Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 20/05/2024, 08:44 (GMT+7)
Thành phố Cần Thơ chú trọng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm kinh tế, thương mại, dịch vụ, du lịch, giáo dục và đào tạo; địa bàn trọng điểm, giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu xây dựng Cần Thơ thành thành phố thông minh, một cực tăng trưởng của đất nước, Thành phố luôn coi trọng tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được triển khai toàn diện, đồng bộ ở các cấp với nhiều đổi mới, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các ban, ngành, đoàn thể, địa phương và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao tiềm lực khu vực phòng thủ, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi để Thành phố phát triển nhanh và bền vững.

Chức sắc, chức việc Phật giáo tham gia bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh năm 2023.

Quán triệt, thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, các nghị định, quyết định của Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành và Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu 9, Thành phố tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và nâng cao nhận thức cho toàn dân đối với nhiệm vụ quan trọng này. Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố - Cơ quan thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành nghiên cứu, tham mưu cho Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng, ban hành hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, đảm bảo chặt chẽ, nghiêm túc, phù hợp đặc thù địa bàn. Đồng thời, phối hợp, chỉ đạo đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, các văn bản có liên quan bằng nhiều hình thức, biện pháp thiết thực, hiệu quả. Thông qua đó, giúp các cấp, ngành và toàn dân, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chủ trì, chủ chốt thấy rõ: giáo dục quốc phòng và an ninh là chủ trương chiến lược của Đảng, nội dung quan trọng trong công tác quốc phòng, an ninh ở địa phương; tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm và hành động. Thành phố chỉ đạo lấy kết quả giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là một tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ chủ trì các cấp. Nhờ đó, công tác này được quan tâm đúng mức, triển khai thực hiện thống nhất, đồng bộ ở các cấp, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong tổ chức thực hiện.

Trong giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh ở các địa phương, năng lực tham mưu, tổ chức điều hành của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp có vai trò rất quan trọng; vì vậy, việc kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng này được Thành phố hết sức coi trọng. Để đạt hiệu quả, Thành phố chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương làm tốt việc rà soát, nắm chắc sự biến động nhân sự thành viên Hội đồng, để kịp thời bổ sung, kiện toàn đảm bảo đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần. Cùng với kiện toàn tổ chức, Thành phố chú trọng làm tốt công tác tập huấn, bồi dưỡng, phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và chỉ đạo hoàn thiện Quy chế hoạt động của Hội đồng các cấp. Đồng thời, yêu cầu Hội đồng các cấp duy trì nền nếp, tích cực đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện của các địa phương, cơ quan, tổ chức, đảm bảo cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ngày càng đạt hiệu quả cao, đi vào chiều sâu, thực chất. Quá trình thực hiện, Thành phố chú trọng phát huy vai trò cơ quan thường trực Hội đồng của cơ quan quân sự các cấp, trước hết là Bộ Chỉ huy Quân sự trong việc chủ trì phối hợp, hiệp đồng, tham mưu, triển khai, thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ động rà soát, nắm chắc số lượng các đối tượng, làm cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo đúng quy định, tham mưu cho Hội đồng trình Ủy ban nhân dân Thành phố giao chỉ tiêu cho từng địa phương, cơ quan, tổ chức để chủ động sắp xếp công việc, cử cán bộ tham gia. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ nội dung, chương trình, thời gian, khắc phục triệt để bệnh thành tích, biểu hiện hình thức, cắt xén nội dung hoặc kiểm tra, đánh giá qua loa, đại khái. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố chỉ đạo cơ quan quân sự các địa phương chú trọng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp duy trì nghiêm chế độ sơ kết, tổng kết; kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến và khắc phục những tồn tại, hạn chế, góp phần không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quan trọng này.

Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu cùng lãnh đạo Thành phố động viên thanh niên lên đường nhập ngũ.

Đổi mới nội dung, chương trình và vận dụng hình thức tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng là vấn đề cốt lõi, được Thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Cần Thơ là địa phương có mật độ dân số đông, nơi hội tụ của nhiều tôn giáo (Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành, Tịnh độ Cư sĩ, Baha’I, Phật đường Nam tông Minh Đạo Sư, Tứ ân Hiếu Nghĩa, Bửu Sơn Kỳ Hương, Hồi giáo). Đặc biệt, có 02 cơ sở giáo dục tôn giáo là Đại Chủng viện Thánh quý và Học viện Nam Tông Khmer1; đồng thời, là nơi tập trung gần 500 cơ sở giáo dục, đào tạo cùng hàng trăm trụ sở, văn phòng đại diện của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước với hàng nghìn cán bộ, công chức, viên chức, nên việc xác định nội dung, chương trình và vận dụng hình thức tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh đòi hỏi phải chặt chẽ và khoa học. Theo đó, về nội dung, Thành phố chỉ đạo bám sát các thông tư, hướng dẫn của trên, chú trọng cập nhật các nội dung mới về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo; nhiệm vụ chính trị của địa phương; chủ quyền biên giới, biển, đảo; chủ quyền của Việt Nam đối với vùng đất Tây Nam Bộ,… đảm bảo nội dung giáo dục, bồi dưỡng cho các đối tượng mang tính thời sự cao, sát đặc điểm địa bàn. Về hình thức tổ chức, Thành phố chỉ đạo thực hiện giáo dục, bồi dưỡng theo phân cấp với kết hợp trên dưới cùng làm. Trong đó, thực hiện kết hợp bồi dưỡng cho cán bộ đối tượng 2 theo các lớp do Quân khu tổ chức với mở lớp bồi dưỡng ngay tại địa phương. Thành phố và 09 quận, huyện tập trung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3, 4 theo quy định. Nhiều năm qua, Cần thơ là một trong những địa phương làm tốt công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho chức sắc, chức việc và tín đồ các tôn giáo. Đây là đối tượng có nhiều đặc thù, nên Thành phố chỉ đạo nghiên cứu kỹ đặc điểm từng tôn giáo để tổ chức đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, với tín đồ Thiên chúa giáo, Bộ Chỉ huy Quân sự chủ trì phối hợp cùng Mặt trận Tổ quốc, Ban Tôn giáo trao đổi với Hội đồng mục vụ các nhà thờ của các quận, huyện để thống nhất tổ chức các lớp bồi dưỡng theo cụm hoặc khu vực, thời gian không trùng vào các ngày lễ của tôn giáo. Đối với tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và các tôn giáo khác, Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố cùng các cơ quan chức năng phối hợp với Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo và trụ trì các chùa, người có uy tín trong các tôn giáo trên địa bàn để thống nhất mở các lớp học. Không chỉ thông qua các lớp bồi dưỡng trực tiếp, Thành phố chỉ đạo cơ quan quân sự quận, huyện thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu và động viên các chức sắc, chức việc tuyên truyền đến tín đồ, phật tử trong các buổi sinh hoạt của tôn giáo mình, qua đó giúp nhân dân, nhất là tín đồ các tôn giáo tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sống “tốt đời, đẹp đạo”, tích cực tham gia xây dựng quê hương.

Xuất phát từ đặc điểm địa bàn - nơi tập trung nhiều trường đại học, cao đẳng,... Thành phố đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước. Thành phố yêu cầu các cơ sở giáo dục, đào tạo thực hiện nghiêm nội dung, chương trình môn học giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định. Nhờ đó, hằng năm có gần 30.000 sinh viên và trên 35.000 học sinh được nâng cao kiến thức về quốc phòng, an ninh (kiểm tra đánh giá kết quả, có tới 99,03% trở lên đạt yêu cầu (trên 85% khá, giỏi). Với kết quả đó, năm 2022, Thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo tin tưởng chọn đăng cai tổ chức Hội thao Giáo dục quốc phòng và an ninh học sinh trung học phổ thông toàn quốc lần thứ 3; qua đó rút ra nhiều kinh nghiệm bổ ích trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện môn học này trên địa bàn Thành phố những năm tiếp theo.

Cùng với đó, công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được Thành phố quan tâm chỉ đạo triển khai bằng nhiều hình thức, biện pháp, huy động sự vào cuộc của mọi lực lượng. Bộ Chỉ huy Quân sự phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí của Thành phố và các quận, huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, mở chuyên trang, chuyên mục quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân. Duy trì phát sóng các chuyên mục “Quốc phòng toàn dân”, “Vì an ninh Tổ quốc” trên Đài phát thanh và Truyền hình Cần Thơ mỗi tháng 04 kỳ; mỗi quý có 01 bản tin Tây Đô và mỗi tuần có 01 trang tin trên Báo Cần Thơ, v.v. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan quân sự quận, huyện thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa lực lượng Quân sự, Công an trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung về vấn đề an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội để tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân. Tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; định kỳ tổ chức tập huấn, cung cấp thông tin. Mặt khác, chỉ đạo vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục phù hợp văn hóa truyền thống của địa phương; kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể; phát huy vai trò của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, người có uy tín trong các tôn giáo, cộng đồng dân cư cùng tham gia tuyên truyền. Nhờ đó, cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc các tôn giáo, học sinh, sinh viên và toàn dân có chuyển biến sâu sắc về nhận thức, trách nhiệm trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Với những giải pháp trọng tâm trên, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của thành phố Cần Thơ có bước phát triển cả về bề rộng và chiều sâu vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác quốc phòng, quân sự ở các cấp, xây dựng tiềm lực, thế trận khu vực phòng thủ Thành phố vững chắc, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá HUỲNH VĂN HUNG, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Thành phố
__________________
       

1 - Với gần 600.000 chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo (chiếm 40% dân số).

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...