Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 25/03/2013, 10:31 (GMT+7)
Mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Sư đoàn 10

Sư đoàn 10 (thuộc Quân đoàn 3) đứng chân trên địa bàn rộng, tương đối phức tạp (cả thành phố và rừng núi), có nhiều điểm nóng về vấn đề dân tộc, tôn giáo. Những năm qua, tình hình chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của bộ đội có chuyển biến tiến bộ, nhưng chưa thực sự vững chắc. Hằng năm, Sư đoàn tuyển hàng nghìn chiến sĩ mới thuộc các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ; trong số đó, có 30% - 40% là thanh niên các dân tộc thiểu số, phần đông có trình độ trung học cơ sở. Do vậy, mức độ hiểu biết, nhận thức về xã hội nói chung, kiến thức pháp luật nói riêng của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) không đều nhau, nhất là trong hạ sĩ quan, chiến sĩ còn nhiều hạn chế. Trước tình hình đó, để nâng cao nhận thức pháp luật, tạo sự chuyển biến ngày càng vững chắc về ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho CB,CS, hạn chế đến mức thấp nhất các vi phạm kỷ luật thông thường, chấm dứt vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, Đảng ủy, chỉ huy (ĐU,CH) Sư đoàn luôn xác định: tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PB,GDPL) cho các đối tượng là một nội dung phải được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ; đặc biệt là, phải nghiên cứu, tìm ra những phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của đơn vị và khả năng, trình độ nhận thức của CB,CS. Trong các phương thức thực hiện, mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Để thực hiện mô hình trên, yêu cầu đặt ra trước hết đối với cấp ủy, người chỉ huy các cấp của Sư đoàn phải tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, PB,GDPL sát với tình hình, thực tiễn của từng đơn vị. Theo quy định, các cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, rà soát thực trạng công tác tuyên truyền, PB,GDPL, phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót; bám sát nghị quyết, kế hoạch, nội dung, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, đưa các nội dung này vào nghị quyết lãnh đạo thường kỳ của cấp ủy, kế hoạch công tác của người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên và phân công cấp ủy viên theo dõi, kiểm tra nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém trong tổ chức thực hiện. Trên cơ sở đó, các tổ chức, lực lượng trong đơn vị xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao; gắn công tác tuyên truyền, PB,GDPL với nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, quản lý kỷ luật, xây dựng chính quy, tạo môi trường thuận lợi để bộ đội phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Trong nội dung kế hoạch luôn thể hiện sự phân cấp, nên phát huy được trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức; khắc phục được tình trạng chồng chéo, không ai chịu trách nhiệm, hiệu quả thấp. Vì vậy, dù ở cấp nào, tính chất nhiệm vụ, điều kiện sinh hoạt, học tập khác nhau, song các đơn vị trong Sư đoàn đều thực hiện đầy đủ nội dung tuyên truyền, PB,GDPL theo quy định. Về nội dung, ĐU,CH Sư đoàn đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy cơ sở tiến hành tuyên truyền, phổ biến các nghị định, thông tư liên quan đến pháp luật và những nội dung chuyên đề bắt buộc theo hướng dẫn, quy định của trên cho mọi đối tượng; tập trung làm rõ tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật, tội phạm trong Sư đoàn, Quân đoàn, toàn quân và những vấn đề đặt ra trong công tác quản lý kỷ luật, xây dựng chính quy để cùng rút kinh nghiệm ở mỗi cơ quan, đơn vị, tạo hành lang pháp lý cho CB,CS đề cao ý thức tự giác trong chấp hành pháp luật, kỷ luật. Về đội ngũ giáo viên, báo cáo viên tuyên truyền, PB,GDPL, do không có cán bộ được đào tạo cơ bản chuyên ngành Luật, nên Sư đoàn thường xuyên tiến hành bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, được lựa chọn từ cơ sở để làm nòng cốt trong công tác này. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, người chỉ huy các cấp theo phương châm “Giáo dục cho đội ngũ sĩ quan đi trước một bước”; cùng với sự tích cực tự nghiên cứu, tham khảo tài liệu, tìm hiểu, nắm bắt đối tượng, nắm bắt thực tiễn nhận thức pháp luật và việc chấp hành kỷ luật Quân đội, nên đội ngũ báo cáo viên pháp luật của Sư đoàn luôn có hình thức, phương pháp tuyên truyền, PB,GDPL thích hợp, đáp ứng được yêu cầu đề ra. Đây chính là cơ sở, tiền đề để công tác tuyên truyền, PB,GDPL ở Sư đoàn nói chung, mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” nói riêng đi đúng hướng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Nét nổi bật là Sư đoàn đã triển khai mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” gắn với thực hiện Ngày pháp luật ở tất cả các cấp, các loại hình đơn vị. Thông lệ, công tác tuyên truyền, PB,GDPL được thực hiện vào Ngày pháp luật, giáo viên lên lớp theo giáo án đã chuẩn bị và được phê chuẩn. Song để việc tuyên truyền, PB,GDPL đến với bộ đội hằng ngày, trong từng công việc, nhiệm vụ đó được thực hiện theo hướng: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án”. Theo đó, căn cứ vào nội dung, chương trình trong kế hoạch tuyên truyền, PB,GDPL hằng tháng, tổ cán bộ giảng dạy nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật và tình hình đơn vị, phân công từng người chuẩn bị câu hỏi và đáp án phù hợp, trình phê duyệt theo phân cấp. Đối với các tiểu đoàn và đại đội thuộc trung đoàn, do chủ nhiệm chính trị trung đoàn phê duyệt; các tiểu đoàn trực thuộc Sư đoàn, do phó chủ nhiệm chính trị Sư đoàn phê duyệt; các đơn vị thuộc khối cơ quan, do thủ trưởng cơ quan phê duyệt. Trên cơ sở nội dung câu hỏi và đáp án đã chuẩn bị, trong giờ giao ban hằng ngày, chính trị viên tiểu đoàn (đại đội) công bố đáp án, rút kinh nghiệm việc nghiên cứu, trả lời, nhận thức, hành động của bộ đội ngày hôm trước; đồng thời, phổ biến câu hỏi của ngày tiếp theo. Sau giờ giao ban, ghi rõ đáp án của ngày hôm trước và câu hỏi của ngày tiếp theo lên bảng tin (hoặc bảng chống lóa) để CB,CS tiếp tục nghiên cứu, trao đổi. Về phương pháp, trước giờ đọc báo hoặc trong giờ sinh hoạt hằng ngày, cán bộ đại đội (trung đội) nêu câu hỏi để mọi người trong đơn vị trả lời; cán bộ giải đáp những vấn đề còn chưa rõ, sau đó thống nhất nội dung thực hiện. Từ những câu hỏi, đáp án đã thực hiện trong tháng, tập hợp thành hệ thống, đưa vào nội dung Ngày pháp luật của tháng đó (thời gian khoảng 2 giờ, vào sáng thứ bảy của tuần cuối tháng) dưới hình thức sân khấu hóa, hoặc thông qua tọa đàm, hái hoa dân chủ... Qua đó, vừa tạo sân chơi lành mạnh trong giờ nghỉ, ngày nghỉ; vừa tiếp tục củng cố, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật cho bộ đội.

Cùng với thực hiện mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án”, ĐU,CH Sư đoàn đã sáng tạo ra các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PB,GDPL khác phù hợp với điều kiện của đơn vị. Trên cơ sở nội dung, biện pháp đã được xác định, Sư đoàn thường xuyên đổi mới các hình thức thể hiện, bảo đảm tính sinh động, hấp dẫn, mang lại hiệu quả cao, như: tuyên truyền miệng, trao đổi, đối thoại, thảo luận, giải đáp những thắc mắc của CB,CS về những vấn đề đang quan tâm; tổ chức tốt các buổi giao lưu văn nghệ với đơn vị, địa phương kết nghĩa, phối hợp cùng tuyên truyền, PB,GDPL cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn. Những nội dung pháp luật đòi hỏi tính đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, như: Luật Giao thông đường bộ, các quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, của Tư lệnh Quân đoàn, các văn bản pháp quy… được Sư đoàn và các đơn vị tuyên truyền thường xuyên trên hệ thống truyền thanh nội bộ. Liên tục trong nhiều năm qua, Sư đoàn tổ chức Hội thi: “Quân nhân hiểu biết pháp luật, kỷ luật” bằng hình thức sân khấu hóa, với nhiều tiết mục có chất lượng, cả về nghệ thuật và nội dung pháp luật, có tính giáo dục cao, thu hút đông đảo CB,CS tham gia. Từ đó, Sư đoàn lựa chọn những tiết mục xuất sắc, tiến hành công diễn xoay vòng trong toàn đơn vị, tuyên truyền sâu rộng trong CB,CS, tạo không khí sôi nổi cùng nhau thi đua chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội. Ngoài ra, Sư đoàn luôn gắn tuyên truyền, PB,GDPL với phong trào Thi đua Quyết thắng, tổ chức tốt hoạt động kỷ niệm các ngày truyền thống, ngày lễ lớn của Quân đội và dân tộc, tạo điều kiện để mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” phong phú, đa dạng hơn. Ngược lại, nhờ duy trì tốt mô hình đó, các hình thức, biện pháp tuyên truyền, PB,GDPL khác có hiệu quả thiết thực hơn.

Một điểm đáng lưu ý là, Sư đoàn gắn thực hiện mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” với giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong huấn luyện, sinh hoạt của CB,CS. Cấp ủy, người chỉ huy thường xuyên phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đội ngũ cán bộ, đảng viên trong rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy ở đơn vị, tập trung vào từng việc làm cụ thể, thiết thực. Các đơn vị đã duy trì nghiêm hoạt động của tổ 3 người, tổ chiến sĩ bảo vệ ở đơn vị cơ sở trong việc nắm và quản lý tư tưởng, bảo vệ chính trị nội bộ. Nhờ đó, lãnh đạo, chỉ huy luôn nắm chắc tình hình tư tưởng, kỷ luật của tập thể và cá nhân, phân tích, đánh giá và có biện pháp xử lý nghiêm những sai phạm; khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kỷ luật, đã kịp thời tổ chức sinh hoạt kiểm điểm, chỉ rõ khuyết điểm để người mắc lỗi phấn đấu, sửa chữa. Đối với những quân nhân vi phạm nhiều lần, đã được giáo dục, nhắc nhở nhưng không chuyển biến, tiến bộ, các đơn vị đều xử lý nghiêm theo Điều lệnh Quản lý bộ đội. Cùng với đó, các đơn vị luôn quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị kỹ thuật, triển khai nghiêm túc các biện pháp bảo đảm an toàn; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần, động viên CB,CS yên tâm công tác, tích cực phấn đấu, rèn luyện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, gia đình để nắm chắc tình hình địa bàn, quan hệ xã hội của CB,CS với bạn bè, nhân dân địa phương; từ đó, có biện pháp phòng ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị, góp phần xây dựng đơn vị, địa bàn đóng quân an toàn, vững mạnh. Chính kiến thức tích lũy trong thực hiện mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” đã giúp cho cấp ủy, chỉ huy các cấp giải quyết kịp thời, thấu tình đạt lý các vấn đề nảy sinh trong đời sống sinh hoạt của CB,CS. Cũng từ giải quyết các tình huống đó, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên và tổ giảng dạy chính trị đúc rút thành kinh nghiệm thực tiễn để đưa vào câu hỏi tình huống và đáp án trả lời có tính khả thi cao.

Việc thực hiện tốt mô hình: “Mỗi ngày một câu hỏi, một đáp án” trong tuyên truyền, PB,GDPL đã góp phần quan trọng để Sư đoàn nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của CB,CS. Cụ thể là: nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật của từng đơn vị có nhiều chuyển biến tiến bộ; tình hình vi phạm kỷ luật thông thường giảm rõ rệt (từ 0,59% năm 2011 xuống còn 0,25% năm 2012); không có vụ việc vi phạm nghiêm trọng, ý thức chấp hành các quy định khi tham gia giao thông chuyển biến rõ nét. Kết quả đó là bảo đảm quan trọng để Sư đoàn nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; tạo sự đoàn kết, thống nhất cao; xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Những việc làm và kết quả trên cũng là cơ sở để Sư đoàn tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, PB,GDPL trong thời gian tới, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

 

Đại tá NGUYỄN VĂN HẬU

Chính ủy Sư đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...