Thứ Sáu, 22/11/2024, 03:53 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh (Trường Đại học Hải Phòng) có nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh của 14 trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hải Phòng và sinh viên của 23 trường đại học, cao đẳng nghề theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về “Quy định tổ chức hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, các cơ sở giáo dục đại học”; Quyết định số 2861/QĐ-BQP, ngày 24/8/2021 của Bộ Quốc phòng về “Điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh”. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, mang tính đặc thù cao, với nhiều kiến thức chuyên ngành cả về lý luận và thực tiễn. Trong khi đó, đội ngũ giáo viên của Trung tâm còn thiếu; trình độ, kiến thức về quốc phòng và an ninh còn hạn chế; cơ sở vật chất phục vụ môn học còn nhiều hạn hẹp, v.v. Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, kế hoạch, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu 3, Trung tâm đã triển khai đồng bộ các biện pháp, hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, được các trường liên kết ghi nhận, đánh giá cao, từng bước khẳng định chất lượng, thương hiệu, uy tín của mình1.
Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới, khu vực; các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá bằng âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hòng tạo cớ can thiệp từ bên ngoài; những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp,... đang đặt ra yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước nói riêng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ quan trọng này, cùng với đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của cả nước, Trung tâm xác định, phải tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; trong đó, chú trọng triển khai thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên bảo đảm số lượng, chất lượng, đạt chuẩn hóa, coi đây là yếu tố then chốt, quyết định chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên. Trước thực tế đội ngũ sĩ quan biệt phái - lực lượng nòng cốt đối với môn học này ngày càng giảm do đến tuổi nghỉ hưu, chuyển công tác, Trung tâm chủ động đề xuất với Nhà trường chú trọng công tác tuyển dụng, bổ sung đội ngũ giáo viên, ưu tiên những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Để đạt mục tiêu đến năm 2025 có trên 90% cán bộ, giảng viên có trình độ đại học trở lên, Trung tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu, vị trí công tác theo hướng đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực, trình độ toàn diện, bảo đảm đạt chuẩn hóa cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Thực hiện chủ trương đó, Trung tâm lựa chọn cán bộ, giảng viên trẻ có phẩm chất đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm cử đi đào tạo sau đại học và đào tạo văn bằng 2 giáo viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Đồng thời, hằng năm cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quân khu 3 tổ chức, sau đó tập huấn cho số cán bộ, giảng viên còn lại. Với những cán bộ, giảng viên trẻ, Trung tâm phân công những giảng viên có trình độ, kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ và báo cáo, đề xuất với Bộ Tham mưu Quân khu 3 đưa đi thực tế tại một số đơn vị Quân đội trong thời gian từ 01 đến 03 tháng để làm quen công tác quản lý, huấn luyện bộ đội. Bên cạnh đó, Trung tâm khuyến khích đội ngũ cán bộ, giảng viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, nhất là các đề tài có tính ứng dụng thực tiễn cao2; đồng thời, tăng cường cử giảng viên tham gia Hội thi giảng viên dạy giỏi do Nhà trường, Vụ Giáo dục quốc phòng và an ninh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức để nâng cao trình độ chuyên môn, bản lĩnh, tâm lý, phương pháp và kỹ năng sư phạm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực. Để nội dung môn học này theo kịp sự phát triển của thực tiễn đất nước, cùng với nghiên cứu, triển khai thực hiện đúng nội dung, chương trình theo Thông tư số 02/2017/TT-BGDĐT, ngày 13/01/2017, Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; Thông tư số 10/2018/TT-BLĐTBXH, ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Trung tâm thường xuyên cập nhật, bổ sung nội dung mới về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và tình hình thực tiễn. Đồng thời, yêu cầu đội ngũ giảng viên biên soạn giáo án điện tử, các bài giảng đều được minh họa bằng âm thanh, hình ảnh, phim tư liệu về các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, hoạt động quốc phòng, an ninh của các địa phương,… nhằm thu hút, lôi cuốn học sinh, sinh viên. Các khoa giáo viên tổ chức thông qua bài giảng, giảng thử, kịp thời rút kinh nghiệm, bổ sung kiến thức, điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp. Quá trình lên lớp, giảng viên chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phương tiện dạy học hiện đại; khắc phục dứt điểm việc truyền thụ một chiều, tăng cường gợi ý, hướng dẫn, trao đổi, thảo luận. Giảng viên giữ vai trò định hướng, tổng hợp, giải đáp những vướng mắc, phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu của học sinh, sinh viên.
Để rèn luyện kỹ năng quân sự, Trung tâm chú trọng huấn luyện thực hành, duy trì huấn luyện theo quy trình 03 bước (làm nhanh, làm chậm có phân tích, làm tổng hợp) để học sinh, sinh viên nắm được yếu lĩnh, động tác cơ bản, làm cơ sở cho việc luyện tập, phối hợp hiệp đồng trong tiểu đội, trung đội, đại đội, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện.
Ba là, tăng cường công tác quản lý, rèn luyện học sinh, sinh viên, gắn học đi đôi với rèn. Đây là nội dung thiết thực, tạo môi trường quân sự để học viên rèn luyện, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh của Trung tâm. Theo đó, khi học sinh, sinh viên đến học tập trung, Trung tâm bố trí, sắp xếp biên chế thành các tiểu đội, trung đội, đại đội; trong đó, cán bộ đại đội do sĩ quan biệt phái, giảng viên đảm nhiệm; cán bộ trung đội trưởng, tiểu đội trưởng được lựa chọn từ những học sinh, sinh viên có năng lực quản lý, chỉ huy kiêm nhiệm. Trung tâm thực hiện quản lý theo phân cấp, duy trì nghiêm các chế độ trong ngày, trong tuần, đưa hoạt động của học sinh, sinh viên gần giống như môi trường quân sự. Đội ngũ cán bộ quản lý thường xuyên quan tâm, nắm bắt tâm tư, tình cảm, sức khỏe của học sinh, sinh viên để có biện pháp quản lý, động viên và tổ chức huấn luyện phù hợp.
Cùng với đó, Trung tâm tiếp tục tổ chức các hoạt động ngoại khóa, như: tham quan Bảo tàng Quân khu 3, Bảo tàng Quân chủng Hải quân, các đơn vị Quân đội đóng quân trên địa bàn, xem phim tư liệu, hội thao cuối khóa, văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao,… giúp học sinh, sinh viên được tiếp cận với các hoạt động quân sự, liên hệ với nội dung học tập, hiểu thêm về truyền thống của các thế hệ cha anh và rèn luyện tinh thần tập thể, tạo bầu không khí vui tươi, lành mạnh, sự hứng thú, say mê học tập. Kết thúc khóa học, Trung tâm tổ chức rút kinh nghiệm, lấy ý kiến phản hồi của học sinh, sinh viên về nội dung, chương trình môn học, công tác quản lý, tinh thần, thái độ, trách nhiệm, phương pháp giảng dạy, việc bảo đảm cơ sở vật chất, các hoạt động ngoại khóa,… có biện pháp phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế để đợt học sau đạt kết quả tốt hơn.
Bốn là, làm tốt công tác phối hợp, hiệp đồng với các trường liên kết. Trên cơ sở quy định của Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH và Quyết định số 2861/QĐ-BQP, Trung tâm tăng cường phối hợp, hiệp đồng với các trường liên kết bảo đảm chặt chẽ, từ công tác xây dựng kế hoạch năm học, đợt học đến việc tiếp nhận, bàn giao, quản lý, huấn luyện, rèn luyện học sinh, sinh viên trong thời gian học tập. Trung tâm chủ động nắm số lượng học sinh, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường liên kết, xây dựng kế hoạch huấn luyện phù hợp với đối tượng, thời gian của từng trường và khả năng bảo đảm nơi ăn, ở, hệ thống phòng học, thao trường, bãi tập hiện có. Chủ động nghiên cứu cải tiến nội dung giảng dạy cho đối tượng học sinh trung học phổ thông theo hướng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, kỹ năng sống. Đối với đối tượng sinh viên thuộc nhiều trường, với nhiều chuyên ngành, bậc học khác nhau, trên cơ sở nội dung, chương trình khung giáo dục quốc phòng và an ninh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành, Trung tâm chủ động trao đổi, thống nhất với trường liên kết xây dựng chương trình phù hợp, sát với chuyên ngành, bậc học mà sinh viên theo học để nâng cao hiệu quả môn học; thống nhất mức học phí môn học với các trường liên kết theo quy định của Chính phủ. Đồng thời, thông báo sớm thời gian, kế hoạch huấn luyện, nội quy, quy định trước khi đến học tập, rèn luyện tại Trung tâm để sinh viên chuẩn bị tâm lý, xác định trách nhiệm hoàn thành tốt môn học.
Năm là, chú trọng bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy - học. Những năm qua, Trung tâm đã huy động nhiều nguồn lực, cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cục Dân quân tự vệ, Bộ Tham mưu Quân khu 3 nên đã bảo đảm tương đối đồng bộ vũ khí, trang bị, mô hình, đồ dùng huấn luyện, phòng học chuyên dùng, trang phục,… phục vụ hoạt động giảng dạy, học tập. Trung tâm còn đầu tư xây dựng, đưa vào hoạt động thư viện, phòng truyền thống phục vụ học sinh, sinh viên nghiên cứu, tìm hiểu trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Dự báo những năm tới, lưu lượng học sinh, sinh viên tiếp tục tăng, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Trung tâm tăng cường đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp hệ thống cơ sở vật chất hiện có, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ dạy và học. Cùng với đó, tích cực báo cáo, đề xuất với cấp trên quan tâm đầu tư kinh phí triển khai xây dựng cơ bản, mở rộng Trung tâm giai đoạn 2 theo lộ trình đã phê duyệt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh trên địa bàn, góp phần hun đúc lòng yêu nước, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Đại tá PHẠM ĐÌNH THẮNG, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Hải Phòng __________________
1 - Từ năm 2018 đến nay, Trung tâm đã giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 12.000 lượt học sinh, sinh viên các trường liên kết; trong đó hơn 70% đạt khá, giỏi, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
2 - Từ năm 2018 - 2021, Trung tâm đã thực hiện được 04 đề tài cấp Nhà trường, 20 tài liệu tham khảo và hàng chục bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành.
Trường Đại học Hải Phòng,giáo dục quốc phòng và an ninh
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh