Thứ Bảy, 23/11/2024, 01:26 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Gíáo dục quốc phòng-an ninh (QP-AN) là một vấn đề quan trọng và thường xuyên của nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân (QPTD). Trong những năm đổi mới, đặc biệt là 10 năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục QP-AN cho toàn dân, như: Chỉ thị 62-CT/TW, ngày 12-02-2001, Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị, Nghị định 15/NĐ-CP, ngày 01-5-2000, Nghị định 116/NĐ-CP, ngày 10-7-2007 của Chính phủ về giáo dục QP-AN... Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để các cấp, các ngành, các địa phương đưa công tác này vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Trong bối cảnh chung đó, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện công tác giáo dục QP-AN. Điểm nổi bật là, Quân khu đã vận dụng sáng tạo, phù hợp với địa bàn trong tổ chức triển khai thực hiện. Nhờ đó, đã thu được những kết quả quan trọng và rút ra được một số bài học kinh nghiệm để tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt hơn nữa công tác này trong thời gian tới.
Trước hết, công tác giáo dục QP-AN phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp uỷ, chính quyền; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia. Trong 10 năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu, cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn Quân khu đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục QP-AN một cách toàn diện, theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong đó, Quân khu coi trọng trước hết việc kiện toàn hệ thống tổ chức Hội đồng giáo dục QP-AN từ Quân khu đến cơ sở. Nhờ đó, Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp đã phát huy tốt vai trò của mình trong hoạt động thực tiễn; tích cực, chủ động tham mưu giúp cấp uỷ, chính quyền các địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện; tạo được sự phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, đoàn thể đối với công tác giáo dục QP-AN. Công tác giáo dục QP-AN được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn Quân khu. Các địa phương đã chủ động, sáng tạo cả về cách nghĩ, cách làm trong công tác giáo dục QP-AN, như: mở rộng đối tượng, hình thức phong phú, đa dạng nhằm nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể đã được thể hiện rõ nét, ngày càng có chiều sâu và hiệu quả, nhất là trong việc bồi dưỡng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ QP-AN. Ngoài việc tổ chức giáo dục QP-AN theo phân cấp, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Thuận, Bình Phước và thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động mở rộng diện bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng: giáo viên các trường học, các già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc các tôn giáo, chuyên viên các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, cán bộ, đảng viên thuộc đảng bộ các cơ quan dân chính và khối doanh nghiệp,...
Qua tổng kết 10 năm thực hiện công tác này, toàn Quân khu tổ chức được 3.322 lớp cho 325.681 cán bộ, đảng viên, đạt 91,20%; 1.365 lớp cho 175.772 đối tượng khác. Theo phân cấp, Trường Quân sự Quân khu đã triển khai bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho đối tượng 2 theo đúng các chuyên đề và nội dung bổ trợ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Ngoài ra, Nhà trường còn tổ chức được 3 lớp cho 144 cán bộ đối tượng 2 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mở lớp thí điểm bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho cán bộ thuộc các bộ, ban, ngành của Trung ương và các tập đoàn kinh tế có trụ sở trên địa bàn Quân khu. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Điều đó được thể hiện rõ trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ QP-AN ở từng ngành, từng cấp, từng địa phương. Đội ngũ giáo viên giáo dục QP-AN được từng bước chuẩn hóa, số lượng ngày càng tăng, đủ sức đảm nhiệm công tác giáo dục QP-AN trên địa bàn.
Hiện tại, Quân khu đang chỉ đạo các địa phương tiếp tục tiến hành khảo sát, nắm chắc các đối tượng chưa được bồi dưỡng kiến thức QP-AN ở tất cả các cấp, kể cả các cán bộ là đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (thành phố) không giữ chức vụ, thuộc đối tượng 2 và cán bộ thuộc bộ, ban, ngành ở Trung ương có trụ sở trên địa bàn Quân khu để xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN theo phân cấp. Quân khu đặt mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ công tác của cấp uỷ, mọi cán bộ đều được qua bồi dưỡng kiến thức QP-AN.
Hai là, thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức nhằm nâng cao chất lượng giáo dục QP-AN cho các đối tượng. Trên cơ sở kế hoạch hằng năm, Quân khu chỉ đạo các cơ quan, nhà trường, các địa phương thực hiện đúng chương trình bồi dưỡng kiến thức QP-AN cho các đối tượng, bảo đảm thời gian, quân số học tập. Từ khóa 7 (2001), Quân khu chỉ đạo mở rộng diện chiêu sinh đối tượng 2 tới các đồng chí là thường vụ huyện ủy của các địa phương, nên số lượng học viên không ngừng tăng lên. Nhưng, do việc lập kế hoạch và phân bổ chỉ tiêu chiêu sinh từng khóa cho các tỉnh (thành phố) được tiến hành ngay từ đầu năm, nên đã tạo thuận lợi cho các đồng chí cán bộ địa phương có đủ thời gian, chủ động bố trí công việc chuyên môn để tập trung cho nhiệm vụ học tập đạt kết quả cao. Đặc biệt, công tác bồi dưỡng kiến thức QP-AN có nhiều đổi mới mang tính đột phá và đi vào chiều sâu; trong đó, nhiều địa phương có sự đổi mới về phương pháp tổ chức thực hiện bằng việc xây dựng và đưa vào kế hoạch ngân sách hằng năm, nên chủ động tổ chức được nhiều lớp để bồi dưỡng cho nhiều đối tượng khác nhau, như: bồi dưỡng tại Trường Quân sự, Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện,... bảo đảm đủ thời gian, nội dung, chương trình theo quy định. Hệ thống Trường Chính trị, Trường Cán bộ của các địa phương trên địa bàn Quân khu đã đưa nội dung giáo dục QP-AN vào giảng dạy chính khóa và đã tổ chức được gần 1.500 lớp cho hơn 110 ngàn lượt cán bộ. Những nội dung được nghiên cứu, học tập đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ về hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Nhiều đồng chí đã vận dụng những kiến thức được trang bị vào lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ QP-AN theo chức trách đảm nhiệm; hiệu lực quản lý nhà nước về QP-AN được nâng lên. Qua các lớp bồi dưỡng kiến thức QP-AN, đội ngũ cán bộ trong ngành Công an đã nâng cao nhận thức và tích cực tham gia các cuộc diễn tập ở địa phương, đạt kết quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền QPTD, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương, cơ sở.
Công tác giáo dục quốc phòng toàn dân (QPTD) được Quân khu và cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Trong đó, cơ quan thường trực Hội đồng giáo dục QP-AN các cấp đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan tuyên giáo các tỉnh, các báo, đài phát thanh, truyền hình, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền thường xuyên với nhiều hình thức phong phú. Ngoài việc tuyên truyền trên các báo, đài của Trung ương, Quân khu chỉ đạo các địa phương và Báo Quân khu 7 tăng các chuyên trang về lực lượng vũ trang, chuyên mục phát thanh-truyền hình QPTD trên các đài phát thanh-truyền hình của các địa phương; bồi dưỡng và phân công phóng viên, cộng tác viên chuyên theo dõi, phản ánh, tuyên truyền các hoạt động của lực lượng vũ trang, công tác quân sự-quốc phòng của địa phương, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục QP-AN. Đặc biệt, thông qua các dịp kỷ niệm, các ngày lễ, các đợt tuyển quân,... Quân khu chỉ đạo các cơ quan chức năng lồng ghép, tuyên truyền giáo dục các nội dung về đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, QP-AN của địa phương,... cho đông đảo các tầng lớp nhân dân các dân tộc, các hội viên, các tổ chức chính trị-xã hội trên địa bàn. Hằng năm, Quân khu tổ chức họp mặt các già làng, trưởng bản, các phụ nữ tiêu biểu, tổ chức đi tham quan về nguồn, thăm chiến trường xưa, tổ chức họp mặt giữa đơn vị với gia đình quân nhân và địa phương,... Những việc làm đó đã tạo được niềm tin, sự đồng thuận của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, quân đội và lực lượng vũ trang Quân khu. Ngoài ra, thông qua các tổ, đội công tác, các đợt huấn luyện dã ngoại của bộ đội, lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ, kết hợp làm công tác giúp dân, vận động quần chúng, nâng cao nhận thức, định hướng tư tưởng và tinh thần trách nhiệm của mọi công dân đối với nhiệm vụ xây dựng nền QPTD, động viên con em tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và tích cực ủng hộ các phong trào ở cơ sở, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” trên địa bàn Quân khu.
Ba là, phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức đào tạo chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cải tiến phương pháp giảng dạy để nâng cao chất lượng môn học giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên. Hằng năm, có trên 98% số học sinh được học chính khóa môn giáo dục QP-AN trong hệ thống các trường trung học phổ thông được học trên địa bàn Quân khu. Theo phân luồng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm và các trường liên kết đã giáo dục cho khoảng 88 ngàn sinh viên của 62 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Để nâng cao chất lượng môn giáo dục QP-AN, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh (thành phố) đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh và các trường quân sự địa phương đào tạo giáo viên giáo dục QP-AN cho các trường trung học phổ thông. Việc giảng dạy chính khóa môn giáo dục QP-AN trong các trường trung học phổ thông và trung học chuyên nghiệp được thực hiện có nền nếp, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo có hiệu quả từ ngành Giáo dục-Đào tạo các địa phương. Về hình thức giáo dục, các địa phương cũng có nhiều sáng tạo; Hội đồng giáo dục QP-AN của tỉnh Tây Ninh đã chỉ đạo tổ chức các “Game show”, thi tìm hiểu về giáo dục QP-AN, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp các em học sinh hiểu rõ hơn về truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam, truyền thống của quê hương, đất nước. Đây là mô hình giáo dục tích cực; hiện nay Quân khu đang nghiên cứu, chỉ đạo nhân rộng ra các địa phương trên địa bàn. Ngoài ra, từ năm 2008, Trung tâm Thanh thiếu niên miền Nam trực thuộc Trung ương Đoàn đã phối hợp với Quân khu 7 thực hiện thành công chương trình “Học kỳ trong Quân đội” ở Đoàn B.02, tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước. Những việc làm trên đã góp phần bồi dưỡng cho thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước có ý thức bảo vệ Tổ quốc ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Phát huy kết quả đạt được, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các tỉnh (thành phố) tiếp tục phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức đào tạo, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giáo dục QP-AN để không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục QP-AN cho học sinh, sinh viên trên địa bàn.
Với những kết quả đạt được, công tác giáo dục QP-AN trên địa bàn Quân khu đã góp phần giữ ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển kinh tế-xã hội. Những bài học rút ra sau 10 năm thực hiện công tác giáo dục QP-AN trên địa bàn Quân khu sẽ được vận dụng vào việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, góp phần xây dựng nền QPTD, an ninh nhân dân vững mạnh.
Thiếu tướng TRẦN ĐƠN
Ủy viên BCHTƯ Đảng, Phó Tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh