Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 12/10/2015, 07:09 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh Lai Châu thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương
Phổ biến, giáo dục pháp luật ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lai Châu. (Ảnh: bqp.vn)

Nằm ở cửa ngõ phía Tây Bắc của Tổ quốc, Lai Châu có vị trí chiến lược về quốc phòng - an ninh trong thế trận phòng thủ chung của Quân khu 2 và cả nước. Nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ, những năm qua, lực lượng vũ trang Lai Châu đã phát huy vai trò nòng cốt cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong Tỉnh thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương và tạo được sự chuyển biến toàn diện, đều khắp trên các địa bàn. Qua đó, tạo nền tảng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân, góp phần ổn định chính trị địa bàn, tạo môi trường thuận lợi đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Trước hết, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tập trung tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Theo đó, hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp được kiện toàn về tổ chức, bổ sung, hoàn chỉnh quy chế hoạt động; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc thực hiện công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh chặt chẽ, đúng quy định. Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh với chức năng là cơ quan thường trực của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh, chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp chủ động phối hợp với các ban, ngành có liên quan rà soát, phân loại các đối tượng, xây dựng kế hoạch tổ chức giáo dục, bồi dưỡng theo phân cấp, không để sót đối tượng. Quá trình thực hiện, căn cứ vào đặc điểm địa bàn, đối tượng giáo dục, Tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng theo hướng cập nhật thực tiễn, sát với tình hình nhiệm vụ quốc phòng - an ninh của địa phương. Do Lai Châu có diện tích rộng, mật độ dân cư thấp, giao thông đi lại khó khăn,... nên việc giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên và toàn dân đòi hỏi công phu và có cách làm phù hợp. Để khắc phục tình trạng này, Tỉnh chủ trương tăng cường tổ chức lớp bồi dưỡng ở tại các địa phương, cơ sở. Thực hiện chủ trương đó, Tỉnh mở hàng chục lớp tập huấn về kiến thức quốc phòng và an ninh cho hàng nghìn cán bộ, giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên để làm nhân cốt trong giáo dục, tuyên truyền ở cơ sở. Đặc biệt, Tỉnh mở rộng đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh là già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín trong đồng bào dân tộc. Cách làm trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và toàn dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự. Năm 2014, Tỉnh đã tổ chức 42 lớp tập huấn kiến thức quốc phòng và an ninh cho 7.514 cán bộ quản lý, giáo viên kiêm nhiệm, báo cáo viên, tuyên truyền viên; 89 lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 5.027 lượt cán bộ thuộc các đối tượng1; phối hợp giáo dục quốc phòng và an ninh cho 8.906 học sinh, sinh viên và hoàn thành 100% kế hoạch giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn là vấn đề luôn được Tỉnh quan tâm thực hiện, nhằm đẩy mạnh  xây dựng khu vực phòng thủ có chiều sâu, ngày càng vững chắc. Đây là nội dung rất quan trọng đối với Lai Châu - một Tỉnh miền núi, biên giới và nằm kề bên “hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng”, nên vừa có thể tận dụng được lợi thế, tiềm năng để phát triển, vừa phải đối mặt với những thách thức về quốc phòng - an ninh. Vì thế, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã coi trọng tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện tốt việc gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh trên từng địa bàn, nhất là ở khu vực biên giới, khu kinh tế cửa khẩu và trong các chương trình, dự án lớn. Điều đáng nói là, các chủ trương, nội dung, biện pháp kết hợp đều được xác định và cụ thể hóa trong các chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh trong cả nhiệm kỳ, từng năm, giai đoạn và trong quy hoạch, kế hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trên cơ sở đó, các cấp, ngành, địa phương triển khai việc kết hợp này trong từng ngành, lĩnh vực, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn, như: thủy điện, kinh tế rừng, v.v. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Tỉnh, lực lượng vũ trang Tỉnh đã phát huy vai trò nòng cốt triển khai thực hiện hiệu quả nhiều dự án kết hợp phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn, nhất là các dự án phát triển kinh tế gắn với xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh của Đoàn kinh tế - quốc phòng 356. Cơ quan quân sự các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng: Công an, Biên phòng thực hiện tốt chức năng thẩm định và tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh phê duyệt các dự án phát triển kinh tế - xã hội, không để xảy ra hiện tượng chạy theo lợi ích kinh tế đơn thuần. Nhờ vậy, các công trình trọng điểm, như: khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, các công trình thủy điện (Lai Châu, Bản Chát, Huội Quảng), các khu chế biến, cơ sở hạ tầng nội thị, các điểm (cụm) dân cư,… đều đáp ứng tốt yêu cầu về quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, hệ thống đường giao thông, bưu chính viễn thông, kênh mương nội đồng, mạng lưới y tế đều được Tỉnh quy hoạch, xây dựng mang tính lưỡng dụng, vừa phục vụ phát triển đời sống dân sinh, vừa phục vụ nhiệm vụ quốc phòng khi có tình huống xảy ra. Đối với kinh tế rừng, Tỉnh chỉ đạo phát triển theo hướng: chuyển từ khai thác là chủ yếu sang kết hợp giữa khoanh nuôi, tái sinh, bảo vệ rừng tự nhiên với triển khai các dự án trồng rừng mới, nhằm tăng độ che phủ, tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân; đồng thời, bảo đảm giữ bí mật trong cơ động triển khai lực lượng, phương tiện chiến đấu khi cần thiết. Bên cạnh đó, trên cơ sở khảo sát toàn diện địa bàn, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện “Đề án xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ” phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong đó, trọng tâm là: xây dựng các trận địa phòng không, cụm điểm tựa phòng ngự trên hướng biên giới, thao trường kỹ thuật tổng hợp và một số công trình trong căn cứ chiến đấu, căn cứ hậu phương,… góp phần tạo lập thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc trên từng hướng, địa bàn đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống.

Cùng với các nội dung trên, Tỉnh thường xuyên quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Trước hết, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung kiện toàn tổ chức biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng; trong đó, ưu tiêu bảo đảm quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, nhiệm vụ A2 và trên tuyến biên giới. Trên cơ sở đó, tập trung xây dựng lực lượng thường trực, lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Theo đó, các đơn vị bộ đội thường trực được xây dựng theo hướng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo đảm không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Quá trình thực hiện, Tỉnh chú trọng gắn giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự với xây dựng nền nếp chính quy, rèn luyện kỷ luật, duy trì và chấp hành nghiêm các chế độ quy định về sẵn sàng chiến đấu, tạo sức chiến đấu mới cho cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đối với lực lượng dân quân tự vệ, Tỉnh thực hiện xây dựng theo phương châm “vững mạnh, rộng khắp”, có cơ cấu, thành phần hợp lý, phù hợp với đặc điểm địa bàn; coi trọng việc nâng cao độ tin cậy về chính trị. Những năm gần đây, Tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng lực lượng dân quân tự vệ của Tỉnh giai đoạn 2011 - 2015 và những năm tiếp theo; kế hoạch bồi dưỡng, phát triển Đảng trong lực lượng dân quân tự vệ. Đến nay, toàn Tỉnh có 231 cơ sở dân quân tự vệ (tăng 13 cơ sở so với năm 2010); tỷ lệ dân quân tự vệ của Tỉnh đạt 2,46% so với số dân; tỷ lệ đảng viên đạt 16,84% (tăng 6,15% so với năm 2013). Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Tỉnh tổ chức đào tạo và cử đi đào tạo được 222 cán bộ chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, trị trấn. Vì thế, số cán bộ quân sự cấp xã có trình độ trung cấp quân sự trở lên đạt 89,8%; trong đó, 106 đồng chí cơ cấu vào cấp ủy, thành viên ủy ban, 26 đồng chí được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương. Công tác xây dựng lực lượng dự bị động viên thực hiện ngày càng nền nếp. Việc đăng ký, quản lý, sắp xếp, bố trí lực lượng này bảo đảm chặt chẽ theo hướng gần, gọn địa bàn, tiện huy động xử lý các tình huống. Hiện nay, quân nhân dự bị của Tỉnh được sắp xếp vào các đơn vị theo biên chế đạt 82% (các đơn vị của Tỉnh đạt 100%); đúng và gần đúng chuyên nghiệp quân sự đạt 91%, phương tiện kỹ thuật xếp đạt 100%.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời rà soát, bổ sung các kế hoạch, phương án tác chiến sát thực tiễn và tổ chức luyện tập, diễn tập đúng quy định, gắn với duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động ứng phó giảm nhẹ thiên tai trên địa bàn. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an (theo Nghị định 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ), Bộ đội Biên phòng (theo Quy chế 92/QC giữa Bộ Tư lệnh Quân khu với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), nhằm tăng cường trao đổi thông tin, tổ chức tuần tra, nắm, quản lý chắc tình hình biên giới, nội địa, kiên quyết không để bị động, bất ngờ. Đồng thời, lực lượng vũ trang còn đẩy mạnh công tác dân vận: đã tham gia tu sửa, làm mới trên 80km đường giao thông nông thôn, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở củng cố 31 chi bộ thôn, bản, 17 tổ chức đoàn thể; huy động trên 07 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn… Những kết quả trên đã góp phần củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, giữ vững ổn định chính trị địa bàn vùng Tây Bắc Tổ quốc.

Đại tá PHẠM QUANG NGÂN, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự  Tỉnh

_____________________

1 - Đối tượng 2: 01 lớp/51 người; Đối tượng 3: 08 lớp/456 người, Đối tượng 4: 75 lớp/4.261 người, già làng 05 lớp/258 người.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...