Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 17/05/2021, 09:37 (GMT+7)
Ngăn ngừa, đẩy lùi vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng ở Sư đoàn 315

Ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng là một trong những nội dung của “Ba khâu đột phá”, được Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai với nhiều giải pháp tích cực, sáng tạo, sát thực tiễn, hiệu quả.

Trước hết, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong quán triệt, thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của Bộ, Quân khu về công tác chấp hành kỷ luật, pháp luật và an toàn ở các cấp, nhất là: Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nghị quyết số 02-NQ/ĐU của Đảng ủy Quân khu về tăng cường công tác giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật và an toàn Quân đội trong lực lượng vũ trang Quân khu, v.v. Trên cơ sở đó, căn cứ vào tình hình tư tưởng, kỷ luật của Đơn vị,  Đảng ủy Sư đoàn ra Nghị quyết, Sư đoàn trưởng ra Chỉ thị về tăng cường công tác xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật trong toàn Sư đoàn; cấp ủy, chỉ huy các cấp ra nghị quyết chuyên đề, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này sát thực tế, yêu cầu nhiệm vụ của từng đơn vị, làm cơ sở để tổ chức thực hiện. Công tác giáo dục, quản lý rèn luyện kỷ luật là nội dung trọng tâm trong nghị quyết lãnh đạo năm, quý và hằng tháng của từng cơ quan, đơn vị. Toàn Sư đoàn mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng từ cấp tiểu đội đến tiểu đoàn, cơ quan trung đoàn, sư đoàn; từ chi bộ đến đảng ủy trung đoàn về công tác này. Trong đó, tập trung tìm ra nguyên nhân, bàn biện pháp khắc phục dứt điểm tình trạng mất đoàn kết nội bộ, chỉ ra những nguy cơ, nguyên nhân quân nhân sa vào các tệ nạn xã hội, như: cá độ, lô đề, cờ bạc, vay nặng lãi, v.v. Từ đó, rút kinh nghiệm, chỉ ra những yếu kém, khuyết điểm của từng tập thể, cá nhân; xác định nguyên nhân và đề ra giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý, giáo dục, chấp hành kỷ luật, pháp luật.

Mô hình trưng bày sách pháp luật tại  Sư đoàn

Chú trọng nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật, quản lý tư tưởng bộ đội gắn với trách nhiệm chính ủy, chính trị viên các cấp. Mục tiêu của công tác giáo dục không chỉ nâng cao nhận thức, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho bộ đội, mà còn xây dựng ý thức tự giác cao, trang bị cho mỗi người kỹ năng làm chủ bản thân, làm chủ tình hình trong mọi tình huống, môi trường khó khăn, phức tạp về kỷ luật và an toàn. Để thực hiện điều đó, Sư đoàn thực hiện nhiều biện pháp nhằm tạo sự đa dạng, sâu rộng, toàn diện trong giáo dục, như: đổi mới nội dung giáo dục chính trị theo hướng lý luận phải gắn liền với thực tiễn; nội dung giáo dục phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; phương pháp phải đổi mới theo hướng phát huy tính tích cực học tập, phù hợp với trình độ của bộ đội. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện lồng ghép các nội dung giáo dục chính trị theo chương trình cơ bản, giáo dục pháp luật, giáo dục truyền thống với các phong trào thi đua, cuộc vận động, đợt sinh hoạt chính trị,… gắn với các hoạt động xung kích của Đoàn thanh niên, các đợt huấn luyện dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận, v.v.

Tích cực đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; triển khai thực hiện có nền nếp Ngày Pháp luật. Trong đó, chú trọng thực hiện tốt năm nội dung: thông tin chuyên đề; trò chơi pháp luật; tiểu phẩm; giải đáp pháp luật và xem phim tài liệu. Kết hợp giáo dục pháp luật với giáo dục văn hóa quân nhân, văn hóa công sở, văn hóa trong tham gia giao thông; giữa tuyên truyền pháp luật với thi hành nghiêm kỷ luật; nêu cao tinh thần đấu tranh, phê phán những tiêu cực, vi phạm pháp luật, kỷ luật diễn ra trong cơ quan, đơn vị. Tổ chức sinh hoạt chuyên đề về: “Tăng cường quản lý, giáo dục, rèn luyện kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Sư đoàn hiện nay” và Phát huy phẩm chất yêu thương đồng chí, đồng đội, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, với nhiều hình thức từ cấp tiểu đội đến tiểu đoàn, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật; xây dựng mối quan hệ đoàn kết, tương thân, tương ái, tình đồng chí, đồng đội, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, qua đó để mỗi người có trách nhiệm hơn đối với bản thân, gia đình và đơn vị. Đồng thời, thông báo, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật mới, tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật đến mọi quân nhân thuộc quyền nhất là cấp đại đội, tiểu đoàn; lấy vụ việc xảy ra ở đơn vị khác để giáo dục, quán triệt, rút kinh nghiệm ngăn chặn, phòng ngừa cho đơn vị mình, không để vụ việc tương tự xảy ra trong đơn vị.

Cùng với đó, Sư đoàn đã phát huy tốt vai trò của các thiết chế văn hóa, hoạt động “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, “Mỗi tuần học một điều luật”, Ngày Pháp luật hằng tháng, đưa nội dung giáo dục các điều luật vào lịch công tác tuần của người chỉ huy. Tích cực tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, phản ánh những hạn chế, tồn tại trong thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị; quán triệt các văn bản về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn giao thông; giáo dục pháp luật qua phát thanh nội bộ, hộp thư điện tử của cá nhân, trang tin “Dũng sĩ Núi Thành”, v.v. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ có chuyển biến tích cực; việc nắm chắc một số dấu hiệu nhận biết dẫn đến vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiệm trọng trở thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cán bộ, chiến sĩ.

Công tác quản lý tư tưởng quân nhân được Sư đoàn đặc biệt chú trọng. Ngoài việc duy trì có nền nếp chế độ theo dõi, nắm, báo cáo tình hình tư tưởng hằng ngày, định hướng tư tưởng tuần, Sư đoàn đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thống nhất phương pháp, cách thức tiến hành, nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị, tư tưởng; Ngày chính trị và văn hóa tinh thần; Ngày Đảng,… trong đơn vị. Chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình quân nhân để nắm chắc tình hình địa bàn; hiểu rõ các mối quan hệ xã hội, tình hình vay nợ tín dụng đen, tham gia tệ nạn xã hội, tham gia mạng xã hội,... giúp lãnh đạo, chỉ huy các cấp đề ra biện pháp hiệu quả trong quản lý, giáo dục quân nhân. Trong thực hiện, Sư đoàn đề cao vai trò, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị, chính ủy, chính trị viên các cấp; làm nòng cốt, chủ trì để phát huy vai trò của các lực lượng khác; yêu cầu họ phải nhạy bén, phát hiện những biểu hiện bất thường của bộ đội; thực sự là “người anh”, “người chị”, “người bạn” gần gũi, tạo niềm tin để bộ đội chia sẻ những tâm tư, vướng mắc trong cuộc sống.

Thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở; duy trì nền nếp sinh hoạt đối thoại dân chủ ở các cấp; trực tiếp đối thoại với cán bộ, chiến sĩ để nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết những tồn tại, yếu kém của đơn vị, tâm tư, nguyện vọng của bộ đội. Đồng thời, nêu cao vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện vi phạm; thực hiện tốt phương châm nêu gương “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; cấp trên nêu gương cho cấp dưới, cơ quan nêu gương cho đơn vị, cán bộ nêu gương cho chiến sĩ, chiến sĩ cũ nêu gương cho chiến sĩ mới, đảng viên nêu gương cho quần chúng.

Đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ huy, quản lý của đội ngũ cán bộ các cấp. Quán triệt, thực hiện nghiêm Thông tư số 16/2020/TT-BQP, ngày 21/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức huấn luyện Điều lệnh quản lý bộ đội, Điều lệnh đội ngũ theo chương trình cơ bản gắn với duy trì thực hiện đúng điều lệnh, chế độ công tác của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên, bí thư cấp ủy theo đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Hằng quý tổ chức bồi dưỡng phương pháp quản lý giáo dục, duy trì nền nếp chính quy, quản lý kỷ luật; nâng cao năng lực quản lý, chỉ huy cho cán bộ, chỉ huy các cấp.

Thực tế cho thấy, đa phần các vụ việc vi phạm pháp luật, kỷ luật nghiêm trọng chủ yếu liên quan đến tệ nạn xã hội, lô, đề, cá cược dẫn đến trình trạng vay nợ mất khả năng chi trả hoặc mất an toàn trong quản lý, sử dụng vũ khí, trang bị, mất an toàn trong tham gia giao thông. Do đó, Sư đoàn tập trung quản lý chặt chẽ các mối quan hệ xã hội của quân nhân, nhất là trên không gian mạng. Thực hiện nghiêm các chế độ ngày, tuần, các quy định về bảo đảm an toàn; quản lý chặt chẽ việc sử dụng internet, mạng xã hội; tích cực, chủ động phòng ngừa các tiêu cực, tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị. Thực hiện nghiêm chế độ giao ban, hội họp theo quy định, nhất là giao ban cấp tiểu đội, sinh hoạt “tổ ba người”; qua đó, nắm, báo cáo kịp thời, chính xác khi có vụ việc vi phạm xảy ra, không né tránh, bao che, giấu giếm khuyết điểm.

Duy trì thực hiện đúng quy định về bảo đảm an toàn trong huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các hoạt động khác. Thường xuyên tập huấn, bồi dưỡng cho lực lượng đạo diễn trong diễn tập, dẫn bắn, ném lựu đạn, đánh thuốc nổ, cảnh giới, bảo hộ, cứu hộ, cứu nạn, cứu sập, quân y,… để sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra trong thực hiện nhiệm vụ. Kết thúc huấn luyện, diễn tập, kiểm tra các đơn vị chú ý việc thu dọn thao trường, xử lý các loại đạn, thuốc nổ không nổ, còn thừa, sót theo đúng quy định, loại bỏ các yếu tố gây mất an toàn. Thực hiện nghiêm việc xâu vòng cò súng bộ binh trên giá trong kho và trong tủ súng; quản lý chìa khóa kho, tủ súng theo đúng quy định; đảo 100% ổ khóa kho, tủ súng sau mỗi đợt bộ đội xuất ngũ. Thường xuyên làm tốt công tác quản lý, đăng ký, thống kê, sắp xếp vũ khí, trang bị trong kho, tủ súng các cấp; tăng cường kiểm kê, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc cấp, phát, bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, đặt biệt là quản lý đạn rời, đạn lẻ ở các cơ quan, đơn vị. Quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng ô tô, mô tô, xe gắn máy; đăng ký, quản lý chặt chẽ người và phương tiện ra vào đơn vị; tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát quân sự, kiểm tra nồng độ cồn, chấn chỉnh kịp thời đối với quân nhân, phương tiện quân sự vi phạm, hằng tháng báo cáo theo phân cấp và thông báo cho cơ quan, đơn vị xử lý theo quy định. Nhờ đó, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội có chuyển biến tiến bộ; nhiều năm liền, Sư đoàn không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Mặc dù còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức, nhưng với quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bằng những giải pháp quyết liệt trên sẽ là tiền đề tạo bước đột phá về tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật, ngăn chặn, đẩy lùi vi phạm nghiêm trọng, góp phần xây dựng Sư đoàn 315 vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trong thời gian tới.

Đại tá HUỲNH VĂN TRÔNG, Chính ủy Sư đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...