hệ thống văn bản chỉ đạo ở cấp mình, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nhờ đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Tỉnh được triển khai đồng bộ đến tận cơ sở, duy trì thành nền nếp, có bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.
Cùng với đó, Tỉnh chú trọng củng cố, kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, bảo đảm số lượng, thành phần, hoạt động đúng quy định; trách nhiệm của các thành viên Hội đồng được phát huy, thực hiện tốt chức năng tham mưu và chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh của cơ quan, đơn vị đúng Luật. Ban Thư ký, Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh của Tỉnh đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm là cơ quan tham mưu, phối hợp giúp Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh ban hành kế hoạch, quyết định, quy chế hoạt động của Hội đồng và tổ chức thực hiện nghiêm túc; tích cực tham gia đóng góp xây dựng văn bản pháp luật về công tác quốc phòng, an ninh và giáo dục quốc phòng và an ninh theo kế hoạch. Trên cơ sở đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp triển khai thực hiện công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng theo quy định tại Thông tư số 172/2020/TT-BQP, ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc ban hành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ chủ chốt, công chức, viên chức, đảng viên, chức sắc, chức việc tôn giáo. Bên cạnh đó, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh thực hiện nghiêm chế độ kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh theo phân cấp1; Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh các trường trung học phổ thông. Đồng thời, duy trì nghiêm chế độ báo cáo theo quy định và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trên.
Thực hiện đúng, đủ chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được Tỉnh thường xuyên chú trọng, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả. Căn cứ Nghị định 13/2014/NĐ-CP, ngày 25/02/2014 và Nghị định 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ, kế hoạch công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đã được phê duyệt, hằng năm, Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp rà soát cử đối tượng 1 và 2 tham gia các lớp bồi dưỡng do cấp trên tổ chức. Đồng thời, tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3 và 42. Để tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ tham gia đầy đủ lớp bồi dưỡng, Tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị quản lý chặt chẽ các đối tượng, lập kế hoạch bồi dưỡng khoa học, phù hợp và thông báo sớm để họ sắp xếp công việc tham gia học tập. Thông qua các lớp bồi dưỡng, nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được nâng lên; điều đó được thể hiện sự nhận thức sâu sắc hơn về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; nắm chắc âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng Việt Nam; từ đó, có kế hoạch hành động, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 14 tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận pháp nhân đang hoạt động, có 159 cơ sở thờ tự, 127 cơ sở tín ngưỡng dân gian, với 512 chức sắc, chức việc, 206.298 tín đồ tôn giáo, chiếm 26,7% dân số. Xuất phát từ đặc điểm này, Tỉnh tập trung chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các tổ chức tôn giáo, mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là các chức sắc, chức việc, chủ các cơ sở thờ tự, và người có uy tín trong tín đồ tôn giáo3. Qua đó, để họ nâng cao nhận thức về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhận rõ âm mưu lợi dụng vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo” của các thế lực thù địch; từ đó sống “tốt đời, đẹp đạo”, đoàn kết, đồng lòng tham gia bảo vệ địa phương, phát triển kinh tế - xã hội.
Đối với học sinh, sinh viên - nguồn nhân lực quan trọng tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn triển khai thực hiện tốt việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, bố trí giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh theo Quyết định số 607/QĐ-TTg, ngày 24/4/2014 của Thủ tưởng Chính phủ. Đến nay, cơ bản các trường trung học phổ thông trên địa bàn Tỉnh đã bố trí đủ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, nhiều trường biên chế đủ giáo viên chuyên trách.
Cùng với đó, để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, Tỉnh yêu cầu Trường Cao đẳng Cộng đồng Hậu Giang, Cao đẳng Luật Miền Nam phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thực hiện liên kết giảng dạy; trong đó, Trường Đại học Võ Trường Toản đảm bảo tự chủ theo quy định. Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh triển khai thực hiện Thông tư số 01/VBHN-BGD&ĐT, ngày 02/01/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học, v.v. Nhờ đó, 100% học sinh, sinh viên được học môn giáo dục quốc phòng và an ninh, bảo đảm đúng nội dung, chương trình quy định; vật chất, trang thiết bị, mô hình học cụ cơ bản được bảo đảm, quản lý, khai thác có hiệu quả; chất lượng môn học giáo dục quốc phòng và an ninh được nâng lên theo hướng tích cực, chú trọng nội dung thực hành. Các nhà trường còn vận dụng đưa nội dung về chủ quyền biên giới, biển, đảo, chủ quyền vùng đất Tây Nam Bộ vào bài giảng. Thông qua cách làm này, học sinh, sinh viên nắm được nội dung cơ bản về đường lối quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về quốc phòng, an ninh; truyền thống đấu tranh của dân tộc, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta. Đồng thời, trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, hình thành nếp sống có ý thức tổ chức kỷ luật, làm cơ sở hướng nghiệp, đăng ký tuyển sinh tham gia vào lực lượng vũ trang, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về quốc phòng, an ninh, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao ngay từ cơ sở, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình, Công an, Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh xây dựng và ban hành chương trình tuyên truyền giáo dục quốc phòng và an ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng với thời lượng thích hợp; tập trung vào đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; nhiệm vụ chính trị của địa phương, hoạt động của lực lượng vũ trang Tỉnh. Để đạt hiệu quả, Tỉnh thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức; kết hợp tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng với trực tiếp cử cán bộ, báo cáo viên xuống tuyên truyền, vận động trực tiếp với người dân. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm để nhân dân hiểu biết, tin tưởng và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Những giải pháp và kết quả đạt được trong tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng thời gian qua là cơ sở quan trọng để Hậu Giang tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; góp phần xây dựng tiềm lực chính trị tinh thần, “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững ổn định địa bàn để Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.
Đại tá PHẠM VĂN THÂN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng, Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh ________________
1 - Năm 2022, kiểm tra đối với Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh thành phố Ngã Bảy và huyện Châu Thành (mỗi địa phương kiểm tra 02 xã); các đơn vị được kiểm tra đạt khá.
2 - Năm 2022, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được 29 lớp/1.450 người, đạt 24,7% so với kế hoạch nhiệm kỳ, đạt 99,7% so với kế hoạch năm.
3 - Năm 2022, bồi dưỡng cho 80 vị chức sắc, chức việc tôn giáo.
Tỉnh Hậu Giang,công tác giáo dục,quốc phòng và an ninh,tiềm lực chính trị tinh thần,“thế trận lòng dân”
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh