Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:10 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Lữ đoàn Xe tăng 201 (tiền thân là Trung đoàn Xe tăng 201), Binh chủng Tăng thiết giáp, được thành lập ngày 18/11/1971, theo Quyết định số 211/QP của Bộ Quốc phòng. Trải qua 50 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xây đắp nên truyền thống vẻ vang: “Đoàn kết vượt khó; chủ động sáng tạo, kỷ luật nghiêm, hoàn thành tốt nhiệm vụ - Đã ra quân là đánh thắng”. Ghi nhận thành tích đó, Lữ đoàn được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2001) và nhiều phần thưởng cao quý1.
Hiện nay, nhiệm vụ của Lữ đoàn có bước phát triển mới, yêu cầu cao, trong điều kiện còn khó khăn, như: vũ khí, trang bị kỹ thuật đã bị xuống cấp, thiếu đồng bộ; thao trường, bãi tập huấn luyện bị thu hẹp; đội ngũ quân nhân chuyên nghiệp của đơn vị tuổi đời ngày càng cao, hậu phương, gia đình có đồng chí còn khó khăn; nhận thức của cán bộ, chiến sĩ không đồng đều; địa bàn đóng quân có nhiều tụ điểm phức tạp về tệ nạn xã hội; công tác bảo đảm có nội dung chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, v.v. Để không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh “tiêu biểu, mẫu mực”, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, đồng bộ; trong đó, tập trung thực hiện đột phá, làm chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn.
Trước hết, tăng cường giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ về công tác này. Các cơ quan, đơn vị chú trọng giáo dục, quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức sâu sắc các chỉ thị, quy định, hướng dẫn của trên về xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn. Trọng tâm là Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 07/CT-TM, ngày 10/3/2020 của Bộ Tổng Tham mưu về thực hiện “Năm kỷ luật, kỷ cương 2020” trong Quân đội; Công văn số 1740/CT-TH, ngày 01/9/2020 của Tổng cục Chính trị về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục, quản lý, ngăn chặn vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng, tự tử, tự sát trong các đơn vị Quân đội; Chỉ thị số 465/CT-BTL, ngày 05/12/2019 của Bộ Tư lệnh Binh chủng; Chỉ thị số 2267/CT-LĐ, ngày 12/12/2019 của Lữ đoàn về tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn, v.v. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn luôn xác định nội dung xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn là trọng tâm; vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức, biện pháp giáo dục, quán triệt cho bộ đội. Trong đó, chú trọng những cán bộ, chiến sĩ mới về đơn vị, quân nhân chuyên nghiệp, thợ kỹ thuật và các bộ phận thực hiện nhiệm vụ phân tán, nhỏ lẻ xa đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục, tuyên truyền với định hướng tư tưởng, quản lý, rèn luyện kỷ luật bộ đội. Nhờ đó 100% cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn luôn nhận thức đúng ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn đối với việc nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tích cực, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, xây dựng chính quy, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và quy định của đơn vị.
Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp; đồng thời, phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn là giải pháp có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác này. Đảng ủy Lữ đoàn ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, thực hiện “Năm kỷ luật, kỷ cương 2020” và những năm tiếp theo; xây dựng chương trình hành động đột phá làm chuyển biến mạnh mẽ công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn với những chủ trương, biện pháp lãnh đạo cụ thể. Đồng thời, ban hành hệ thống quy chế, quy định, nội quy, sát đặc điểm, nhiệm vụ, thực tiễn để thực hiện thống nhất trong Lữ đoàn. Trong nghị quyết, kết luận thường kỳ của cấp ủy các cấp đều xác định công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật là một trọng tâm lãnh đạo; chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy cụ thể hóa vào kế hoạch công tác của đơn vị; phân công cán bộ trực tiếp theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện; chú trọng những bộ phận còn yếu kém hoặc tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến vi phạm kỷ luật. Trong thực hiện, Lữ đoàn phát huy tốt vai trò chủ trì, trung tâm phối hợp, hiệp đồng của cơ quan chính trị, cơ quan tham mưu trong thực hiện chức năng tham mưu, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả theo đúng chương trình, kế hoạch đã xác định, đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, không chồng chéo. Cán bộ chủ trì các cấp có chương trình hành động nêu gương; từng cán bộ, đảng viên và quần chúng tự giác đăng ký quyết tâm thực hiện nghiêm nền nếp chính quy, chấp hành kỷ luật; lấy kết quả thực hiện là một tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng và bình xét khen thưởng hằng năm. Cùng với đó, Lữ đoàn phát huy tốt vai trò của các tổ chức quần chúng, tính tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và tính tích cực, tự giác, “tự giáo dục”, “tự rèn luyện” của bộ đội. Toàn Lữ đoàn thực hiện theo phương châm: cán bộ phải làm gương cho chiến sĩ, cấp trên phải làm gương cho cấp dưới, cơ quan làm gương cho đơn vị, chiến sĩ cũ phải làm gương cho chiến sĩ mới, đảng viên phải làm gương cho quần chúng, cả về lời nói và việc làm. Đảng ủy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào, cuộc vận động, nhất là Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Nội dung xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn là những quy định mang tính bắt buộc. Để mang lại hiệu quả thiết thực, Lữ đoàn lãnh đạo duy trì nghiêm các nền nếp, chế độ; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý dứt điểm các vụ vi phạm kỷ luật. Nhằm bảo đảm thực hiện thống nhất, hằng năm, Lữ đoàn lựa chọn 03 loại hình đơn vị (cơ quan, tiểu đoàn và đại đội trực thuộc) để xây dựng điểm về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng trong toàn Lữ đoàn. Thường xuyên rà soát, ban hành hệ thống kế hoạch, hướng dẫn, quy định cụ thể, để duy trì, thực hiện nghiêm, thống nhất, đi sâu vào các biện pháp quản lý và ngăn chặn vi phạm kỷ luật; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, trực tiếp là cấp đại đội, trung đội duy trì nghiêm nền nếp, chế độ ngày, tuần; thực hiện lễ tiết, tác phong quân nhân đúng điều lệnh; làm việc theo chức trách, hành động theo điều lệnh, coi trọng việc rèn luyện tác phong công tác cụ thể, tỉ mỉ của cán bộ, chiến sĩ. Ở từng cấp tăng cường kiểm tra, bổ sung hệ thống biển bảng, dây giá, thống nhất xếp đặt trật tự nội vụ, vệ sinh và mang đeo trang bị trong huấn luyện theo quy định; duy trì nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, hệ thống kho, nhà xưởng, khu kỹ thuật và trong phòng, chống cháy nổ, tham gia giao thông. Thực hiện nghiêm phân cấp quản lý; kết hợp chặt chẽ giữa quản lý kỷ luật với quản lý tư tưởng và thông qua hoạt động thực tiễn của bộ đội; thường xuyên nắm chắc, đánh giá đúng tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật; chủ động lập hồ sơ quân nhân và cập nhật thường xuyên khi có sự biến động; qua đó, giúp cấp ủy, chỉ huy nắm chắc toàn diện quân nhân, nhất là hoàn cảnh gia đình, các mối quan hệ, từ đó đề ra biện pháp quản lý sát với từng quân nhân thuộc quyền. Tăng cường quản lý bộ đội trong các thời điểm nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm kỷ luật, nhất là trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ, thực hiện nhiệm vụ ngoài doanh trại, v.v. Đặc biệt, đối với những cán bộ, chiến sĩ của Lữ đoàn trong Đội tuyển Tăng thiết giáp của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia Hội thao quân sự quốc tế Army Games hằng năm, cùng với những nội dung theo quy định, Lữ đoàn còn tăng cường giáo dục cho bộ đội nắm chắc đường lối, quan điểm, các quy định về công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta, đồng thời duy trì, quản lý chặt chẽ kỷ luật khi thực hiện nhiệm vụ tại nước bạn; qua đó, làm sáng thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong quan hệ quốc tế.
Nhằm tạo môi trường thuận lợi cho nhiệm vụ xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, Lữ đoàn chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, Ngày chính trị và văn hóa tinh thần, Ngày pháp luật hằng tháng; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa ở cơ sở và các mô hình, câu lạc bộ, như: “Tiếng nói chính trị viên”, “Năm điều biết trong tuần”, “Bộ đội Cụ Hồ với văn hóa giao thông”, “Tâm tình đồng đội”, v.v. Thường xuyên quan tâm chăm lo, đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, duy trì hoạt động kiểm soát quân sự. Khi có quân nhân vi phạm, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan chức năng tham mưu, hướng dẫn đơn vị kiểm điểm làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể; xem xét, xử lý nghiêm, đúng quy trình, quy định theo phân cấp, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nghiêm khắc, đúng người, đúng lỗi phạm, tạo điều kiện cho họ phấn đấu, khắc phục, sửa chữa khuyết điểm.
Với những giải pháp đồng bộ, phù hợp thực tiễn, công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật, bảo đảm an toàn của Lữ đoàn có nhiều chuyển biến tiến bộ. Hằng năm, có trên 90% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, tỷ lệ vi phạm kỷ luật phải xử lý 0,1%. Cán bộ, chiến sĩ tự giác, trách nhiệm cao trong thực hiện nền nếp, chế độ chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Năm 2018 và 2019, Lữ đoàn được tặng Cờ thi đua của Chính phủ; năm 2020 được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống, Lữ đoàn vinh dự được đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất. Đây là tiền đề và động lực để Lữ đoàn Xe tăng 201 tiếp tục phát huy truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp anh hùng trong thời kỳ mới.
Đại tá ĐỖ HÀ HOÀN, Chính ủy Lữ đoàn _________________
1 - Có 02 tập thể (Lữ đoàn và Đại đội 7 thuộc Tiểu đoàn tăng 1), 05 cá nhân của Lữ đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 02 Huân chương Quân công hạng Nhất, hạng Nhì; 18 Huân chương Chiến công, v.v.
Lữ đoàn Xe tăng 201,xây dựng chính quy,quản lý kỷ luật,bảo đảm an toàn
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh