Thứ Sáu, 22/11/2024, 08:22 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Dạy học trực tuyến là hình thức giáo dục phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới và ngay cả trong nước cũng có nhiều cơ sở giáo dục, đào tạo đã áp dụng phương pháp này. Đặc biệt, trong điều kiện bùng phát đại dịch Covid-19 thì hình thức dạy học trực tuyến là sự lựa chọn tối ưu nhất của hệ thống giáo dục, đào tạo; trong đó, có Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà nội. Qua thực tiễn dạy học trực tuyến, Trung tâm đúc rút kinh nghiệm, đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hình thức này.
Kể từ khi thành lập (1994) đến nay, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh,Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội đã đào tạo được 277 khóa học với tổng số trên 330.000 sinh viên thuộc các trường đại học, cao đẳng khu vực Hà Nội hoàn thành môn học và được cấp chứng chỉ, góp phần không nhỏ vào quá trình thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành giáo dục và đào tạo nói chung, Nhà trường và Trung tâm nói riêng chịu sự ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư (năm 2021), Trung tâm có 06 khóa học với lưu lượng gần 10.000 sinh viên phải tạm dừng đến trường để phòng dịch. Với tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, nhằm đảm bảo kế hoạch đào tạo năm học đúng tiến độ cho sinh viên các trường liên kết, Trung tâm xác định dạy học trực tuyến là một giải pháp hữu hiệu, là lựa chọn thích ứng phù hợp trong bối cảnh thực hiện giãn cách xã hội. Bởi lẽ, việc áp dụng dạy học trực tuyến sẽ đảm bảo cho các lớp học vẫn diễn ra theo kế hoạch, giảng viên và sinh viên không phải đến lớp nên giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Người học có thể chủ động lựa chọn khóa học mình mong muốn và học bất cứ lúc nào, ở đâu; họ có thể rút ngắn thời gian học tập, không phụ thuộc vào thời gian biểu như các lớp học truyền thống. Do vậy, ngay sau khi nhận được Thông báo số 32/2021, ngày 26/7/2021 của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương cho phép các trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh được tổ chức giảng dạy trực tuyến nội dung lý thuyết, vừa thực hiện nghiêm quy định về phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ, cấp ủy, chi bộ Trung tâm đã bám sát quy định, hướng dẫn của trên, ra nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị, khoa giáo viên cùng với phòng đào tạo chủ động khắc phục mọi khó khăn, nghiên cứu đề xuất nhiều biện pháp đồng bộ để triển khai việc giảng dạy theo đúng kế hoạch. Đồng thời, liên kết với Trung tâm Công nghệ thông tin Trường Đại học Hà Nội tổ chức tập huấn cho các đối tượng: cán bộ chủ chốt; đội ngũ giảng viên; cán bộ quản lý; bộ phận kỹ thuật và người học. Theo đó, các khoa kịp thời tổ chức sinh hoạt chuyên môn, hội thảo các chuyên đề giảng dạy 02 học phần lý thuyết để rà soát, cập nhật những kiến thức mới; thống nhất nội dung giảng dạy của từng chuyên đề, đặc biệt là những kiến thức mới, những nội dung có tính lý luận cao,... song phải bảo đảm các số liệu liên quan đến danh mục bí mật Nhà nước. Sau khi đã chuẩn hóa về nội dung giảng dạy, các bộ phận tổ chức luyện tập và thực hành quay video bài giảng đối với từng giảng viên.
Để kiểm soát chặt chẽ nội dung chương trình và tránh sự nhàm chán cho sinh viên trong quá trình học tập bằng hình thức giảng dạy trực tuyến, Ban Giám đốc Trung tâm kịp thời chỉ đạo Phòng Đào tạo và Quản lý sinh viên, tập thể Khoa Chính trị lựa chọn và kiểm duyệt các tư liệu phim, hình ảnh minh họa có nội dung phù hợp với từng chuyên đề giảng dạy để lồng ghép vào quá trình lên lớp. Với cách làm đó,Trung tâm đã nhận được sự phản hồi tích cực từ phía người học, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến. Hiện nay, Khoa Quân sự của Trung tâm đang tích cực hoàn thiện các bài giảng lý thuyết và thực hành học phần 3, xây dựng các video bài giảng để sinh viên luyện tập và kiểm tra đánh giá kết quả thông qua hình thức dạy học trực tuyến. Từ tháng 9/2021 đến nay, Trung tâm đã đào tạo trực tuyến được 07 khóa học với trên 15.000 sinh viên, đạt kết quả tốt. Đội ngũ cán bộ, sĩ quan, giảng viên Trung tâm đã chủ động nghiên cứu, biên tập 03 tập bài giảng, xây dựng ngân hàng câu hỏi, bộ đề thi kiểm tra các học phần đối với giảng dạy trực tuyến đảm bảo chất lượng đưa vào sử dụng đúng kế hoạch. Đồng thời, tích cực rèn luyện, phấn đấu vươn lên làm chủ những kỹ năng cơ bản phục vụ cho quá trình đào tạo, nhất là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng bảo mật an toàn thông tin, kỹ năng khai thác, sử dụng hiệu quả các ứng dụng phục vụ công việc thực hành giảng dạy, mã hóa đề, tổ chức coi thi, quản lý lớp học và đánh giá ý thức học tập của sinh viên. Điều đó, đã mở ra hướng mới cho Trung tâm và các trường liên kết trong giải quyết tốt những tồn đọng các khóa chưa đào tạo để đưa vào kế hoạch những năm học tiếp theo.
Tuy nhiên, quá trình dạy học trực tuyến vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, đó là: sự tương tác, trao đổi giữa người dạy và người học không như dạy học trực tiếp; người học không có nhiều cơ hội để thảo luận, trao đổi thông tin với các thành viên, nhóm trong lớp học. Chất lượng từng buổi học chịu sự phụ thuộc bởi các yếu tố về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đường truyền mạng, kỹ năng sử dụng công nghệ của giảng viên và sinh viên, dẫn đến kết quả truyền thụ tri thức của của người dạy và chất lượng tiếp thu kiến thức của sinh viên cũng còn những hạn chế nhất định. Cùng với đó, hoạt động giảng dạy, quản lý và kiểm tra đánh giá người học khi học trực tuyến, như: điểm danh, phương pháp giảng dạy, theo dõi người học, kiểm tra, đánh giá kết quả,… đều diễn ra trên môi trường internet nên cũng gặp không ít khó khăn, nhất là giai đoạn đầu khi mới áp dụng hình thức dạy trực tuyến, phần lớn trình độ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của giảng viên còn hạn chế, dẫn đến làm tăng khối lượng công việc, giảm khả năng truyền thụ kiến thức với lòng say mê nhiệt huyết của giảng viên đến người học; dễ nảy sinh các vấn đề liên quan đến an ninh mạng.
Từ thực tiễn nêu trên, để nâng cao chất lượng dạy học bằng hình thức trực tuyến,Trung tâm sẽ tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
1. Tăng cường sự lãnh đạo,chỉ đạo của Chi bộ, Ban Giám đốc Trung tâm đối với hoạt động giảng dạy trực tuyến.
Đây là vấn đề quan trọng, quyết định đến phương hướng, chất lượng, hiệu quả hoạt động dạy học trực tuyến. Do đó, cấp ủy, Chi bộ Trung tâm tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của trên về tổ chức hoạt động dạy học trực tuyến. Trực tiếp là Quyết định số 57/QĐ-GDQPAN, ngày 04/8/2021 của Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội về việc Ban hành Quy định dạy, học trực tuyến môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quyết định số 27/QĐ-GDQPAN, ngày 04/10/2021 của Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội về việc Ban hành mẫu biên soạn bài giảng; Quyết định số 34/QĐ-GDQPAN, ngày 26/8/2021 của Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninhTrường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội về việc Ban hành Quy định thi trực tuyến môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh. Trên cơ sở đó, Chi bộ xác định nhiệm vụ xuyên suốt cần tập trung lãnh đạo là hoạt động chuyên môn, mà sứ mệnh đặt lên hàng đầu là chất lượng dạy và học. Sự chỉ đạo, điều hành công tác chuyên môn của Ban Giám đốc Trung tâm phải được cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, không tách rời Nghị quyết của Chi bộ, bảo đảm cho các cơ quan, đơn vị, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Sự lãnh đạo của Cấp ủy, Chi bộ sẽ giúp cho các phòng khoa và từng giảng viên có được sự chủ động trong việc xây dựng, bồi dưỡng nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch của phòng, khoa và mỗi cá nhân một cách khoa học, đảm bảo sát, đúng, kịp thời và hiệu quả trong từng nhiệm vụ. Đồng thời, giúp cho từng cán bộ, giảng viên, viên chức đề cao ý thức tự học, phát huy tính tiền phong gương mẫu của người cán bộ, đảng viên và trách nhiệm của bản thân đối với tổ chức và công việc đảm nhiệm. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân sẽ được Cấp ủy, Chi bộ lấy làm căn cứ để đánh giá chất lượng, trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và có kế hoạch giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng giảng dạy.
2. Chuẩn hóa nội dung chuyên đề giảng dạy cho các đối tượng.
Việc chuẩn hóa nội dung chuyên đề giảng dạy được Trung tâm triển khai thực hiện chặt chẽ theo tinh thần Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, quy trình xây dựng tập bài giảng được Hội đồng chuyên môn Trung tâm và Hội đồng Khoa học Nhà trường thẩm định và đánh giá đạt chất lượng tốt mới đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, trong chương trình giảng dạy còn có một số chuyên đề hoàn toàn mới, chưa có giáo trình; có những nội dung nhạy cảm về chính trị, về quốc phòng, an ninh, hoặc không còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay cần được bổ sung, cập nhật thêm kiến thức mới. Do vậy, việc chuẩn hóa nội dung giảng dạy cho các đối tượng là biện pháp hết sức cần thiết, tạo ra sự thống nhất về nội dung và nhận thức, giúp mỗi giảng viên tự tin làm chủ nội dung, vận dụng linh hoạt các phương pháp vào thực hành giảng dạy, hạn chế thấp nhất những sai sót trong quá trình lên lớp, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trực tuyến. Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục liên kết với Khoa Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Chính trị để chuẩn hóa nội dung chuyên đề giảng dạy cho các đối tượng; chỉ đạo khoa Chính trị của Trung tâm bổ sung, hoàn thiện hệ thống bài giảng; phân công giảng viên thiết kế giáo án, bài giảng điện tử; tích cực tìm tòi tài liệu, phim truyền thống, nội dung các diễn đàn, phóng sự từ các báo, đài truyền hình có uy tín để lồng ghép vào nội dung giảng dạy cho phù hợp. Đi liền với đó, Trung tâm sẽ coi trọng triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm phát huy hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các sản phẩm khoa học vào quá trình dạy học trực tuyến và thường xuyên có kế hoạch tổ chức rút kinh nghiệm để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
3. Phát huy tính chủ động, tích cực học tập, đổi mới phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên.
Dạy học trực tuyến là phương pháp không mới, nhưng phụ thuộc không nhỏ vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị, phương tiện và kỹ năng tương tác,... đòi hỏi giảng viên phải có kỹ năng sử dụng công nghệ thành thạo, tận dụng tối đa tính ưu việt của công nghệ vào giảng dạy (dùng Microsoft Teams là nền tảng hợp nhất cho cộng tác và trao đổi trực tuyến làm việc với hệ thống vận hành hiện tại, là ứng dụng dạy học Trung tâm đang sử dụng). Vì vậy, để việc dạy học trực tuyến có hiệu quả, giảng viên phải tăng cường trau dồi kỹ năng sử dụng, ứng dụng, tích hợp công nghệ thông tin trong xây dựng, thiết kế bài giảng, chương trình và có kỹ năng tương tác với người học thông qua các thiết bị công nghệ. Khi gặp khó khăn vướng mắc cần trao đổi kịp thời để tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, đồng nghiệp. Tương tác, giao tiếp trong dạy học trực tuyến là gián tiếp, chủ yếu thông qua “bàn phím”, sinh viên rất khó hiểu được ý tưởng cũng như cảm xúc của giảng viên khi trao đổi cùng họ, nên người dạy cần có tính kiên trì và khả năng đọc suy nghĩ, cảm xúc của người học. Cần có sự sáng tạo và linh hoạt trong cách diễn đạt ngôn từ, hướng tới sự truyền đạt hiệu quả ý tưởng, khơi dậy cảm xúc cho người học để thiết kế nội dung sát hợp. Đồng thời, tăng cường sử dụng các công cụ hỗ trợ như tính năng chat, nhắn tin, gửi âm thanh, bình luận. Giảng viên tùy nội dung từng bài mà lựa chọn phương pháp, kỹ thuật, hình thức dạy học cho phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, Ban Giám đốc Trung tâm sẽ tiếp tục coi trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành đồng bộ; quy định về điều kiện tổ chức, chương trình học trực tuyến, học liệu số, phương pháp, thời lượng mỗi tiết học trực tuyến cũng như công tác kiểm tra đánh giá, công nhận kết quả học trực tuyến đảm bảo thống nhất, công bằng, hiệu quả và an toàn, an ninh mạng.
4. Tăng cường sự hợp tác của người học.
Đặc điểm cơ bản của hoạt động dạy và hoạt động học bằng hình thức trực tuyến là diễn ra trên môi trường internet, nên người học thường bị phân tâm bởi rất nhiều yếu tố môi trường bên ngoài mà người dạy không thể nào kiểm soát hết được, đòi hỏi phải phát huy cao ý thức tự giác của người học. Thực tiễn cho thấy, nếu có hạ tầng tốt, đội ngũ cán bộ quản lý trách nhiệm cao, giáo viên tâm huyết nhưng học sinh thiếu động lực học tập, thiếu hợp tác, không có sự chia sẻ, hỗ trợ thì quá trình triển khai dạy học trực tuyến cũng không thể thành công. Bởi thế, người học cần xác định rõ mục tiêu tham gia lớp học và hình thành thói quen tham gia đúng giờ, học tập trung, tự ghi chép bài; chủ động đặt câu hỏi với giảng viên thông qua các công cụ tương tác của phần mềm hoặc cách thức liên lạc khác để tăng hiệu quả tiếp thu kiến thức. Khi tham gia học trực tuyến, sinh viên cần tự tạo động lực và cảm hứng trong các hoạt động, nhất là hoạt động nhóm và thông qua nhóm người học không chỉ chia sẻ các khoảng không vật chất mà còn chia sẻ một không gian trí tuệ; làm việc với nhau nhiều hơn thay vì làm việc đơn độc. Để thúc đẩy sự hợp tác tích cực của người học, giảng viên cần chú ý chuyển đổi vai trò của mình từ người hướng dẫn sang huấn luyện - thúc đẩy quyền tự chủ nhóm, kiểm tra và cung cấp những phản hồi kịp thời, giúp sinh viên học cách làm việc với nhau hiệu quả để đạt được mục tiêu chung. Cùng với tăng cường sự hợp tác của người học, lãnh đạo, chỉ huy các cấp cần quan tâm đầu tư thỏa đáng cho việc đảm bảo cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sự đồng bộ về phương tiện phục vụ dạy học, như: thiết bị đầu cuối, đường truyền internet, mở rộng các vùng phủ sóng, tăng băng thông đường truyền; tại các phòng học, lớp học, cần trang bị thêm các phương tiện, như: tai nghe - micrô, đèn bàn, bố trí bộ phận kỹ thuật chuyên nghiệp, không chỉ phục vụ cho công tác phối hợp quản lý sinh viên trong giờ học mà còn hướng tới mở rộng phạm vi ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ quy trình đào tạo, bồi dưỡng của Trung tâm sau này.
Dạy học trực tuyến đã, đang và sẽ trở thành một xu thế tất yếu; việc chuyển đổi hình thức dạy học tập trung trực tiếp sang hình thức dạy học trực tuyến là vấn đề mới, khó, phức tạp, cần có sự đầu tư nghiên cứu thỏa đáng. Tuy nhiên, trước những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho phép người học có thể học trực tuyến, học bất cứ nơi đâu và bằng bất cứ phương tiện nào. Vì thế, Trung tâm đã và đang tiến hành đồng bộ các biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả của hình thức dạy học trực tuyến, góp phần nâng cao chất lượng dạy học môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh ở Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.
Đại tá, ThS. NGUYỄN MINH TIẾN, Phó Giám đốc Trung tâm
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh,Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội,dạy học trực tuyến,
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh