Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Tư, 26/04/2023, 09:01 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên

Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm giáo dục cho thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, đây là mặt công tác đặc thù, với nhiều khó khăn, bất cập, nên cần tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ, phù hợp, nâng cao chất lượng công tác này trong tình hình mới.

Nhận thức rõ vai trò quan trọng cùng những hạn chế, bất cập trong giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên nói riêng, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, cấp uỷ, chính quyền, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt đối với công tác quan trọng này với hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ bản được hoàn thiện. Cơ quan chức năng các cấp, các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cùng các cơ sở giáo dục đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm chủ động tham mưu, đề xuất, triển khai thực hiện môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên theo đúng quy định của pháp luật. Đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mô hình học cụ, trang phục dùng chung, nơi ăn, nơi ở, sinh hoạt tập trung bước đầu được quan tâm. Do vậy, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên từng bước đi vào nền nếp, mang lại hiệu quả thiết thực1. Qua đó, giúp các chủ nhân tương lai của đất nước từng bước nâng cao nhận thức về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh; có kiến thức và kỹ năng quân sự cần thiết; đặc biệt, đã khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục, rèn luyện họ phát triển toàn diện, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay và trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống tiếp tục gia tăng. Trong nước, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; cùng với đó là sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường,... ảnh hưởng không nhỏ đến thế hệ trẻ. Để nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn mới, đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cùng các cơ sở giáo dục cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, tập trung vào những nội dung cơ bản sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ và chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên. Các ban, bộ, ngành Trung ương, các quân khu, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh; trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, các ban, bộ, ngành,… nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên. Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy các cấp, sự quản lý, điều hành của chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên.

2. Tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Hiện nay, đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trong hệ thống trường trung học phổ thông, cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ môn học và một số trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh vẫn còn thiếu so với nhu cầu2; chất lượng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ này là vấn đề rất quan trọng và cần thiết. Để thực hiện, trước hết Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan sớm hoàn chỉnh Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh đến năm 2030 và những năm tiếp theo trình Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở cho tổ chức thực hiện, nhằm bổ sung đầy đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Đồng thời, tích cực thực hiện chế độ mời chuyên gia, người có kiến thức, kinh nghiệm trên từng lĩnh vực phù hợp vào tham gia giảng dạy. Mặt khác, hằng năm, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các cơ sở giáo dục tích cực tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý; trong đó, chú trọng cập nhật những nội dung mới về đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh và phương pháp giảng dạy mới, hiện đại để không ngừng bổ sung kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho người dạy. Đổi mới nội dung, hình thức tổ chức thi và hội thi giáo viên, giảng viên giỏi môn học, kịp thời rút kinh nghiệm, xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao. Cùng với đó, bảo đảm tốt chế độ, chính sách và có cơ chế phù hợp để động viên, khích lệ đội ngũ giáo viên, giảng viên tích cực, tự giác nghiên cứu nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực, phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu phát triển của thực tiễn.

3. Sửa đổi, bổ sung nội dung, chương trình; đổi mới phương pháp giảng dạy, quản lý chất lượng môn học phù hợp với tình hình mới. Thực tiễn hiện nay cho thấy, mặc dù đã qua nhiều lần bổ sung, điều chỉnh, nhưng chương trình, nội dung, thời gian môn học của một số đối tượng có mặt vẫn chưa phù hợp với trình độ đào tạo, sinh viên phải học lại môn học khi học ở cấp học có trình độ học vấn cao hơn, v.v. Để khắc phục bất cập này, cơ quan chức năng các bộ, ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ để sửa đổi, bổ sung chương trình môn học phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, chú trọng bảo đảm tính liên thông; đồng thời, nghiên cứu bổ sung nội dung về phòng thủ dân sự và phòng, chống dịch bệnh vào nội dung giảng dạy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Sớm hoàn chỉnh và ban hành giáo trình, sách giáo khoa phù hợp với nội dung, chương trình môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho từng đối tượng để các cơ sở đào tạo triển khai thống nhất.

Trong quá trình đào tạo, các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung quy định của môn học cho từng đối tượng. Đồng thời, luôn sáng tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực, tăng tính thực tiễn, làm mới bài giảng, tạo hứng thú cho người học, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, quản lý và đánh giá kết quả. Trong dạy học, chú trọng kết hợp linh hoạt giữa lý thuyết và thực hành, chính khóa với ngoại khóa; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, tham quan các đơn vị Quân đội, Công an và di tích lịch sử, văn hóa để củng cố kiến thức, khơi dậy tinh thần yêu nước, truyền thống dựng nước và giữ nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc cho học sinh, sinh viên. Đối với các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục được tự chủ môn học phải tổ chức cho sinh viên ăn, ở tập trung để quản lý, rèn luyện theo các chế độ trong ngày, trong tuần của Quân đội; duy trì chế độ giao ban, trực ban, trực nhật, canh gác ban đêm, báo động, hành quân rèn luyện,... để rèn luyện cho sinh viên theo nếp sống Quân đội và môi trường quân sự. Qua đó, giúp họ không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức tổ chức kỷ luật, khả năng chịu đựng gian khổ, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Cùng với đó, cơ quan chức năng các bộ, ngành, địa phương liên quan cần phối hợp chỉ đạo các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học thuộc quyền thực hiện đúng quy định liên kết, tự chủ môn học; quản lý chặt chẽ việc cấp phôi, chứng chỉ môn học theo đúng quy định của pháp luật; không cấp cho các trung tâm, trường liên kết không đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện môn học theo thẩm quyền, nhất là các trung tâm, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ môn học; kiên quyết đưa các trường không đủ điều kiện tự chủ môn học vào thực hiện liên kết tại trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh.

4. Không ngừng củng cố, bổ sung cơ sở hạ tầng, vật chất bảo đảm cho dạy học đáp ứng yêu cầu môn học. Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là môn học mang tính đặc thù; học sinh, sinh viên ngoài kiến thức và kỹ năng quân sự được trang bị theo quy định còn được rèn luyện, sinh hoạt, học tập theo nếp sống Quân đội và môi trường quân sự. Do đó, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, cơ quan, tổ chức liên quan tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh đã được quy hoạch; tập trung đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở hạ tầng, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, điều lệnh, nơi ăn, ở, sinh hoạt, học tập tập trung. Các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các cơ sở giáo dục tăng cường mua sắm bổ sung cơ sở vật chất, mô hình học cụ, trang thiết bị dạy học, củng cố thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng phục vụ môn học theo quy định hiện hành. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hoán cải, vô hiệu hóa súng tiểu liên AK cấp 5; mua sắm trang bị, thiết bị bắn tập phục vụ môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh”; bảo đảm đầy đủ trang phục cho giáo viên, giảng viên và trang phục dùng chung cho học sinh, sinh viên để đảm bảo mang mặc thống nhất, chính quy khi học tập.

Phát huy những kết quả đã đạt được, các bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức các cấp tiếp tục quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Đại tá NGUYỄN HUY QUÂN, Trưởng phòng Giáo dục quốc phòng, Cục Dân quân tự vệ
_________________

1 - Từ năm 2015 đến nay có trên 20 triệu học sinh, sinh viên, học viên được học, đạt tỷ lệ gần 100%.

2 - Đến nay, các trường trung học phổ thông toàn quốc có 5.203/5.898 giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, đạt 88,21%.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...