Thứ Bảy, 23/11/2024, 12:32 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Quân đoàn 4 gặp không ít khó khăn. Nổi lên là: Quân đoàn đóng quân phân tán, trải rộng trên nhiều tỉnh, thành phố, mật độ giao thông cao, có nhiều khu công nghiệp với số lượng lớn người nhập cư từ các tỉnh, thành khắp cả nước. Tình hình trật tự, an toàn xã hội, nhất là các loại tệ nạn ở nơi đây diễn biến phức tạp. Trong khi đó, cán bộ, chiến sĩ của Quân đoàn hầu hết tuổi đời còn trẻ, nếu không có nhận thức đúng, rất dễ bị tiêm nhiễm bởi những tác động tiêu cực ngoài xã hội. Điều đó đòi hỏi bộ đội không chỉ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần tự giác cao, mà còn phải có kiến thức và ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của Đơn vị. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Đảng ủy, Cục Chính trị Quân đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ về ý thức, văn hóa pháp luật; trong đó, gắn công tác quản lý tư tưởng với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trong những giải pháp quan trọng.
Với tinh thần đó, Cục Chính trị đã tham mưu với Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn, hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác tư tưởng và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật1, xây dựng nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác này bằng nhiều nội dung, biện pháp phù hợp với đặc điểm của đơn vị. Chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cụ thể hóa nghị quyết, đưa vào chương trình, kế hoạch thực hiện và tổ chức quán triệt sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, chiến sĩ. Trong nghị quyết hằng quý, tháng, cấp ủy các cấp đều đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và công tác quản lý tư tưởng bộ đội; kịp thời bổ sung nội dung, biện pháp phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ và nhận thức của cán bộ, chiến sĩ; đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy, cơ quan chức năng, các đoàn thể quần chúng trong tổ chức thực hiện. Cơ quan chính trị các cấp là cơ quan thường trực, tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chương trình, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý tư tưởng bộ đội; chủ động xây dựng kế hoạch, xác định rõ đối tượng, nội dung, thời gian và tổ chức thực hiện; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình tư tưởng, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Qua đó, đẩy mạnh công tác giáo dục, định hướng, quản lý, dự báo tư tưởng; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ phản ánh, báo cáo theo phân cấp để kịp thời giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh, phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ.
Để tạo chuyển biến về chấp hành kỷ luật, Cục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục pháp luật cho các đối tượng; coi đây là nội dung quan trọng để xây dựng bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, điều chỉnh hành vi, ý thức, văn hóa pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Theo đó, hằng năm, các đơn vị đều thực hiện đầy đủ chương trình, nội dung giáo dục chính trị cho các đối tượng theo đúng quy chế và hướng dẫn của Tổng cục Chính trị. Các hình thức giáo dục được thực hiện theo hướng mở, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, sát với tâm lý, trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ. Chú trọng các hình thức: học tập chuyên đề, thông báo thời sự, sinh hoạt chính trị - tư tưởng, đọc báo, nghe đài, diễn đàn, đối thoại trực tiếp, câu lạc bộ chiến sĩ, sinh nhật chiến sĩ, văn hóa, văn nghệ, thể thao,… nhằm giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao kiến thức văn hóa, xây dựng bản lĩnh chính trị, chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, xác định quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cục chỉ đạo cơ quan chính trị các cấp thực hiện đúng quy trình chuẩn bị và thông qua bài giảng, giảng tập, giảng thử, giảng mẫu, hội giảng, xây dựng các mô hình, bảng, biểu,… cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên các cấp, bảo đảm sinh động, hấp dẫn, có tính thực tiễn cao. Về nội dung, đối với chiến sĩ mới và năm thứ nhất, tập trung giáo dục về Luật Nghĩa vụ quân sự, Điều lệnh, các quy định của Bộ Quốc phòng, Quân đoàn và đơn vị về rèn luyện kỷ luật, xử lý các vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, xây dựng nền nếp chính quy, đảm bảo an toàn giao thông và an toàn trong huấn luyện. Đối với chiến sĩ năm thứ hai, nội dung được nâng cao hơn, góp phần giúp họ hoàn thành tốt nhiệm vụ trong quân ngũ và thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân khi trở về địa phương, như: Luật Giao thông đường bộ, Luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, v.v. Đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, tổ chức học chuyên đề riêng, phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý đơn vị.
Việc tuyên truyền không chỉ các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định, đội ngũ giáo viên còn đưa các chuyên mục này trên hệ thống truyền thanh nội bộ; hướng dẫn, tuyên truyền, giới thiệu sách, báo, tài liệu về pháp luật ở Phòng Hồ Chí Minh, thư viện, tủ sách, giá sách pháp luật của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với địa phương để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân trên địa bàn đóng quân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, Cục chỉ đạo các đơn vị chú trọng các hình thức tuyên truyền, giáo dục có hiệu quả cao, như: học tập các chuyên đề pháp luật, thực hiện “Ngày Pháp luật”, thông báo thời sự chính trị, tọa đàm trao đổi, “Mỗi ngày học một điều luật”, thi tuyên truyền viên trẻ,… tập trung vào quán triệt các văn bản pháp luật, chỉ thị, hướng dẫn của trên liên quan đến việc chấp hành kỷ luật của bộ đội, nhiệm vụ của đơn vị; trao đổi, thảo luận về các nội dung pháp luật; kiểm tra nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về chấp hành pháp luật, kỷ luật và các quy định của đơn vị. Thường xuyên tổ chức gặp gỡ cấp ủy, chính quyền địa phương và các gia đình quân nhân để thông tin về tình hình đơn vị, các chế độ, quy định của Quân đội, đơn vị; thông báo kết quả học tập, rèn luyện, phấn đấu của từng quân nhân. Thông qua đó, giúp lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị kịp thời nắm, quản lý và giải quyết tư tưởng bộ đội, không để đột biến xảy ra. Để thực hiện tốt công tác quản lý bộ đội, Cục chỉ đạo cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị các cấp phải làm tốt công tác dự báo tình hình, quản lý chặt chẽ chính trị nội bộ; nắm chắc hồ sơ, lý lịch, hoàn cảnh gia đình cũng như các mối quan hệ của quân nhân, nhất là những đồng chí công tác tại các bộ phận trọng yếu, cơ mật. Khi tiếp nhận chiến sĩ mới, ngoài việc phối hợp cùng địa phương lựa chọn, nắm chắc hồ sơ, lý lịch, lãnh đạo, chỉ huy các cấp còn chú ý nắm về trình độ, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức và sức khoẻ, các mối quan hệ của quân nhân qua phần nhận xét, đánh giá của gia đình, địa phương, đối chiếu với “phiếu tự thuật” của chiến sĩ để có biện pháp quản lý chặt chẽ tư tưởng bộ đội. Nội dung nắm và quản lý phải toàn diện, nhưng tập trung vào những vấn đề, như: xu hướng, sở thích, năng khiếu, nhận thức chính trị, thái độ, trách nhiệm với đơn vị, động cơ phấn đấu, rèn luyện; ý thức tổ chức kỷ luật, đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ. Từ đó tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, pháp luật sát, đúng, trúng và hiệu quả.
Cùng với đó, Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Cục coi trọng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt “5 chủ động”2, nâng cao hiệu quả công tác xây dựng nền nếp chính quy, duy trì kỷ luật và đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của đơn vị. Căn cứ vào từng loại hình đơn vị, trước những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, thời điểm nhạy cảm, như: cơ động làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện diễn tập bắn đạn thật, ngày lễ, Tết, tiếp nhận chiến sĩ mới, chiến sĩ chuẩn bị ra quân,... cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chủ động nắm chắc xu hướng tư tưởng bộ đội, ý thức rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, đoàn kết, kỷ luật để dự báo và có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, không để nảy sinh tư tưởng phức tạp. Ngoài ra, cấp ủy, chỉ huy các cấp thực hiện có nền nếp việc gặp gỡ, giáo dục quân nhân cá biệt, có tính cách, hành vi, thói quen tự do, dễ vi phạm kỷ luật, hoàn thành nhiệm vụ thấp; có hoàn cảnh gia đình, bản thân khó khăn,… để có biện pháp quản lý, giáo dục cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, góp phần ổn định tư tưởng, tạo bầu không khí cởi mở, dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ, nền nếp chính quy; tập trung đổi mới lề lối làm việc, phương pháp, tác phong công tác, chấn chỉnh kịp thời những sai phạm, tạo thói quen trong thực hiện văn hóa pháp luật, ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các chế độ, quy định của đơn vị. Đồng thời, coi trọng xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, gắn kết chặt chẽ với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”. Qua đó, hình thành một chỉnh thể thống nhất, bổ sung, làm phong phú quá trình xây dựng, rèn luyện người quân nhân cách mạng. Hoạt động thi đua luôn được duy trì có nền nếp, thực sự tạo động lực để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ trong phong trào Thi đua Quyết thắng, trong các cuộc vận động, nhất là trong huấn luyện chiến sĩ mới, thực hiện nhiệm vụ đột xuất, khó khăn,… đã được cấp ủy, chỉ huy các cấp quan tâm, tạo nên tâm lý phấn khởi, tinh thần tự giác trong học tập, rèn luyện của bộ đội. Các phong trào: “Thanh niên với rèn luyện kỷ luật”; “Thanh niên xung kích trong phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy, mại dâm”; mô hình thi đua “Tiểu đoàn, đại đội hoàn thành tốt nhiệm vụ, không vi phạm kỷ luật và an toàn tuyệt đối”, được các cấp tổ chức thực hiện tốt. Các hội thi: “Kiến thức về giao thông”, “Nhận thức về 10 lời thề, 12 điều kỷ luật”,... được cụ thể hóa sát với đặc điểm, nhiệm vụ của từng tập thể, cá nhân. Nhờ đó, tình cảm, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của cán bộ, chiến sĩ trong toàn Quân đoàn có sự chuyển biến rõ nét; tình hình vi phạm kỷ luật của bộ đội ngày càng giảm, vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,3% (giảm 0,06% so với năm 2010).
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, Ban Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân đoàn 4 tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đưa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và quản lý tư tưởng bộ đội trở thành nền nếp thường xuyên, nhiệm vụ lãnh đạo của các tổ chức đảng, kế hoạch của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp, bảo đảm cho đơn vị luôn ổn định, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá NGUYỄN VĂN DŨNG, Chủ nhiệm Chính trị Quân đoàn
____________
1 - Chỉ thị 63/2008/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc “Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân và lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ”; Chỉ thị 04/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc “Tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Quyết định 04/QĐHN-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định về xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”; Chỉ thị 217/CT-BTL của Tư lệnh Quân đoàn “Về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội”, v.v.
2 - 5 chủ động: 1. Giáo dục, định hướng tư tưởng; 2. Dự báo tư tưởng; 3. Nắm bắt tư tưởng; 4. Giải quyết tư tưởng; 5. Đấu tranh tư tưởng.
Quân đoàn 4,quản lý tư tưởng,giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh