Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 28/11/2016, 07:58 (GMT+7)
Lữ đoàn Phòng hóa 86 gắn giáo dục pháp luật với quản lý kỷ luật bộ đội

Là đơn vị chủ lực của Binh chủng Hóa học, Lữ đoàn Phòng hóa 86 có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu; khắc phục sự cố hóa chất, độc xạ, phòng chống khủng bố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và thực hiện nhiệm vụ đột xuất khác. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, Lữ đoàn luôn coi trọng nâng cao chất lượng các mặt công tác, đẩy mạnh xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, xây dựng tổ chức, con người vững mạnh. Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ của Đơn vị còn có những khó khăn, như: nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu đòi hỏi cao, trong khi tổ chức biên chế, quân số không tăng, có thời điểm vắng, thiếu; đội ngũ cán bộ thường xuyên biến động, hoàn cảnh gia đình của một số cán bộ còn khó khăn; kinh phí bảo đảm cho các hoạt động của Đơn vị hạn hẹp; tình hình an ninh chính trị trên địa bàn đóng quân diễn biến phức tạp, nhất là các tệ nạn xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch, v.v. Điều đó tác động trực tiếp đến nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ.

Nhận rõ đặc điểm này, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, gắn công tác giáo dục pháp luật với tăng cường quản lý kỷ luật, nhằm tạo chuyển biến vững chắc cả về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ.

Để triển khai thực hiện tốt mặt công tác này, trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Chỉ thị 63/2008/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc “Triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội nhân dân và lực lượng dự bị động viên, dân quân tự vệ”; Chỉ thị 04/CT-BQP của Bộ Quốc phòng về việc “Tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam” và các chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch của Binh chủng về công tác giáo dục pháp luật. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục chính trị, quán triệt nhiệm vụ; qua đó, xây dựng bản lĩnh chính trị, ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho bộ đội; đấu tranh ngăn chặn những biểu hiện nhận thức lệch lạc, hành vi tiêu cực, vi phạm kỷ luật và tư cách người quân nhân cách mạng. Đảng ủy Lữ đoàn đã xây dựng nghị quyết chuyên đề về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng quản lý rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy”; chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp đã cụ thể hóa, đưa vào chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; phát huy vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị và các tổ chức quần chúng, bảo đảm cho nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tình hình kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ Đơn vị.

Do phải đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, tính chất độc hại, nguy hiểm, nên Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn yêu cầu, khi xây dựng kế hoạch giáo dục pháp luật, các đơn vị phải chú trọng lựa chọn nội dung cụ thể, sát với từng đối tượng, nhất là đơn vị làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, chống khủng bố, huấn luyện chiến sĩ mới, nơi dễ phát sinh tiêu cực. Thực hiện sự chỉ đạo của Lữ đoàn, các đơn vị đã thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ quán triệt, học tập những văn bản quy phạm pháp luật, các quy định mới được sửa đổi, bổ sung, thay thế; chú trọng các quy định liên quan trực tiếp đến quốc phòng, an ninh, như: Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2015, Luật Phòng, chống ma túy năm 2013, Pháp lệnh Phòng, chống tội phạm kinh tế và phòng, chống vi phạm, tội phạm xâm phạm chế độ quản lý vũ khí, trang bị, vật liệu nổ trong Quân đội; những nội dung cơ bản của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự và trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Thi hành án dân sự; Luật Giao thông đường bộ; Luật Phòng, chống tham nhũng; Quyết định 04/QĐHN-BQP, ngày 05-6-2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Quy định về xử lý kỷ luật đối với những hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”, v.v. Đồng thời, bổ sung thêm một số nội dung quy định của Lữ đoàn liên quan đến công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo quản vũ khí, trang bị đặc chủng, quản lý bộ đội, xây dựng nếp sống chính quy, chấp hành kỷ luật của bộ đội. Để việc học tập có hiệu quả, trong mỗi chuyên đề giáo dục pháp luật, giáo viên, báo cáo viên đã kịp thời thông tin về tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của đơn vị; phân tích làm rõ lợi ích của việc tôn trọng, tuân thủ, chấp hành pháp luật, kỷ luật; nêu gương “người tốt, việc tốt”, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, kỷ luật,… làm cho các nội dung pháp luật thấm sâu vào từng cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị luôn chú trọng tăng cường công tác quản lý bộ đội, nhất là trong các ngày nghỉ, giờ nghỉ, các dịp lễ, Tết, khi bộ đội chuẩn bị xuất ngũ,… nắm vững những trường hợp cá biệt để có biện pháp giáo dục phù hợp. Đặc biệt, với những đồng chí hay vi phạm, chấp hành kỷ luật không nghiêm, đơn vị tổ chức gặp gỡ, phân tích, làm rõ trách nhiệm của quân nhân trong việc chấp hành kỷ luật để họ tự giác chấp hành, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao giữa cán bộ với chiến sĩ, cấp trên với cấp dưới.

Để công tác giáo dục pháp luật có sức thu hút, không bị khô cứng, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị phải thường xuyên đổi mới phương pháp, cách thức tiến hành, đảm bảo hiệu quả, thiết thực. Tùy theo điều kiện của từng đơn vị, có thể tổ chức lên lớp tập trung hoặc lồng ghép trong các buổi lên lớp chính trị, thông báo thời sự. Lữ đoàn còn tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền khác, như: thi tìm hiểu pháp luật, kể chuyện pháp luật; hội thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi; tọa đàm, diễn đàn, giao lưu văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ, bảng tin của đơn vị để cập nhật thường xuyên kiến thức pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ. “Ngày Pháp luật” ở các đơn vị được Lữ đoàn triển khai thực hiện và duy trì có nền nếp (mỗi tháng 1 lần) với nội dung đa dạng, phong phú, hấp dẫn; tập trung vào quán triệt các văn bản pháp luật, chỉ thị, hướng dẫn của trên liên quan đến việc chấp hành kỷ luật của bộ đội, nhiệm vụ của đơn vị; thông báo tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật trong Quân đội và đơn vị; trao đổi, thảo luận về các nội dung pháp luật; kết hợp với kiểm tra nhận thức của cán bộ, chiến sĩ về chấp hành pháp luật, kỷ luật và các quy định của đơn vị. Nét nổi bật là, Lữ đoàn đã tổ chức các hoạt động “sân khấu hóa” Ngày Pháp luật để giáo dục pháp luật cho bộ đội. Về hình thức, lấy đầu mối đại đội và tương đương là đơn vị tổ chức thực hiện. Phương pháp tiến hành, tổ chức dàn dựng các tiểu phẩm để biểu diễn cho bộ đội xem. Nội dung xoay quanh các vấn đề giáo dục pháp luật, nhất là những vấn đề tồn tại, nổi cộm trong chấp hành kỷ luật của bộ đội, phê phán những thói hư tật xấu trong đơn vị. Với cách làm đó, đã làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm chắc, hiểu sâu hơn những nội dung cơ bản của pháp luật, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, vững chắc về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội. Ngoài ra, các đơn vị còn tăng cường khai thác, quản lý, sử dụng có hiệu quả sách, báo pháp luật trong Ngăn sách pháp luật ở các đại đội, Tủ sách pháp luật ở các tiểu đoàn và Lữ đoàn; chủ động khai thác từ nhiều nguồn cung cấp để bổ sung sách, báo pháp luật, những tài liệu, văn bản pháp luật mới; luân chuyển sách giữa các đơn vị, làm phong phú thêm nội dung pháp luật để thu hút cán bộ, chiến sĩ tham gia đọc, tìm hiểu, nâng cao kiến thức pháp luật.

Nhằm tạo sự chuyển biến, tiến bộ vững chắc trong cán bộ, chiến sĩ về ý thức, hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị phải coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục pháp luật với tăng cường các biện pháp quản lý kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của trên về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội; Nghị quyết chuyên đề của Đảng ủy Lữ đoàn về “Lãnh đạo nâng cao chất lượng quản lý rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy”, các cơ quan, đơn vị đã duy trì nghiêm các chế độ, quy định, đẩy mạnh xây dựng nền nếp chính quy, tăng cường quản lý kỷ luật; tổ chức tập huấn Điều lệnh, thống nhất lễ tiết tác phong của bộ đội; kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu với rèn luyện tác phong chính quy và duy trì kỷ luật, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, thực hiện tốt công tác dân vận, chấp hành nghiêm các quy định về kỷ luật dân vận khi quan hệ, tiếp xúc với nhân dân. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, hoạt động của Cụm địa bàn an toàn phía Bắc huyện Sóc Sơn và nhân dân địa phương để nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn đóng quân. Qua đó, kịp thời phát hiện và giải quyết tốt các vụ việc liên quan đến đơn vị, tạo được sự đồng tình, nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân địa phương, thực hiện tốt đoàn kết quân - dân, góp phần xây dựng đơn vị an toàn, địa bàn an toàn.

Bằng chủ trương đúng, giải pháp thiết thực, việc gắn công tác giáo dục pháp luật với công tác quản lý kỷ luật bộ đội trong những năm qua đã đạt hiệu quả cao, góp phần tạo chuyển biến vững chắc trên nhiều mặt của Lữ đoàn. Năm 2015, kiểm tra nhận thức về pháp luật, kết quả 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi. Kết quả huấn luyện các khoa mục, 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi. Qua đánh giá chất lượng tổ chức đảng và đảng viên: Đảng bộ Lữ đoàn đạt trong sạch, vững mạnh; 100% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ, trong đó có 91,81% hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Cán bộ, chiến sĩ chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong tham gia giao thông, không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,2%. Kết quả đó trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm cho Đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Năm 2015, Lữ đoàn đã có 25 tập thể và 83 cá nhân được khen thưởng.

Thời gian tới, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực hơn nữa, nhằm đưa công tác giáo dục pháp luật cho bộ đội trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các tổ chức đảng, quần chúng và kế hoạch của người chỉ huy các cấp, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, Lữ đoàn vững mạnh toàn diện, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá, ThS. BÙI QUỐC QUYỀN, Chính ủy Lữ đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...