Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 15/04/2024, 07:48 (GMT+7)
Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn 203

Nằm trong đội hình Quân đoàn 12 - quân đoàn chủ lực tinh, gọn, mạnh đầu tiên của Quân đội, Lữ đoàn Xe tăng 203 là một trong những đơn vị có bề dày truyền thống và thành tích cao của khối đơn vị binh chủng trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật,... và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác. Đặc biệt, những năm gần đây, trước yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng Quân đội và đơn vị, Lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các mặt công tác, bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh những mặt thuận lợi là cơ bản, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn do điều kiện quân số biên chế ít, huấn luyện nhiều đối tượng, quản lý số lượng lớn trang bị kỹ thuật đã qua chiến đấu và nhiều năm sử dụng; các đơn vị đóng quân phân tán trên địa bàn có tình hình an ninh, trật tự phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn,... tác động không nhỏ đến việc hoàn thành nhiệm vụ của Đơn vị, nhất là việc chấp hành pháp luật, kỷ luật của bộ đội. Do vậy, cùng với triển khai, thực hiện tốt các mặt công tác, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định: lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một trọng tâm, nhằm làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm và hành động của mỗi cán bộ, chiến sĩ trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, góp phần xây dựng Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và xứng đáng là đơn vị điểm về huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu năm 2024, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Quân đoàn thanh tra trách nhiệm của người chỉ huy trong chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội ở Lữ đoàn.

Trước hết, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Lữ đoàn yêu cầu cấp ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp thường xuyên quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị cùng các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trên về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Trọng tâm là Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20/6/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Chỉ thị số 103/CT-BQP, ngày 28/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, v.v. Trên cơ sở đó, đưa công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trở thành nội dung quan trọng trong nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ thường kỳ của Đảng ủy Lữ đoàn và cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện theo phân cấp, xác định rõ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, hình thức, thời gian, đối tượng phổ biến, tuyên truyền bảo đảm cụ thể, khoa học, sát thực tiễn. Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo, Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị bám sát Kế hoạch số 15/KH-HĐ, ngày 04/01/2024 của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Quân đoàn, triển khai thực hiện toàn diện, sát thực tiễn, có chất lượng. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị luôn bám sát tình hình nhiệm vụ năm, giai đoạn để lãnh đạo, chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh, làm phong phú thêm nội dung, hình thức, phương pháp tuyên truyền, giáo dục. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra nhằm khắc phục kịp thời mọi biểu hiện xem nhẹ hoặc coi công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị. Định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, phát huy ưu điểm, khắc phục triệt để những tồn tại, yếu kém; gắn trách nhiệm đối với tập thể và cá nhân, lấy kết quả tổ chức thực hiện làm một tiêu chí trong bình xét thi đua, khen thưởng, phân loại, đánh giá chất lượng tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên.

Hai là, tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Trên cơ sở nắm chắc mục đích, yêu cầu cần đạt được, Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững những nội dung cốt lõi trong các văn bản quy phạm pháp luật, nghị định, thông tư, hướng dẫn của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và của Quân đoàn. Trong đó, tập trung giáo dục các chuyên đề pháp luật, như: Luật An toàn giao thông năm 2008; Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014; Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015; Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016; Luật An ninh mạng năm 2018; Luật Quản lý, sử dụng vật liệu nổ năm 2019,... và các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm. Riêng đối tượng chiến sĩ mới, ngoài nội dung chung, Lữ đoàn tập trung tuyên truyền, giáo dục sâu sắc các nội dung trong Điều lệnh Quản lý bộ đội Quân đội nhân dân Việt Nam, 10 lời thề danh dự của quân nhân, 12 điều kỷ luật khi quan hệ với nhân dân.

Để đạt hiệu quả trong thực hiện, Lữ đoàn luôn chú trọng kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, khả năng, phương pháp và trách nhiệm cho đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên pháp luật; bảo đảm đội ngũ này thực sự gương mẫu về đạo đức, lối sống, có ý thức tổ chức kỷ luật, phương pháp, tác phong công tác tốt để tạo niềm tin, tính mô phạm, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục. Nhằm “mềm hóa” các nội dung, giúp bộ đội dễ nhớ, dễ thực hiện, Lữ đoàn đã phát huy trí tuệ tập thể, sáng tạo nhiều cách làm hay, hiệu quả, như: biên tập, sưu tầm các nội dung cô đọng, súc tích, các câu chuyện pháp luật,… tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh nội bộ; phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, đặc biệt là hệ thống pa nô, khẩu hiệu, bảng tin, bảng ảnh ở nhiều vị trí để tuyên truyền trực quan cho bộ đội. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị đổi mới phương pháp thực hiện Ngày pháp luật với các hình thức, như: tọa đàm, trao đổi, sân khấu hóa, v.v. Các cơ quan, đơn vị duy trì hiệu quả mô hình “Mỗi tuần học một điều luật”, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”, “Câu lạc bộ pháp luật”, “Nhóm zalo giữa đơn vị và gia đình” và đẩy mạnh thi đua thực hiện các phong trào “Chi đoàn không có cán bộ, đoàn viên, thanh niên vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “Tuổi trẻ với pháp luật”, “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội thi đua thực hiện văn hóa công sở, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” và Cuộc vận động “Thanh niên Quân đội với văn hóa giao thông” trong đoàn viên, thanh niên.

Trước những tác động tiêu cực từ bên ngoài, để định hướng, giúp cán bộ, chiến sĩ tự giác nâng cao ý thức học tập, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, Lữ đoàn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Điều tra hình sự Quân đoàn và Công an huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, giới thiệu chuyên đề về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật trong và ngoài Quân đội. Đồng thời, thường xuyên củng cố, phát huy vai trò của các thiết chế văn hóa, như: thư viện, phòng đọc, phòng Hồ Chí Minh, hệ thống truyền thanh nội bộ, tủ sách thanh niên, ngăn sách pháp luật,… trong tuyên truyền, giáo dục. Đến nay, 100% các tiểu đoàn của Lữ đoàn có đủ Tủ sách pháp luật theo quy định; trong đó, thường xuyên có gần 200 đầu sách về pháp luật, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tìm hiểu về pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, thông qua các hội nghị, cuộc họp, giao ban, sinh hoạt tập thể,… các cơ quan, đơn vị thường xuyên quán triệt, thông báo kịp thời tình hình vi phạm pháp luật, kỷ luật trong Quân đội, Quân đoàn, trên địa bàn đóng quân và chỉ rõ nguyên nhân các sai phạm. Qua đó, rút kinh nghiệm và định hướng tư tưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động, nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ.

Ba là, kết hợp chặt chẽ công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với quản lý, duy trì kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy và các phong trào thi đua, cuộc vận động, góp phần làm cho nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn luôn thống nhất. Với đặc thù là đơn vị binh chủng chiến đấu quản lý số lượng lớn trang bị kỹ thuật, huấn luyện nhiều đối tượng, các đơn vị đóng quân phân tán, Lữ đoàn đặc biệt coi trọng nâng cao hiệu quả công tác nắm, quản lý tư tưởng, các mối quan hệ của quân nhân và việc chấp hành pháp luật an toàn giao thông; nhất là khi thực hiện nhiệm vụ khó khăn, thời điểm dễ xảy ra vi phạm (ngày nghỉ, giờ nghỉ, đi phép, tranh thủ). Đối tượng trọng tâm là: hạ sĩ quan, chiến sĩ trong thời gian chuẩn bị xuất ngũ; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; các bộ phận vận hành xe tham gia giao thông. Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình hành động, triển khai thực hiện nghiêm túc công tác phân loại, sàng lọc và quản lý chặt chẽ tư tưởng những quân nhân có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn, có quan hệ phức tạp, thiếu cố gắng trong công tác để có biện pháp giáo dục riêng. Các đơn vị tổ chức cho từng cá nhân đăng ký phấn đấu thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, cam kết không vi phạm an toàn giao thông, các tệ nạn xã hội; mở “Sổ theo dõi tình hình và mối quan hệ của quân nhân” ở các chi bộ để mọi quân nhân đăng ký, kê khai, định kỳ hằng tháng cấp ủy, chỉ huy gặp gỡ, nắm tình hình, tổng hợp báo cáo theo phân cấp. Phát huy tốt vai trò của tổ tư vấn tâm lý, pháp lý; duy trì thường xuyên đối thoại dân chủ ở các cấp; cán bộ gần gũi, sâu sát bộ đội, tăng cường liên hệ, phối hợp với địa phương, gia đình để nắm chắc diễn biến tư tưởng bộ đội, kịp thời xử lý khi có biểu hiện bất thường xảy ra. Duy trì tốt các phong trào rèn luyện, chấp hành kỷ luật, xây dựng nếp sống chính quy, môi trường văn hóa lành mạnh trong từng cơ quan, đơn vị. Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kết hợp tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Cuộc vận động Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới và phong trào Thi đua Quyết thắng, nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động trực tiếp đến ý thức, văn hóa chấp hành pháp luật của bộ đội.

Với các biện pháp và cách làm trên, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Lữ đoàn 203 đạt hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước của cán bộ, chiến sĩ. Nhờ đó, tình hình chấp hành kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy của Lữ đoàn có những chuyển biến vững chắc, toàn diện; nội bộ đoàn kết, thống nhất, mối quan hệ cán bộ, chiến sĩ được giải quyết hài hòa; Đơn vị an toàn về mọi mặt; tỷ lệ vi phạm kỷ luật thông thường của bộ đội giảm dưới 0,2%. Đây là một trong những nhân tố quan trọng để xây dựng Đảng bộ Lữ đoàn trong sạch, vững mạnh tiêu biểu; Lữ đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”; các tổ chức quần chúng vững mạnh xuất sắc, tạo sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, tô thắm thêm truyền thống “Thần tốc, táo bạo - đã ra quân là đánh thắng” của Lữ đoàn Anh hùng.

Đại tá NGUYỄN ĐĂNG NHO, Chính ủy Lữ đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...