Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 15/04/2021, 14:08 (GMT+7)
Lữ đoàn 139 nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Lữ đoàn 139 - Binh chủng Thông tin Liên lạc là đơn vị Tổng trạm thông tin cơ động cấp chiến lược của Bộ, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc thường xuyên, sẵn sàng chiến đấu và truyền hình cơ động phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội. Đồng thời, bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo các cuộc diễn tập, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn,… trên phạm vi rộng; các lực lượng của đơn vị hoạt động phân tán, ở nhiều địa hình khác nhau; công tác bảo đảm còn nhiều khó khăn, v.v. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác cao trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy định của đơn vị thì mới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện các mặt công tác; trong đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho bộ đội là một giải pháp trọng tâm, góp phần để đơn vị luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trước hết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên, nhất là Chỉ thị số 04/CT-BQP, ngày 09/02/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Chỉ thị số 07/CT-TM, ngày 10/3/2020 của Bộ Tổng Tham mưu về việc thực hiện “Năm kỷ luật, kỷ cương 2020” trong Quân đội; Chỉ thị số 8170/CT-BTL, ngày 08/12/2016 của Tư lệnh Binh chủng về “Tăng cường quản lý, giáo dục và chấp hành kỷ luật trong Binh chủng Thông tin Liên lạc”; Chỉ thị số 1477/CT-BTL, ngày 18/03/2014 của Chính ủy Binh chủng về “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Binh chủng Thông tin Liên lạc” và các nghị quyết chuyên đề của Thường vụ Đảng ủy Binh chủng về công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, v.v. Trên cơ sở đó, Đảng ủy Lữ đoàn ra nghị quyết chuyên đề, cấp ủy và chỉ huy các cấp cụ thể hóa nội dung vào nghị quyết, kế hoạch sát đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Triển khai thực hiện có hiệu quả đợt sinh hoạt chính trị chuyên đề nhằm quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của các cấp về tăng cường công tác quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn đến 100% cán bộ, đảng viên, quần chúng trong đơn vị. Quá trình thực hiện, luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, rút kinh nghiệm, đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả, đảm bảo cho công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành nhiệm vụ thường xuyên, có nền nếp, góp phần nâng cao ý thức, văn hóa pháp luật cho bộ đội. Khi đánh giá kết quả lãnh đạo thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nghị quyết tháng, quý các tổ chức đảng, chỉ huy đều kịp thời bổ sung nội dung, chương trình tổ chức thực hiện. Đảng ủy Lữ đoàn giao cho cơ quan chính trị tham mưu giúp cấp ủy, chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan, đơn vị chấp hành và thực hiện tốt chương trình, nội dung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định.

Tọa đàm "Tuổi trẻ với xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật"

Với đặc điểm luôn sẵn sàng cơ động thực hiện nhiệm vụ trên phạm vi rộng, hoạt động phân tán, ở nhiều địa hình khác nhau, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt hiệu quả cao nhất. Theo đó, đối với lực lượng hoạt động ổn định, tổ chức tốt hình thức giáo dục tập trung, bảo đảm đúng, đủ chương trình, nội dung, thời gian theo quy định. Trọng tâm là các điều luật, chỉ thị, hướng dẫn, quy định liên quan trực tiếp đến duy trì, chấp hành kỷ luật, pháp luật, làm cơ sở vận dụng trong quá trình học tập, công tác. Nội dung tập trung vào: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019; Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, v.v. Đội ngũ báo cáo viên các cấp được bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật, khả năng truyền đạt, nêu cao trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo bài giảng; chú trọng đổi mới phương pháp theo hướng kết hợp giảng bài truyền thống với sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin; giới thiệu tập trung với gợi mở vấn đề, tăng cường đối thoại, gắn với mô hình, bảng biểu, trình chiếu, bảo đảm sinh động, hấp dẫn, có tính thuyết phục cao.

Đối với các tổ, trạm lẻ được thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp, phát huy tối đa cơ sở vật chất, ưu thế về công nghệ thông tin, truyền hình, các phương tiện trực quan, tổ chức giảng bài thành nhiều đợt, học ghép, học bù, học vét,… bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ được học tập các nội dung theo quy định. Ngoài ra, Lữ đoàn còn tổ chức xây dựng các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật bằng các clip, các bài giảng giáo dục pháp luật đưa lên trang web của đơn vị,… tạo sự phong phú, hấp dẫn để bộ đội học tập. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, lựa chọn, bố trí cán bộ, làm tốt việc bồi dưỡng về nội dung, phương pháp nhằm phát huy tốt vai trò cán bộ ở tổ, trạm khi phải kết hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ: vừa kiểm tra các mặt, vừa huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật, v.v. Nhờ đó, số cán bộ này mỗi khi đưa đến tổ, trạm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, cả về chuyên môn và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tiết kiệm nhân lực, vật lực cho đơn vị. Mô hình “Mỗi tuần một điều luật” được các cơ quan, đơn vị, tổ, trạm lẻ vận dụng có hiệu quả. Căn cứ vào chương trình, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị lựa chọn những điều luật cơ bản liên quan trực tiếp đến đời sống, công tác, sinh hoạt của đơn vị để bộ đội tìm hiểu. Cuối tuần, các đồng chí tổ trưởng, trạm trưởng kiểm tra, đánh giá kết quả, bảo đảm sau thời gian học, bộ đội nắm được tinh thần cơ bản của một luật, bộ luật.

Bên cạnh đó, Lữ đoàn còn chú trọng gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần ở cơ sở, Ngày Pháp luật hằng tháng, làm cho công tác này ngày càng đổi mới, với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, thu hút bộ đội tham gia. “Tủ sách pháp luật” tại thư viện Lữ đoàn và phòng Hồ Chí Minh được duy trì tốt, với hàng trăm đầu sách, báo các loại để bộ đội đọc, tham khảo. Hằng tháng, thực hiện luân chuyển sách, báo giữa các tổ, trạm để cán bộ, chiến sĩ tiếp cận được nhiều loại hình báo chí, làm cơ sở nghiên cứu, học tập và giải trí. Triển khai tốt việc học tập thông qua sổ tay “Hỏi - Đáp một số điều luật” do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Binh chủng biên soạn, gồm những nội dung liên quan trực tiếp đến sinh hoạt, công tác của bộ đội; lấy đó làm “cẩm nang” vận dụng trong xử lý khi xảy ra các tình huống về kỷ luật, pháp luật. Việc kiểm tra nhận thức, đánh giá kết quả bảo đảm chặt chẽ, nghiêm túc; kết hợp giữa viết thu hoạch với kiểm tra viết, trắc nghiệm, vấn đáp, phúc tra; kết quả hằng năm, 100% đạt yêu cầu, trong đó có 80% khá, giỏi. Định kỳ hằng quý, Lữ đoàn mời Viện kiểm sát Quân sự, Tòa án quân sự khu vực, Cơ quan Điều tra hình sự Binh chủng và Công an huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đến giới thiệu chuyên đề về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật trong và ngoài Quân đội để cán bộ, chiến sĩ nâng cao ý thức học tập, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước.

Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ, trạm làm tốt công tác dân vận, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Qua đó, tạo tình cảm gắn kết quân - dân, giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đơn vị, góp phần xây dựng địa bàn đóng quân an toàn, vững mạnh, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào đơn vị.

Cùng với những việc làm trên, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn thường xuyên chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nâng cao hiệu quả công tác quản lý, duy trì kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy và các phong trào thi đua, cuộc vận động của đơn vị. Ở từng cấp luôn làm tốt công tác tư tưởng, nhất là việc nắm tình hình của từng đối tượng phải rất cụ thể, chính xác, từ chất lượng công tác đến các mối quan hệ, sinh hoạt, chấp hành kỷ luật, v.v. Hằng tháng, quý, các đơn vị tổng hợp báo cáo về Lữ đoàn, làm cơ sở đề ra các chủ trương, biện pháp giáo dục, quản lý bộ đội. Thực hiện nghiêm việc cấm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên uống rượu, bia say ở mọi lúc, mọi nơi; không uống rượu, bia vào buổi trưa, trong giờ hành chính, trong ngày làm việc. Cơ quan chức năng của Lữ đoàn và các đơn vị duy trì nghiêm việc kiểm tra các loại giấy tờ theo quy định, đội mũ bảo hiểm của cán bộ, nhân viên sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khi ra, vào doanh trại. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, hằng ngày, thông qua các “kênh”, hoặc trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình mọi mặt của đơn vị, nhất là các trạm, tổ lẻ để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở bộ đội thực hiện nhiệm vụ và chấp hành nền nếp, chế độ, đồng thời xử lý nghiêm các sai phạm. Hoạt động thi đua của Lữ đoàn được duy trì có nền nếp, thực sự là động lực để các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ và là môi trường thực tiễn để quân nhân phấn đấu, rèn luyện. Các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII), Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với thực hiện Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và Cuộc vận động “Quản lý khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”; coi đây là một tiêu chí quan trọng để đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sĩ và từng đơn vị.

Bằng nhiều giải pháp đồng bộ và thiết thực, những năm qua, chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Lữ đoàn 139 đã được nâng lên. Việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội của cán bộ, chiến sĩ chuyển biến rõ rệt; tình hình vi phạm kỷ luật của bộ đội ngày càng giảm, không để xảy ra vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng hoặc mất an toàn trong huấn luyện; tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,2%. Hiệu quả từ công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trung tâm của Lữ đoàn. Năm 2020, Lữ đoàn được Bộ Quốc phòng tặng danh hiệu đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiểu biểu”, Bộ Tư lệnh Thông tin Liên lạc tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”. Đây là động lực để Lữ đoàn tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, quyết tâm xây dựng Lữ đoàn “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thượng tá NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG, Chính ủy Lữ đoàn

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...