Thứ Năm, 24/04/2025, 17:30 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trong tình hình mới, tỉnh Ninh Bình đã và đang tập trung thực hiện công tác này với nhiều đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Nằm ở phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, tỉnh Ninh Bình có vị trí quan trọng trong chiến lược phòng thủ của Quân khu 3 và cả nước. Dân số của Tỉnh trên 900 nghìn người, chủ yếu là dân tộc Kinh và dân tộc Mường; có 02 tôn giáo chính là Phật giáo và Thiên chúa giáo với hơn 217 nghìn tín đồ, chiếm trên 23,3% dân số. Những năm gần đây, Ninh Bình trở thành trung tâm tôn giáo lớn của cả nước, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt khách thập phương đến hành lễ, thăm quan, du lịch. Đây là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh, nhất là ngành du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, đó cũng là khó khăn, thách thức đối với Tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, Tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) trên địa bàn.
Trước hết, Tỉnh đẩy mạnh quán triệt và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị định của Đảng, Chính phủ về công tác GDQP&AN. Theo đó, Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã, sở, ban, ngành tổ chức học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị định của Đảng, Chính phủ, nhất là Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác GDQP&AN trong tình hình mới, Luật GDQP&AN và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn Tỉnh nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm trong tổ chức, thực hiện. Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) Tỉnh phát huy vai trò Cơ quan Thường trực của Hội đồng GDQP&AN Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân (UBND) Tỉnh ban hành nhiều chỉ thị, kế hoạch để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác GDQP&AN phù hợp với đặc thù của địa phương, cơ sở. Để đạt hiệu quả cao, Tỉnh coi trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP&AN các cấp có đủ số lượng, đúng thành phần, phân công rõ trách nhiệm cho từng thành viên. Đồng thời, phát huy vai trò của Hội đồng trong việc tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện có hiệu quả công tác GDQP&AN ở địa phương, cơ sở. Nét nổi bật trong hoạt động của Tỉnh là duy trì nền nếp chế độ kiểm tra công tác GDQP&AN ở các cấp đạt hiệu quả cao. Hằng năm, Hội đồng GDQP&AN Tỉnh tổ chức kiểm tra công tác GDQP&AN của 02 đầu mối cấp huyện, 01 đầu mối cấp xã và 01 trường trung học phổ thông; chỉ đạo Hội đồng cấp huyện tổ chức kiểm tra công tác GDQP&AN của 02 đầu mối cấp xã, 01 trường trung học phổ thông trên địa bàn. Tỉnh quy định thành phần các đoàn kiểm tra có đủ các sở, ban, ngành liên quan. Vì vậy, công tác kiểm tra được tiến hành nghiêm túc, chặt chẽ, toàn diện. Thông qua đó, không chỉ giúp địa phương, cơ sở thấy được mặt mạnh, yếu trong công tác GDQP&AN mà còn giúp các sở, ban, ngành thấy được những khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của mình để có sự phối hợp thực hiện tốt công tác này.
Công tác GDQP&AN được Tỉnh triển khai toàn diện, trong đó coi trọng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh (QP&AN) cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Hằng năm, Hội đồng GDQP&AN Tỉnh chỉ đạo Hội đồng cấp huyện và cấp xã tiến hành rà soát, phân loại, tổng hợp các đối tượng chưa được bồi dưỡng kiến thức QP&AN để tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND Tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng theo đúng phân cấp. Trước thực tế số lượng cán bộ (nhất là đối tượng 2) cần được bồi dưỡng kiến thức QP&AN lớn, nếu chỉ thực hiện theo chỉ tiêu được giao, thì sẽ không hoàn thành mục tiêu là 100% cán bộ trong nhiệm kỳ được bồi dưỡng kiến thức QP&AN theo Quy định 07 của Ban Tổ chức Trung ương. Để giải quyết vấn đề này, ngoài việc cử cán bộ đối tượng 1, 2 đi bồi dưỡng kiến thức QP&AN do trên tổ chức theo chỉ tiêu phân bổ, Hội đồng GDQP&AN Tỉnh đã tham mưu với Tỉnh ủy, UBND Tỉnh đề nghị Quân khu 3 cho liên kết với Trường Quân sự Quân khu mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho đối tượng 2 ngay tại Trường Quân sự Tỉnh bằng nguồn ngân sách của địa phương. Về nội dung, chương trình, giáo viên do Trường Quân sự Quân khu đảm nhiệm; riêng một số chuyên đề về an ninh mời giáo viên của Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân thực hiện. Bằng cách làm đó, thời gian qua, Tỉnh đã mở được 06 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho 268 đồng chí thuộc đối tượng 2. Điều này thể hiện sự chủ động, nhạy bén, vừa bảo đảm bồi dưỡng hết số lượng cán bộ theo quy định, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ được học tập, kết hợp giải quyết tốt công việc ở cơ quan, đơn vị. Trước đòi hỏi của tình hình thực tiễn, năm 2014, Tỉnh đã mở 01 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho 50 đồng chí cán bộ Quân đội và Công an đạt kết quả tốt.
Đối với các đối tượng còn lại, Tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, mở lớp bồi dưỡng tại Trường Quân sự Tỉnh và chỉ đạo Hội đồng GDQP&AN cấp huyện mở các lớp bồi dưỡng theo phân cấp. Để công tác GDQP&AN thực sự đi vào chiều sâu, Tỉnh chỉ đạo Trường Chính trị và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện tổ chức lồng ghép nội dung GDQP&AN vào chương trình bồi dưỡng, đào tạo cán bộ dự nguồn làm công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp theo Quyết định 1104/QĐ-HVCT-HCQG, ngày 22-02-2008 của Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh. Năm 2014, Tỉnh mở 02 lớp cho 90 đồng chí thuộc đối tượng 3; 09 lớp cho 993 đồng chí thuộc đối tượng 4; 22 lớp cho trên 1.600 người thuộc các đối tượng khác và hơn 650 học viên về học tại Trường Chính trị Tỉnh và các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện.
Để tăng cường đoàn kết lương - giáo, đồng bào giáo dân “sống tốt đời, đẹp đạo, kính chúa, yêu nước”, Ninh Bình rất coi trọng bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho chức sắc, chức việc các tôn giáo. Hằng năm, Hội đồng GDQP&AN Tỉnh phối hợp với Ban Dân tộc, Ban Tôn giáo, Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh và các địa phương, cơ sở nắm lịch hoạt động của từng tôn giáo và số lượng chức sắc, chức việc. Trên cơ sở đó, lựa chọn thời điểm phù hợp để mở các lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN chung cho họ. Những năm gần đây, Tỉnh đã mở được 12 lớp bồi dưỡng kiến thức QP&AN cho trên 1.600 chức sắc, chức việc các tôn giáo. Sau khi được bồi dưỡng, các chức sắc, chức việc đã phát huy tốt vai trò trong xây dựng tình đoàn kết giữa đồng bào các tôn giáo; giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo; tuyên truyền, vận động đồng bào tự giác, tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.
Công tác GDQP&AN cho học sinh, sinh viên (HS,SV) được Tỉnh tổ chức thực hiện đồng bộ và đạt được kết quả thiết thực. Ninh Bình là một trong những Tỉnh đi đầu trong cả nước trong thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tổ chức học theo phân phối chương trình (học rải) môn GDQP&AN. Do số lượng HS,SV trên địa bàn Tỉnh lớn, để làm tốt nhiệm vụ này, Tỉnh tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên giảng dạy môn GDQP&AN; đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng, mua sắm cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập. Theo đó, Tỉnh đã liên kết với Trung tâm Giáo dục Quốc phòng Hà Nội 2 (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) mở 01 lớp đào tạo ngắn hạn cho 57 giáo viên GDQP&AN kiêm nhiệm để bổ sung cho các trường. Cùng với đó, Tỉnh mạnh dạn thực hiện chính sách ưu tiên tuyển dụng vào biên chế với đối tượng đào tạo giáo viên, sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành GDQP&AN. Với bước đi đột phá đó, đến nay các trường trong Tỉnh có đủ giáo viên GDQP&AN, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu đề ra. Song song với đó, Hội đồng GDQP&AN tham mưu cho Tỉnh huy động các nguồn lực của địa phương, đầu tư xây dựng phòng học đa năng, sân học thể chất ngoài trời, mua sắm vật chất trang bị cho các trường, phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, hằng năm, vào đầu năm học, Bộ CHQS Tỉnh phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% giáo viên GDQP&AN của các trường, thống nhất nội dung, chương trình; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy, v.v. Tỉnh chỉ đạo các trường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá kết quả nghiêm túc; tăng cường tổ chức hội thao, hội thi. Đặc biệt, Sở GD&ĐT phối hợp với Bộ CHQS Tỉnh duy trì nền nếp Hội thao Quốc phòng cho HS,SV (04 năm/lần). Thông qua đó, giúp HS,SV củng cố kiến thức lý thuyết, thuần thục kỹ năng thực hành, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, nhận thức sâu sắc hơn về quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Công tác phổ biến kiến thức QP&AN toàn dân được Tỉnh tiến hành sâu rộng; chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tiến hành, nhằm bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Theo đó, cùng với chỉ đạo các địa phương chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức QP&AN nhân các sự kiện chính trị của đất nước, lễ hội của địa phương, Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trực quan thông qua hệ thống pa-nô, áp phích, khẩu hiệu và các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là phát huy vai trò của hệ thống đài phát thanh 03 cấp. Những năm qua, Bộ CHQS Tỉnh phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Tỉnh duy trì mỗi tháng 01 chuyên mục Quốc phòng toàn dân, mỗi tuần 01 chuyên mục GDQP&AN, với thời lượng 15 phút/chuyên mục. Hệ thống đài truyền thanh cấp xã tiếp âm đài truyền thanh cấp huyện, kịp thời tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và thông tin, thông báo các hoạt động của địa phương, trong đó có hoạt động về quốc phòng - an ninh tới từng thôn, xóm. Năm 2014, Tỉnh đã thực hiện 20 chuyên trang, đăng 24 tin, bài, ảnh trên Báo Ninh Bình; Hội đồng GDQP&AN các cấp phát hàng ngàn tin, bài về hoạt động quân sự, quốc phòng trên hệ thống đài truyền thanh 03 cấp. Đặc biệt, trước những diễn biến phức tạp trên biển Đông vừa qua, Hội đồng GDQP&AN Tỉnh phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ động tuyên truyền về sự kiện, nêu rõ chủ trương, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước nên kịp thời định hướng nhận thức tư tưởng cho nhân dân, không để kẻ xấu lợi dụng kích động, lôi kéo tụ tập, gây rối.
Với việc triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, công tác GDQP&AN của Tỉnh đã thu được những kết quả tích cực, được Hội đồng GDQP&AN Quân khu 3 đánh giá cao. Năm 2014, Tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng địa phương, được nhận Cờ Thi đua của Bộ Quốc phòng. Những kết quả đó, góp phần tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để Ninh Bình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đại tá BÙI VIẾT THI, Phó Chủ tịch Hội đồng GDQP&AN, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Tỉnh
Ninh Bình,giáo dục quốc phòng
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 14/04/2025
Trường Quân sự Quân khu 3 nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 24/03/2025
Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu đẩy mạnh thực hiện Đề án 1371 17/03/2025
Hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở tỉnh Sóc Trăng 20/02/2025
Lữ đoàn Vận tải 653 tăng cường giáo dục pháp luật, quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn 13/02/2025
Hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Pháo binh 168 20/01/2025
Tỉnh Lạng Sơn tăng cường công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 09/01/2025
Huyện Gia Lâm đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 16/12/2024
Hiệu quả giáo dục pháp luật, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn ở Lữ đoàn Công binh 25 09/12/2024
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Thành phố Hòa Bình nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh