Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 10/11/2011, 15:30 (GMT+7)
Một số vấn đề về đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng - an ninh hiện nay

Giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) là chủ trương xuyên suốt, có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước ta. Báo cáo Chính trị tại Đại hội XI của Đảng khẳng định: “Tăng cường tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia và kiến thức quốc phòng, an ninh (QP-AN), làm cho mọi người hiểu rõ những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong điều kiện mới”1.

alt
Giờ học thực hành môn giáo dục quốc phòng của sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. (nguồn: qdnd.vn)

Như vậy, công tác GDQP-AN là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước ta tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trong thời gian tới. Điều đó thể hiện quan điểm nhất quán và tư duy mới của Đảng về quốc phòng, BVTQ nói chung và công tác GDQP-AN nói riêng. Thực tế công tác GDQP-AN đã được thực hiện thường xuyên trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và BVTQ. Tuy nhiên, công tác này chỉ thực sự được triển khai một cách cơ bản, nền nếp từ khi Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 62-CT/TW và Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2001/NĐ-CP, năm 2001. Có thể khẳng định: đến nay, công tác GDQP-AN đã được triển khai thành hệ thống, có tổ chức từ Trung ương tới cơ sở, được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Vì thế, đã “đạt được những kết quả toàn diện cả bề rộng và chiều sâu, làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ BVTQ; góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”2. Tuy vậy, công tác GDQP-AN vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới.

Để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác GDQP-AN, yếu tố quan trọng hàng đầu là phải thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác này. Những năm qua, đa số cấp ủy, chính quyền các cơ quan, đơn vị, địa phương đã đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác GDQP-AN. Bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ GDQP-AN cho các đối tượng theo quy định, nhiều địa phương, cơ sở còn tích cực, chủ động giáo dục, bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho thanh niên đường phố, chủ các doanh nghiệp, chủ hộ tàu, thuyền hoạt động trên biển, già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong các dòng họ, chức sắc, chức việc các tôn giáo và học viên các trường Phật giáo,… Tuy nhiên, một số cơ quan, doanh nghiệp, địa phương, cơ sở chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ này; cá biệt, một số trường đại học, doanh nghiệp vẫn chưa tổ chức bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ thuộc quyền. Nguyên nhân chủ yếu của những yếu kém trên, trước hết là do cấp ủy, chính quyền, người chủ trì các đơn vị này chưa nhận thức sâu sắc được vị trí, vai trò quan trọng của công tác GDQP-AN đối với sự nghiệp BVTQ. Vì vậy, thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 12-CT/TW và Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ; qua đó, đề cao hơn nữa trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ GDQP-AN. Trong đó, cần đặc biệt chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng kế hoạch GDQP-AN hằng năm và cả nhiệm kỳ. Đồng thời, tiến hành GDQP-AN cho các đối tượng, bảo đảm số lượng, chất lượng, phù hợp với khả năng thực tế của địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiện bồi dưỡng kiến thức QP-AN phải gắn chặt với việc tuyên truyền, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên nhận rõ đây là một nội dung được quy định trong Nghị định số 116/2007/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ QP-AN của các đơn vị; đồng thời, là một tiêu chí của công tác thi đua, khen thưởng và nhận xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Đương nhiên, để thực hiện tốt việc này, trước hết cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền phải là những người tự giác, gương mẫu tham gia bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định.

Đi đôi với tăng cường công tác lãnh đạo, phải đẩy mạnh sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành có liên quan trong triển khai tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN. Là cơ quan tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền và cũng là trung tâm phối hợp, hiệp đồng, Hội đồng GDQP-AN các cấp cần phát huy vai trò của mình trong việc khảo sát, phân loại các đối tượng; xây dựng kế hoạch, phân bổ chỉ tiêu bồi dưỡng hằng năm cho các đơn vị, đảm bảo trong nhiệm kỳ mọi cán bộ đều được bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo quy định. Bên cạnh đó, cần kiên quyết khắc phục hiện tượng dựa dẫm, ỷ lại cơ quan quân sự như ở một số địa phương trong thời gian qua.

Đổi mới nội dung, chương trình GDQP-AN là yêu cầu khách quan, là biện pháp quan trọng để bảo đảm công tác GDQP-AN thiết thực, hiệu quả hơn. Những năm qua, các ban, bộ, ngành có liên quan đã nghiên cứu, xây dựng và ban hành khá đồng bộ, có chất lượng hệ thống chương trình, giáo trình, tài liệu GDQP-AN cho các đối tượng. Tuy nhiên, do sự phát triển của tình hình và của nhiệm vụ BVTQ, một số nội dung, chuyên đề cần được sửa đổi, bổ sung cho sát với thực tế và phù hợp hơn với từng đối tượng. Cần nghiên cứu xây dựng thêm các chương trình bồi dưỡng cho cán bộ các doanh nghiệp; phóng viên, biên tập viên, cán bộ quản lý các cơ quan thông tin đại chúng; chức sắc, chức việc và học viên các trường tôn giáo...; bởi, mỗi lĩnh vực hoạt động đều có tính chất, đặc điểm riêng. Chỉ riêng với đối tượng là cán bộ các doanh nghiệp nhà nước, bên cạnh kiến thức chung về QP-AN, trong chương trình giáo dục cần có những chuyên đề bồi dưỡng riêng, giúp cho họ có quan điểm, nhận thức đúng đắn về sự kết hợp kinh tế với QP-AN, nhất là trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Trong quá trình nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung vào chương trình, nội dung các chuyên đề thực sự cần thiết, phù hợp với các đối tượng, cần tập trung vào những vấn đề mới phát triển và những khó khăn, thách thức lớn tác động đến nhiệm vụ quốc phòng, BVTQ được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Trước hết, cần sớm đổi mới chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ, đảng viên; vì đây vừa là đối tượng cần được giáo dục, vừa là người lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác GDQP-AN theo cương vị, chức trách. Về những thách thức đối với nhiệm vụ BVTQ thời gian tới, cần giáo dục một cách toàn diện, cụ thể hơn về chiến lược “Diễn biến hoà bình”, về chiến tranh sử dụng vũ khí công nghệ cao. Trên cơ sở đó, đề ra được các hình thức, biện pháp phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” và nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho nhân dân trước những âm mưu, thủ đoạn kích động, chia rẽ của các thế lực thù địch. Đồng thời, khắc phục tâm lý tiêu cực trước những khó khăn, thách thức, nhất là trước uy lực vũ khí công nghệ cao của kẻ thù xâm lược.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh nghiên cứu đổi mới hình thức, biện pháp giáo dục cho phù hợp, hiệu quả, thiết thực hơn với từng đối tượng; đồng thời, khắc phục những hạn chế do tính đặc thù và khó khăn về giáo viên, báo cáo viên, kinh phí, cơ sở vật chất... Hình thức, biện pháp GDQP-AN cần đa dạng, phong phú hơn, làm cho từng giờ học, từng chuyên đề sinh động, hấp dẫn, dễ tiếp thu, bớt “khô, cứng”, không gây “dị ứng” cho người học, nhất là thế hệ trẻ. Trong đó, cần kết hợp nhuần nhuyễn, hiệu quả giữa lý thuyết với thực hành, giữa học chính khóa với các hoạt động ngoại khoá; ứng dụng những thành tựu của khoa học và công nghệ, nhất là công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy; kiên quyết khắc phục hiện tượng giảng “chay”, học “chay”. Đặc biệt, cần coi trọng đổi mới hình thức, biện pháp giáo dục nâng cao lòng yêu nước, ý thức dân tộc, đi đôi với phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống trước tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Cần tăng cường lồng ghép giáo dục lòng yêu nước, ý thức dân tộc cho các đối tượng thông qua các lễ hội của địa phương, dân tộc, làng, bản, dòng họ... ; coi trọng đầu tư xây dựng các tác phẩm văn học, nghệ thuật (sân khấu, điện ảnh...) thực sự có chất lượng, xứng tầm với vị thế và truyền thống của dân tộc. Bên cạnh đó, cần sớm có biện pháp hiệu quả để khôi phục, giữ gìn, truyền dạy, phát huy vốn quý về văn hóa - nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Mặt khác, cần có biện pháp phòng, chống thực sự có hiệu quả đối với những sản phẩm văn hóa độc hại làm phai nhạt mục tiêu, lý tưởng, bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam; bởi đây cũng là một nguy cơ lớn đối với đất nước và dân tộc.

Thực tế công tác GDQP-AN trong thời gian qua đã tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí của Hội đồng GDQP-AN các cấp. Với hệ thống tổ chức từ Trung ương tới các địa phương, cơ sở, tổ chức này đã thực hiện ngày càng có hiệu quả chức năng tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác GDQP-AN cho toàn dân; đồng thời, là trung tâm phối hợp, hiệp đồng với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng trong tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số Hội đồng chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm; có nơi hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả thấp như ở một số bộ, ngành Trung ương và cấp huyện, xã. Từ thực tiễn đó cho thấy, việc lựa chọn và đưa cán bộ vào Hội đồng GDQP-AN các cấp cần có đủ cả hai yếu tố: phẩm chất - năng lực - trách nhiệm và cơ cấu - thành phần; trong đó, không được xem nhẹ yếu tố nào. Cùng với việc củng cố, kiện toàn Hội đồng GDQP-AN các cấp, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần quan tâm bồi dưỡng cả về nhận thức và năng lực cho các thành viên cơ quan thường trực và bộ phận giúp việc của Hội đồng ở từng cấp, bảo đảm đủ sức hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Cũng về vấn đề này, cần nghiên cứu đổi tên Hội đồng Nghĩa vụ quân sự kiêm nhiệm GDQP-AN thành Hội đồng Nghĩa vụ quân sự và GDQP-AN như đề nghị của một số đại biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm (2001 - 2010) công tác GDQP-AN vừa qua, vì đó là việc làm cần thiết, hợp lý. Với tên gọi này, công tác GDQP-AN được “đặt” đúng với vị trí và vai trò của nó; khắc phục được những nhận thức sai lệch, cho rằng Hội đồng ở cấp xã chỉ “kiêm nhiệm” công tác GDQP-AN. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để sớm đưa kết quả GDQP-AN vào điểm xét học bổng cho sinh viên, để môn học GDQP-AN thực sự bình đẳng như những môn học khác. Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về công tác quốc phòng, BVTQ nói chung và công tác GDQP-AN nói riêng; nhất là, sớm ban hành Luật GDQP-AN, tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác này trong điều kiện mới.

Đại tá NGUYỄN THÀNH ĐÔ

_________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 234.           

 2 - Hội đồng GDQP-AN TW - Báo cáo tổng kết 10 năm công tác GDQP-AN (2001-2010).

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...