Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:02 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Kiên Giang là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, có diện tích 6.245km2, dân số gần 02 triệu người. Khác với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Kiên Giang có cả đồng bằng, rừng núi, biển đảo. Đặc biệt, Tỉnh có đường biên giới đất liền gần 60km, bờ biển dài 200km, vùng biển rộng 63.000km2, với trên 140 đảo, lại tiếp giáp với các nước: Cam-pu-chia, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và In-đô-nê-xi-a. Những điều kiện tự nhiên đó, đã giúp cho Kiên Giang trở thành địa phương giàu tiềm năng để phát triển kinh tế - xã hội, địa bàn chiến lược trong thế trận phòng thủ trên hướng Tây Nam của Quân khu 9 và cả nước.
Nhận thức rõ vị trí chiến lược đó, những năm qua, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh luôn coi trọng tăng cường quốc phòng và an ninh, với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt. Trong đó, nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội và toàn dân được Tỉnh coi là một giải pháp cơ bản, xuyên suốt.
Trước hết, Tỉnh tập trung củng cố, kiện toàn Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, đảm bảo đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần theo luật định. Do các ủy viên hội đồng công tác theo chế độ kiêm nhiệm, Tỉnh chỉ đạo các cơ quan chủ quản tạo điều kiện về mọi mặt, nhất là thời gian để các thành viên phát huy trách nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công. Cơ quan quân sự các cấp làm tốt công tác tham mưu cho hội đồng, nòng cốt trong tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Hằng năm, hội đồng các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan khảo sát, rà soát, nắm chắc đối tượng bồi dưỡng, xây dựng kế hoạch sát với tình hình thực tiễn, có tính khả thi cao. Năm 2018, Hội đồng đã tham mưu cho ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành 99 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên giáo dục quốc phòng và an ninh; phát huy vai trò Trường Quân sự Tỉnh, Trường Chính trị Tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố trong tổ chức giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đảm bảo cho công tác này đạt hiệu quả thực chất, toàn diện. Cùng với đó, Tỉnh thực hiện tốt công tác kiểm tra, thanh tra, sơ kết, tổng kết theo phân cấp, đánh giá kết quả đạt được, kịp thời phát hiện, nhân rộng điển hình tiên tiến và chấn chỉnh những hạn chế trong quá trình thực hiện. Năm 2018, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu kiểm tra công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Tỉnh ở cả ba cấp (tỉnh, huyện, xã) đạt kết quả tốt, được Quân khu đánh giá cao.
Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ, đảng viên là tiêu chuẩn bắt buộc, một trong những tiêu chí để xem xét, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, nên Tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành. Hằng năm, Ủy ban nhân dân Tỉnh giao chỉ tiêu để các địa phương, cơ quan, đơn vị chủ động sắp xếp cán bộ, bố trí thời gian tham gia học tập. Bên cạnh cử cán bộ đối tượng 1, 2 đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh ở Bộ và Quân khu theo kế hoạch, Tỉnh tích cực triển khai bồi dưỡng cho đối tượng 3, 4 theo phân cấp. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, Tỉnh đã mạnh dạn đề nghị trên cho kết hợp với Trường Quân sự Quân khu tiến hành bồi dưỡng cho đối tượng 2 ngay tại địa phương. Bên cạnh đó, trên cơ sở chương trình, nội dung giáo dục cho các đối tượng theo quy định, Tỉnh tích cực nghiên cứu, bổ sung những nội dung bổ trợ, như: cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia”; Nghị quyết 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cho phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, sát đối tượng bồi dưỡng. Đối với đối tượng cán bộ lãnh đạo, chỉ huy giữ 02 nhiệm kỳ kế tiếp không thay đổi vị trí, Tỉnh cập nhật nội dung bổ sung kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng dẫn 175/HD-HĐGDQPANTW của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương. Năm 2018, ngoài việc cử 84 cán bộ đối tượng 1, 2 đi bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh do Trung ương và Quân khu tổ chức, Tỉnh tổ chức bồi dưỡng cho 285 cán bộ đối tượng 3; cấp huyện tổ chức bồi dưỡng cho 2.581 cán bộ đối tượng 4. Ngoài ra, các địa phương còn phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức hàng chục lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho hàng nghìn người, thuộc các đối tượng khác, như: chức sắc, chức việc tôn giáo, chủ tàu thuyền, chủ hộ ngư dân, chủ doanh nghiệp, v.v. Nhờ đó, trình độ, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền, năng lực tham mưu của các ban ngành, đoàn thể về công tác quốc phòng và an ninh được nâng lên; việc kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với nâng cao tiềm lực quốc phòng và an ninh, nhất là ở các địa phương có vị trí quan trọng, như: thành phố Rạch Giá, Hà Tiên, huyện biên giới Giang Thành, huyện đảo Phú Quốc,… mang lại hiệu quả thiết thực.
Hiện nay, trên địa bàn Tỉnh có 63 nhà trường, cơ sở giáo dục, đào tạo1, với số lượng học sinh, sinh viên lên tới gần 48.500 người. Để thực hiện tốt giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân Tỉnh kiện toàn, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh. Trước mỗi năm học, cơ quan quân sự cấp huyện phối hợp với các trường trên địa bàn tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ này. Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh, các trường trung học phổ thông tổ chức học rải môn giáo dục quốc phòng và an ninh theo chương trình phân phối; các trường trung cấp, cao đẳng, đại học tổ chức học tập trung hoặc kết hợp theo đơn vị học trình. Cùng với đó, các trường tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng dạy học tích cực, ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện bài giảng. Để đảm bảo vật chất phục vụ môn học, năm 2018, Ủy ban nhân dân Tỉnh đầu tư trên 01 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương mua sắm cơ sở vật chất, mô hình, học cụ, trang thiết bị2 cho các trường trung học phổ thông trên địa bàn. Đến nay, 100% trường trung học phổ thông có đầy đủ vật chất phục vụ cho học tập. Tỉnh còn quan tâm tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: chương trình “Học kỳ trong Quân đội”, tham quan di tích, chứng tích lịch sử, nghe nói chuyện truyền thống, tham gia các hoạt động về nguồn, v.v. Qua đó, học sinh, sinh viên không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng quân sự cần thiết, mà còn được rèn luyện, xây dựng nhân cách, bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, ý thức, khát vọng cống hiến, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc. Bằng các biện pháp tổng hợp đó, chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên không ngừng được nâng lên; 100% học sinh, sinh viên được giáo dục theo yêu cầu, tiêu chí đề ra.
Để đẩy mạnh công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hằng tuần, trên báo, đài phát thanh, truyền hình Kiên Giang đều thực hiện chuyên mục “Quốc phòng toàn dân” và “Vì an ninh Tổ Quốc”. Nhờ đó, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia; tình hình quân sự, quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn,… thường xuyên được cập nhật, đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi tầng lớp nhân dân. Đối với đồng bào ven biển, nhất là ngư dân đang hoạt động trên biển, ngoài đảo xa, Tỉnh phát huy lực lượng dân quân, tự vệ biển và đội ngũ tuyên truyền viên phối hợp với các lực lượng chức năng tuyên truyền, phổ biến trực tiếp tới từng tàu, thuyền, hộ gia đình,… lồng ghép với tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới dạng tờ rơi, tờ gấp, đĩa hình, đĩa tiếng,… làm cho ngư dân hiểu rõ các quy định và tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo, khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa; đấu tranh với các luận điệu, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch. Ngoài ra, Tỉnh còn vận dụng linh hoạt nhiều hình thức, như: hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao; sinh hoạt, hội họp của các tổ chức chính trị, xã hội, v.v. Qua đó, xây dựng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; phát huy trách nhiệm của nhân dân trong tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững mạnh.
Kiên Giang đã và tiếp tục là khu vực phát triển nhanh, sôi động của cả nước, đặt ra cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh những nội dung, yêu cầu mới, rất cao. Vì vậy, các cấp, các ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho toàn dân, trước hết là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, chủ trì, chủ chốt các cấp về vị trí, vai trò của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với công tác quan trọng này. Trước sự phát triển của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp chủ động, nhạy bén trong điều chỉnh, bổ sung, đổi mới chương trình, nội dung giáo dục quốc phòng và an ninh cho phù hợp với từng đối tượng, địa bàn và tình hình thực tiễn; phát huy vai trò của cơ quan quân sự - cơ quan thường trực của Hội đồng, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong tham mưu, tổ chức thực hiện.
Thực hiện tốt những nội dung trên, sẽ là tiền đề quan trọng để Kiên Giang xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh, tạo môi trường thuận lợi, phát huy tiềm năng, tạo động lực mạnh mẽ để Tỉnh phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Đại tá ĐÀM KIẾN THỨC, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự, Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh
__________
1 - Trong đó, có 52 trường trung học phổ thông; 06 trường trung học chuyên nghiệp, trung cấp nghề; 05 trường cao đẳng, đại học.
2 - Đầu tư trang bị: 200 khẩu súng AK bằng composit; 100 khẩu AK cấp 5 hoán cải; 47 máy bắn tập MBT-03; 31 giá súng đa năng, v.v.
Kiên Giang,giáo dục quốc phòng
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh