Thứ Sáu, 22/11/2024, 22:50 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Lữ đoàn Công binh 229 là đơn vị được chọn làm điểm của Binh chủng Công binh và toàn quân về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên Quân đội giai đoạn 2021 - 2025. Đây là vinh dự, nhưng cũng là trách nhiệm nặng nề của Lữ đoàn, bởi chỉ khi đơn vị phấn đấu đạt vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, nhất là mẫu mực, tiêu biểu về rèn luyện kỷ luật,… mới trở thành “đơn vị làm điểm” của Binh chủng và toàn quân. Vì vậy, để thực hiện tốt nhiệm vụ này, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp; trong đó, tập trung triển khai các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên là việc làm sáng tạo, phù hợp với đặc điểm của Đơn vị, đã phát huy được tiềm năng, thế mạnh của hạt nhân nòng cốt, đồng thời thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, thanh niên tham gia.
Trước hết, để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, việc triển khai các mô hình nói riêng được thực hiện nền nếp, hiệu quả, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn phát huy vai trò cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, cơ quan chính trị, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện. Quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, thông tư, hướng dẫn của trên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật1; trực tiếp là Hướng dẫn số 4337/HD-CT, ngày 11/8/2021 của Cục Chính trị Binh chủng về việc xây dựng đơn vị điểm về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên Lữ đoàn giai đoạn 2021 - 2025, cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, cơ quan chính trị, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với đặc điểm của Đơn vị. Trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu, yêu cầu, nội dung, tiêu chí xây dựng đơn vị điểm, biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên. Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật thường xuyên được bổ sung, kiện toàn bảo đảm đúng thành phần, cơ cấu, làm việc theo Quy chế; chủ động tham mưu với cấp ủy, chỉ huy về nội dung, giải pháp thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, trước hết là xây dựng kế hoạch hoạt động sát, đúng, phù hợp; phát huy vai trò của các thành viên trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo công tác này được tiến hành nền nếp, đạt hiệu quả thực chất.
Trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, hướng dẫn của cấp trên, Đoàn cơ sở đã vận dụng linh hoạt các mô hình, bảo đảm sát hợp với đối tượng, đặc điểm của Đơn vị. Về nội dung hoạt động, nhằm tuyên truyền, giải đáp những vấn đề cơ bản về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các chế độ, quy định của đơn vị cho đoàn viên, thanh niên, như: Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Bộ luật Hình sự, Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giao thông đường bộ, Luật An ninh mạng, Luật Khiếu nại tố cáo; Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng,… cùng các nghị định, thông tư liên quan trực tiếp đến hoạt động của bộ đội, v.v. Về hình thức hoạt động, theo hướng tổ chức thành các mô hình, mỗi mô hình có yêu cầu riêng, song có sự bổ trợ, tạo sự phong phú, hấp dẫn, thu hút cán bộ, đoàn viên, thanh niên, các đối tượng trong Đơn vị tham gia. Nổi bật là các mô hình: (1). “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm kỷ luật, pháp luật”. Đây là mô hình đòi hỏi cao về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, nhất là vai trò tự giác của đoàn viên, thanh niên. Vì vậy, các chi đoàn tổ chức cho 100% cán bộ, đoàn viên thanh niên đăng ký phấn đấu không vi phạm kỷ luật, không đào bỏ ngũ, không vi phạm các tệ nạn xã hội và Luật giao thông. Đề cao vai trò của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và phát huy vai trò của ban chấp hành đoàn các cấp duy trì thường xuyên các hoạt động, nhất là việc rà soát, nắm chắc tình hình chấp hành kỷ luật của đoàn viên, thanh niên để có biện pháp giáo dục, quản lý, động viên, giải quyết kịp thời, hiệu quả. (2). “Mỗi tuần thực hiện tốt một điều luật”. Mô hình này được các chi đoàn thực hiện vào tối thứ Năm hằng tuần, sau khi triển khai các nhiệm vụ, cán bộ đoàn kiểm tra nội dung điều luật đã triển khai tuần trước, đánh giá kết quả, xếp loại thi đua giữa các phân đoàn và phổ biến nội dung điều luật mới để đoàn viên, thanh niên nghiên cứu, học tập. (3). “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý quân nhân”, nhằm hỗ trợ, giúp cán bộ, đoàn viên, thanh niên nắm vững kỹ năng sống, hiểu được những vấn đề còn vướng mắc; nâng cao hiểu biết về pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và các quy định của đơn vị; xây dựng tinh thần lạc quan, thái độ, hành vi ứng xử đúng đắn, v.v. Đồng thời, giúp cấp ủy, chỉ huy nắm chắc tình hình tư tưởng, nhận thức về pháp luật, điều lệnh, điều lệ, kỹ năng sống của bộ đội; từ đó, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả, góp phần giảm thiểu vi phạm kỷ luật, giữ vững ổn định đơn vị. Tổ tư vấn được thành lập ở cấp đại đội và tương đương, do đồng chí chính trị viên (chính trị viên phó hoặc một đồng chí là cấp ủy viên nơi không có biên chế chính trị viên) làm Tổ trưởng, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, người chỉ huy, chính trị viên (bí thư cấp ủy) cùng cấp. Thông qua thực tiễn hoạt động của bộ đội, phát hiện quân nhân có dấu hiệu tư tưởng tiêu cực, hay có nhu cầu tư vấn, căn cứ tình hình cụ thể, tổ chức tư vấn trực tiếp, hoặc tư vấn theo nhóm, chuyên đề. Định kỳ hằng tháng tổ chức rút kinh nghiệm, định hướng công việc tiếp theo để nâng cao hiệu quả tư vấn, tuyên truyền, giáo dục pháp luật. (4). “Ô chữ pháp luật”, là mô hình được thực hiện hằng tuần, vừa tạo sự phong phú, sân chơi bổ ích trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, vừa thu hút cán bộ, đoàn viên, thanh niên tìm hiểu, nâng cao nhận thức, hiểu biết về pháp luật. Để thực hiện mô hình này, đòi hỏi cán bộ phải có sự chuẩn bị kỹ, nghiên cứu các văn bản luật, thiết kế ô chữ sinh động, có độ khó vừa phải, phù hợp với trình độ của đoàn viên, thanh niên. (5). “Tủ sách pháp luật”, là mô hình giúp cán bộ, đoàn viên, thanh niên tiếp cận với văn bản pháp luật, kỷ luật được nhanh chóng, thuận lợi. “Tủ sách pháp luật” triển khai ở cấp liên chi đoàn và chi đoàn, bảo đảm mỗi liên chi đoàn, chi đoàn có ít nhất 02 Tủ sách pháp luật tại Phòng Hồ Chí Minh, phòng sinh hoạt tập trung của đơn vị; trong đó, có các đầu sách về các văn bản pháp luật, các chỉ thị, quy định của Quân đội, Binh chủng, Lữ đoàn liên quan trực tiếp đến hoạt động của cán bộ, đoàn viên, thanh niên để họ tìm đọc. Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Đảng ủy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mô hình: “Có tôi cùng bạn”. Đây là mô hình phù hợp với điều kiện phải thực hiện các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, mỗi liên chi đoàn thành lập 01 tổ tuyên truyền nòng cốt, có từ 04 - 05 đồng chí, xây dựng kế hoạch, nội dung kịch bản các kịch ngắn, tiểu phẩm, sân khấu hóa; hoặc xử trí các tình huống giả định đưa ra, tổ chức luyện tập, quay video clip, ghi hình, thu âm với thời lượng từ 07 phút - 10 phút, phát trên chuyên mục Thanh niên Lữ đoàn và trên hệ thống truyền thanh nội bộ của Lữ đoàn (01 lần/tháng).
Cùng với đó, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được gắn kết chặt chẽ với công tác giáo dục chính trị, quản lý tư tưởng và duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp sinh hoạt, học tập ngày, tuần, tháng; nhất là sinh hoạt Ngày đảng, Ngày đoàn, Ngày chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở, Ngày pháp luật. Lồng ghép với thực hiện các đợt học tập chính trị, trong thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng, cuộc vận động của các cấp, ngành, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới; Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”, v.v. Trong điều kiện Đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ, lực lượng phân tán, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn vừa duy trì phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên thường xuyên, vừa chú trọng phổ biến khi đơn vị nhận nhiệm vụ mới, đột xuất; những bộ phận công tác phân tán, xa lẻ, đối tượng cá biệt, đặc biệt là chiến sĩ mới về đơn vị cần rà soát chặt chẽ lý lịch, phân loại tư tưởng, trình độ, sức khỏe, nguyện vọng để quản lý và giải quyết kịp thời. Phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định của đơn vị để cán bộ, đoàn viên, thanh niên noi theo; đổi mới phương pháp, tác phong công tác sâu sát, cụ thể, tỉ mỉ, gần gũi, biết chia sẻ, lắng nghe; giải quyết tốt, đúng mực các mối quan hệ công tác và sinh hoạt; thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của thanh niên.
Để kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành hiện thực, được thể hiện bằng sự chuyển biến, tiến bộ vững chắc về ý thức, hành vi chấp hành kỷ luật, pháp luật của bộ đội, Lữ đoàn yêu cầu lãnh đạo, chỉ huy các cấp kết hợp chặt chẽ giữa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với các biện pháp hành chính, duy trì nghiêm các chế độ nền nếp xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, môi trường văn hóa tốt, đẹp, lành mạnh, phong phú, doanh trại chính quy, xanh, sạch, đẹp, tạo điều kiện thuận lợi để bộ đội rèn luyện, sinh hoạt, học tập, gắn bó với đơn vị. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trong ngày nghỉ, giờ nghỉ; phối hợp hoạt động hiệu quả với tổ chức đoàn địa phương, đơn vị kết nghĩa tạo sự sinh động, linh hoạt, phù hợp với đối tượng thanh niên để nâng cao hiệu quả của các mô hình. Cùng với đó, Lữ đoàn luôn thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, tăng cường đối thoại, phát huy dân chủ, tạo sự hiểu biết, tin cậy, giúp đỡ nhau; đồng thời, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng, nhân rộng mô hình hoạt động có hiệu quả, điển hình tiên tiến, gương “người tốt, việc tốt”, tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đoàn viên, thanh niên khắc phục khó khăn, chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, thực hiện tốt nhiệm vụ.
Với việc đẩy mạnh các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh niên của Lữ đoàn đã mang lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước của bộ đội. Đây là cơ sở quan trọng để Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tiếp tục phát huy, đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần xây dựng môi trường pháp luật, kỷ luật lành mạnh, nghiêm túc, tạo nền tảng vững chắc cho Đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Đại tá NGUYỄN VĂN NGHỊ, Phó Chính ủy Lữ đoàn __________________
1 - Chỉ thị số 22/CT-TM, ngày 05/7/2019 của Bộ Tổng Tham mưu về việc tăng cường một số biện pháp trong công tác giáo dục, quản lý chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn; Hướng dẫn số 2556/HD-CT, ngày 30/12/2019 của Tổng cục Chính trị về công tác đảng, công tác chính trị trong quản lý, giáo dục chấp hành pháp luật, kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội.
Lữ đoàn Công binh 229,các mô hình,phổ biến,giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh