Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 21/06/2012, 16:30 (GMT+7)
Một số vấn đề về đưa môn giáo dục quốc phòng - an ninh vào các trường tôn giáo hiện nay

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo. Hiện nay, ở Việt Nam có 12 tôn giáo chính1, 32 tổ chức, hệ phái các tôn giáo đã đăng ký hoạt động và được cấp có thẩm quyền công nhận tư cách pháp nhân. Tín đồ tôn giáo chiếm khoảng 25% dân số của cả nước. Đại đa số đồng bào các tôn giáo là quần chúng lao động, có lòng yêu nước, yêu chế độ XHCN và có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước ta công nhận đều có đường hướng hành đạo gắn bó với dân tộc và CNXH, tập hợp đông đảo tín đồ trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hiện nay, trên đất nước ta có 4 học viện của Phật giáo, 07 đại chủng viện của Công giáo và một số trường trung học, cao đẳng Phật học, Viện thánh kinh thần học của Tổng hội Tin lành Việt Nam. Số lượng tăng, ni sinh, chủng sinh theo học tại các nhà trường tôn giáo và lưu lượng tuyển sinh hằng năm của các nhà trường tôn giáo rất lớn. Các trường tôn giáo tuy không thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, nhưng dưới sự chỉ đạo, điều hành chặt chẽ của các giáo hội được tổ chức thành hệ thống và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đào tạo của từng trường và theo từng tôn giáo. Tăng, ni sinh, chủng sinh của các trường được thi tuyển theo quy định của từng tôn giáo. Khi tốt nghiệp ra trường, họ sẽ trở thành chức sắc, chức việc, có vai trò quan trọng trong các tôn giáo và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của giáo dân, phật tử cũng như mọi hoạt động của tôn giáo. Tuy nhiên, do đặc thù và tính chất đào tạo của nhà trường các tôn giáo, nên những năm trước đây môn học giáo dục quốc phòng – an ninh (GDQP-AN) chưa được đưa vào chương trình học tập.

alt
Buổi khai mạc lớp thí điểm nội dung giáo dục QP-AN cho các chủng sinh của Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ. (Nguồn: btgcp.gov.vn)

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của các nhà trường tôn giáo nói chung và vai trò của các tăng, ni sinh, chủng sinh nói riêng, sau sơ kết 5 năm thực hiện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh (QP-AN) cho chức sắc, nhà tu hành, chức việc các tôn giáo, Hội đồng GDQP-AN Trung ương đã báo cáo, đề nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm đưa môn GDQP-AN vào một số nhà trường các tôn giáo. Theo đó, Ban Thường trực và Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương đã phối hợp với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ thí điểm mở 5 lớp GDQP-AN ở 5 trường tôn giáo, gồm: 4 học viện Phật giáo Việt Nam (tại Hà Nội, Thừa Thiên - Huế, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Cần Thơ) và một đại chủng viện (Đại chủng viện Thánh Quý Cần Thơ), với gần 1.000 tăng, ni sinh, chủng sinh. Nội dung học tập đã tập trung vào những vấn đề cơ bản về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến QP-AN, tôn giáo, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc; một số nội dung của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới; tình hình kinh tế – xã hội, QP-AN ở địa phương; âm mưu, thủ đoạn trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch… Qua đó, giúp người học có nhận thức đầy đủ hơn về đất nước và chế độ XHCN; về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; biết phân biệt đối tượng, đối tác trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng; từ đó, nêu cao nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân và cộng đồng tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ.

Thời gian học tập mỗi khoá là 4 ngày, kết thúc khoá học từng học viên viết thu hoạch, có chấm điểm, thông báo cụ thể. Giảng viên, báo cáo viên của các lớp này là giảng viên thuộc các học viện, nhà trường quân đội và một số cán bộ chủ chốt của các ban, ngành ở địa phương đảm nhiệm. Các lớp GDQP-AN vừa qua còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể và sự đồng thuận cao của các vị chức sắc các tôn giáo. Cuối khóa học, ban tổ chức đã dành thời gian để rút kinh nghiệm. Thành phần dự rút kinh nghiệm có tăng, ni sinh, chủng sinh, Ban giám đốc Đại chủng viện, Hội đồng điều hành của Học viện Phật giáo, các phòng, ban chức năng của các trường tôn giáo mở lớp, đại diện các cơ quan chức năng có liên quan của địa phương… Từ kết quả học tập (qua các bài thu hoạch cuối khóa) và các lần rút kinh nghiệm đều đưa ra khẳng định chung: chương trình, nội dung, thời gian, phương pháp tổ chức môn học GDQP-AN phù hợp với đối tượng, có tác dụng thiết thực, bổ ích và đúng nhu cầu, nhất là trong điều kiện đất nước mở cửa, hội nhập quốc tế.

Sau lớp thí điểm, Cơ quan Thường trực Hội đồng GDQP-AN Trung ương phối hợp với Vụ Công giáo, Ban Tôn giáo Chính phủ đã có buổi làm việc với Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ, Chủng sinh, Hội đồng Giám mục Việt Nam để thống nhất chủ trương tiếp tục mở các lớp GDQP-AN cho các đại chủng viện còn lại. Chủ tịch Ủy ban Giáo sĩ, Chủng sinh đã đồng ý với chủ trương của Hội đồng GDQP-AN Trung ương. Tuy nhiên, theo họ, cần lựa chọn thời điểm thích hợp để tổ chức khoá học, tránh xáo trộn chương trình đào tạo của các học viện, nhà trường.

Trên cơ sở kết quả của các lớp thí điểm đưa môn GDQP-AN vào các học viện, nhà trường tôn giáo vừa qua, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các ban, ngành từ Trung ương đến quân khu, tỉnh và học viện, nhà trường tôn giáo. Trong điều kiện các trường tôn giáo không nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân mà được tổ chức theo các giáo hội, nên việc phối hợp chỉ đạo, tổ chức lớp học cần những thủ tục pháp lý đặc thù với sự thống nhất cao của cơ quan Nhà nước và các giáo hội. Do đó, để tổ chức lớp học, cần có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các ban, ngành từ Trung ương đến quân khu, tỉnh, Hội đồng các tôn giáo và học viện, nhà trường tôn giáo. Cơ quan thường trực và Hội đồng GDQP-AN các cấp phải thực sự phát huy vai trò là trung tâm hiệp đồng, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng cùng cấp, như: Mặt trận Tổ quốc, Ban Tuyên giáo, Sở Nội vụ, Quân sự, Công an… và đặc biệt là trực tiếp gặp gỡ các vị giám đốc, hội đồng điều hành của các học viện, đại chủng viện, các vị chức sắc của các tôn giáo có liên quan để trao đổi, thống nhất thời gian, chương trình, các biện pháp tổ chức thực hiện môn GDQP-AN.

Hai là, công tác chuẩn bị phải chu đáo, cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng. Việc lựa chọn giảng viên, báo cáo viên phải là những người vừa có kiến thức chuyên môn sâu về nội dung bài giảng, vừa có kiến thức toàn diện, có hiểu biết về các tôn giáo; đồng thời, có nhiều kinh nghiệm, có trình độ sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Công tác chuẩn bị giáo án, bài giảng phải chu đáo, thông qua cấp có thẩm quyền trước khi thực hành giảng bài.

Ba là, lựa chọn nội dung phù hợp với đối tượng học tập để đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Xuất phát từ tính chất đặc thù của người học, việc lựa chọn nội dung học cần nghiên cứu kỹ, tập trung vào những vấn đề cơ bản, thiết thực nhất, phù hợp với đối tượng. Trong đó, chú trọng sự cân đối giữa các nội dung để đạt được yêu cầu cao nhất là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của học viên đối với sự nghiệp xây dựng và BVTQ.  

Bốn là, việc tổ chức lớp học phải chặt chẽ, khoa học. Ban tổ chức lớp học cần có các thành phần phù hợp để điều hành lớp học, bảo đảm chặt chẽ, đúng kế hoạch, thời gian, chương trình; đồng thời, đủ sức giải quyết những vấn đề đặt ra trong quá trình tổ chức lớp học. Phương pháp giảng dạy, giới thiệu của giảng viên phải dễ hiểu, dễ tiếp thu; cần tạo ra không khí gần gũi, thân thiện, cởi mở, bình đẳng, ứng xử đúng mức, tránh gây ra sự căng thẳng, gò bó không cần thiết; dành thời gian thích hợp để đối thoại với học viên.

Thực tế cho thấy, việc đưa nội dung GDQP-AN vào các trường tôn giáo là vấn đề quan trọng, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ BVTQ cũng như đường hướng hoạt động của các tôn giáo. Từ kết quả đã đạt được, hầu hết tăng, ni sinh, chủng sinh đều nhất trí đưa môn học này vào chương trình; các vị giám đốc các học viện, đại chủng viện đã có bản kiến nghị lên cấp có thẩm quyền đề nghị đưa môn GDQP-AN vào các trường tôn giáo và xác định đó là một môn học trong chương trình đào tạo của các trường tôn giáo. Tuy nhiên, để việc triển khai môn GDQP-AN trong các nhà trường tôn giáo được thuận lợi, đạt hiệu quả cao, cần tiếp tục bổ sung, hoàn tất thủ tục pháp lý. Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về GDQP-AN đối với các chức sắc, nhà tu hành và tăng, ni sinh, chủng sinh tại các nhà trường tôn giáo mới chỉ dừng lại ở Thông tư liên tịch của các bộ, ngành có liên quan (Thông tư số 182/2007/TTLT-BQP-BCA-BNV-BGD&ĐT của liên bộ Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo). Vì vậy, đề nghị Luật GDQP-AN khi được ban hành cần có quy định cụ thể về vấn đề này. Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có sự phối kết hợp chặt chẽ, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt từ việc xây dựng chương trình, nội dung, biên soạn giáo trình, tài liệu, đến việc đào tạo bồi dưỡng giảng viên; bởi đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến chất lượng GDQP-AN trong các nhà trường tôn giáo hiện nay.

Việc thí điểm đưa môn GDQP-AN vào các trường tôn giáo theo chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã đạt kết quả tốt; khẳng định tính đúng đắn và hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm, kiến thức về QP-AN cho học viên các trường tôn giáo; tạo điều kiện cho họ có kiến thức để tuyên truyền, vận động tín đồ thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp xây dựng và BVTQ. Trên cơ sở kết quả bước đầu và những bài học kinh nghiệm được rút ra, các quân khu, tỉnh, thành phố có các học viện, đại chủng viện đứng chân trên địa bàn cần chủ động chuẩn bị mọi mặt để tiếp tục đưa môn GDQP-AN vào giảng dạy trong các nhà trường tôn giáo trở thành nền nếp, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững chắc, làm thất bại mọi âm mưu và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam.

 Đại tá TRẦN ĐÌNH ĐÍCH

Trưởng phòng GDQP, Cục Dân quân tự vệ

                   

1 - Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi giáo, Cao đài, Phật giáo Hoà hảo, Tịnh độ Cư sỹ phật hội, Tứ ân hiếu nghĩa, Ba ha, i, Bửu Sơn Kỳ hương, Minh lý đạo tam Tam tông miếu, Phật đường nam tông Minh sư đạo.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...