Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 12/12/2013, 22:21 (GMT+7)
Giáo dục văn hóa giao thông cho thanh niên Quân Đội

Theo Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia: “Văn hóa giao thông (VHGT) được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng VHGT nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hoá, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo trật tự, ATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để có nền VHGT hiện đại, văn minh, phải kiên trì xây dựng trong một thời gian dài mới đạt được. Đối với nước ta, đảm bảo trật tự, ATGT hiện nay đang là vấn đề bức xúc mà cả hệ thống chính trị phải quan tâm giải quyết. Vì vậy, xây dựng VHGT là yêu cầu cấp thiết, không thể chậm trễ, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng; mà đối tượng chủ yếu hướng tới để xây dựng VHGT là tầng lớp thanh niên, học sinh - người chủ tương lai của đất nước.

Kiểm tra bằng lái xe của các chiến sĩ ở Trung đoàn PB 452, BTL Thủ đô Hà Nội (Nguồn: qdnd.vn)

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, đoàn viên, thanh niên (ĐV,TN) là lực lượng đông đảo, trong đó, chiếm phần lớn là hạ sĩ quan, binh sĩ và một bộ phận sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng. Đây là những người thường xuyên tham gia giao thông (cả trong giờ nghỉ, ngày nghỉ); vì vậy, việc giáo dục VHGT cho ĐV,TN Quân đội không chỉ có ý nghĩa đảm bảo ATGT, giảm thiểu tai nạn, tạo bộ mặt giao thông của nước ta ngày càng văn minh, mà còn có vai trò to lớn, góp phần hình thành nhân cách người quân nhân cách mạng trong thời kỳ mới. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo ban hành các văn bản, quy định và tổ chức nhiều hoạt động đảm bảo ATGT, như: tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các đối tượng; đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng gắn với các cuộc vận động; tăng cường kiểm tra, kiểm soát,... nên tình hình chấp hành Luật, các quy định và đảm bảo ATGT của Quân đội đạt được kết quả tích cực, góp phần tạo sự ổn định, phát triển chung của xã hội. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, các vụ tai nạn giao thông liên quan đến cán bộ, chiến sĩ, phương tiện quân sự vẫn diễn biến phức tạp, có nhiều vụ gây hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản. Trong đó, số vụ liên quan đến cán bộ, ĐV,TN chiếm tỷ lệ cao, mà nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, chủ yếu là do VHGT của người tham gia giao thông còn hạn chế.

Để xây dựng VHGT, tạo sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành vi của cán bộ, ĐV,TN Quân đội trong tham gia giao thông, cần thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau đây:

Một là, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo việc giáo dục VHGT cho ĐV,TN. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy là nhân tố bảo đảm cho hoạt động của tổ chức đoàn nói chung, công tác giáo dục VHGT cho ĐV,TN nói riêng đạt chất lượng, hiệu quả thiết thực. Vì vậy, việc giáo dục, xây dựng VHGT cho ĐV,TN phải được đưa vào nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, kế hoạch hoạt động của đơn vị. Trong đó, xác định rõ chủ trương, biện pháp thực hiện; lấy việc đảm bảo ATGT trong mọi hoạt động của đơn vị là mục tiêu chính trị để có quyết tâm phấn đấu. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo gắn giáo dục VHGT với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (GDPL); duy trì nghiêm các chế độ, quy định về bảo đảm ATGT; đề cao sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước và các quy định, quy tắc về ATGT để ĐV,TN noi theo. Người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; rút kinh nghiệm việc thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục; kịp thời biểu dương, khích lệ gương “người tốt, việc tốt”; uốn nắn, ngăn chặn, xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm các quy định về bảo đảm trật tự, ATGT của cán bộ, chiến sĩ nói chung, ĐV,TN nói riêng.

Hai là, đội ngũ cán bộ, ban chấp hành đoàn các cấp đề cao vai trò, trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giáo dục VHGT cho ĐV,TN. Với vai trò là thủ lĩnh thanh niên, đội ngũ cán bộ đoàn cần nhận thức sâu sắc rằng, việc giáo dục VHGT là một nội dung, biện pháp quan trọng góp phần bồi dưỡng, xây dựng lối sống cho ĐV,TN hiện nay. Trên cơ sở đó, đề cao trách nhiệm trong quán triệt những hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, tình hình đơn vị, đặc điểm của đội ngũ cán bộ, ĐV,TN; chủ động đề xuất với lãnh đạo, chỉ huy nội dung, biện pháp, chương trình, kế hoạch giáo dục sát thực, hiệu quả. Để làm tốt nhiệm vụ, người cán bộ đoàn phải tâm huyết, không ngại khó khăn, vất vả; tích cực học tập nâng cao trình độ hiểu biết về ATGT và VHGT; rèn luyện kỹ năng tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các hoạt động có tính thuyết phục cao. Trong quá trình thực hiện, các cấp bộ đoàn phải luôn đổi mới, sáng tạo; gắn kết, lồng ghép giáo dục VHGT trong các nội dung, hoạt động của tổ chức đoàn và đơn vị, phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của tuổi trẻ; làm cho tổ chức đoàn thực sự là nơi tập hợp, tuyên truyền, giáo dục, rèn luyện, tổ chức các phong trào hành động cách mạng xung kích thực hiện VHGT của ĐV,TN. Đồng thời, quan tâm làm tốt công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong tuyên truyền, phổ biến, GDPL nói chung, giáo dục VHGT nói riêng; đưa nội dung giáo dục VHGT vào chỉ tiêu thi đua, các cuộc vận động của tuổi trẻ và xem đó là một tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua, khen thưởng ĐV,TN hằng tháng, năm.

Ba là, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, GDPL về ATGT cho ĐV,TN. Thực tiễn cho thấy, để công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL nói chung và Luật, quy định về giao thông nói riêng đạt mục đích, yêu cầu thì phải được tiến hành bằng nhiều hình thức sinh động, thiết thực. Vì vậy, sau khi có chương trình, nội dung giáo dục cụ thể, việc đa dạng hóa và sử dụng phù hợp các hình thức là vấn đề có ý nghĩa quyết định tới chất lượng giáo dục VHGT cho ĐV,TN. Do đó, các đơn vị, tổ chức đoàn phải thực hiện tốt chương trình, nội dung giáo dục chính trị cơ bản; công tác tuyên truyền, phổ biến, GDPL theo quy định cho các đối tượng. Qua đó, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao ý thức chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước cho ĐV,TN; xây dựng cho họ thói quen sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, hành động theo điều lệnh, chuẩn mực đạo đức, tác phong, ứng xử lành mạnh, ý thức tự giác tuân thủ các quy định trong tham gia giao thông. Đây là cơ sở quan trọng để hình thành VHGT ở mỗi người. Trong quá trình giáo dục, bên cạnh việc tổ chức lên lớp tập trung là hình thức cơ bản, các cơ quan, đơn vị, tổ chức đoàn cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo, lồng ghép nhiều hình thức khác, như: thi tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ (thi viết hoặc sân khấu hóa); lồng ghép trong chương trình văn hóa, văn nghệ; thực hiện mô hình “Mỗi ngày một câu hỏi pháp luật”; thông qua sinh hoạt chính trị, Ngày Pháp luật, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần hằng tháng; khai thác, sử dụng có hiệu quả ngăn, tủ sách pháp luật,... qua đó, tạo sân chơi phong phú, hấp dẫn thu hút ĐV,TN tham gia. Đặc biệt, cần tập trung đẩy mạnh Cuộc vận động “Thanh niên Quân đội với VHGT” bằng nhiều nội dung, hình thức hoạt động thiết thực là giải pháp cơ bản nhất.

Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong giáo dục VHGT cho ĐV,TN. Mỗi tổ chức, lực lượng có vị trí, chức năng, nhiệm vụ riêng, song đều trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần giáo dục VHGT cho ĐV,TN. Trước hết, cơ quan chính trị cần phát huy tốt vai trò tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức đoàn hoạt động; đồng thời, là trung tâm phối hợp, hiệp đồng, huy động sự tham gia của các cơ quan tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, tổ chức Công đoàn, Phụ nữ trong đơn vị và các tổ chức, lực lượng địa phương nơi đóng quân trong tuyên truyền, duy trì, đảm bảo trật tự, ATGT. Để phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng trong giáo dục VHGT cho ĐV,TN, các đơn vị cần xây dựng quy chế phối hợp, kế hoạch hoạt động; xác định nội dung, hình thức, thời gian, địa điểm, phân công cụ thể, rõ ràng; lấy kết quả giáo dục, đảm bảo ATGT là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những nơi làm tốt; chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, nhất là biểu hiện “khoán trắng” việc giáo dục VHGT cho tổ chức đoàn và cán bộ đoàn.

Năm là, phát huy vai trò tích cực, tự giác của ĐV,TN trong học tập nâng cao trình độ hiểu biết pháp luật, xây dựng VHGT. Việc giáo dục, xây dựng VHGT ở mỗi ĐV,TN Quân đội chỉ có hiệu quả khi nào bản thân họ tích cực, chủ động, tự giác học tập và rèn luyện thói quen chấp hành kỷ luật, pháp luật trong cuộc sống, sinh hoạt và công tác; đấu tranh, phê phán thẳng thắn với những nhận thức và hành vi không phù hợp với chuẩn mực đạo đức và các quy định của pháp luật về ATGT. Vì vậy, lãnh đạo, chỉ huy, tổ chức đoàn các cấp cần thường xuyên định hướng, động viên, khuyến khích tinh thần chủ động, tự giác, tự học, tự rèn của ĐV,TN; bảo đảm để họ được bồi dưỡng một cách toàn diện về phẩm chất đạo đức, thói quen hành vi theo các quy định của kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Các đơn vị quan tâm bảo đảm tốt sách, báo, tài liệu, bố trí, sắp xếp thời gian công tác, sinh hoạt hợp lý để ĐV,TN có điều kiện tự nghiên cứu, học tập pháp luật nói chung và vấn đề ATGT nói riêng. Đồng thời, tổ chức các hội thi, hội thao,... qua đó, giúp họ tự đánh giá trình độ, kiến thức pháp luật, những mặt mạnh, mặt yếu của bản thân, xác định biện pháp học tập, rèn luyện phù hợp. Bên cạnh đó, các tổ chức đoàn cần có nhiều hình thức động viên những cá nhân có thành tích trong chấp hành các chế độ, quy định, nhất là về ATGT; khắc phục những biểu hiện ngại học, ngại rèn của ĐV,TN.

Giáo dục VHGT cho thanh niên Quân đội là hoạt động có ý nghĩa to lớn, trực tiếp góp phần nâng cao ý thức tự giác trong tham gia giao thông, giảm thiểu các vụ tai nạn, bảo đảm an toàn cho người và tài sản của Quân đội. Do đó, cấp ủy, cán bộ chủ trì các cấp cần nhận thức đầy đủ hơn ý nghĩa của việc giáo dục VHGT cho mọi quân nhân nói chung, ĐV,TN Quân đội nói riêng. Trên cơ sở đó, có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để việc giáo dục VHGT đạt mục đích, yêu cầu đề ra, thiết thực xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Thiếu tá THÁI ĐỨC HẠNH

Ủy viên Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng Ban Thanh niên Quân đội

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...