Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Sáu, 30/07/2021, 08:53 (GMT+7)
Mấy giải pháp nâng cao chất lượng môn học giáo dục quốc phòng và an ninh ở trường Quân sự Quân khu 7

Trường Quân sự Quân khu 7 được giao nhiệm vụ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường và sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, công tác giảng dạy, quản lý hoạt động học tập môn Giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường đã từng bước đi vào nền nếp; thực hiện đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của các bộ, ban, ngành chức năng. Nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc đổi mới phương pháp, hình thức quản lý, giảng dạy sát với đặc điểm hoạt động của sinh viên. Cơ bản sinh viên hiểu được đường lối quân sự của Đảng, nhiệm vụ quốc phòng và an ninh trong tình hình mới; nắm được công tác tổ chức xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, động viên quốc phòng, những nội dung cơ bản trong quản lý biên giới, lãnh thổ, lãnh hải Quốc gia cũng như các vùng biển đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Luật biển của Liên hợp quốc công nhận, v.v. Từ đó, xây dựng cho mình thế giới quan, phương pháp luận về chiến tranh, quân đội và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đặc biệt là mỗi sinh viên đã nâng cao bản lĩnh chính trị, lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc với nhân dân, xây dựng niềm tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Kết quả học tập, rèn luyện hằng năm của sinh viên, có 100% đạt yêu cầu, trong đó có 72% đạt khá, giỏi trở lên. Riêng năm 2020, Nhà trường đã bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh được 23 khóa cho 14.808 sinh viên các trường liên kết có 99,14% sinh viên hoàn thành các nội dung, chương trình môn học; trong đó có 41,86% khá, giỏi.

Tuy nhiên, công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh của Nhà trường còn nảy sinh một số bất cập, như: Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đặt ra yêu cầu ngày càng cao, lưu lượng sinh viên các trường cũng có biến động dẫn đến khó khăn trong chủ động bảo đảm ăn, ở của sinh viên. Bên cạnh đó, khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Trung tâm là một trong những điểm cách ly công dân, ảnh hưởng lớn đến thời gian, nội dung, chương trình; việc sắp xếp, xây dựng kế hoạch học tập đối với sinh viên các trường đại học, cao đẳng cũng bị động. Sự phân định ở một số chương trình, nội dung giảng dạy có mặt chưa rõ; hoạt động phối hợp tổ chức tiếp nhận, quản lý sinh viên, công tác hiệp đồng, ký kết liên kết giữa Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường với các trường đại học có mặt còn hạn chế. Một số cán bộ quản lý, giảng viên nhận thức chưa thật đầy đủ về nhiệm vụ được giao, kinh nghiệm thực tiễn ít, chưa cập nhật tri thức và công nghệ mới vào giảng dạy. Việc bảo đảm nơi ăn ở, sinh hoạt của sinh viên có thời điểm chưa tập trung, nhất là giai đoạn lưu lượng học viên, sinh viên đông, v.v. Vừa khắc phục những hạn chế trên, vừa để công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trên địa bàn Quân khu 7 đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Một là, chủ động định hướng nhận thức, tư tưởng, hành động, xây dựng động cơ học tập rèn luyện tích cực, phát huy vai trò của sinh viên trong tự quản lý hoạt động học tập. Đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết hiện nay. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin, học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận với nhiều thông tin khác nhau trên các phương tiện thông tin đại chúng, internet, mạng xã hội, v.v. Đây cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch, tổ chức khủng bố, phản động triệt để lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng, nói xấu chế độ nhằm kích động, lôi kéo tụ tập đông người, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Cùng với đó, việc tuyên truyền, khuyếch trương, tuyệt đối hóa sức mạnh, uy lực của các loại vũ khí thế hệ mới, công nghệ cao,… đã tác động không nhỏ tới nhận thức, niềm tin của thế hệ trẻ vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, làm xuất hiện tư tưởng hoài nghi, thiếu tin tưởng vào đường lối quân sự, quốc phòng, nghệ thuật quân sự, vũ khí, trang bị hiện có. Vì vậy, cần hun đúc lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dân tộc; tuyên truyền, giáo dục quan điểm, tư duy mới của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc; kịp thời thông tin, thông báo khách quan, khoa học về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, về vũ khí công nghệ cao, về đối tượng, đối tác, v.v. Qua đó, định hướng nhận thức, tư tưởng, hành động đúng cho học sinh, sinh viên; giúp họ luôn cảnh giác, tỉnh táo, không bị lợi dụng, mắc mưu kẻ địch. Cần phải làm cho mọi sinh viên nhận thức rõ việc học tập môn học Giáo dục Quốc phòng và an ninh là một nội dung quan trọng, yêu cầu bắt buộc của sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Từ đó, giúp người học nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của môn học trong quá trình học tập tại Nhà trường, vận dụng vào thực tiễn sự nghiệp xây dựng, củng cố quốc phòng và an ninh trong khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố hiện nay. Đồng thời, khắc phục tình trạng coi nhẹ môn học hoặc cho rằng đó chỉ là “môn học phụ” không cần thiết. Bên cạnh đó, tích cực bồi dưỡng cho sinh viên có kỹ năng tự học, tự rèn, tự quản lý học tập, biết xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, quản lý thời gian, phương pháp học tập, v.v. Trong quá trình lên lớp, giáo viên cần kết hợp chặt chẽ giữa việc truyền thụ tri thức với bồi dưỡng phương pháp tự học, tự quản lý cho sinh viên; coi tri thức, kỹ năng tự học, tự quản lý của sinh viên là một mục tiêu quan trọng của quá trình dạy học. 

Hai là, thực hiện tốt các khâu chuẩn bị cho công tác giảng dạy. Việc chuẩn bị cho từng khóa học phải thật sự chu đáo, tỷ mỷ. Trước hết là đội ngũ cán bộ, giảng viên cần phải được chuẩn bị kỹ cả về trình độ, trách nhiệm, phương pháp và khả năng truyền đạt. Tổ chức bồi dưỡng cho giảng viên có kiến thức toàn diện về quốc phòng và an ninh, có kinh nghiệm thực tiễn ở nhiều vị trí khác nhau. Trên cơ sở nội dung, chương trình quy định, giảng viên được phân công giảng dạy phải chuẩn bị thật chu đáo về kiến thức và phương pháp, kỹ năng “đứng lớp”, nhất là kỹ năng sư phạm, phương pháp truyền thụ khoa học. Để phát huy trí tuệ tập thể vào từng nội dung bài giảng, ngoài việc thông qua tổ bộ môn và khoa, giảng viên cần tiếp thu ý kiến của hệ quản lý học viên, cơ quan liên quan, ý kiến rút kinh nghiệm của Ban Giám hiệu Nhà trường và Ban Giám đốc Trung tâm, kịp thời bổ sung khiếm khuyết, hoàn chỉnh phương pháp, nội dung được phân công. Cùng với đó, cần bảo đảm đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, nghiên cứu của học viên và giảng dạy của giảng viênnhằm bổ sung và làm phong phú thêm những nội dung của bài giảng, tạo sự hứng thú, kích thích tìm tòi, nghiên cứu của học viên. Giáo viên và cán bộ quản lý phải luôn sâu sát bám nắm tình hình, hiểu rõ điểm yếu, điểm mạnh và kết quả hoạt động học tập của sinh viên. Quan tâm nắm chắc hoàn cảnh gia đình của sinh viên để tham mưu đề xuất với Nhà trường giúp đỡ sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, chia sẻ một phần khó khăn trong học tập của họ.

Ba là, thường xuyên bổ sung hoàn chỉnh nội dung, chương trình, tài liệu giảng dạy. Trên cơ sở chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh dành cho sinh viên đại học, cao đẳng theo Thông tư số 03/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số 05/2020/TT- BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh; Thông tư số 08/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 27/02/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về ban hành chương trình, giáo trình giáo dục quốc phòng và an ninh dùng cho trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề, cần chủ động tổng hợp, cập nhật các nội dung về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh,... đưa vào chương trình giáo dục bảo đảm thực hiện thống nhất, sát với thực tiễn; sử dụng nhiều nguồn tư liệu gốc, kết hợp liên hệ thực tiễn tình hình thế giới, đất nước và của địa phương để minh chứng cho cơ sở lý luận. Về nội dung, cần chú trọng bảo đảm cân đối giữa kiến thức giới thiệu của giảng viên lên lớp với bố trí thời gian trao đổi, thảo luận hợp lý để kịp thời nắm bắt và giải quyết những vấn đề vướng mắc của sinh viên. Cùng với việc sử dụng phương pháp mệnh lệnh, kế hoạch, cần bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ giáo viên trong Nhà trường sử dụng nhuần nhuyễn các phương pháp giảng dạy đảm bảo tính thuyết phục người học. Qua đó, khắc phục mặt hạn chế của phương pháp mệnh lệnh, kế hoạch trong hoạt động quản lý, giảng dạy trong môi trường hoạt động quân sự. Đồng thời, cần phân bố lại thời gian môn học theo hướng tăng thời gian huấn luyện kỹ năng thực hành, các hoạt động bổ trợ, nhất là tham quan, học tập tại các đơn vị Quân đội. Đi đôi với đổi mới nội dung, chương trình giảng dạy, cần đổi mới nội dung tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh.

Bốn là, tăng cường đầu tư bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo kịp sự phát triển thực tiễn. Để đáp ứng yêu cầu phát triển và đặc thù môn học, cần tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ, tiến tới chuẩn hóa, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các mặt bảo đảm khác, cho sinh viên thực sự được trải nghiệm môi trường quân sự. Trước mắt, cần tập trung đảm bảo nguồn ngân sách, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hệ thống đường truyền tích hợp, liên kết thông minh, trường bắn ảo, thư viện điện tử và nâng cấp các phòng học chuyên dùng, phòng máy tính, trang thiết bị hiện đại, bảo đảm đủ giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, học tập, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên. Đặc biệt, cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu bảo đảm tốt trang thiết bị, nhất là vũ khí, đạn, tổ chức bắn đạn thật hoặc trường bắn ảo cho 100% sinh viên để rèn luyện bản lĩnh, tâm lý và đánh giá kết quả môn học. Chủ động xây dựng các phần mềm tiện ích có kết nối internet phục vụ giảng dạy trực tuyến trong điều kiện dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tự học, tự nghiên cứu, kiểm tra, thi để nâng cao chất lượng học tập môn học. Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ hợp lý đối với đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; xem xét miễn học phí môn học này đối với học sinh, sinh viên.

Giải quyết tốt những vấn đề nêu trên sẽ thiết thực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên ở Trường Quân sự Quân khu 7, cũng như nhận thức, trách nhiệm của họ đối với sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tá, ThS. PHẠM VĂN NÔNG, Phó trưởng khoa Quân sự địa phương
Trường Quân sự Quân khu 7

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...