Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Ba, 24/03/2020, 10:11 (GMT+7)
Nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và giải pháp thực hiện trong Quân đội

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV) đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia số 44/2019/QH14 (sau đây gọi tắt là Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia). Ngày 28-6-2019 Chủ tịch nước ký Lệnh số 06/2019/L-CTN công bố Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2020. Nội dung cơ bản như sau:

Sự cần thiết phải ban hành Luật

Tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao và có xu hướng gia tăng nhanh nên cần được kiểm soát để giảm mức tiêu thụ. Theo số liệu ước tính năm 2016 của Tổ chức Y tế thế giới, mức tiêu thụ bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) hằng năm là 8,3 lít, xếp vị trí 64/194 nước, trong khi mức tiêu thụ trên toàn cầu tăng không đáng kể. Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu. Đối với gia đình và xã hội, hệ lụy do sử dụng rượu, bia gây ra nghiêm trọng hơn nhiều so với hút thuốc. Hằng năm, ở nước ta có khoảng 800 ca tử vong do bạo lực có liên quan đến sử dụng rượu, bia; gần 30% số vụ gây rối trật tự xã hội có liên quan đến sử dụng rượu, bia; phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia trong độ tuổi dưới 30 chiếm tới 70%. Nhiều hộ gia đình đang đối mặt với các vấn đề liên quan đến rượu, bia: 11% hộ gia đình xảy ra bạo lực gia đình mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em,... gây ra gánh nặng kinh tế cho cá nhân, gia đình và xã hội do các phí tổn về chăm sóc sức khỏe, giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác. Tại Việt Nam, phí tổn kinh tế do rượu, bia ước tính khoảng 65.000 tỷ đồng (1,3% GDP), gấp trên 1,5 lần mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu, bia, nước giải khát.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành chủ yếu quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh rượu, bia, có rất ít quy định về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các văn bản pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia còn tản mạn, hiệu lực pháp lý thấp, chủ yếu là nghị định, thông tư, chỉ thị; còn có sự chồng chéo, chưa đồng bộ; chưa có luật điều chỉnh trực tiếp về phòng, chống tác hại của rượu, bia. Mặc dù, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 244/QĐ-TTg, ngày 12-02-2014 về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn nhưng cần được thể chế thành luật để có giá trị bắt buộc áp dụng. Kinh nghiệm thế giới và khu vực cho thấy phòng, chống tác hại của rượu, bia là rất cần thiết và đã được các nước quan tâm ban hành chính sách, pháp luật từ nhiều thập kỷ trước.

Như vậy, tác hại do sử dụng rượu, bia gây ra đối với sức khỏe, xã hội và kinh tế đang ngày càng trầm trọng, gia tăng tỷ lệ thuận với mức độ gia tăng tiêu thụ rượu, bia. Đó là trở ngại lớn đối với việc thực hiện mục tiêu và chỉ tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030. Gánh nặng này ngày càng gia tăng nếu thiếu đáp ứng kịp thời về chính sách, pháp luật, nên việc ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 là cần thiết.

Những nội dung chủ yếu của Luật

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 gồm: 07 chương, 36 điều, cụ thể như sau:

 Những quy định chung của Luật, gồm, 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5) cụ thể:

Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), Luật này quy định biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia; biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia; biện pháp giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. (Điều 2) là giải thích từ ngữ của Luật này.

Về chính sách của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 3), so với pháp luật hiện hành có nhiều nội dung quy định cụ thể hơn. Theo đó, Nhà nước thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia; ưu tiên hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia; tăng cường quản lý việc sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, học sinh, sinh viên, thanh niên, phụ nữ mang thai; bảo đảm nguồn lực cho công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; chú trọng các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia của y tế cơ sở và cộng đồng; huy động xã hội hóa các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới nhằm giảm tác hại của rượu, bia; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Về quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 4). Cá nhân, tổ chức có quyền và nghĩa vụ trong phòng, chống tác hại của rượu, bia như sau: (1). Được sống trong môi trường không chịu ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia; (2). Được cung cấp thông tin phù hợp, chính xác, khách quan, khoa học, đầy đủ về rượu, bia, nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng và tác hại của rượu, bia; (3). Phản ánh, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; tố cáo việc cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (4). Tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia (Điều 5). Luật quy định 13 hành vi bị nghiêm cấm, bao gồm: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi; Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia việc sản xuất, mua bán rượu, bia; Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, cán bộ, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên; Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe; Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có cồn từ 15 độ trở lên; Sử dụng rượu, bia có cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức; Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; Nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia; Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động; Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; nhập lậu rượu, bia; Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia do luật định. Đặc biệt, Luật đã bổ sung quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Như vậy, kể từ ngày 01-01-2020, người điều khiển phương tiện giao thông không được sử dụng rượu, bia.

 Về biện pháp giảm mức tiêu thụ rượu, bia gồm 09 điều (từ Điều 06 đến Điều 14) quy định về: (1). Mục đích, yêu cầu trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (2). Nội dung thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (3). Hình thức thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (4). Trách nhiệm trong thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (5). Địa điểm không uống rượu, bia; (6). Quản lý việc khuyến mại rượu, bia có độ cồn dưới 15 độ; (7). Quản lý việc quảng cáo rượu, bia có độ cồn dưới 5,5 độ; (8). Quản lý việc quảng cáo rượu có nồng độ cồn từ 5,5 độ đến dưới 15 độ và bia có độ cồn từ 5,5 độ trở lên; (9). Quản lý việc tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia.

Biện pháp quản lý việc cung cấp rượu, bia gồm 06 điều (từ Điều 15 đến Điều 20) quy định về: (1). Quản lý kinh doanh rượu; (2). Điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; (3). Biện pháp quản lý đối với sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh; (4). Bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; (5). Địa điểm không bán rượu, bia; (6). Phòng ngừa và xử lý rượu, bia giả, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm; rượu, bia nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Về biện pháp giảm tác hại của rượu, bia gồm 05 điều (từ Điều 21 đến Điều 25) quy định về: (1). Phòng ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia; (2). Phòng ngừa, can thiệp và giảm tác hại của việc uống rượu, bia đối với sức khỏe; (3). Tư vấn về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (4). Biện pháp phòng ngừa tác hại của rượu, bia tại cộng đồng; (5). Chăm sóc, hỗ trợ, bảo vệ trẻ em, phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác để phòng ngừa, giảm tác hại của rượu, bia.

Điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 03 điều (từ Điều 26 đến Điều 28) quy định về: (1). Kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; (2). Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho người làm công tác phòng, chống tác hại của rượu, bia; (3). Xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia gồm 06 điều (từ Điều 29 đến Điều 34) quy định về: (1). Nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống tác hại của rượu, bia; (2). Điều 33, quy định rõ 07 trách nhiệm của cơ sở kinh doanh rượu, bia; Luật cũng quy định rõ, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia; Điều 34 quy định trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Điều khoản thi hành gồm 02 điều (từ Điều 35, Điều 36) quy định về sửa đổi, bổ sung quy định của một số luật khác và hiệu lực thi hành.

Tóm lại, việc ban hành Luật phòng, chống tác hại rượu, bia, góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước và để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đang hoàn thiện 04 dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện.

Triển khai, thi hành Luật trong Quân đội

Đối với Quân đội, để việc triển khai, thi hành Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia đến từng quân nhân đạt hiệu quả cao, cần phải thực hiện đồng bộ các nội dung sau:

Thứ nhất, Bộ Quốc phòng cần sớm ban hành Kế hoạch chỉ đạo việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 trong toàn quân. Theo đó, các đơn vị trực thuộc Bộ sẽ lên kế hoạch cụ thể triển khai trong đơn vị mình, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đến toàn thể quân nhân trong đơn vị.

Thứ hai, các đơn vị trong toàn quân chủ động thực hiện công tác phổ biến, tuyên truyền Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019. Ngoài các biện pháp phổ biến, tuyên truyền pháp luật thường xuyên, các đơn vị cần đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền Luật này bằng các hình thức, như: tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ ký cam kết “Quân nhân không uống rượu, bia trước, trong và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập, không điều khiển phương tiện giao thông khi đã uống rượu, bia, không vi phạm các quy định của pháp luật liên quan đến rượu, bia”; cùng với các văn bản của Bộ Quốc phòng có liên quan đến phòng, chống tác hại của rượu bia, như: Thông tư 192/TT-BQP, ngày 26-11-2016 tại Điều 35 quy định về hình thức kỷ luật đối với quân nhân có hành vi uống rượu, bia trong giờ làm việc; uống rượu, bia say; Thông tư 184/2019/TT-BQP, ngày 04-12-2019 tại khoản 7, Điều 4 quy định đồ vật cấm đưa vào cơ sở giam giữ: rượu, bia, đồ uống có cồn, thuốc lá các loại, thuốc lào, xì gà, trà, cà phê và các chất kích thích khác, v.v.

Thứ ba, cán bộ chủ trì các cấp trong toàn quân phải nêu gương cho cán bộ, chiến sĩ cấp dưới noi theo về chấp hành nghiêm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. Mỗi cán bộ chủ trì đơn vị có ý thức chấp hành nghiêm Luật này sẽ là tấm gương “sống” để cán bộ, chiến sĩ noi theo. Do đó, người cán bộ chủ trì ở các đơn vị trong toàn quân phải chấp hành nghiêm quy định của Luật và quy định của Bộ Quốc phòng, nội quy, quy chế của đơn vị về việc uống rượu, bia. Đưa việc chấp hành nghiêm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định của Bộ Quốc phòng có liên quan đến việc uống rượu, bia là tiêu chí để đánh giá việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, nội quy đơn vị để đánh giá việc hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ hằng năm. Chỉ có như vậy, cán bộ, chiến sĩ cấp dưới mới thực sự thấy được việc chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội về việc uống rượu, bia.

Thứ tư, các cơ quan, đơn vị phải thường xuyên đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để tiếp tục lựa chọn các hình thức, biện pháp trong tuyên truyền và thực hiện nghiêm Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia để có kết quả ngày càng tốt hơn. Kịp thời khen thưởng các đơn vị có các biện pháp phù hợp, thiết thực trong tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống tác hại của rượu bia và có kết quả tốt trong thực hiện, trên cơ sở đó nhân rộng trong toàn quân. Mặt khác, cần có biện pháp xử lý kỷ luật nghiêm, kiên quyết đối với những quân nhân, đơn vị để xảy ra những vi phạm trong việc uống rượu, bia và từ việc uống rượu, bia.

Tất cả những giải pháp trên nhằm đạt tới mục tiêu giúp cho cán bộ, chiến sĩ ở mỗi cơ quan, đơn vị nắm được tác hại của rượu, bia và nội dung của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Từ đó, mỗi quân nhân định hướng hành vi, thay đổi thói quen có hại, góp phần nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng môi trường làm việc văn minh; đồng thời, hạn chế những rủi ro về tai nạn giao thông,… tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và thực hiện có hiệu quả trong thực thi Luật này.

Trung tá, ThS. NGUYỄN THỊ ĐẮC HƯƠNG, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...