Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 21/08/2023, 08:14 (GMT+7)
Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng

Trường Cao đẳng Công nghiệp quốc phòng (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp các ngành kinh tế, kỹ thuật và dạy nghề ngắn hạn; nhân viên chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ, thợ bậc cao cho ngành Công nghiệp quốc phòng; liên kết, tham gia giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường cao đẳng khu vực Tây Bắc và đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với giáo dục, đào tạo, Nhà trường được Tổng cục Công nghiệp quốc phòng giao nhiệm vụ xây dựng đơn vị điểm về huấn luyện điều lệnh, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật. Đây là nhiệm vụ tương đối nặng nề đối với quy mô một trường cao đẳng, nhất là trong điều kiện Nhà trường phải đóng quân phân tán trên địa bàn hai tỉnh, thành phố (Hà Nội và Phú Thọ), điều kiện sinh hoạt, học tập của cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ còn khó khăn, đối tượng học viên đa dạng, trình độ nhận thức không đồng đều, gồm cả học viên quân sự và dân sự hệ chỉ tiêu công nghiệp quốc phòng; học viên nội trú và ngoại trú đan xen,... cùng những tác động phức tạp, nhiều chiều từ bên ngoài xã hội. Trước thực tiễn đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện các mặt công tác; trong đó, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, sát thực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Qua đó, làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, giáo viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện, “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trước hết, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Xuất phát từ vị trí, vai trò của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, Nhà trường tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, cũng như kiến thức và năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp trong triển khai thực hiện công tác quan trọng này. Trên cơ sở đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp xác định quyết tâm, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sát thực tiễn đơn vị mình. Từng cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị, định kỳ hằng tháng tự đánh giá kết quả thực hiện công tác này; đồng thời, dự báo tình hình tiếp theo để kịp thời bổ sung nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ. Thường xuyên cập nhật, quán triệt sâu sắc các kết luận, chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật1; thông báo những biểu hiện, hành vi vi phạm kỷ luật, pháp luật của quân nhân trong toàn quân; khâu yếu, mặt yếu, kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong duy trì, quản lý, chấp hành kỷ luật, pháp luật ở các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị để kịp thời rút kinh nghiệm và có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Cùng với đó, Nhà trường luôn coi trọng kiện toàn Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; phát huy tốt vai trò tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám hiệu trong xác định nội dung, lựa chọn hình thức, phương pháp phổ biến, giáo dục phù hợp, hiệu quả cho từng đối tượng, trong từng thời điểm cụ thể. Đẩy mạnh việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy chế, quy định, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Hội đồng trong thực hiện công tác quan trọng này.

Trao đổi kinh nghiệm giữa đội ngũ báo cáo viên tuyên truyền pháp luật của Nhà trường

Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với nhiều đối tượng, đạt hiệu quả cao, Nhà trường tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp tiến hành trong thực tiễn. Trong đổi mới nội dung, ngoài chương trình, nội dung giáo dục pháp luật chính khóa cho các đối tượng học viên, Nhà trường bám sát định hướng của trên, chủ động chọn lựa các chuyên đề, chủ đề tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho các đối tượng, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình đơn vị; trong đó, tập trung trang bị những kiến thức cơ bản của các văn bản quy phạm pháp luật mới. Chú trọng làm rõ những khâu yếu, mặt yếu trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, quy định bảo đảm an toàn trong học tập, huấn luyện và những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác quản lý, chỉ huy bộ đội, làm cơ sở để mọi quân nhân chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.

Cùng với đổi mới về nội dung Nhà trường chỉ đạo các đơn vị thường xuyên đổi mới, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục. Kết hợp chặt chẽ giữa tuyên truyền, giáo dục theo kế hoạch với giáo dục thường xuyên; giáo dục theo chuyên đề với tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo chủ đề. Đối với mỗi chuyên đề pháp luật, Nhà trường yêu cầu các đơn vị khi thực hiện phải bảo đảm tính chuyên sâu; chú trọng cập nhật thông tin mới, gợi mở nêu vấn đề, liên hệ vận dụng sát nội dung, đối tượng nhằm mục đích không chỉ trang bị kiến thức mà còn khơi dậy tình cảm, trách nhiệm, niềm tin của cán bộ, học viên, chiến sĩ đối với pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội để họ tự giác chấp hành. Đối với các chủ đề pháp luật, Nhà trường xây dựng kế hoạch tuyên truyền theo tuần hoặc tháng, gắn với đối tượng nhất định. Cùng với lên lớp tập trung đối với các chuyên đề, Nhà trường linh hoạt vận dụng các hình thức mang tính trực quan, sinh động để chuyển tải những nội dung pháp luật theo các chủ đề đã xác định, như: diễn đàn, tọa đàm, đối thoại, thi tìm hiểu, xử lý tình huống pháp luật, sân khấu hóa, v.v. Thực hiện tốt việc lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật với các hoạt động khác, như: thông báo chính trị, Ngày chính trị và văn hóa tinh thần. Coi trọng việc phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa; nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà truyền thống; ngăn sách, tủ sách pháp luật, phòng đọc điện tử, Phòng Hồ Chí Minh, hệ thống bảng tin, pa nô, áp phích, truyền thanh nội bộ. Đây là kênh thông tin quan trọng để tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ Quân đội, quy định của đơn vị đến với cán bộ, chiến sĩ nhanh nhất, trực quan nhất, góp phần thiết thực nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà trường. Các cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị có nhiều biện pháp nhằm khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, học viên tra cứu, tìm hiểu kiến thức nói chung, kiến thức về pháp luật nói riêng. Duy trì nghiêm nền nếp, hiệu quả Ngày pháp luật, “Mỗi tuần học một điều luật”, thực hiện tốt xây dựng đơn vị điểm về huấn luyện điều lệnh, xây dựng chính quy, quản lý kỷ luật.

Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên, làm nòng cốt trong công tác tuyền truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngoài đội ngũ giáo viên Bộ môn Nhà nước và pháp luật đảm nhiệm những nội dung giáo dục pháp luật theo chương trình giáo dục, đào tạo cho các đối tượng học viên, Nhà trường còn tuyển chọn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các khoa giáo viên, cơ quan, đơn vị có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Để bảo đảm chất lượng, Nhà trường thực hiện nghiêm quy trình sư phạm đối với mỗi bài giảng pháp luật, nhất là khâu thông qua giáo án trước khi thực hành lên lớp. Đối với đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật được lựa chọn từ cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị, Nhà trường yêu cầu không chỉ có trình độ lý luận, năng lực sư phạm, kinh nghiệm thực tiễn trong nắm, hiểu đặc điểm tâm lý học viên, mà còn phải tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm và kỹ năng tuyên truyền. Không chỉ tích cực tham gia các lớp tập huấn do Tổng cục tổ chức, Nhà trường còn tạo điều kiện để đội ngũ này tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, các đợt học tập, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, tham gia các Hội thi Báo cáo viên pháp luật do Tổng cục, địa phương tổ chức. Nhờ đó, đội ngũ giáo viên, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật của Nhà trường có sự tiến bộ về mọi mặt, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đạt kết quả thực chất, bền vững, Nhà trường kết hợp chặt chẽ công tác này với quản lý, duy trì kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy và các phong trào thi đua, cuộc vận động của đơn vị. Các cơ quan, đơn vị duy trì chặt chẽ các chế độ, nền nếp chính quy trong ngày, trong tuần, nhất là chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu. Tăng cường quản lý quân số, nắm và xử lý tốt tình hình, diễn biến tư tưởng bộ đội, nhất là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, học viên ngoại trú; tránh tư tưởng chủ quan, buông lỏng quản lý. Cùng với xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch hoạt động của từng cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị một cách chặt chẽ, khoa học, Nhà trường tổ chức có hiệu quả các hoạt động ngoài giờ, tạo thành một quy trình khép kín để bộ đội vừa thực hiện tốt các chế độ, nền nếp học tập, công tác, vừa có thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí. Đồng thời, thực hiện tốt Quy chế Dân chủ cơ sở, đẩy mạnh thi đua dạy tốt, học tốt, quản lý tốt, tăng cường cải cách hành chính quân sự, đổi mới phong cách, tác phong công tác, tạo môi trường thuận lợi để cán bộ, chiến sĩ, học viên tự giác tu dưỡng, rèn luyện kỷ luật.

Để tạo động lực trong thực hiện, Nhà trường chỉ đạo các đơn vị kết hợp chặt chẽ việc giáo dục chấp hành kỷ luật với phong trào Thi đua Quyết thắng và các cuộc vận động, hướng trọng tâm vào chủ đề: Trường Cao đẳng công nghiệp quốc phòng thực hiện nhiệm vụ giáo dục, đào tạo gắn với đẩy mạnh việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, tạo không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong đơn vị. Thông qua đó, nhiều tấm gương “người tốt, việc tốt” về mọi mặt, trong đó có điển hình về chấp hành pháp luật, kỷ luật được tuyên truyền, nhân rộng, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa sâu rộng trong tập thể quân nhân, từ đó xây dựng môi trường văn hóa tốt, đẹp, lành mạnh, phong phú, góp phần hạn chế thấp nhất vi phạm pháp luật, kỷ luật của bộ đội.

Với các giải pháp và cách làm trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Nhà trường đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức, hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong cán bộ, giáo viên, học viên nhân viên, chiến sĩ. Năm 2022, riêng khối học viên, có trên 91% xếp loại tốt và xuất sắc, góp phần xây dựng Nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá, ThS. LÊ TỐ HỮU, Chính ủy Nhà trường
_________________

1 - Trực tiếp là: Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ Quốc phòng về tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Chỉ thị số 5630/CT-CNQP, ngày 19/7/2021 của Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng về việc tăng cường quản lý, giáo dục và rèn luyện chấp hành kỷ luật, pháp luật trong Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...