Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Ba, 09/07/2024, 07:34 (GMT+7)
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Lữ đoàn 170, Vùng 1 Hải quân là một trong những đơn vị chủ công, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, đảo phía Bắc Tổ quốc. Đây là trọng trách rất nặng nề, bởi phạm vi Lữ đoàn đảm nhiệm rộng; tình hình an ninh, tội phạm trên biển diễn biến phức tạp; đồng thời, cũng là nơi có nhiều khu vực đảo và quần đảo tiền tiêu giữ vị trí chiến lược cả về kinh tế, chính trị và quốc phòng, an ninh của Tổ quốc. Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là một giải pháp quan trọng, nhằm bồi dưỡng ý thức, hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội cho cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở để thực hiện tốt chức trách quân nhân cũng như quyền và nghĩa vụ công dân, góp phần xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Tọa đàm nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu.

Nhận thức đúng vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; bám sát đặc điểm, nhiệm vụ của Đơn vị, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ mặt công tác quan trọng này. Đặc thù của nội dung pháp luật là “khô” và “khó”, nếu không có sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thì khó có thể đem lại hiệu quả, thậm chí dễ dẫn tới việc tổ chức hình thức, qua loa, chiếu lệ. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của trên, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, từ Đảng ủy Lữ đoàn đến các chi bộ đều ra nghị quyết lãnh đạo chuyên đề; các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện theo phân cấp. Trong đó, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức, thời gian, đối tượng tuyên truyền, giáo dục bảo đảm sát thực tiễn; gắn kết chặt chẽ các nội dung của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị. Kết quả thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được đánh giá trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ hằng tháng, 06 tháng, năm của các cấp ủy, chi bộ; trong đó, nêu rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân đối với việc tổ chức thực hiện công tác này theo chức trách, nhiệm vụ được giao; lấy đó là một trong những tiêu chí để đánh giá, phân tích chất lượng đảng viên, cán bộ và bình xét thi đua, khen thưởng. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, Lữ đoàn thường xuyên bổ sung kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên; duy trì nghiêm chế độ thông qua giáo án bài giảng, bảo đảm từng nội dung tuyên truyền phải có chất lượng tốt, sát đối tượng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện. Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm chặt chẽ ở các cấp, qua đó, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả; đồng thời, xác định phương hướng, biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Trong điều kiện các lực lượng của Lữ đoàn phải hoạt động độc lập, phân tán, dài ngày trên biển, nhận thức của bộ đội không đồng đều, Lữ đoàn chỉ đạo linh hoạt nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục sát với đối tượng và đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của từng đơn vị. Để nội dung pháp luật thấm sâu vào nhận thức và mọi hoạt động của bộ đội, Lữ đoàn đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức, lực lượng, nhất là vai trò xung kích của đoàn viên, thanh niên thông qua các hình thức, như: diễn đàn thanh niên; tọa đàm sĩ quan trẻ; tăng cường khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả Tủ sách pháp luật ở các cơ quan, đơn vị và Ngăn sách pháp luật ở các tàu, trạm, đại đội; thường xuyên bổ sung sách, báo pháp luật, những tài liệu, văn bản pháp luật mới; luân chuyển sách giữa các đơn vị để phục vụ cán bộ, chiến sĩ học tập, nghiên cứu. Trong thực hiện “Ngày Pháp luật”, cùng với tổ chức đầy đủ những nội dung, hình thức theo quy định, Lữ đoàn chú trọng hoạt động sân khấu hóa, đề cập tới những vấn đề “nóng”, có nguy cơ cao tác động tới bộ đội, như: tọa đàm “Hiểm họa ma túy và trách nhiệm của quân nhân”; hội thi “Tuổi trẻ với pháp luật và kỷ luật quân đội”, v.v. Thông qua đó, quân nhân dân chủ trao đổi, thảo luận bày tỏ quan điểm, thái độ và rút ra bài học từ câu chuyện, tình huống pháp luật để liên hệ, vận dụng vào thực tiễn thực hiện chức trách, nhiệm vụ; giúp họ nâng cao nhận thức về tác hại, hiểm họa ma túy và các tệ nạn xã hội. Từ đó, xác định rõ trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng đạo đức, lối sống, rèn luyện bản lĩnh chính trị, kỹ năng cho bản thân để không sa ngã trước những cám dỗ, làm ảnh hưởng xấu đến gia đình, xã hội và phẩm chất tốt đẹp của người quân nhân.

Để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động theo pháp luật của cán bộ, chiến sĩ, Lữ đoàn đã kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với tăng cường các biện pháp quản lý kỷ luật và bảo đảm an toàn. Trọng tâm là nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, xây dựng động cơ, ý chí quyết tâm, tính tự giác của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện điều lệnh, điều lệ, chỉ thị, quy định; gắn giáo dục chính trị, giáo dục pháp luật với các biện pháp hành chính và xử lý liên đới trách nhiệm của cán bộ các cấp. Thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả xây dựng chính quy, chấp hành pháp luật, kỷ luật của đơn vị để rút kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ huy, kịp thời chấn chỉnh, xử lý sai phạm, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; duy trì nghiêm nền nếp, chế độ sinh hoạt, học tập, công tác. Tăng cường biện pháp quản lý các mối quan hệ xã hội của quân nhân; chủ động nắm bắt, dự báo tình hình và tư tưởng bộ đội. Đồng thời, tích cực xây dựng môi trường văn hóa quân sự lành mạnh, chủ động đấu tranh phòng, chống các tác động tiêu cực và các hành vi phản văn hóa xâm nhập vào đơn vị. Chú trọng thực hiện hiệu quả “4 mẫu mực”, “3 dứt điểm”1, mô hình “Chi đoàn tàu mẫu mực trong chấp hành pháp luật, kỷ luật”,… tạo bước chuyển biến vững chắc về chấp hành pháp luật, kỷ luật.

Cán bộ, chiến sĩ tìm hiểu pháp luật qua sách báo tại thư viên đơn vị.

Trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch và sự gia tăng các loại tội phạm trên không gian mạng, Lữ đoàn thường xuyên quan tâm tuyên truyền, giáo dục những quy định cơ bản về hoạt động trên không gian mạng cho mọi cán bộ, chiến sĩ. Cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị chú trọng công tác giáo dục, quán triệt để mọi quân nhân nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành nghiêm Luật An ninh mạng và các văn bản liên quan2. Đồng thời, chỉ rõ để cán bộ, chiến sĩ thấy được những nguy cơ, hậu quả khi sử dụng mạng xã hội không đúng cách; chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước, bí mật quân sự. Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Thường xuyên làm tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nắm và quản lý chặt chẽ quân nhân tham gia truy cập, sử dụng internet và mạng xã hội; không để quân nhân sử dụng các trang thông tin điện tử, các mạng xã hội nhằm thực hiện hành vi đăng tải, phát tán, bình luận, chia sẻ những thông tin trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; thông tin liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật quân sự hoặc có nội dung xuyên tạc, bịa đặt, xúc phạm danh dự cá nhân, uy tín tổ chức, làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”; phát huy tốt vai trò của Lực lượng 47 trong đấu tranh trên không gian mạng. Cùng với đó, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt; quảng bá, lan tỏa về đất nước, con người, văn hóa tốt đẹp của Việt Nam. Nhận thức rõ sự tác động và diễn biến phức tạp của các hành vi lừa đảo trên không gian mạng, Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức tuyên truyền pháp luật với các nội dung thiết thực, sát thực tế đời sống xã hội, như: “Các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và biện pháp phòng ngừa”. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý thức cảnh giác, không tham gia và tự biết cách phòng ngừa.

Một trong những biểu hiện sinh động trong thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật kết hợp với công tác dân vận của Lữ đoàn đó là hướng đến nâng cao nhận thức và hiểu biết pháp luật cho nhân dân trên địa bàn. Đây là sự cụ thể hóa Đề án “Phát huy vai trò của lực lượng Quân đội nhân dân tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở giai đoạn 2021 - 2027”. Lữ đoàn phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các địa phương ven biển, các lực lượng chức năng trên biển, như: Biên phòng, Kiểm ngư, Cảnh sát biển, tổ chức tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam cho ngư dân với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Nội dung tuyên truyền tập trung vào Luật Biển Việt Nam và các quy định trong quản lý, khai thác thủy sản; tình hình an ninh chính trị trên các vùng biển, đảo; những bằng chứng lịch sử về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam; quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo hiện nay, v.v. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân, các chủ tàu cá về những nội dung cơ bản của Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định” (IUU); tích cực chủ động thực hiện tốt chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, “Hải quân nhận đỡ đầu con ngư dân”. Qua đó, kịp thời cung cấp, định hướng thông tin diễn biến trên biển, làm rõ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong giải quyết các vấn đề trên biển hiện nay, góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tình yêu biển, đảo cho nhân dân; tăng cường quan hệ gắn bó máu thịt quân dân, làm cho hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân” ngày càng tỏa sáng.

Bằng nhiều giải pháp phù hợp, sáng tạo và hiệu quả, chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tình hình chấp hành pháp luật, kỷ luật của Lữ đoàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ cán bộ, chiến sĩ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,2%, không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, Đơn vị luôn an toàn. Đây là cơ sở quan trọng để Lữ đoàn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; Đảng bộ Lữ đoàn đạt trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, góp phần xây dựng Lữ đoàn cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo phía Bắc của Tổ quốc.

Đại tá LÊ TIẾN HẬU, Lữ đoàn trưởng
______________________
        

1 - 4 mẫu mực: Chào mẫu mực; Gác mẫu mực; Trực ban mẫu mực; Chấp hành chế độ, thời gian mẫu mực. 3 dứt điểm: Không đánh cờ, bài ăn tiền, đánh đề, cá độ, vay mượn không có khả năng trả; Không mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất ma túy; Không sử dụng rượu, bia sai quy định.

2 - Chỉ thị số 100/CT-BQP, ngày 13/11/2019 của Bộ Quốc phòng “về việc quản lý, sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình trong Quân đội”; Thông tư số 56/2020/TT-BQP, ngày 5/5/2020 “về quản lý và bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng trong Bộ Quốc phòng”; Thông tư số 143/2023/TT-BQP, ngày 27/12/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định xử lý kỷ luật trong Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...