Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 10/04/2017, 08:26 (GMT+7)
Lữ đoàn 242 thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Lữ đoàn bộ binh phòng thủ đảo 242 (Quân khu 3) có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển, đảo phía Đông Bắc Tổ quốc. Các đơn vị của Lữ đoàn đóng quân trên đảo, cụm đảo thuộc hai huyện đảo Vân Đồn và Cô Tô (Quảng Ninh); địa bàn rộng, tính chất hoạt động độc lập cao, điều kiện bảo đảm gặp nhiều khó khăn, v.v. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một giải pháp quan trọng, nhằm bồi dưỡng ý thức, hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của mỗi cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở để thực hiện tốt chức trách quân nhân cũng như quyền và nghĩa vụ công dân của mình, góp phần xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện.

Nhận thức sâu sắc vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với mỗi quân nhân nói riêng, đơn vị nói chung; bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của Đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt mặt công tác này. Đây là yếu tố quan trọng hàng đầu để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, pháp luật đi vào thực chất và đạt hiệu quả thiết thực. Bởi, các vấn đề liên quan đến pháp luật là nội dung khô cứng, khó diễn đạt, khó học, khó nhớ, nếu không có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức thì dễ dẫn tới tổ chức thực hiện hình thức, qua loa, đại khái, khó đem lại hiệu quả.

          Một buổi giáo dục pháp luật cho các chiến sĩ mới tại Lữ đoàn.             (Ảnh: baoquangninh.com.vn)

Quán triệt, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên1, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn yêu cầu các cấp ủy, chi bộ có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, triển khai thực hiện theo phân cấp. Trong đó, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức, thời gian, đối tượng tuyên truyền; gắn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với giáo dục chính trị theo Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”. Nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hằng tháng, năm của các cấp ủy, chi bộ đều phải có nội dung đánh giá kết quả thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở cấp mình; trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với việc tổ chức thực hiện công tác này theo chức trách, nhiệm vụ được giao; lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua, khen thưởng.

Hằng năm, căn cứ vào tình hình thực tiễn của Đơn vị, Lữ đoàn tiến hành kiện toàn, bổ sung Ban Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thường xuyên kiện toàn đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên, hệ thống sổ sách, giáo án, Tủ sách pháp luật; phân công bài giảng đến từng giáo viên, duy trì nghiêm chế độ thông qua giáo án bài giảng, kiên quyết không phê duyệt những bài giảng không đảm bảo chất lượng. Theo định kỳ, Ban Chỉ đạo tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, xác định phương hướng, biện pháp thực hiện cho thời gian tiếp theo.

Hiểu rõ những khó khăn, đặc thù của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Lữ đoàn chỉ đạo thực hiện việc “mềm hóa” các nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục, với phương châm “dễ nhớ, dễ hiểu”. Được Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ Quốc phòng chọn là đơn vị làm điểm tổ chức hoạt động “sân khấu hóa” trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, Lữ đoàn đã duy trì thực hiện hình thức này thường xuyên ở các cấp với tinh thần tiết kiệm, sáng tạo, hiệu quả, bảo đảm các buổi “sân khấu” không “màu mè” nhưng sinh động với những vấn đề pháp luật cụ thể, thiết thực với từng cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn bộ đội tích cực tham gia và nội dung tuyên truyền, giáo dục được lan tỏa mạnh mẽ trong Đơn vị.

Trong thực hiện “Ngày Pháp luật”, ngoài những nội dung theo quy định, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ xem các tiểu phẩm, phóng sự, tin tức điển hình về việc thực hiện pháp luật2. Thông qua đó, mọi quân nhân tiến hành trao đổi, thảo luận bày tỏ quan điểm, thái độ và rút ra bài học từ câu chuyện, tình huống pháp luật để liên hệ, vận dụng vào thực tiễn trong thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Nhờ vậy, những điều luật khô cứng trở nên mềm mại, hấp dẫn, giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp nhận dễ dàng, nắm chắc, hiểu sâu. Đồng thời, việc cấp video clip cho các đơn vị cũng khắc phục được khó khăn trong thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật khi đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ với lực lượng phân tán, cách xa nhau, tuyên truyền viên, báo cáo viên khó tiếp cận thường xuyên. Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thấm sâu vào nhận thức và mọi hoạt động của bộ đội, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã phát huy tốt vai trò xung kích của đoàn thanh niên thông qua các hình thức, như: diễn đàn thanh niên; tọa đàm sĩ quan trẻ; hoạt động Tủ sách pháp luật kết hợp với việc duy trì có nền nếp chế độ đọc báo (các chuyên mục “Tìm hiểu pháp luật”; “Giải đáp chính sách - pháp luật”), nghe tin tức thời sự và tổ chức mạng lưới truyền thanh nội bộ,... đã góp phần làm “mềm hóa” và đa dạng các hình thức, giúp cán bộ, chiến sĩ tiếp thu một cách tự nhiên, nhẹ nhàng, từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật cho bộ đội.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên không gian mạng, sự gia tăng các loại hình tội phạm trong lĩnh vực này, Lữ đoàn chú trọng giáo dục, tuyên truyền những quy định của Nhà nước, Quân đội và Đơn vị về chế độ bảo mật thông tin, quy định sử dụng In-tơ-nét cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Trong đó, tập trung tuyên truyền, giáo dục để mọi quân nhân nắm, hiểu và thực hiện nghiêm Nghị định 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Thông qua giáo dục, quản lý chặt chẽ, mọi cán bộ, chiến sĩ (nhất là sĩ quan trẻ, lực lượng dự bị động viên - đối tượng được sử dụng điện thoại di động) luôn nêu cao cảnh giác, có ý thức phòng gian, bảo mật, không để những trường hợp vô tình vi phạm pháp luật, kỷ luật khi sử dụng in-tơ-nét. Trong thực hiện, Lữ đoàn yêu cầu, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật phải chỉ rõ những hoạt động có thể bị lợi dụng với mục đích xấu và yêu cầu cán bộ, chiến sĩ không chia sẻ vị trí, chụp ảnh, đăng các thông tin, hoạt động của cá nhân và đơn vị lên mạng xã hội, v.v. Đồng thời, quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về lưu trữ, phát tán các sản phẩm văn hóa; nghiêm cấm sử dụng các loại văn hóa phẩm xấu độc, những hành vi lừa đảo, đưa thông tin thất thiệt, cá độ, chơi lô đề thông qua các phương tiện công nghệ thông tin,... để cán bộ, chiến sĩ nắm chắc và không vi phạm.

Thực hiện nhiệm vụ trên địa bàn huyện đảo, trình độ dân trí của nhân dân còn nhiều hạn chế, vì vậy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Lữ đoàn còn hướng đến nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Đây là chủ trương đúng đắn, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương nơi đóng quân; đồng thời, cũng là biểu hiện sinh động trong thực hiện công tác dân vận và thực hiện chức năng đội quân công tác của của Đơn vị. Tuy vậy, để chủ trương này đem lại hiệu quả thiết thực là điều không dễ, đòi hỏi việc tuyên truyền phải được tiến hành thường xuyên, kiên trì, linh hoạt, sáng tạo. Theo đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến được Lữ đoàn nghiên cứu, lựa chọn phù hợp, có ý nghĩa thiết thực đối với nhân dân, trọng tâm là các văn bản: Luật biển Việt Nam, Luật Tài nguyên môi trường và một số văn bản quy phạm pháp luật khác3. Với phương châm “mọi lúc, mọi nơi”, “mưa dầm, thấm lâu”, hình thức, phương pháp tuyên truyền cho nhân dân được thực hiện linh hoạt, đa dạng, như: thông qua hoạt động kết nghĩa để mời cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân địa phương tới tham dự các buổi sân khấu hóa, diễn đàn, tọa đàm về pháp luật; dự nghe các chuyên đề pháp luật do Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 3 tuyên truyền, phổ biến tại Đơn vị; thông qua hoạt động dã ngoại, làm công tác dân vận để tuyên truyền cho nhân dân. Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn tận dụng những thời điểm nhân dân, ngư dân tránh, trú bão tại Đơn vị để tuyên truyền, phổ biến những nội dung pháp luật cần thiết gắn trực tiếp đến đời sống của ngư dân để họ yên tâm bám biển, vươn khơi. Hằng tháng, quý, Lữ đoàn thực hiện nghiêm nền nếp, chế độ tham gia các buổi Giao ban an ninh cụm địa bàn an toàn4. Trong hội nghị giao ban, Lữ đoàn chủ động trao đổi, cung cấp những thông tin pháp luật mới, những nội dung pháp luật chuyên ngành cho lãnh đạo, các ban, ngành địa phương để cùng nắm và thực hiện. Lữ đoàn chủ động phối hợp với Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật của địa phương, trao đổi về nội dung, phương pháp, cách thức và kinh nghiệm tuyên truyền, giáo dục cho các đối tượng trên địa bàn. Nhờ những hoạt động đó đã tích cực nâng cao nhận thức về pháp luật, quy định của địa phương cho nhân dân nơi đóng quân, góp phần xây dựng địa bàn an toàn; an ninh, chính trị, trật tự, an toàn khu vực đóng quân của Đơn vị được giữ vững.

Với chủ trương đúng và cách làm hiệu quả, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Lữ đoàn đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức, ý thức và hành vi chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước của cán bộ, chiến sĩ. Tỉ lệ vi phạm kỷ luật, pháp luật của bộ đội giảm dưới 0,2%, góp phần xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Lữ đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này; đồng thời, là cơ sở cho khâu đột phá “Nâng cao trách nhiệm, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; khắc phục khâu yếu, mặt yếu” mà Lữ đoàn đã xác định cho những năm tiếp theo.

Thượng tá TRẦN ĐÌNH THẮNG, Chính ủy Lữ đoàn
____________
_____________

1 - Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chỉ thị 21/2003/CT-BQP của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng “Về việc triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong Quân đội”; các chỉ thị, hướng dẫn của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v.

2 - Nội dung do Phòng Chính trị khai thác trên trang Web của các đài truyền hình, cấp cho các đơn vị.

3 - Nghị định 130/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 30/2010/NĐ-CP về huy động nhân lực, tàu thuyền và phương tiện dân sự tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị định 162/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; Nghị định 71/2015/NĐ-CP về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, v.v.

4 - Thành phần tham dự: Lãnh đạo huyện ủy, ủy ban nhân dân huyện; các ban ngành của huyện; Bộ đội Biên phòng, cơ quan quân sự và Lữ đoàn. Bí thư hoặc phó bí thư thường trực của huyện chủ trì.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...