Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Ba, 16/06/2015, 10:01 (GMT+7)
Thái Bình thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

Giáo dục quốc phòng và an ninh là nội dung quan trọng hàng đầu của xây dựng nền quốc phòng toàn dân ở địa phương. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, tỉnh Thái Bình đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác này bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo và thu được kết quả tích cực.

Dân quân tự vệ huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tham gia hội thao đào đắp
công sự, ngụy trang (Ảnh: qdnd.vn).

Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, với chức năng là Cơ quan thường trực đã tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá thực chất các đối tượng, giúp Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh xây dựng Đề án bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh giai đoạn 2014 - 2016, kế hoạch tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục quốc phòng và an ninh, kế hoạch tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng. Đồng thời, đề xuất các biện pháp kiện toàn hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đủ số lượng, đúng thành phần theo Luật định; bổ sung quy chế hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chủ động giúp Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; đồng thời, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tổ chức thực hiện; qua đó, kịp thời chấn chỉnh những mặt tồn tại, bảo đảm cho công tác này được tiến hành nền nếp, hiệu quả.

Trong điều kiện còn khó khăn, nhưng Tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc huy động các nguồn lực, bố trí ngân sách để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo trình, tài liệu, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Trong đó, Tỉnh đã đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng và đưa Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (thuộc Trường Quân sự Tỉnh) vào hoạt động, tạo cơ sở để nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng.

Cùng với đó, Tỉnh tập trung đổi mới hình thức tổ chức, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục quốc phòng và an ninh, phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Trong bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên, Tỉnh thực hiện theo phân cấp, trên dưới cùng làm. Theo đó, một mặt Tỉnh bố trí, sắp xếp cho cán bộ đối tượng 2 bồi dưỡng tại Trường Quân sự Quân khu theo chỉ tiêu xác định trong kế hoạch hằng năm của Quân khu; đồng thời, phối hợp với Trường Quân sự Quân khu tổ chức bồi dưỡng ngay tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh bằng nguồn ngân sách địa phương. Tương tự như vậy, đối với cấp huyện, Tỉnh chỉ đạo bố trí cho cán bộ thuộc đối tượng 3 đi bồi dưỡng tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh theo chỉ tiêu, số còn lại bồi dưỡng tại trung tâm bồi dưỡng chính trị của cấp huyện, do hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh huyện phối hợp với Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh tổ chức. Đây là cách làm hiệu quả, vừa đảm bảo bồi dưỡng hết số đối tượng theo quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ kết hợp học tập với giải quyết tốt công việc ở cơ quan, đơn vị.

Cùng với tổ chức tốt các lớp bồi dưỡng tập trung, các địa phương, cơ sở đã linh hoạt kết hợp lồng ghép bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên trong các kỳ họp hội đồng, triển khai công tác dân - chính - đảng, hội nghị tập huấn công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hành diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập tác chiến - trị an trên địa bàn, v.v. Với cách làm đó, 05 năm qua, Tỉnh đã có 205 cán bộ đối tượng 1 và 2; 849 cán bộ đối tượng 3; 6.614 cán bộ đối tượng 4 và 60.496 cán bộ đối tượng 5 hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định. Qua đó, nhận thức, trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và năng lực tham mưu của các ban ngành, đoàn thể về công tác quốc phòng và an ninh được nâng lên. Nhiều địa phương trong Tỉnh đã hoàn thành tốt giáo dục quốc phòng và an ninh; tiêu biểu là thành phố Thái Bình, các huyện: Hưng Hà, Đông Hưng, Vũ Thư, Tiền Hải.

Nét nổi bật trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Thái Bình thời gian qua là chú trọng mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh. Từ năm 2010 đến nay, Tỉnh đã tổ chức 12 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 2.219 cán bộ Mặt trận Tổ quốc cấp xã; 09 lớp cho 2.314 chi hội nông dân tập thể; 02 lớp bồi dưỡng cho 562 chủ hộ tàu thuyền, nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản và kinh doanh vận tải biển của huyện Thái Thụy, Tiền Hải. Đặc biệt, năm 2014, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo tổ chức 03 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 118 đồng chí là chủ tịch công đoàn, 112 giám đốc, phó giám đốc các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn và 105 luật sư, phóng viên các báo, đài. Đồng thời, tổ chức xây dựng 47 chuyên mục, chuyên trang trên báo, Đài Phát thanh - Truyền hình Tỉnh; 118 chuyên mục trên đài phát thanh các huyện và tiếp âm truyền thanh cấp xã được 4.156 lượt chuyên mục. Qua đó, kịp thời định hướng dư luận trước tình hình phức tạp trên biển Đông, giúp các tầng lớp nhân dân nắm chắc quan điểm, đường lối, chủ trương, đối sách của Đảng, Nhà nước, không mắc mưu kẻ xấu, không tham gia biểu tình, gây rối, gây phương hại đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế của địa phương và hình ảnh đất nước.

Thái Bình là địa phương có tỷ lệ đồng bào theo đạo khá cao1 (khoảng 13%). Những năm gần đây, trên địa bàn Tỉnh xuất hiện một số tổ chức đội lốt tôn giáo hoạt động lén lút trái với pháp luật, như­: đạo Thiên cơ, Long Hoa Di Lặc, Thanh Hải vô thượng sư­, Tiên Thiên đại đạo, v.v. Cùng với đó, một số kẻ xấu lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo để hành nghề mang tính chất mê tín dị đoan, tác động, lôi kéo tín đồ nhẹ dạ, mê tín, nhằm chia rẽ mối đoàn kết lư­ơng - giáo, chia rẽ các tôn giáo, gây ảnh hưởng an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Nắm chắc tình hình trên, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tôn giáo, Ban Trị sự phật giáo Tỉnh và các tổ chức khảo sát, nắm chắc số lượng, phân loại chất lượng chính trị đối với chức sắc, chức việc các tôn giáo, nhất là ở các địa bàn phức tạp. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh xác định phạm vi mở lớp, số lượng học viên, nội dung, chương trình giáo dục. Đồng thời, chủ động chỉ đạo tập trung làm tốt các khâu: triệu tập học viên, lựa chọn nội dung, mời giáo viên có trình độ chuyên môn sâu để giảng dạy, phù hợp với từng chuyên đề, đối tượng; bố trí nơi học tập, ăn, nghỉ cho chức sắc các tôn giáo phù hợp với hàng giáo phẩm và phẩm trật của từng đối tượng. Đến nay, Thái Bình là tỉnh dẫn đầu trong cả nước về việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các chức sắc, chức việc các tôn giáo2. Thông qua bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, chức sắc, chức việc các tôn giáo đã hiểu rõ hơn chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước, trách nhiệm và nghĩa vụ công dân; gần gũi, gắn bó với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, xây dựng đoàn kết lương - giáo, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên - thế hệ trẻ tương lai của đất nước - được Tỉnh quan tâm thích đáng. Hiện nay, môn học quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên được các trường trong Tỉnh tổ chức học rải theo đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trước thực tế số lượng học sinh, sinh viên trên địa bàn lớn, để làm tốt nhiệm vụ này, Tỉnh đã có nhiều chủ trương, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn giáo dục quốc phòng - an ninh; đầu tư nâng cấp trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Thời gian qua, Tỉnh đã tích cực tuyển chọn, cử giáo viên có đủ tiêu chuẩn đi học văn bằng 2, bồi dưỡng dài hạn tại trường Đại học Sư phạm Vinh. Đến nay, Tỉnh có gần 300 giáo viên giảng dạy bộ môn giáo dục quốc phòng - an ninh được đào tạo dài hạn, ngắn hạn và có chứng chỉ về giáo dục quốc phòng và an ninh; 30/50 trường được trang bị máy bắn tập PT-95, giúp học sinh, sinh viên được tập luyện, kiểm tra bắn súng gần sát với thực tế. Để nâng cao chất lượng môn học, hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các lớp tập huấn kiến thức quân sự phổ thông, giáo dục quốc phòng và an ninh cho giáo viên chuyên trách. Đồng thời, tham mưu và phối hợp với các trường tổ chức hội thi, hội thao quốc phòng; tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động ngoại khóa, như: tham quan các bảo tàng, di tích lịch sử, giao lưu với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn, nghe cựu chiến binh nói chuyện về truyền thống dân tộc, truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam, v.v. Qua đó, giúp học sinh, sinh viên mở rộng kiến thức, bồi dưỡng phẩm chất, nhân cách, ý thức tổ chức, tính kỷ luật, tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, Tỉnh chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục về nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các ngày lễ lớn của dân tộc, quê hương, trong các đợt thanh niên nhập ngũ, v.v. Nội dung tuyên truyền chú trọng vào đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các hoạt động của lực lượng vũ trang địa phương, truyền thống cách mạng của “Quê hương 5 tấn”, “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”,… trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục, Thái Bình đã chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp, các đoàn thể và lực lượng vũ trang thường xuyên sâu sát, nắm vững tâm tư nguyện vọng của nhân dân, kịp thời giải quyết những vướng mắc từ cơ sở. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ nhân dân ở những địa bàn còn khó khăn phát triển sản xuất, ổn định đời sống, tạo sự đồng thuận, xây dựng niềm tin vào Đảng và Nhà nước; tăng cường tiềm lực, thế trận, nhất là “thế trận lòng dân” trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Đại tá ĐÀO TUẤN ANH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Tỉnh
_______________________

1 - Thái Bình có có 3 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo và Tin lành; trong đó, Phật giáo có trên 148.000 tín đồ, với 735 chùa, 264 đình, 182 miếu lớn; Công giáo có gần 108.000 giáo dân, với 333 cơ sở thờ tự ỏ 178 xã, phường, thị trấn; Tin lành có 311 tín hữu ở 5 xã, phường, có 1 nhà thờ, chủ yếu tập trung ở xã Hồng Tiến, huyện Kiến Xương.

2 - Tỉnh đã tổ chức 16 lớp cho hơn 1.500 đối tượng, đạt 97%.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...