Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 19/01/2017, 09:07 (GMT+7)
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh

Đào tạo, xây dựng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh là nội dung, biện pháp quan trọng trong thực hiện Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, trực tiếp đáp ứng yêu cầu giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên cả trước mắt và lâu dài.

Với ý nghĩa quan trọng đó và trước thực trạng đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân, những năm qua, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, giải pháp xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cả về số lượng, chất lượng, nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy của môn học. Ngày 12 - 4 - 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 472/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề giai đoạn 2010 - 2016”. Ngày 24 - 4 - 2014, ban hành Quyết định 607/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”. Mục tiêu đặt ra là, đến năm 2020, đào tạo đáp ứng được 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và cơ sở giáo dục đại học. Thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ, công tác đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh đã được triển khai tích cực và thu được kết quả ban đầu rất đáng khích lệ. Đến nay, các trường đã đào tạo được hơn 8.400 giáo viên ngắn hạn và ghép môn với giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, cùng hàng nghìn cử nhân giáo dục quốc phòng và an ninh, thông qua hình thức đào tạo văn bằng 2 (thời gian 18 tháng, 24 tháng). Đặc biệt, các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh hệ chính quy tập trung thời gian 04 năm và đã có hàng trăm sinh viên tốt nghiệp ra trường. Sau khi tốt nghiệp, về cơ bản, giáo viên có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu của môn học, phần lớn trong số đó được biên chế chuyên trách giảng dạy giáo dục quốc phòng và an ninh tại các cơ sở giáo dục trong cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập. Do đây là đối tượng đào tạo mới nên các trường chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên, sinh viên ở các nhà trường về nhiệm vụ đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh chưa đầy đủ; nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu chưa được chuẩn hóa; trang thiết bị, cơ sở vật chất phục vụ dạy học, nhất là các học cụ đặc thù quân sự còn thiếu, chưa đồng bộ; một số chế độ, chính sách đối với người học còn chậm và chưa được triển khai thực hiện thống nhất, v.v. Để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, theo chúng tôi cần chú trọng thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên về nhiệm vụ đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh là đào tạo sư phạm, đào tạo những người thầy giảng dạy về lĩnh vực quan trọng, tính đặc thù cao. Chất lượng đào tạo đối tượng này không chỉ khẳng định uy tín của các cơ sở đào tạo mà còn tác động trực tiếp, lâu dài đến kết quả môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường. Vì vậy, các trường đại học cần tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, giảng viên, nhất là những người trực tiếp tham gia vào quá trình đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh thấy rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Về lâu dài, cần làm cho cả người dạy và người học nhận thức đúng đắn về vị trí của môn học này trong các nhà trường, khắc phục tư tưởng xem nhẹ, cho đây là môn phụ, môn học điều kiện. Nội dung quán triệt, giáo dục tập trung vào các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, nhất là Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Quyết định 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh, cũng như các chế độ ưu tiên đối với học viên đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh,… làm cho đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, học viên nhận thức rõ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh nói riêng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong giảng dạy, quản lý và làm chuyển biến tinh thần, thái độ học tập của học viên. Để đạt hiệu quả cao, các trường cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giáo dục, chú trọng phát huy hiệu quả hình thức sinh hoạt tập trung, sinh hoạt riêng của từng tổ chức, kết hợp lồng ghép thông qua các buổi giao ban, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm đào tạo, v.v.

Hai là, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Đây là giải pháp có ý nghĩa quyết định chất lượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Hiện nay, việc thực hiện chương trình đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các trường đại học, phần lớn nội dung do các khoa, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh trực thuộc nhà trường đảm nhiệm. Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý ở đây rất đa dạng, bao gồm: sĩ quan quân đội biệt phái, công chức, viên chức, giáo viên thỉnh giảng,… nên kinh nghiệm, trình độ, năng lực giảng dạy, quản lý nhìn chung là tốt, nhưng chất lượng không đều. Trong khi đó, việc giảng dạy cho sinh viên đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh có yêu cầu cao và khác nhiều so với giảng dạy môn học này cho đối tượng sinh viên không chuyên ngành. Chính vì vậy, các trường đại học cần rà soát, chủ động có kế hoạch tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Các trường cần quan tâm xây dựng, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên của các khoa, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp loại giỏi hoặc học viên tốt nghiệp sau đại học phù hợp với chuyên ngành đào tạo, nhất là ngành sư phạm giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, chủ động phát hiện nhân sự, báo cáo đề nghị điều động những cán bộ quân đội có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, tâm huyết với nghề về làm công tác quản lý, giảng dạy.

Để sớm chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý phục vụ đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, các trường đại học cần kết hợp thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, như: tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ, cử đi đào tạo chuyên sâu,… nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, trình độ ngoại ngữ, tin học cho đội ngũ cán bộ, giảng viên theo quy định. Cùng với đó, các trường đại học, trực tiếp là các khoa, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, khuyến khích, động viên, cũng như đặt ra yêu cầu cao đối với đội ngũ cán bộ, giảng viên. Từ đó, thúc đẩy họ tích cực tự học tập, nghiên cứu để nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, tác phong mô phạm, xứng đáng là “bậc thầy của những người thầy”, đáp ứng yêu cầu giảng dạy.

Ba là, tập trung nghiên cứu đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực. Hiện nay, chương trình, nội dung đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh còn nặng về lý thuyết, ít chú ý đến việc phát huy năng lực sáng tạo của người học và khả năng ứng dụng vào thực tiễn. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành rà soát, đánh giá lại nội dung, chương trình khung đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh trình độ đại học. Trên cơ sở đó, so sánh, đối chiếu với mục tiêu, yêu cầu đào tạo và chuẩn đầu ra của người giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh, nhất là cần xem xét thấu đáo những đề xuất, kiến nghị của các trường từ thực tiễn đào tạo để phát hiện những vấn đề còn thiếu, lạc hậu, không phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Đồng thời, bổ sung, cập nhật kịp thời những nội dung mới liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong tình hình hiện nay. Đặc biệt, môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh mang tính đặc thù quân sự cao, yêu cầu người thầy không chỉ giỏi về lý luận mà còn phải giỏi về thực hành, nên chương trình đào tạo giáo viên cần tăng thời lượng thực hành để học viên có điều kiện tập luyện thuần thục các động tác quân sự, hình thành kỹ năng, kỹ xảo. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần tích cực tổ chức hoạt động ngoại khóa, bổ trợ, như: tham quan các buổi huấn luyện quân sự, diễn tập của các đơn vị Quân đội, giúp học viên lĩnh hội kiến thức sát thực tế môi trường quân sự, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh trên cả 03 phương diện: thái độ; kiến thức, kỹ năng dạy học và tổ chức hoạt động thực tiễn.

Bốn là, tăng cường đầu tư trang - thiết bị phục vụ dạy học và thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ đối với đối tượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí trên cấp, các trường cần tích cực, chủ động khai thác, huy động các nguồn lực khác để đầu tư mua sắm các trang - thiết bị; quan tâm cải tạo, nâng cấp hệ thống giảng đường, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, trường bắn theo quy định, đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đặc biệt, để đào tạo người giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh có năng lực, phẩm chất quân sự thực thụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng ưu tiên bảo đảm đầy đủ vũ khí, trang bị cần thiết phục vụ quá trình đào tạo. Mặt khác, trên cơ sở Quyết định 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các chế độ đãi ngộ đối với đối tượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh để động viên họ phấn đấu học tập, rèn luyện.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ thiết thực nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở các trường đại học hiện nay. Đây là cơ sở để thực hiện tốt môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS. PHAN XUÂN DŨNG

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...