Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 14/09/2023, 14:19 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả giáo dục, đào tạo ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội

Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, nhằm trang bị cho những chủ nhân tương lai của đất nước quan điểm, đường lối cơ bản về quốc phòng, an ninh và kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết để từ đó, xây dựng lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ Tổ quốc. Hiện nay, công tác này đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới không thể xem nhẹ, nhất là tác động của mặt trái kinh tế thị trường, những nảy sinh mới trong đời sống xã hội và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch với nhiều âm mưu, thủ đoạn, phương thức tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, chúng lợi dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thông qua mạng xã hội, đăng tải, phát tán những quan điểm, tư tưởng sai trái, phản động, hằng ngày, hằng giờ thẩm thấu, tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của sinh viên - đối tượng đang trong quá trình hoàn thiện bản thân cả về bản lĩnh, kiến thức, kỹ năng sống, v.v. Ý thức rõ điều đó và trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, những năm qua, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội đã chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, mang lại hiệu quả thiết thực. Riêng năm học 2022 - 2023, Trung tâm đã tổ chức đào tạo được 12 khóa, cấp chứng chỉ hoàn thành chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 26.100 sinh viên; trong đó, tỷ lệ khá, giỏi đạt gần 50%, bảo đảm an toàn tuyệt đối, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen.

Hội thao tháo lắp súng tiểu liên AK cho sinh viên

Để có được kết quả đó, trước hết, Trung tâm luôn quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, văn bản pháp luật và kế hoạch, hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định số 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ và các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố Hà Nội. Trên cơ sở đó, xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác này phù hợp với điều kiện thực tiễn; tổ chức quán triệt, phổ biến sâu rộng, làm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trung tâm nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên; nắm vững mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được giao cùng những thuận lợi, khó khăn, từ đó thống nhất ý chí, hành động; xây dựng động cơ, trách nhiệm, quyết tâm cao trong thực hiện chức trách được giao.

Giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên là môn học có tính đặc thù cao; đối tượng sinh viên ngày càng có nhận thức, hiểu biết toàn diện, cập nhật rất nhanh những thông tin mới, đa chiều. Vì vậy, để nâng cao chất lượng đào tạo, Trung tâm chú trọng xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, chất lượng tốt. Theo đó, cùng với chủ động làm tốt công tác quy hoạch, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, giảng viên, Trung tâm thường xuyên rà soát, tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường cân đối cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo ở các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội. Đồng thời, xem xét tuyển dụng, bổ sung vào đội ngũ những giảng viên có trình độ, chuyên môn phù hợp, nhằm kiện toàn tổ chức theo biểu biên chế mới. Cùng với đó, Trung tâm tăng cường tập huấn, bồi dưỡng, hội thao, hội thi về chuyên môn; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ phê duyệt giáo án, giảng tập, giảng thử ở các cấp; tổ chức dự giảng, kiểm tra giảng, giảng mẫu, giảng rút kinh nghiệm và các hoạt động phương pháp ở khoa, bộ môn để bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp sư phạm cho giảng viên, v.v. Hằng năm, cùng với cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng do Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh tổ chức, Trung tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho 100% cán bộ, giảng viên theo phân cấp. Nội dung tập trung vào ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các phần mềm dạy học, quản lý sinh viên, quản lý đào tạo; cập nhật những nội dung kiến thức, quy định mới; biện pháp khắc phục những khâu yếu, mặt hạn chế của năm học trước đã chỉ ra. Quá trình tiến hành, Trung tâm chú trọng phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, giảng viên là sĩ quan Quân đội biệt phái trong bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quân sự, như: động tác điều lệnh đội ngũ, kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu bộ binh, v.v. Mặt khác, Trung tâm yêu cầu đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, tham gia hội thi giảng viên dạy giỏi ở các cấp; chủ động nghiên cứu nắm, cập nhật thông tin mới về quốc phòng, an ninh để định hướng tư tưởng, nhận thức cho sinh viên. Với cách làm đó, năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên đã từng bước được nâng lên; 100% giảng viên của Trung tâm có trình độ đại học và sau đại học1, đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học cả trước mắt và lâu dài.

Khắc phục khó khăn, bất cập do hệ thống giáo trình, tài liệu phục vụ dạy và học chưa được biên soạn hoàn chỉnh, Trung tâm đã chỉ đạo các khoa giáo viên bám sát Thông tư số 05/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp, cao đẳng sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học và các thông tư, nghị định mới được ban hành, chủ động nghiên cứu, xây dựng đề cương, biên soạn tập bài giảng phù hợp với từng đối tượng đào tạo2. Để đảm bảo chất lượng, Trung tâm đã lựa chọn những cán bộ, giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi, nhiều kinh nghiệm công tác, giảng dạy trực tiếp tham gia xây dựng đề cương, biên soạn; phát huy vai trò của Hội đồng Khoa học và mời một số chuyên gia đầu ngành, cán bộ, giảng viên cao cấp của các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội tham gia phản biện, đóng góp, làm cơ sở để điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện. Nhờ đó, tập bài giảng của Trung tâm có nội dung thiết thực, chất lượng tốt, được Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) đánh giá cao. Cùng với đó, Trung tâm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng nhiều video clip hướng dẫn mẫu về động tác điều lệnh đội ngũ, sắp xếp nội vụ...; đăng tải trên website, thư viện số, tạo điều kiện thúc đẩy giảng viên, sinh viên tự nghiên cứu góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Lãnh đạo Nhà trường trao thưởng cho các cá nhân đạt thành tích cao trong Hội thi giảng viên dạy giỏi môn học  Giáo dục quốc phòng và an ninh

Cùng với xây dựng nội dung, chương trình, biên soạn tập bài giảng, Trung tâm đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy. Trên cơ sở nội dung, chương trình môn học, kế hoạch giảng dạy đã được phê duyệt, Trung tâm yêu cầu đội ngũ giảng viên trong quá trình biên soạn bài giảng, thực hành giảng trên lớp phải nghiên cứu kỹ đối tượng sinh viên của từng trường để có hình thức, phương pháp giảng dạy phù hợp; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy cao độ hiệu quả của hệ thống học liệu, trang website, các băng, đĩa bổ trợ, v.v. Đồng thời, tăng cường tương tác, trao đổi, nêu vấn đề, liên hệ giữa lý luận với thực tiễn lĩnh vực hoạt động của từng chuyên ngành đào tạo; coi trọng truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm, truyền thống lịch sử quân sự của dân tộc, kiên quyết khắc phục hiện tượng giảng “chay”, liên hệ thực tiễn chung chung, truyền thụ một chiều, dập khuôn, máy móc. Nhờ quyết tâm cao, sự vào cuộc quyết liệt, phương pháp giảng dạy ở Trung tâm có sự đổi mới mạnh mẽ, khắc phục sự khô cứng của môn học, khơi dậy tính tích cực, hứng thú của sinh viên, tạo bầu không khí sôi nổi trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng dạy - học. Đặc biệt, Trung tâm chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động ngoại khóa nhằm tạo hứng khởi, sự trải nghiệm cho sinh viên. Thời gian qua, Trung tâm đã phối hợp với Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên của Nhà trường và các trường liên kết duy trì tổ chức chương trình “Sinh viên - Chiến sĩ”, triển lãm chuyên đề, mời nhân chứng lịch sử nói chuyện truyền thống, xem phim khoa học quân sự, thi kỹ năng quân sự, tài năng sinh viên, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao,… được các khóa sinh viên đón nhận, đánh giá cao. Hiện nay, phần lớn sinh viên của Nhà trường sau khi tốt nghiệp là giáo viên giáo dục thể chất kiêm nhiệm giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các trường trung học phổ thông. Bởi vậy, với đối tượng này, bên cạnh giáo dục kiến thức cơ bản về quốc phòng, an ninh và kỹ năng quân sự như mục tiêu đề ra, Trung tâm chú trọng bồi dưỡng cho sinh viên kỹ năng, phương pháp sư phạm môn học, góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng an ninh cho các nhà trường phổ thông.

Thực hiện mục tiêu bảo đảm 100% sinh viên được rèn luyện theo nếp sống quân sự, môi trường Quân đội khi học môn giáo dục quốc phòng và an ninh, Trung tâm đã chủ động khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, tổ chức cho sinh viên học tập, ăn ở tập trung. Các khóa sinh viên về Trung tâm được biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội; thành lập các lớp học lý thuyết, thực hành bảo đảm quân số theo quy định; phân công cán bộ, sĩ quan, giảng viên trực tiếp làm đại đội trưởng để quản lý, chỉ huy; lựa chọn, phân công sinh viên luân phiên đảm nhiệm làm trung đội trưởng, tiểu đội trưởng thực hiện quản lý đơn vị theo phân cấp. Trung tâm kết hợp chặt chẽ học đi đôi với rèn, duy trì nghiêm chế độ trong ngày, trong tuần, quy định về lễ tiết, tác phong,… đưa hoạt động của sinh viên gần với môi trường quân sự. Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng nâng cao chất lượng công tác phối hợp, nhất là Hội nghị liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh với các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng nghề theo phân luồng của Bộ Quốc phòng để trao đổi, rút kinh nghiệm từng khóa học, năm học; qua đó thống nhất công tác phối hợp giáo dục, quán triệt, quản lý, rèn luyện sinh viên cả trước, trong và sau khi về Trung tâm. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng bảo đảm vũ khí, trang bị phục vụ giảng dạy, huấn luyện; bảo đảm trang phục mang mặc thống nhất, tạo môi trường chính quy để sinh viên có ý thức tự giác học tập, rèn luyện. Qua khảo sát các khóa sinh viên và ý kiến phản hồi của các đơn vị liên kết cho thấy, sinh viên sau khi học tập, rèn luyện tại Trung tâm không chỉ có chuyển biến rõ nét về ý thức, trách nhiệm trước tập thể, hình thành tính tự giác, tính tổ chức, kỷ luật trong sinh hoạt, học tập, mà còn nâng cao kiến thức, trình độ và rèn luyện những kỹ năng cần thiết về quân sự, quốc phòng. Đây là cơ sở, tiền đề quan trọng để Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng giảng dạy, giữ vững và khẳng định uy tín, xứng đáng là địa chỉ tin cậy trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Đại tá, ThS. NGUYỄN MINH TIẾN, Phó Giám đốc Trung tâm
___________________

1 - Hiện nay, đội ngũ giảng viên có 01 phó giáo sư, tiến sĩ; 01 tiến sĩ; 15 thạc sĩ và 08 cử nhân.

2 - Đã biên soạn được 02 tập bài giảng dành cho sinh viên các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng nghề.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...