Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 12/04/2012, 15:05 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng - an ninh cho học sinh, sinh viên

Học sinh, sinh viên là bộ phận ưu tú trong thế hệ trẻ, là lực lượng kế cận và cũng là tương lai của đất nước. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn chăm lo giáo dục toàn diện cho học sinh, sinh viên; trong đó, có giáo dục quốc phòng - an ninh. Trong tình hình hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác quan trọng này bằng nhiều giải pháp đồng bộ, nhằm tạo điều kiện để học sinh, sinh viên đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Sinh viên học sử dụng vũ khí - lựu đạn tại Trung tâm GDQP-AN

Trước yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 28-12-1961, Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ra Nghị định số 219/CP về việc huấn luyện quân sự cho quân nhân dự bị và dân quân tự vệ, trong đó quy định việc huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh, sinh viên (HS,SV) từ trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học. Nghị định này đánh dấu sự ra đời môn học mới trong hệ thống giáo dục quốc dân - môn học quân sự - cơ sở của môn học giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) ngày nay. Năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/NĐ-CP, quy định GDQP-AN là môn học chính khoá trong hệ thống giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Nhờ đó, công tác GDQP-AN cho HS,SV đã có bước phát triển mới cả bề rộng và chiều sâu, chất lượng ngày càng cao. Qua đó, đã giáo dục cho HS,SV về những chủ trương, quan điểm cơ bản của Đảng về quốc phòng - an ninh (QP-AN), nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và rèn luyện những kỹ năng quân sự cần thiết, để tuổi trẻ góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, công tác GDQP-AN cho HS,SV cũng còn những hạn chế, bất cập, cả về chỉ đạo, quản lý, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nội dung, chương trình... Tình hình trên ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng GDQP-AN cho HS,SV. Từ kết quả và những bài học kinh nghiệm đã được tổng kết, để nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HS,SV trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tích cực đổi mới chương trình GDQP-AN cho HS,SV. Đây là yêu cầu khách quan, có tính cấp thiết hiện nay. Chương trình GDQP-AN cho HS,SV hiện nay (Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành năm 2007) tương đối cơ bản, hệ thống. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thực hiện, một số nội dung, chuyên đề không còn phù hợp, chưa cập nhật với sự phát triển của tình hình. Nhận rõ điều đó, các cơ quan tham mưu, giúp việc, trực tiếp là Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tích cực chuẩn bị điều chỉnh, bổ sung; dự kiến đến năm 2015 sẽ hoàn thành chương trình GDQP-AN cho HS,SV theo tiêu chí mới. Vì thế, để tiếp tục nâng cao chất lượng GDQP-AN cho thế hệ trẻ, trên cơ sở chương trình quy định, các trung tâm, các trường và từng giáo viên, giảng viên cần đề cao trách nhiệm, tích cực, chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung nội dung (học phần, chuyên đề) GDQP-AN cho HS,SV phù hợp với tình hình thực tiễn; trong đó, tập trung cả phần kiến thức QP-AN (lý thuyết) và kỹ năng quân sự (thực hành). Đối với chương trình GDQP-AN cho học sinh trung học phổ thông (gồm 105 tiết cho cả cấp học), cần chủ động nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung chủ yếu vào phần kiến thức QP-AN. Đối với học sinh các trường trung cấp chuyên nghiệp (gồm 3 học phần, 120 tiết), việc điều chỉnh, bổ sung chủ yếu tập trung ở học phần 1 và 2. Với sinh viên đại học, cao đẳng (gồm 4 học phần, 165 tiết): cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung ở 3 học phần (đường lối quân sự, công tác QP-AN và quân sự chung); trong đó, tập trung vào các chuyên đề: Xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; Kết hợp kinh tế với quốc phòng; Phòng, chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”; Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia; Về dân tộc, tôn giáo; Chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Đây là những chuyên đề mà nội dung của nó đã có sự phát triển mới trong thời gian qua. Trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung về nội dung, cần điều chỉnh cơ cấu thời gian của các học phần cho hợp lý, nhưng không được rút ngắn tổng thời gian của chương trình quy định; trong đó, chú trọng tăng thời gian đối với những chuyên đề, nội dung trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, cần hết sức tránh việc lợi dụng “đổi mới” nội dung, chương trình để cho HS,SV “học tủ” một số nội dung kỹ năng quân sự (đội ngũ, bắn súng, tháo lắp thông thường súng tiểu liên AK...) và kiến thức QP-AN để đối phó với công tác kiểm tra, thanh tra, hoặc lấy “thành tích” trong hội thi, hội thao như đã từng xảy ra ở một số trường trong thời gian qua.

Đặc biệt, hiện nay toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tập trung quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Do đó, việc đổi mới nội dung, chương trình GDQP-AN cho HS,SV phải bám sát những chủ trương, quan điểm mới của Đảng được nêu trong Nghị quyết và những chỉ thị, kế hoạch của Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, QP-AN và đối ngoại, góp phần thực hiện Nghị quyết của Đảng.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp GDQP-AN cho HS,SV. Đây là một giải pháp quan trọng, thiết thực nâng cao chất lượng môn học cho HS,SV - một đối tượng đặc thù. Thực tế cho thấy, việc thực hiện đổi mới và kết quả của nó phụ thuộc chủ yếu vào các cơ sở GD-ĐT trực tiếp làm công tác này; đó là các trung tâm, trường, các khoa, bộ môn GDQP-AN và ý thức, trách nhiệm, trình độ của cán bộ, giáo viên. Vì vậy, cùng với tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, cần xây dựng môi trường và tạo điều kiện thuận lợi để người thầy phát huy cao nhất nhiệt huyết và khả năng của mình. Hiện nay, các trường trung học phổ thông và một số trường đại học, cao đẳng đã thực hiện học rải môn GDQP-AN (với các hình thức: học rải cả khóa học (đối với học sinh); đưa sinh viên vào học tập ở các trung tâm, hoặc học rải trong năm học đầu, năm thứ hai); nhiều trường đã và đang thực hiện học theo tín chỉ. Đây là sự vận dụng phù hợp với điều kiện của từng trường, từng địa phương trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, việc đổi mới hình thức, phương pháp GDQP-AN cho HS,SV phải chú ý dựa trên cơ sở bảo đảm đủ nội dung, chương trình và thời gian học tập và phải lấy chất lượng, hiệu quả dạy - học là thước đo đối với từng đơn vị và người thầy. Mặt khác, việc đổi mới hình thức, phương pháp GDQP-AN cho HS,SV cần được đẩy mạnh hơn nữa, ở cả phần kiến thức QP-AN và kỹ năng quân sự.

Về hình thức tổ chức học tập, nên biên chế HS,SV thành các phân đội (đại đội, trung đội, tiểu đội); như vậy, vừa thuận lợi cho công tác quản lý, rèn luyện và nắm chắc kết quả học tập của từng người, vừa giúp tuổi trẻ tiếp cận với môi trường quân sự. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tránh tập trung quá đông HS,SV khi lên lớp, thảo luận, xê-mi-na và nhất là khi học các nội dung kỹ năng quân sự. Bên cạnh đó, cán bộ, giáo viên cần duy trì việc xây dựng và thực hiện nghiêm túc kế hoạch giảng dạy, vận dụng các hình thức, phương pháp dạy - học sinh động, hấp dẫn đối với HS,SV, nhất là với những học phần kiến thức QP-AN. Đồng thời, tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho HS,SV, như: tham quan bảo tàng, di tích lịch sử, hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao; tham gia các hoạt động xã hội, như: “xóa đói, giảm nghèo”, “xây dựng nông thôn mới”... Qua đó, để HS,SV lĩnh hội và tiếp thu những kiến thức từ thực tế, gắn công tác GD-ĐT với đời sống xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả GDQP-AN cho thế hệ trẻ.

Ba là, tăng cường xây dựng và từng bước chuẩn hoá đội ngũ giáo viên. Công tác GDQP-AN cho HS,SV đã trải qua hơn 50 năm, nhưng đến nay, nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho môn học này vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ. Nhiều năm qua, các trường đã phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn để huy động đội ngũ sĩ quan tham gia giảng dạy môn học này. Những năm gần đây, công tác xây dựng đội ngũ giáo viên đã được coi trọng, chủ yếu thông qua các hình thức tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo giáo viên ghép môn (cả ngắn hạn và dài hạn). Tuy nhiên, số lượng còn ít so với nhu cầu, chất lượng đào tạo chưa đồng đều, nhất là kỹ năng sư phạm còn hạn chế. Hơn nữa, cách làm đó cũng chỉ là giải pháp tình thế, chưa mang tính cơ bản, hệ thống đối với công tác xây dựng đội ngũ giáo viên của môn học này. Vì vậy, những năm tới, cần đẩy mạnh việc triển khai nghiêm túc, hiệu quả Đề án đào tạo giáo viên GDQP-AN theo Quyết định số 472/QĐ-TTg, ngày 12-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu đến năm 2016, các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp dạy nghề đều có giáo viên chuyên trách GDQP-AN.

Cùng với đó, cần hết sức coi trọng xây dựng, củng cố, kiện toàn đội ngũ giảng viên GDQP-AN ở các trung tâm, các trường đại học, cao đẳng. Hiện nay, cả nước có gần 400 sĩ quan biệt phái giảng dạy tại các trung tâm GDQP-AN và các trường đại học, cao đẳng. Đội ngũ này đã góp phần rất quan trọng vào việc triển khai thực hiện các văn bản, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về công tác GDQP-AN cho HS,SV. Tuy nhiên, công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ này còn những hạn chế, bất cập. Số sĩ quan biệt phái chủ yếu lấy từ nguồn giáo viên do các học viện, nhà trường trong Quân đội có các chuyên ngành tương đồng chuyển sang. Trong khi đó, một số trường, học viện chưa thật ưu tiên lựa chọn đội ngũ này. Bên cạnh đó, về tổ chức, biên chế và bảo đảm chế độ, chính sách cho sĩ quan biệt phái có mặt chưa thật hợp lý. Để khắc phục những hạn chế đó, cơ quan chức năng cần nghiên cứu, đề xuất xây dựng quy hoạch tổng thể, có chính sách thống nhất, phù hợp để cán bộ thực sự yên tâm công tác, có điều kiện nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ và cống hiến hết khả năng cho sự nghiệp GD-ĐT thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, cần có chủ trương, biện pháp xây dựng đội ngũ giảng viên GDQP-AN bảo đảm số lượng, chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học này ở các trường đại học, cao đẳng.

Bốn là, đẩy mạnh tiến độ xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm GDQP-AN. Thực hiện chủ trương đổi mới và nâng cao chất lượng GDQP-AN cho HS,SV, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các quyết định thành lập 32 trung tâm GDQP-AN (hiện đã có 16 trung tâm hoạt động); phấn đấu đến năm 2015 có từ 70 đến 80% sinh viên được học tập môn học này tại các trung tâm. Thực tế gần 20 năm qua đã khẳng định, các trung tâm GDQP-AN đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đáp ứng tốt mục tiêu, yêu cầu của môn học. Trong các trung tâm, HS,SV thực sự được học - rèn trong môi trường quân sự; nhất là, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật, tư thế, tác phong quân sự, xây dựng ý chí quyết tâm và tu dưỡng những phẩm chất cao quý của “Bộ đội Cụ Hồ”.

Hiện nay, hầu hết các trung tâm GDQP-AN đang hoạt động đều trong tình trạng “quá tải”, nhưng mới bảo đảm GDQP-AN cho khoảng 30% sinh viên. Trong khi đó, lưu lượng HS,SV ngày càng tăng và một thực tế là hầu hết các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề chưa có điều kiện đưa HS,SV vào học tập, rèn luyện tại các trung tâm. Do đó, cùng với xây dựng và hoàn chỉnh Đề án xây dựng Luật GDQP-AN trình Quốc hội (khóa XIII) thông qua, thời gian tới, cần đẩy mạnh việc xây dựng các trung tâm GDQP-AN đã được Chính phủ phê duyệt; đồng thời, tiếp tục đề nghị Chính phủ cho phép triển khai xây dựng thêm các trung tâm GDQP-AN ở các địa bàn trọng điểm, nhất là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tạo điều kiện cho HS,SV thực sự được học tập, rèn luyện trong môi trường quân sự, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới.

Đại tá PHẠM HỒNG KỲ

Phó Cục trưởng cục Dân quân tự vệ, BTTM

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...