Thứ Bảy, 23/11/2024, 11:32 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Tiếp theo và hết1
II. Để kết quả bền vững, lâu dài
Với nhận thức đúng và hành động quyết liệt, việc thực hiện Năm An toàn giao thông quốc gia của lực lượng vận tải chiến lược Quân đội đã đạt được kết quả toàn diện, tương đối vững chắc, góp phần hình thành nếp sống văn hóa giao thông của Bộ đội Vận tải. Rõ nét nhất là, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chặt chẽ, sát chức trách, nhiệm vụ; nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước, các quy định về an toàn giao thông của cán bộ, chiến sĩ được nâng cao. Ở mọi lúc, mọi nơi, khi tham gia vận chuyển theo đội hình hoặc đơn lẻ, lực lượng làm nhiệm vụ vận tải luôn đảm bảo đủ giấy tờ; không uống rượu bia, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ, lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, hành lang bảo vệ an toàn giao thông; ứng xử đúng mực, tôn trọng, giúp đỡ mọi người, nhất là khi có tai nạn giao thông, làm đẹp thêm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” – “Bộ đội vận tải” trong thời kỳ mới. Trong 05 năm qua (2010 - 2015), trung bình hằng năm, toàn lực lượng đã vận chuyển (cả thường xuyên và đột xuất) đạt trên 100 nghìn tấn vật tư, hàng hóa; với 05 đến 06 triệu ki-lô-mét lưu hành bằng ô tô và 80 đến 100 nghìn giờ máy thủy bảo đảm an toàn, đúng quy định; góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu Năm An toàn giao thông quốc gia; thể hiện sự cố gắng lớn của lãnh đạo, chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng vận tải chiến lược Quân đội.
Tuy nhiên, Đảng ủy, chỉ huy Cục Vận tải nhận thấy, so với yêu cầu nhiệm vụ, việc thực hiện Năm An toàn giao thông quốc gia của lực lượng vận tải chiến lược Quân đội vẫn còn những hạn chế, chưa vững chắc. Nguyên nhân chủ yếu là do năng lực lãnh đạo, tổ chức thực hiện của một số cấp ủy, chỉ huy chưa toàn diện; các kế hoạch, biện pháp chưa đồng bộ, nhất là những giải pháp khắc phục khâu yếu, mặt yếu. Một số ít cán bộ, chiến sĩ có biểu hiện đơn giản trong chấp hành pháp luật, các chế độ, quy định khi tham gia giao thông.
Thời gian tới, trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội, nhiệm vụ vận tải của Đơn vị nặng nề hơn, trong khi lực lượng và phương tiện chưa được đầu tư nhiều. Vì vậy, để kết quả thực hiện Năm An toàn giao thông quốc gia được bền vững và khắc phục triệt để những hạn chế trong công tác đảm bảo an toàn giao thông, các cơ quan, đơn vị vận tải chiến lược Quân đội cần thực hiện tốt các chủ trương, giải pháp đã được triển khai thực hiện mang lại hiệu quả cao; trong đó, cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề sau:
Một là, cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác đảm bảo an toàn giao thông. Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với việc đảm bảo an toàn giao thông của các đơn vị vận tải; nhất là hiện nay, tình hình an toàn giao thông quốc gia diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đơn vị luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trong mọi điều kiện, mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, đòi hỏi cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên các cấp phải đề cao trách nhiệm, bám sát nhiệm vụ, tình hình an toàn giao thông để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, hiệu quả, không một chút lơ là, đơn giản. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; lấy kết quả đảm bảo an toàn giao thông là một tiêu chí đánh giá, bình xét khen thưởng, đề bạt, bổ nhiệm, nâng lương,… của tập thể, cá nhân. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, sự tham gia tích cực của cán bộ, chiến sĩ đối với công tác này; làm tốt công tác kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của cán bộ, chiến sĩ, nhất là đội ngũ lái xe, lái tàu, nhân viên kỹ thuật. Hiện nay, cần tổ chức cho các đối tượng học tập, nắm vững: Chỉ thị 18-CT/TW, ngày 04-9-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông”; Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Nghị định 107/2014/NĐ-CP, ngày 17-11-2014 sửa đổi Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; Nghị định 24/2015/NĐ-CP, ngày 27-02-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa; Luật Hàng hải quốc tế; Nghị quyết 437-NQ/ĐU của Đảng ủy Cục Vận tải về “Tăng cường giáo dục pháp luật; quản lý, rèn luyện kỷ luật, bảo đảm an toàn đơn vị và an toàn giao thông”, v.v. Việc làm này cần được các cơ quan, đơn vị tiến hành với nhiều hình thức và nội dung phù hợp; gắn kết chặt chẽ và phát huy, duy trì tốt các hình thức, chế độ, nền nếp giáo dục chính trị, tư tưởng, bảo đảm mọi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vận tải chiến lược Quân đội đều được học tập đúng, đủ chương trình, nội dung theo quy định; kiểm tra nhận thức hằng năm: 100% đạt yêu cầu; trong đó, khá, giỏi: 70% trở lên. Trên cơ sở đó, làm cho lực lượng vận tải chiến lược Quân đội quán triệt sâu sắc, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ của đơn vị trong giai đoạn mới. Đồng thời, nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, đột phá vào khâu yếu, mặt yếu, thực hiện tốt phương châm vận chuyển: “Đầy đủ, kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn” trong mọi điều kiện, hoàn cảnh; phấn đấu không để xảy ra mất an toàn giao thông (cả đường bộ, đường sắt và đường thủy), làm cho văn hóa giao thông trở thành nếp sống đẹp của Bộ đội Vận tải và lan tỏa trong xã hội.
Ba là, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật, lái xe, lái tàu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đây không chỉ là giải pháp có ý nghĩa cơ bản, lâu dài, mà còn là giải pháp thiết thực nhằm phát huy kết quả Năm An toàn giao thông quốc gia của lực lượng vận tải chiến lược Quân đội. Vì vậy, trên cơ sở sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, thực tiễn, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng vận tải trong tình hình mới, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị xác định nội dung, chủ trương, biện pháp tiến hành phù hợp, hiệu quả. Trước mắt, tập trung rà soát, đánh giá chất lượng, nhu cầu về số lượng, quy mô đội ngũ lái xe, lái tàu, nhân viên kỹ thuật, đề xuất với trên có kế hoạch tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, huấn luyện. Qua đó, nâng cao trình độ kỹ thuật, đạo đức nghề nghiệp, khả năng thực hành trong bảo quản, sửa chữa, khai thác, vận hành phương tiện (cả cũ và mới); khắc phục sự thiếu hụt lực lượng, nhất là các đơn vị phía Nam, tạo sự ổn định để lực lượng này yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Để bảo đảm cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy Cục Vận tải đã có nghị quyết chuyên đề, đề ra các biện pháp cả về tư tưởng, chính sách, hành chính,… thực hiện luân chuyển đội ngũ lái xe, lái tàu, nhân viên kỹ thuật giữa các đơn vị.
Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần thực hiện tốt nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác cán bộ; đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Qua đó, xây dựng đội ngũ cán bộ đơn vị vận tải chiến lược Quân đội, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, phương pháp, tác phong công tác khoa học, sâu sát, tỉ mỉ; có năng lực tham mưu, quản lý, chỉ huy, điều hành đơn vị, kỹ năng thực hành, kiểm tra, uốn nắn; tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, thực sự mẫu mực, tiêu biểu về “văn hóa giao thông” để quần chúng noi theo. Các đơn vị cần quan tâm xây dựng môi trường văn hóa quân sự trong sạch, lành mạnh, tăng cường công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, xây dựng nền nếp chính quy, kiên quyết đẩy lùi các hiện tượng văn hóa xấu, độc xâm nhập vào đơn vị; làm tốt việc đảm bảo các chế độ, chính sách, nhất là chính sách hậu phương Quân đội đối với cán bộ, chiến sĩ vận tải.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh các phong trào: xây dựng “Đơn vị vận tải chính quy - an toàn - hiệu quả”, “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, gắn với Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”. Đây là những mô hình, cách làm đã mang lại hiệu quả trên thực tế, cần tiếp tục thực hiện với nội dung, hình thức phong phú, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia theo tiêu chí, chuẩn mực đã xác định; đồng thời, nâng cao chất lượng công tác kỹ thuật, thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, góp phần quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông của đơn vị. Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần làm tốt hơn việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, khen thưởng, xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến về an toàn giao thông; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng và các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức, các ngành. Đồng thời, duy trì nghiêm nền nếp chế độ công tác kỹ thuật, các hội thi, hội thao; tích cực nghiên cứu khoa học và sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng kết quả, thành tựu khoa học - kỹ thuật vào nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận tải và giải quyết các khó khăn về vật tư, bảo đảm kỹ thuật. Qua đó, tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mọi cán bộ, chiến sĩ trong bảo quản, bảo dưỡng, sử dụng hiệu quả các loại phương tiện, khí tài của đơn vị; phấn đấu bảo đảm hệ số kỹ thuật của xe, máy (K = 0,93), của tàu, thuyền (K = 0,96) trở lên. Cùng với đó, các đơn vị cần tập trung nguồn lực đầu tư củng cố các nhà xe, bến cảng, ụ neo, nhà kho, trạm xưởng, phương tiện phòng, chống cháy, nổ,… để quản lý, bảo quản tốt phương tiện. Đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần có kế hoạch trang bị phương tiện vận tải quân sự phù hợp với nhiệm vụ ở từng cấp (chiến lược, chiến dịch, chiến thuật), từng vùng và từng tuyến hoạt động; hoàn chỉnh chiến lược trang bị cho lực lượng vận tải chiến lược giai đoạn 2011 - 2020, bảo đảm vững mạnh, đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ.
Các giải pháp trên là những nội dung cơ bản để kết quả thực hiện Năm An toàn giao thông quốc gia của lực lượng vận tải chiến lược Quân đội tiếp tục được phát huy, mang lại kết quả bền vững, bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, vật chất, góp phần tích cực vào nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
MINH SƠN - HOÀNG TRƯỜNG _____________
1 - Xem Tạp chí Quốc phòng toàn dân từ số 10-2015.
An toàn giao thông,vận tải Quân đội
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh