Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 16/05/2024, 16:14 (GMT+7)
Sư đoàn Phòng không 361 đột phá trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, để hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô Hà Nội - “trái tim thân yêu” của cả nước, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn Phòng không 361 đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, quản lý, duy trì chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội là một trong những khâu đột phá quan trọng. Với những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt nên nhận thức, trách nhiệm và hành động của cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội có sự chuyển biến mạnh mẽ, góp phần quan trọng xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân tiến thẳng lên hiện đại, Sư đoàn được ưu tiên đầu tư, trang bị nhiều vũ khí, khí tài mới, hiện đại. Điều đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, quản lý con người, vật tư, vũ khí, trang bị kỹ thuật,... đòi hỏi ngày càng cao hơn, toàn diện hơn. Trong khi đó, địa bàn đóng quân của Sư đoàn rộng, phức tạp (ở cả đô thị, nông thôn, đồng bằng, trung du và miền núi); tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội một số địa phương trên địa bàn diễn biến phức tạp; việc tiếp tục điều chỉnh tổ chức, biên chế theo kế hoạch tổ chức Quân đội giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của đội ngũ cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp,... nhất là đối với những đơn vị, bộ phận thực hiện sáp nhập, tổ chức lại. Trước tình hình đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tập trung thực hiện toàn diện, đồng bộ các nội dung, giải pháp; trong đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là giải pháp mang tính đột phá.

Chỉ huy Sư đoàn tham quan mô hình giáo dục chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật của Trung đoàn 257.

Thực hiện chủ trương đó, trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp đối với công tác quan trọng này. Thực tiễn cho thấy, nguyên nhân chủ yếu của những vụ việc vi phạm xảy ra thời gian qua trong toàn quân nói chung và ở Sư đoàn nói riêng là do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật chưa đầy đủ, chưa có biện pháp quyết liệt, phù hợp để phòng, chống, ngăn ngừa và giải quyết dứt điểm, làm chuyển biến tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật của cơ quan, đơn vị mình. Vì vậy, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị và hướng dẫn của trên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng chính quy, quản lý, duy trì kỷ luật; trực tiếp là: Chỉ thị số 624-CT/ĐU, ngày 08/8/2022 của Thường vụ Đảng ủy Quân chủng “Về tăng cường công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật trong Quân chủng Phòng không - Không quân”; Chỉ thị số 379-CT/ĐU, ngày 08/9/2023 của Thường vụ Đảng ủy Sư đoàn “Về nâng cao chất lượng công tác xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật từ nay đến hết năm 2023 và những năm tiếp theo”. Căn cứ tình hình cụ thể, Sư đoàn yêu cầu, trong nghị quyết, kết luận thường kỳ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần xác định công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng chính quy, quản lý, rèn luyện kỷ luật là một trong những khâu đột phá, trọng tâm lãnh đạo. Tập trung đánh giá đúng thực chất tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của cơ quan, đơn vị mình; chỉ rõ ưu, khuyết điểm và nguyên nhân; đồng thời, xác định phương hướng lãnh đạo khắc phục hạn chế, khuyết điểm và nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch để thực hiện thống nhất trong đơn vị. Trong đó, hướng trọng tâm, trọng điểm vào giải quyết những khâu yếu, mặt yếu, những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý, duy trì kỷ luật; nhất là các đơn vị đóng quân ở những nơi khó khăn, phức tạp, thực hiện nhiệm vụ phân tán, nhỏ lẻ và cơ quan, đơn vị mới thành lập, tổ chức lại, v.v. Định kỳ đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, lấy đó là một tiêu chí để phân tích, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên và bình xét khen thưởng hằng năm. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, trách nhiệm và hành động của đội ngũ cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, đảng viên, làm chuyển biến thực sự, thực chất, vững chắc về xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật ở từng cơ quan, đơn vị và toàn Sư đoàn.

Trong điều kiện nhận thức của bộ đội không đồng đều, các đơn vị đóng quân phân tán, có nhiều bộ phận nhỏ, lẻ, xa sự quản lý của lãnh đạo, chỉ huy, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tích cực đổi mới nội dung, chương trình, hình thức và phương pháp phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo đó, cùng với hoàn thành 100% nội dung, chương trình theo quy định chung, các cơ quan, đơn vị căn cứ vào tình hình thực tiễn, tập trung phổ biến, giáo dục các luật, văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến mọi hoạt động hằng ngày của quân nhân; chủ động thông tin, định hướng tư tưởng, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là trước những vấn đề nhạy cảm, phức tạp,... không để quân nhân vi phạm do thiếu hiểu biết về kiến thức pháp luật. Các cơ quan, đơn vị tiếp tục sử dụng hiệu quả các tài liệu do Quân chủng và Sư đoàn tự xác định, biên soạn, với những nội dung, giải pháp cụ thể trong rèn luyện kỷ luật, xây dựng chính quy; phòng, chống vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; đấu tranh ngăn ngừa các tệ nạn xã hội, như: lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi,... gắn giáo dục với xây dựng và phát huy hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, phẩm chất “Người chiến sĩ Phòng không - Không quân ưu tú”, các chuẩn mực đạo đức mới hiện nay, sát thực tiễn cơ quan, đơn vị. Hằng tháng, căn cứ vào thông báo tình hình vi phạm kỷ luật do trên cung cấp, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kịp thời tuyên truyền, rút kinh nghiệm, định hướng tư tưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác rèn luyện, tu dưỡng; chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên cho bộ đội.

Mô hình: “Mỗi tuần một điều luật, mỗi ngày một câu hỏi về pháp luật” tại Trung đoàn 250.

Để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục, các đơn vị tích cực đổi mới, đa dạng và vận dụng sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp. Trong đó, chú trọng kết hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức giáo dục cơ bản với thông qua thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, lồng ghép trong giao ban, thông tin chuyên đề thời sự; sinh hoạt các tổ chức, diễn đàn, tọa đàm; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu pháp luật, thông tin nội bộ, pano, khẩu hiệu, v.v. Cùng với đó, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, Ngày Pháp luật, hoạt động của “Tổ tư vấn tâm lý, sức khỏe, pháp luật” và mô hình: “Mỗi tuần một điều luật, mỗi ngày một câu hỏi về pháp luật”,... để phổ biến, giáo dục, định hướng tư tưởng, hành động cho bộ đội. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị đang triển khai nghiêm túc đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng về nội dung Chuyên đề: “Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của quân nhân đối với bản thân, gia đình, đồng đội và đơn vị”, nhằm làm cho quân nhân có ý thức trách nhiệm cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quan hệ đồng chí, đồng đội, làm tròn trách nhiệm với gia đình và chính bản thân. Quá trình thực hiện, Sư đoàn yêu cầu phải kết hợp chặt chẽ việc giáo dục, chấp hành pháp luật, kỷ luật với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; phát huy tốt vai trò trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là đội ngũ cấp ủy viên, chủ trì các cấp về phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, v.v. Qua đó, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng, nhận thức, hành động, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ ý thức và thói quen sống có kỷ luật, nếp sống văn hóa, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và quy định của đơn vị.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ mang lại hiệu quả thực chất, bền vững, biến nhận thức của bộ đội thành hành động khi được kết hợp chặt chẽ với công tác xây dựng chính quy, quản lý, duy trì kỷ luật. Vì vậy, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ chính quy, như: trực ban, trực chiến, tuần tra canh gác, các chế độ trong ngày, trong tuần, chế độ công tác của người chỉ huy, chế độ giao ban, hội ý, nắm tình hình,... tiếp tục thực hiện tốt phương châm: “Bốn không”, “Ba có”, “Ba nên”1. Để thực hiện thống nhất, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá đúng trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp, nhất là về ý thức trách nhiệm, khả năng chỉ huy, quản lý, xử lý các tình huống xảy ra, duy trì thực hiện nền nếp chế độ ngày, tuần, v.v. Trên cơ sở đó có biện pháp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trung đội, đại đội về phương pháp quản lý, duy trì và xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật ở cơ quan, đơn vị; đồng thời, luôn sâu sát, gần gũi bộ đội, gương mẫu trong rèn luyện, chấp hành pháp luật, kỷ luật, xây dựng chính quy. Trong công tác quản lý bộ đội, quản lý kỷ luật, quán triệt tinh thần: “Kiên quyết, quyết liệt, triệt để, thường xuyên, liên tục, có tính đột phá, dứt điểm”, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý, nắm chắc tình hình tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của bộ đội, nhất là đối với những quân nhân cá biệt, quân nhân có dấu hiệu bất thường, có quan hệ xã hội phức tạp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, v.v. Phát huy vai trò của chiến sĩ dân vận, bảo vệ; tăng cường sinh hoạt đối thoại dân chủ; phối hợp với địa phương, gia đình để nắm chắc tư tưởng của bộ đội, kịp thời phát hiện dấu hiệu bất thường và có biện pháp ngăn chặn, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện vi phạm, kiên quyết xử lý dứt điểm, không bao che, giấu giếm theo đúng Thông tư số 143/2023/TT-BQP, ngày 27/12/2023 của Bộ Quốc phòng Quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Sư đoàn phấn đấu không có cán bộ, chiến sĩ tham gia cờ bạc, lô đề, vay nặng lãi và các tệ nạn xã hội; không để xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng phải xử lý; vi phạm thông thường dưới 0,2%, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong mọi hoạt động, nhằm góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc bầu trời Thủ đô thân yêu của Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống Đơn vị Anh hùng.

Đại tá TRƯƠNG MẠNH PHƯƠNG, Chính ủy Sư đoàn
_________________
       

1 - “Bốn không”: không quát mắng, dọa nạt bộ đội; không áp đặt, rập khuôn, máy móc; không phân biệt, đối xử giữa các chiến sĩ; không làm trái quy định trong quản lý bô đội. “Ba có”: có tinh thần trách nhiệm cao; có kỷ luật nghiêm; có tình, có lý trong quản lý, giáo dục bộ đội. “Ba nên”: nên gần gũi, quan tâm, động viên, giúp đỡ bộ đội; nên tôn trọng, lắng nghe, tiếp thu ý kiến; nên cụ thể, tỉ mỉ trong hướng dẫn bộ đội.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...