Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 23/10/2023, 08:13 (GMT+7)
Những đột phá trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở thành phố Móng Cái

Thành phố Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) là địa bàn biên giới, cửa khẩu, ở địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; đồng thời, là cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc, cầu nối trực tiếp thúc đẩy hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với các nước vùng Đông Bắc Á. Với vị thế đó, cùng những chính sách mở cửa hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, Móng Cái trở thành địa bàn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước1; hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ hết sức nhộn nhịp, sôi động, nhất là khi tuyến đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa vào khai thác, tạo dư địa và động lực mạnh mẽ thúc đẩy Thành phố phát triển toàn diện. Tuy nhiên, đi liền những thuận lợi, cơ hội phát triển đầy tiềm năng, Thành phố phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và nguy cơ mất ổn định do tác động của thiên tai, dịch bệnh; sự thay đổi trong chính sách biên mậu của nước bạn; các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép, tội phạm xuyên biên giới,… diễn biến phức tạp. Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã xây dựng và triển khai nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội theo “4 trụ cột”2 gắn với giữ vững “5 an, 3 đoàn”3; trong đó, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được xác định là khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm để ý Đảng, lòng dân hòa quyện.

Trước hết, Thành phố tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan quân sự các cấp trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên, hằng năm, Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất công tác quan trọng này. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp bảo đảm đủ số lượng, chất lượng tốt, đúng thành phần, cơ cấu; bổ sung, hoàn thiện quy chế hoạt động phù hợp với thực tế địa phương, nhất là ở các xã, phường biên giới, các đảo và địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIV, Móng Cái phấn đấu hoàn thành bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 100% các đối tượng trong nửa đầu nhiệm kỳ. Để làm được điều đó, Thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự chủ trì, phối hợp với các ban, ngành, địa phương rà soát, nắm chắc số lượng, phân loại đối tượng, xây dựng và thông báo sớm kế hoạch, chỉ tiêu bồi dưỡng đến các đơn vị để chủ động triển khai thực hiện. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra theo phân cấp. Nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, khắc phục biểu hiện giản đơn, xem nhẹ hoặc “khoán trắng” cho cơ quan quân sự, Thành phố chỉ đạo lấy kết quả thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh làm tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, quản lý của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và cán bộ chủ trì các cấp.

Kết hợp giáo dục quốc phòng và an ninh với bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên mới - Mô hình hiệu quả góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Thành phố

Thành phố đẩy mạnh đổi mới nội dung, hình thức tổ chức, phương pháp giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng và đặc điểm địa bàn. Đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa là đối tượng bồi dưỡng cơ bản, vừa là chủ thể lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, an ninh theo chức năng, lĩnh vực hoạt động. Vì vậy, để đạt chỉ tiêu, yêu cầu đề ra, cùng với cử cán bộ đối tượng 2, 3 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo chỉ tiêu trên giao4, Thành phố chú trọng mở các lớp bồi dưỡng cho đối tượng 4 tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị5. Đồng thời, chỉ đạo Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp tăng cường bám nắm địa bàn, chủ động mở rộng đối tượng bồi dưỡng. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân và Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh tỉnh Quảng Ninh, Thành phố đã mở rộng đối tượng bồi dưỡng cho chủ hộ gia đình biên giới, chức sắc, chức việc các tôn giáo, chủ nhà trọ, chủ hộ tàu thuyền, chủ các doanh nghiệp, đạt kết quả tốt. Quá trình tổ chức thực hiện, Thành phố chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị làm tốt công tác chuẩn bị, cả về cơ sở vật chất, xây dựng kế hoạch, triệu tập học viên, lựa chọn nội dung, mời giáo viên có trình độ chuyên môn sâu giảng dạy. Tích cực nghiên cứu, cập nhật, bổ sung những chuyên đề mới về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là các chuyên đề: Phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và hoạt động đối ngoại trong tình hình mới; Về dân tộc, tôn giáo; Đấu tranh quốc phòng, bảo vệ biên giới và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Ngoài ra, Thành phố chú trọng kết hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng tập trung với lồng ghép bồi dưỡng thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, hội nghị triển khai công tác dân - chính - đảng, tập huấn công tác ngành, diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự, v.v. Với định hướng đúng, quyết tâm cao, đến nay, Thành phố đã cơ bản hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, bảo đảm chất lượng, hiệu quả tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hoàn thiện quy hoạch cán bộ, ổn định bộ máy chính quyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài.

Với đối tượng học sinh - những chủ nhân tương lai, Thành phố yêu cầu Ban Chỉ huy Quân sự chủ trì phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn kiện toàn đội ngũ giáo viên chuyên trách và kiêm nhiệm giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh; đầu tư nâng cấp trang thiết bị, mô hình, học cụ và có nhiều biện pháp thực hiện nghiêm các quy định, nâng cao chất lượng môn học quan trọng này. Quá trình triển khai, Thành phố yêu cầu các trường tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm thực tế gắn với đặc thù vùng, miền cho học sinh. Đáng chú ý, các trường trung học phổ thông: Lý Thường Kiệt, Trần Phú, Chu Văn An đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình ngoại khóa, tọa đàm, giao lưu về các chủ đề, như: “Theo dấu chân lịch sử”, “Sáng mãi hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”; các cuộc thi tìm hiểu về “Tổ quốc bên bờ sóng”, “Phòng, chống tệ nạn xã hội trong học đường”, v.v. Ngoài ra, Thành phố còn chỉ đạo các trường phối hợp với đồn Biên phòng xây dựng kế hoạch, triển khai “Tiết học biên cương”, “Tiết học cột mốc lòng dân” ngay tại cột mốc chủ quyền. Qua đó, giúp các thầy giáo, cô giáo và học sinh được trải nghiệm thực tế về nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng, trang bị thêm kiến thức, pháp luật về quốc gia, quốc giới, chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, về vai trò đồng hành của nhân dân với Bộ đội Biên phòng trong bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, góp phần trau dồi tình yêu quê hương, đất nước, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cho thế hệ trẻ.

Thực hiện Đề án phát triển thành phố Móng Cái trở thành đô thị loại I trước năm 2030, những năm gần đây, Thành phố đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư, xây dựng các dự án, công trình trọng điểm,… nên đã nảy sinh không ít vấn đề khó khăn, phức tạp. Nhằm biến chủ trương, chính sách của Thành phố thành ý thức và hành động tự giác của mỗi người dân, Thành phố đột phá nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Phát huy thế mạnh là Thành phố văn hóa - du lịch, Thành phố chỉ đạo Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Trung tâm Văn hóa, thể thao và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân bằng các hình thức phong phú, phù hợp với đặc điểm địa phương. Trong đó, chú trọng nhân rộng các mô hình tuyên truyền trong các lễ hội truyền thống, hoạt động thu hút khách du lịch, như: nghi thức chào cờ theo đội hình mô phỏng bản đồ Việt Nam và đồng diễn áo cờ đỏ sao vàng, áo dài truyền thống ở Sa Vĩ, v.v. Tăng cường tuyên truyền bằng hình thức trực tiếp, phát tài liệu thông qua các dịp tổ chức lễ kỷ niệm, ngày truyền thống, ngày hội tòng quân, diễn tập khu vực phòng thủ. Kết hợp lồng ghép tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt cộng đồng dân cư, hoạt động của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, văn hóa nghệ thuật, thể dục, thể thao đến đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn. Nhờ làm tốt công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh, đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của nhân dân về công tác này, tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của nhân dân trong giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng các dự án, công trình trọng điểm về kinh tế, quân sự, quốc phòng, an ninh ở địa phương. Hằng năm, Thành phố luôn hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đảm bảo tuyển người nào được người đó và có chất lượng tốt; công tác huấn luyện lực lượng thường trực, dân quân tự vệ, dự bị động viên và diễn tập ứng phó lụt bão - tìm kiếm cứu nạn, diễn tập chiến đấu phòng thủ,… đều đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Thành phố tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo sự đồng thuận, nhất trí cao giữa cấp ủy, chính quyền và người dân trong xây dựng và bảo vệ địa phương, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc; giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo động lực vững chắc để thành phố Móng Cái tiếp tục bứt phá, phát triển ngày càng giàu đẹp, văn minh, xứng tầm vị thế.

HỒ QUANG HUY, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch y ban nhân dân Thành phố
____________________

1 - Tính đến cuối năm 2022, Khu Kinh tế cửa khẩu Móng Cái đã thu hút được 110 dự án đầu tư, trong đó có 16 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 94 dự án trong nước.

2 - Trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu, logistics; trung tâm du lịch quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

3 - An ninh, an toàn, an sinh, an cư và an dân; đoàn kết trong Đảng, chính quyền; đoàn kết trong nhân dân và đoàn kết quân dân.

4 - Từ năm 2022 đến nay, Thành phố cử 05 cán bộ đối tượng 2 và 40 cán bộ đối tượng 3 tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do cấp trên tổ chức .

5 - Năm 2023, Thành phố mở 04 lớp đối tượng 4, bồi dưỡng cho 217/220 cán bộ, đạt 98,6%.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...