Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 14/08/2023, 07:53 (GMT+7)
Lực lượng vũ trang tỉnh An Giang phát huy vai trò nòng cốt trong giáo dục quốc phòng và an ninh

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của đồng bằng sông Cửu Long, với gần 100km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh,... tỉnh An Giang giữ vị trí quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại.  Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trong Tỉnh luôn đoàn kết, thống nhất, giữ ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội lên một bước mới; các chính sách an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh, đối ngoại được củng cố, tăng cường, v.v. Tỉnh đã có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận1; có 51,26% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Chương trình sớm hơn 01 năm so với lộ trình kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, cùng với kết quả đạt được, tình hình vượt biên, nhập biên, mua bán người trái phép, buôn lậu, vận chuyển ma túy, vi phạm quy chế quản lý biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp; các cụm bè cá (hiện nay có 159 bè) của người Campuchia gốc Việt đang neo đậu đối diện biên giới trong thời gian dài, có nguy cơ gây mất an ninh, trật tự, an toàn khu vực biên giới. Các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội chính trị, cực đoan có nhiều hoạt động tuyên truyền, xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Tình hình thiên tai, dịch bệnh,... diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân và hoạt động của lực lượng vũ trang. Để khắc phục những khó khăn, thách thức trên, Đảng ủy Quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng vũ trang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; trong đó, phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh là giải pháp quan trọng hàng đầu.

Quán triệt Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; Nghị định số 13/2014/NĐ-CP, Nghị định số 139/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật mới về giáo dục quốc phòng và an ninh,… hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh ban hành nghị quyết, các văn bản quy phạm pháp luật về giao chỉ tiêu, cập nhật bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng; giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên trong hệ thống các nhà trường2. Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh đúng, đủ thành phần; các địa phương tích cực củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh cùng cấp, nhất là khi có thay đổi cán bộ chủ trì; duy trì hoạt động theo quy chế; tổ chức khảo sát, phân cấp quản lý các đối tượng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với địa phương, đơn vị. Đồng thời, triển khai kế hoạch phân công báo cáo viên đảm nhiệm các chuyên đề bồi dưỡng, cập nhật bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng đến các sở, ngành, Quân sự, Công an, Biên phòng,… thực hiện thống nhất trên địa bàn Tỉnh. Cùng với đó, tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp tổ chức kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh theo kế hoạch đã xác định. Vì vậy, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Tỉnh được tiến hành có nền nếp, phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng, ra sức thực hiện hiệu quả công tác quốc phòng, quân sự.

Thủ trưởng Bộ Chỉ huy quân sự Tỉnh trao giấy chứng nhận hoàn thành chương trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh chức sắc, chức việc tôn giáo năm 2023

Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng chặt chẽ, hiệu quả ở cả 3 cấp3. Hằng năm, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp Sở Nội vụ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy rà soát, nắm chắc cán bộ trong diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, nhất là cán bộ mới được đề bạt, bổ nhiệm. Trên cơ sở đó, tham mưu cho Tỉnh ủy cử cán bộ thuộc đối tượng 1, 2 tham gia các lớp bồi dưỡng do Trung ương và Quân khu tổ chức. Với đối tượng 3, Tỉnh xây dựng kế hoạch, giao chỉ tiêu và thông báo sớm cho các địa phương, cơ quan, đơn vị để tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ cán bộ sắp xếp công việc, bố trí thời gian tham gia học tập đầy đủ. Chỉ đạo các địa phương tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 4 phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Nhờ làm tốt công tác quan trọng này, đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh; nắm chắc âm mưu thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, phát huy vai trò nêu gương, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

An Giang là địa phương có nhiều tôn giáo khác nhau cùng tồn tại4, với 529 cơ sở thờ tự, 583 chức sắc, nhà tu hành, 3.359 chức việc và tu sĩ; 6 trung tâm tôn giáo5; với gần 1,8 triệu tín đồ (chiếm 78% dân số toàn Tỉnh). Trước thực trạng đó, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tham mưu cho Tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động phối hợp với các tổ chức tôn giáo, mở rộng đối tượng bồi dưỡng là các chức chắc, chức việc tôn giáo, chủ các cơ sở thờ tự, người có uy tín trong tín đồ tôn giáo trên từng địa bàn,… nhất là các địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới. Nội dung bồi dưỡng tập trung làm rõ Chỉ thị số 18-CT/TW, ngày 10/01/2018 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) về công tác tôn giáo trong tình hình mới”; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016; chủ trương, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chính sách dân tộc, tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Đồng thời, làm sâu sắc hơn về âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” để chống phá cách mạng nước ta. Qua đó, giúp họ nhận thức rõ hơn về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước; hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, để lồng ghép vào quá trình hành đạo, tuyên truyền, giáo dục cho tín đồ không bị các phần tử xấu kích động, lôi kéo, xúi giục chống phá cách mạng.

Học sinh, sinh viên là nguồn nhân lực quan trọng của đất nước, song đây cũng là lực lượng dễ bị kẻ xấu lợi dụng, xúi giục hoạt động gây mất an ninh, trật tự địa bàn, do vậy, Tỉnh chú trọng giáo dục quốc phòng và an ninh cho lực lượng này. Với vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường, cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn chủ động thống nhất nội dung, chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh phù hợp với đặc thù nhà trường và đối tượng học sinh, sinh viên. Trước mỗi năm học, các nhà trường, cơ sở giáo dục tiến hành rà soát, biên chế giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng thời tích cực tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh đúng, đủ theo quy định6. Quá trình giảng dạy, Tỉnh yêu cầu thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp, chú trọng ứng dụng công nghệ trình chiếu, giáo án điện tử,… để nâng cao chất lượng bài giảng. Ngoài các nội dung theo chương trình chung, Tỉnh chỉ đạo bổ sung các nội dung về truyền thống cách mạng của địa phương, chủ quyền biên giới, biển, đảo, vùng đất và con người Tây Nam Bộ vào bài giảng; tổ chức tham quan di tích lịch sử, nhà truyền thống, v.v. Nhờ đó, học sinh, sinh viên nắm được quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng và an ninh, nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; có kiến thức cơ bản và kỹ năng quân sự. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, sẵn sàng tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự bảo vệ Tổ quốc.

Hiện nay, cơ quan hành chính An Giang gồm 11 đơn vị hành chính cấp huyện; 156 đơn vị cấp xã, 879 khóm, ấp, trong đó có 18 xã, phường, thị trấn biên giới và 69 xã, phường, thị trấn trọng điểm về quốc phòng, an ninh.  Vì vậy, đẩy mạnh phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân là nội dung luôn được Tỉnh coi trọng . Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu cho Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch, ký kết quy chế, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: hệ thống đài truyền thanh địa phương, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Báo An Giang. Từ đầu năm 2022 đến nay, Chuyên mục Quốc phòng toàn dân phát hình được 72 kỳ; có trên 3.300 lượt tin, bài, phóng sự, hình ảnh được đăng tải và phát sóng trong chương trình thời sự, phát thanh, báo, Cổng thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, báo, đài của Quân khu và Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, v.v. Đặc biệt, Đài truyền thanh các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn đã tích cực đổi mới nội dung, hình thức, xây dựng được chuyên mục giáo dục quốc phòng và an ninh phát bằng 02 thứ tiếng (Kinh, Khmer) mỗi tuần 02 kỳ, thời lượng phát từ 10 - 15 phút/kỳ. Ngoài ra, Tỉnh chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị lồng ghép các hoạt động công tác quân sự, quốc phòng của lực lượng vũ trang Tỉnh trên các bản tin, báo, đài địa phương và các đợt sinh hoạt chính trị được hơn 3.400 cuộc, với gần 145.000 lượt người dự nghe. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của công dân trong việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc.

Những kết quả đạt được trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh thời gian qua góp phần quan trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân vững mạnh; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để Tỉnh phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Đại tá THẠCH THANH TÚ, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh
_________________

1 - Gồm: huyện Thoại Sơn, thành phố Châu Đốc và Long Xuyên.

2 - Từ đầu năm 2022 đến nay, Tỉnh đã ban hành 68 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh.

3 - Năm 2022, Tỉnh bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được 90 lớp, 5.921 người tham gia, đạt 99,37%.

4 - Gồm: Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Công giáo, Tin Lành, Tịnh Độ Cư sĩ, Tứ ân hiếu nghĩa, Hồi giáo, Bửu sơn Kỳ Hương, Bà La Môn, Minh Lý Đạo, Minh Sư Đạo, Baha'i giáo.

5 - Gồm: Trụ sở Tòa giám mục Giáo phận Long Xuyên, Văn phòng Ban Trị sự Trung ương Phật giáo Hòa Hảo, Văn phòng Ban Vận động Tứ ân hiếu nghĩa, Văn phòng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Tỉnh và Bửu sơn Kỳ hương.

6 - Hiện nay, có 118/122 giáo viên, đạt 96,7%; 61 giáo viên được đào tạo dài hạn; 57 giáo viên đào tạo ngắn hạn.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...