Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:47 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Là đơn vị vận tải chiến lược thuộc Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần, Lữ đoàn 972 có nhiệm vụ vận chuyển vật chất hậu cần, binh khí kỹ thuật, cơ động lực lượng cho các đơn vị khu vực phía Nam; tham gia cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai và sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ đột xuất trên giao. Hằng năm, Lữ đoàn phải vận chuyển khối lượng hàng hóa lớn, đa dạng về chủng loại, nhiều loại có nguy cơ cháy, nổ, mất an toàn cao; lực lượng, phương tiện thường xuyên hoạt động phân tán, dài ngày, cường độ cao, trên địa bàn rộng. Trong khi đó, trang bị, phương tiện vận tải của Đơn vị phần lớn đã sử dụng lâu năm, sửa chữa nhiều lần, thiếu đồng bộ; trình độ, tay nghề của đội ngũ lái xe, thuyền viên, nhân viên chuyên môn kỹ thuật không đồng đều, v.v. Những đặc điểm trên tác động không nhỏ đến tư tưởng, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội; thường trực, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của Lữ đoàn. Ý thức rõ thuận lợi, khó khăn, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo đồng bộ nhằm xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện; trong đó, công tác giáo dục pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông được xác định là một nội dung quan trọng.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác giáo dục pháp luật, bảo đảm an toàn giao thông. Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, hằng năm, Đảng ủy Lữ đoàn và các cấp ủy, chi bộ đều xây dựng nghị quyết lãnh đạo chuyên đề, người chỉ huy cụ thể hóa xây dựng kế hoạch thực hiện. Quá trình triển khai, Lữ đoàn đã có nhiều biện pháp quán triệt, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm cho các đối tượng về chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và bảo đảm an toàn giao thông; tập trung quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về vấn đề này. Tiêu biểu như: Chỉ thị 18-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông”; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định 107/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định 24/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Nghị quyết 437-NQ/ĐU của Đảng ủy Cục Vận tải về “Tăng cường giáo dục pháp luật; quản lý, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn đơn vị và an toàn giao thông”, v.v.
Với phương châm “thiết thực, hiệu quả”, Lữ đoàn bám sát hướng dẫn của trên, chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật cho các đối tượng theo quy định. Đồng thời, lựa chọn, bổ sung những chuyên đề phù hợp với chức năng của từng đơn vị, như: vận tải bộ, vận tải thủy, vận tải đường sắt, hệ thống kho, trạm; tổ chức học tập chuyên sâu các bộ luật, quy định chuyên ngành phù hợp. Ngoài ra, Lữ đoàn coi trọng tổ chức học tập Điều lệ Công tác vận tải Quân đội nhân dân Việt Nam; Điều lệ Công tác tàu thuyền quân sự; các quy định về bảo đảm bí mật, an toàn, nhất là phòng, chống cháy nổ. Việc học tập được tiến hành theo phân cấp và vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng đơn vị. Để tạo sức hấp dẫn, tránh nhàm chán, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, Lữ đoàn tích cực đổi mới hình thức, phương pháp giáo dục; kết hợp giữa quán triệt, giáo dục tập trung với tổ chức thông tin chuyên đề, lồng ghép nội dung giáo dục, phổ biến pháp luật trong các hội thi, hội thao, sân khấu hóa; phát huy các thiết chế văn hóa ở đơn vị cơ sở, nhất là phòng Hồ Chí Minh, tủ sách pháp luật, v.v. Thời gian gần đây, Lữ đoàn đã thực hiện “tin học hóa” các câu hỏi pháp luật, xây dựng hệ thống trắc nghiệm trực quan, sử dụng trong các hội thi, hội thao và kiểm tra thường xuyên đối với lái xe, thuyền viên, góp phần nâng cao chất lượng nội dung quan trọng này.
Trong điều kiện giao thông phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như hiện nay, cùng với nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, công tác an toàn vận tải phụ thuộc rất lớn vào trình độ tổ chức, chỉ huy, tay nghề của đội ngũ cán bộ, lái xe, thuyền viên. Vì vậy, Lữ đoàn luôn coi trọng kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật với bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ này, xác định đây là một trong những công tác trọng tâm, đảm bảo cho Đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Theo đó, Lữ đoàn duy trì nghiêm nền nếp chế độ huấn luyện, với phương châm: huấn luyện toàn diện, nhưng chuyên sâu, có trọng tâm, trọng điểm; gắn huấn luyện chuyên ngành với huấn luyện quân sự; tăng cường huấn luyện bảo đảm an toàn giao thông; huấn luyện, diễn tập cơ động, giải tỏa nhanh hàng hóa, bảo đảm vận tải trong chiến tranh công nghệ cao. Với đối tượng là cán bộ, chỉ huy, Lữ đoàn tập trung bồi dưỡng nâng cao năng lực tham mưu, trình độ quản lý, chỉ huy điều hành vận tải. Với đội ngũ lái xe, thuyền viên, thợ kỹ thuật, Lữ đoàn coi trọng huấn luyện thực hành, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng làm chủ khai thác, sử dụng, bảo dưỡng, nhất là các phương tiện thế hệ mới, v.v. Đặc biệt, Lữ đoàn hết sức coi trọng việc bổ túc nâng cao tay nghề, tay lái cho đội ngũ lái xe, thuyền viên, thợ kỹ thuật mới ra trường và những đồng chí chuyên môn còn hạn chế. Một biện pháp mà Lữ đoàn thực hiện hiệu quả là thành lập các tổ chuyên trách gồm những thợ kỹ thuật giỏi, lái xe giàu kinh nghiệm cùng chỉ huy các cấp hướng dẫn cách xử trí tình huống, sửa chữa các hỏng hóc trực tiếp trên phương tiện vận tải khi ở ngoài đơn vị, trong điều kiện khó khăn, bảo đảm cho đội ngũ lái xe, thuyền viên đều tự sửa chữa được những hư hỏng thông thường khi cần thiết. Cùng với đó, Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng hội thao, hội thi, tổ chức thi nâng bậc, kiểm tra tay nghề kỹ thuật, trao đổi, rút kinh nghiệm sau mỗi nhiệm vụ vận chuyển, v.v. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Lữ đoàn trưởng thành nhanh, vững vàng về chuyên môn, đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị đảm nhiệm.
Trước thực tế phương tiện vận tải đã qua nhiều năm khai thác, sử dụng, tính đồng bộ, ổn định không cao, Lữ đoàn luôn chú trọng làm tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho xe máy, tàu thuyền, thực hiện công tác kỹ thuật đi trước một bước trong mọi nhiệm vụ. Những năm qua, Lữ đoàn quán triệt, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 382-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới” và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”. Các chế độ, nền nếp công tác kỹ thuật, bảo quản, bảo dưỡng được duy trì nghiêm túc, thường xuyên, trở thành ý thức, thói quen tự giác của từng tập thể, cá nhân. Đồng thời, chú trọng đầu tư nâng cao năng lực, chất lượng sửa chữa tại Đơn vị, nâng cao hệ số kỹ thuật của xe máy, trang bị, khí tài; phát huy hiệu quả “Giờ Kỹ thuật” trong ngày, “Ngày Kỹ thuật” trong tuần, “Ngày Hội kỹ thuật” trong quý. Mặt khác, Lữ đoàn luôn động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ phát huy sáng kiến, ứng dụng cải tiến kỹ thuật tăng hạn sử dụng, kéo dài tuổi thọ xe máy, tàu thuyền, trang bị kỹ thuật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định kỹ thuật, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn ở các cấp. Ngoài nội dung kiểm tra, bảo quản, bảo dưỡng xe, máy, chỉ huy các đơn vị còn kết hợp tổ chức cho bộ đội xem những băng đĩa hình có nội dung liên quan đến an toàn giao thông. Qua đó, phân tích những tình huống cụ thể giúp đội ngũ lái xe, thuyền viên rút kinh nghiệm xử lý tình huống trong quá trình tham gia giao thông. Các đơn vị duy trì nghiêm nền nếp kiểm tra kỹ thuật của phương tiện trước, trong và sau khi đi làm nhiệm vụ với phương châm: công tác bảo đảm an toàn phải luôn đặt lên hàng đầu. Nhờ đó, các phương tiện vận tải và vũ khí, trang bị kỹ thuật do Lữ đoàn quản lý, khai thác và sử dụng luôn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất, sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ trong mọi tình huống.
Để nâng cao hiệu quả, Lữ đoàn tổ chức lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ vận tải một cách chặt chẽ, khoa học. Đối với mỗi nhiệm vụ, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị xây dựng kế hoạch vận tải phù hợp, trong đó tính toán kỹ các cung trạm, nghỉ ngắn, nghỉ dài, vị trí chỉ huy, đội hình, tốc độ hành quân; lựa chọn đội ngũ lái xe, thuyền viên, nhân viên kỹ thuật phục vụ đủ sức đảm nhiệm được nhiệm vụ. Đối với các nhiệm vụ khó khăn, dài ngày, giao cho cán bộ, đảng viên, lái xe, thuyền viên có kinh nghiệm lâu năm đảm nhiệm. Những đồng chí mới vào nghề, hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn được tạo thuận lợi tham gia những chuyến công tác ngắn ngày để tích lũy kinh nghiệm. Đồng thời, duy trì nghiêm quy định: đội ngũ lái xe, lái tàu phải chuẩn bị đủ giấy tờ, không uống rượu, bia và có sức khỏe tốt khi tham gia giao thông. Quá trình tổ chức vận chuyển, người chỉ huy luôn duy trì nghiêm kỷ luật hành quân, trú quân; thực hiện đúng quy định về đội hình, tốc độ, cự ly, thời gian dừng nghỉ; đôn đốc, nhắc nhở các lực lượng về khó khăn, thuận lợi và đặc điểm của mỗi cung, chặng giao thông, v.v. Đồng thời, tổ chức tốt đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo sức khỏe cho bộ đội; giải quyết hài hòa các mối quan hệ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong quá trình tham gia giao thông. Kết thúc mỗi nhiệm vụ đều tổ chức rút kinh nghiệm, chỉ ra ưu điểm để phát huy, hạn chế để khắc phục; kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến; lấy đó làm tiêu chí quan trọng để bình xét thi đua cá nhân và tập thể cuối năm. Bằng các biện pháp cụ thể đó, 06 tháng đầu năm 2019, Lữ đoàn đã vận chuyển được 13.500 tấn hàng hóa các loại, sản lượng đạt 1.922.325T.km,… hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch vận tải thường xuyên và đột xuất, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Những kết quả đạt được là động lực để Lữ đoàn tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đơn vị vận tải “chính quy - an toàn - hiệu quả”, “vững mạnh toàn diện”, xứng đáng là đơn vị vận tải chiến lược, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đại tá TRẦN BÍCH SƠN, Lữ đoàn trưởng
Lữ đoàn Vận tải 972,giáo dục pháp luật,an toàn giao thông
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh