Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 09/07/2012, 15:46 (GMT+7)
Những giải pháp chủ yếu nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh trên địa bàn Quân khu 1

 Để xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trên địa bàn chiến lược Quân khu 1, Đảng uỷ Bộ Tư lệnh Quân khu xác định: trước hết, phải thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng - an ninh cho toàn dân và lực lượng vũ trang.


Hội đồng GDQP-AN Trung ương kiểm tra công tác GDQP-AN đối với Quân Khu 1, tháng 5-2012. (nguồn: qdnd.vn)

Thực hiện chủ trương này, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu đã phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ, chính quyền các địa phương tổ chức quán triệt cho cán bộ, đảng viên các chỉ thị, nghị định của Đảng và Chính phủ về công tác giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN); đồng thời, ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện sát với thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực.

Theo đó, hệ thống Hội đồng GDQP-AN từ Quân khu đến cấp xã (kiêm nhiệm) được kiện toàn đủ số lượng, đúng thành phần, cơ cấu theo quy định; hoạt động theo quy chế, kế hoạch và phát huy vai trò tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN. Việc khảo sát, nắm và phân loại đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh (KTQP-AN) được Quân khu và các địa phương tiến hành chặt chẽ. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQP-AN có sự chuyển biến quan trọng. Cơ sở vật chất, trang, thiết bị bảo đảm được đầu tư, nâng cấp ngày càng đồng bộ, hoàn thiện. Nhờ đó, từ năm 2008 đến nay, toàn Quân khu đã bồi dưỡng cho 80.667 cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành (đạt gần 80%); mở rộng đối tượng bồi dưỡng cho 1.123 chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo và 5.808 cán bộ công đoàn, đoàn viên ưu tú, giáo viên các trường mầm non, tiểu học, trung học... Công tác GDQP-AN cho học sinh, sinh viên (HS,SV) trên địa bàn được thực hiện có nền nếp, chất lượng, hoàn thành chương trình môn học cho 1.419.868 HS,SV (đạt 99,92%); có 198/202 trường trung học phổ thông thực hiện giảng dạy theo phân phối chương trình. Các địa phương, cơ sở đã tích cực triển khai GDQP-AN cho toàn dân, chất lượng ngày càng nâng lên. Đặc biệt, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức cho HS,SV tham quan hệ thống cơ sở vật chất khu vực phòng thủ tỉnh và cấp huyện nhằm giúp các em hiểu thêm về quốc phòng và truyền thống của địa phương. Trung tâm GDQP-AN Thái Nguyên, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn, Sư đoàn 365… đã phối hợp với Tỉnh đoàn các tỉnh tổ chức cho 1.050 học sinh (từ 11 đến 17 tuổi) tham gia “Học kỳ Quân đội”, “Chúng em làm chiến sĩ”, giúp các em được học tập, rèn luyện trong môi trường quân sự.

Thông qua công tác GDQP-AN, các địa phương, đơn vị đã giáo dục cho toàn dân và lực lượng vũ trang nắm vững chủ trương, quan điểm quốc phòng - an ninh (QP-AN) của Đảng, bồi dưỡng về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và rèn luyện những kỹ năng quân sự cần thiết, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo cơ sở thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đầu tháng 5-2012, Hội đồng GDQP-AN Trung ương kiểm tra và đánh giá: Quân khu 1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ GDQP-AN.

Tuy nhiên, công tác GDQP-AN trên địa bàn Quân khu vẫn còn những hạn chế, bất cập. Để nâng cao chất lượng công tác GDQP-AN trong thời gian tới, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu và cấp uỷ, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung đẩy mạnh công tác GDQP-AN phù hợp với từng địa bàn, đối tượng. Quân khu 1 có diện tích rộng (gần 30.000 km2), địa hình phức tạp (rừng núi trên 90%, có hơn 565 km đường biên giới với Trung Quốc), dân số đông (trên 5 triệu người, với 25 dân tộc), đời sống của một bộ phận đồng bào còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch tiếp tục tăng cường chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” với các âm mưu, thủ đoạn thâm độc. Chúng ra sức lợi dụng những khó khăn nói trên để truyền đạo trái pháp luật, kích động, chống phá, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Từ đặc điểm, tình hình trên, các địa phương, đơn vị cần nghiên cứu kỹ các văn bản quy định, tổ chức triển khai bồi dưỡng, GDQP-AN sát với từng đối tượng, địa bàn, nhất là các địa bàn trọng điểm về QP-AN, biên giới, vùng sâu, vùng xa. Trong quá trình triển khai, cần nhận thức rõ đây vừa là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, vừa thể hiện sự tri ân của các thế hệ hôm nay đối với sự cống hiến, hy sinh của đồng bào, chiến sĩ vùng Chiến khu cách mạng. Gắn liền với việc nâng cao chất lượng, các địa phương phải hoàn thành kế hoạch bồi dưỡng KTQP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên trong nhiệm kỳ. Trong đó, chú trọng bồi dưỡng cho đối tượng 4, 5 và từng bước mở rộng đối tượng bồi dưỡng sát với đặc điểm địa bàn, nhất là đội ngũ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang, tạo cơ sở để đẩy mạnh công tác GDQP-AN cho toàn dân. Đối với sĩ quan, các địa phương, đơn vị tập trung bồi dưỡng những quan điểm, chủ trương mới về QP-AN và những nội dung chưa được nghiên cứu, học tập có tính hệ thống ở các nhà trường; trong đó, tập trung bồi dưỡng kiến thức an ninh cho sĩ quan Quân đội, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cho sĩ quan Công an. Đây là đối tượng đặc thù nên có thể tổ chức học tập theo cụm hoặc ở từng cơ quan, đơn vị, bảo đảm cho sĩ quan vừa tham gia bồi dưỡng KTQP-AN vừa hoàn thành cương vị, chức trách được giao.

Đối với công tác GDQP-AN toàn dân, các địa phương, cơ sở cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, các vị già làng, trưởng bản, trưởng các dòng họ... để tuyên truyền, GDQP-AN cho đồng bào các dân tộc ở từng thôn, bản. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong đó, chú trọng việc xây dựng kế hoạch tuyên truyền sát với địa bàn và phong tục, tập quán của từng dân tộc; tăng cường viết tin, bài, làm phim... về các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác GDQP-AN. Đặc biệt, trên địa bàn Quân khu có hệ thống bảo tàng, các di tích, địa danh lịch sử về hoạt động của Hồ Chủ tịch và các cơ quan Trung ương, đây là tài sản tinh thần vô giá cần được tuyên truyền, giáo dục cho đồng bào các dân tộc và cũng là cơ sở để các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả hơn việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Hai là, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trung tâm GDQP-AN và thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ giáo viên GDQP-AN. Thực tế cho thấy, công tác GDQP-AN cho HS,SV đạt chất lượng, hiệu quả cao hơn, toàn diện hơn khi các em được học tập, rèn luyện tại các trung tâm GDQP-AN. Trên địa bàn Quân khu hiện có 65 trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng và đại học, với lưu lượng trên 70 nghìn HS,SV/năm; có 202 trường trung học phổ thông với trên 200 nghìn học sinh/năm. Nhưng hiện nay Trung tâm GDQP-AN Thái Nguyên mới đảm nhiệm GDQP-AN cho khoảng 17 nghìn HS,SV/năm (gần 30%). Để khắc phục việc thiếu trung tâm, thời gian tới, một mặt Quân khu phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan và các địa phương để nâng cao năng lực của Trung tâm GDQP-AN Thái Nguyên; mặt khác, đẩy mạnh tiến độ xây dựng Trung tâm GDQP-AN Bắc Giang và triển khai thực hiện Đề án thành lập Trung tâm GDQP-AN thuộc Trường Quân sự Quân khu và trường quân sự một số tỉnh. Để các trung tâm hoạt động thực sự có hiệu quả, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý và đề nghị Bộ Quốc phòng ra quyết định về biên chế sĩ quan biệt phái đối với Trung tâm GDQP-AN Bắc Giang và những nơi sẽ thành lập trong thời gian tới. Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên có đủ số lượng, bảo đảm chất lượng để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng KTQP-AN cho cán bộ, công chức và đảng viên trên địa bàn; trong đó, trọng tâm là tập trung bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, báo cáo viên ở cấp huyện và cơ sở.

Hiện nay, giáo viên GDQP-AN cho học sinh trên địa bàn Quân khu cơ bản đủ, nhưng chưa đạt chuẩn, bởi phần lớn đội ngũ này chỉ được đào tạo ngắn hạn hoặc qua các lớp bồi dưỡng để giảng dạy môn học GDQP-AN. Vì thế, các địa phương, trực tiếp là sở giáo dục và đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ này; trong đó, tập trung thực hiện Đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN cho các trường theo Quyết định số 472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Phấn đấu đến năm 2016, các trường có đủ giáo viên GDQP-AN và đưa 4 trường trung học phổ thông còn lại thực hiện môn học theo phân phối chương trình. Trong quá trình GDQP-AN, cần nghiên cứu đổi mới hình thức, phương pháp để nâng cao chất lượng giảng dạy, như tổ chức hội thi, hội thao (thi giáo viên dạy giỏi và học sinh học giỏi môn GDQP-AN…) và tổ chức các hoạt động ngoại khoá để HS,SV được tiếp cận với môi trường quân sự, hiểu biết thêm về “Bộ đội Cụ Hồ”.

Ba là, tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác GDQP-AN cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cấp uỷ, chỉ huy các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Các địa phương, cơ quan, đơn vị cần thường xuyên quán triệt cho cán bộ, đảng viên Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị, Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ; nhất là Quyết định số 07-QĐ/BTCTW, ngày 16-4-2008 của Ban Tổ chức Trung ương “Về tiêu chuẩn KTQP-AN cho cán bộ, đảng viên” đã quy định: “Học tập, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ QP-AN là nghĩa vụ và quyền lợi của cán bộ, đảng viên; được bồi dưỡng KTQP-AN là một trong những tiêu chuẩn bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên, là một trong những tiêu chí để xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức các cấp, các ngành”. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 2046/CT-BTL, ngày 21-12-2011 của Tư lệnh Quân khu về việc bồi dưỡng KTQP-AN cho các đối tượng (giai đoạn 2011 - 2015). Trong đó, Hội đồng GDQP-AN các cấp, nhất là cấp tỉnh, huyện cần tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch (năm và nhiệm kỳ) tổ chức bồi dưỡng KTQP-AN bảo đảm đúng và không sót đối tượng. Đây là vấn đề quan trọng nhất trong công tác này, bởi nó tác động trực tiếp tới nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn Quân khu nói riêng và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung. Để thực hiện, trước hết cấp uỷ, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ này một cách nghiêm túc, hiệu quả.

Bốn là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng GDQP-AN và cơ quan thường trực các cấp. Thời gian qua, Hội đồng GDQP-AN và cơ quan thường trực các cấp trên địa bàn Quân khu cơ bản hoạt động có nền nếp, đạt chất lượng và hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn có nơi Hội đồng còn mang tính hình thức, chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do từng thành viên của Hội đồng chưa chủ động, tích cực và trách nhiệm chưa cao. Vì vậy, cùng với củng cố, kiện toàn Hội đồng GDQP-AN các cấp có đủ số lượng, đúng thành phần, cần phải xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động hằng năm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên gắn với cương vị, chức trách của mỗi cán bộ ở từng đơn vị. Bên cạnh đó, cần quan tâm củng cố, xây dựng cơ quan thường trực có đủ năng lực, phát huy vai trò tham mưu cho Hội đồng GDQP-AN các cấp trong thực hiện tốt quy chế, kế hoạch hoạt động và giải quyết những vấn đề đặt ra, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả GDQP-AN, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn Quân khu 1 ngày càng vững chắc.

Trung tướng NGUYỄN SĨ THĂNG

Chính ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng GDQP-AN Quân khu


 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...