Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Sáu, 21/01/2022, 07:57 (GMT+7)
Hà Giang khắc phục khó khăn, thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới - nơi “phên giậu” cực Bắc của Tổ quốc,  có nhiều tiềm năng về đất đai, tài nguyên; với đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; có công viên địa chất toàn cầu,... nên Tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của Quân khu 2 và cả nước. Những năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Trung ương, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn, kinh tế - xã hội của Tỉnh có bước khởi sắc, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, địa hình, khí hậu khắc nghiệt,... nên Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế chậm phát triển, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội cơ bản ổn định, song tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Các thế lực thù địch triệt để lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, nhân quyền kích động đồng bào di, dịch cư tự do; truyền đạo trái pháp luật, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Tình hình an ninh biên giới, nhất là hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em, gian lận thương mại, vượt biên trái pháp luật,... tiếp tục gia tăng. Đặc biệt, dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, trong đó có Hà Giang. Nhận thức rõ những khó khăn và nắm chắc đặc điểm địa bàn, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã chủ động làm tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương; trong đó, giáo dục quốc phòng và an ninh được Tỉnh hết sức coi trọng, nhằm tạo cơ sở xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Trước hết, Tỉnh đẩy mạnh quán triệt, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, văn bản pháp luật về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Nghị định số 139/2020/NĐ-CP, ngày 27/11/2020 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 13/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu 2. Chỉ đạo các ban, sở, ngành, đoàn thể và cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quán triệt trong các hội nghị, đợt tập huấn, bồi dưỡng, sơ kết, tổng kết,… nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, ngành đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Qua đó, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong triển khai thực hiện, tạo chuyển biến toàn diện cả về nội dung, hình thức, quy mô, đối tượng giáo dục quốc phòng và an ninh.

Cùng với đó, Tỉnh thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp. Với vai trò là Cơ quan Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã tham mưu kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đảm bảo số lượng, thành phần, cơ cấu hợp lý, phân công trách nhiệm cho từng thành viên, xây dựng quy chế hoạt động đúng quy định, nhất là sau mỗi kỳ đại hội đảng, bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, thay đổi cán bộ chủ chốt, v.v. Đồng thời, ban hành các văn bản, hướng dẫn thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh hằng năm sát với đặc điểm, tình hình thực tế của địa phương. Chủ động phối hợp với các ban, sở, ngành, đoàn thể rà soát, nắm số lượng các đối tượng thuộc diện phải bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh; xây dựng kế hoạch mở các lớp bồi dưỡng cho từng đối tượng; kiểm tra việc triển khai thực hiện của các địa phương, cơ sở, rút kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, thiếu sót để không ngừng nâng cao chất lượng đối với công tác quan trọng này.

Học viên đối tượng 3, lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh luyện tập bắn súng K54

Do đặc điểm là tỉnh miền núi, biên giới, địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn, số lượng, đối tượng cán bộ trong diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh lớn, nên Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chủ động tham mưu với Tỉnh phân cấp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các cấp, mở rộng đối tượng bồi dưỡng, kết hợp trên, dưới cùng làm, phù hợp quy định, vừa tạo điều kiện cho cán bộ chủ động sắp xếp công việc tham gia học tập đầy đủ, vừa tiết kiệm thời gian, kinh phí. Thực hiện chủ trương đó, thời gian qua, Tỉnh đã triệu tập, cử cán bộ thuộc đối tượng 1, 2 đi bồi dưỡng theo chỉ tiêu trên giao; mở các lớp bồi dưỡng tập trung cho cán bộ thuộc đối tượng 3 tại Trung đoàn 887 (Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh) và chỉ đạo các huyện, thành phố mở lớp bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4 theo cụm xã. Để đạt hiệu quả cao, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chỉ đạo lựa chọn cán bộ có trình độ, kiến thức, kinh nghiệm tham gia tổ giáo viên, thành lập khung quản lý các lớp bồi dưỡng và trích kinh phí hỗ trợ, bảo đảm nơi ăn, ở cho học viên trong thời gian học tập.

Ngoài các đối tượng theo quy định, Tỉnh yêu cầu hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp mở rộng đối tượng để ngày càng có nhiều người được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh. Trong đó, tập trung bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức liên quan đến biên giới, cửa khẩu, chủ hộ gia đình biên giới, cựu chiến binh, phóng viên các cơ quan báo chí; chủ doanh nghiệp, xí nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các trường trung học phổ thông; đoàn viên, thanh niên; già làng, trưởng họ tộc, người có uy tín trong cộng đồng dân cư; chức sắc, chức việc các tôn giáo, v.v. Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh còn chỉ đạo Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố tích cực, chủ động lồng ghép bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho cán bộ là học viên đang theo học các lớp cao học kinh tế, cao cấp, trung cấp lý luận, sơ cấp chính trị và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Từ năm 2018 đến nay, Tỉnh đã cử 66 cán bộ thuộc đối tượng 1, 2 tham gia các lớp bồi dưỡng do Quân khu tổ chức, đạt 100% chỉ tiêu; mở 21 lớp bồi dưỡng cho 2.581 cán bộ thuộc đối tượng 3; 410 lớp cho hơn 30.000 cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng 4; 10 lớp cho 612 già làng, trưởng họ tộc, người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc, chức việc tôn giáo và bồi dưỡng được gần 36.200 lượt học viên của Trường Chính trị, Trung tâm bồi dưỡng chính trị các huyện, thành phố đạt kết quả tốt.

Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên được Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh quan tâm, thực hiện nền nếp, đạt hiệu quả cao. Nổi bật là, chủ động khắc phục tình trạng thiếu giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh trong các nhà trường, như: phân công giáo viên kiêm nhiệm, gửi giáo viên đi đào tạo ngắn hạn, phối hợp với cơ quan quân sự các cấp tổ chức huấn luyện, v.v. Hằng năm, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chỉ đạo các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên trong các nhà trường, nhằm thống nhất nội dung, chương trình, phương pháp dạy môn giáo dục quốc phòng và an ninh. Nhờ đó, từng bước nâng cao trình độ, kiến thức, kinh nghiệm cho đội ngũ giáo viên, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của môn học. Từ năm 2018 đến nay, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với Ủy ban nhân dân Tỉnh cử đi đào tạo ngắn hạn được 73 giáo viên; tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 51.700 lượt học sinh, sinh viên, bảo đảm nội dung, chương trình; kết quả kiểm tra có 100% đạt yêu cầu, trong đó, gần 70% khá, giỏi.

Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Vị Xuyên là một trong những mặt trận ác liệt nhất. Đây là địa chỉ đỏ, thực tế sinh động nhất để giáo dục truyền thống, tinh thần bất khuất, chiến đấu dũng cảm “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử” của người chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên cho các đối tượng. Vì vậy, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ban, ngành, đoàn thể, nhất là các cơ sở giáo dục và đào tạo tăng cường giáo dục truyền thống của quê hương, dân tộc; tổ chức các buổi tham quan, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên,... góp phần xây dựng, bồi dưỡng nhân cách, nếp sống cho thế hệ trẻ, nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực thực hiện nghĩa vụ quân sự, công an, tham gia đăng ký tuyển sinh vào các trường Quân đội, Công an, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tỉnh Hà Giang hiện có 19 dân tộc cùng sinh sống (trong đó nhiều nhất là dân tộc Mông, chiếm 34,6%), nhận thức, trình độ dân trí của đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa đồng đều. Vì thế, Tỉnh chú trọng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân. Thời gian qua, Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên,… cấp mình tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền miệng; lồng ghép tuyên truyền trong lễ hội của đồng bào các dân tộc, các phiên chợ vùng cao, lễ giao nhận quân hằng năm. Đồng thời, chỉ đạo các địa phương định kỳ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, nhằm đưa công tác tuyên truyền đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; phối hợp với Đài phát thanh - Truyền hình Tỉnh, Báo Hà Giang mở các chuyên trang, chuyên mục quốc phòng toàn dân, góp phần tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đồng bào về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch. Từ đó, nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức gắn kết cộng đồng trong lao động, sản xuất, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ngoài ra, Tỉnh coi trọng phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, trở thành những “cột mốc sống” nơi biên cương.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp cùng sự đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn của cả hệ thống chính trị, các lực lượng và toàn dân, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của tỉnh Hà Giang đã đi vào nền nếp, đạt hiệu quả thiết thực. Đây là cơ sở quan trọng trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh, bảo vệ vững chắc từng tấc đất thiêng liêng nơi địa đầu Tổ quốc.

Đại tá LẠI TIẾN GIANG, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...