Thứ Bảy, 23/11/2024, 02:14 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo nói chung, giáo dục quốc phòng - an ninh nói riêng, đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định. Do đó, đẩy mạnh công tác đào tạo nhằm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh là vấn đề cấp thiết hiện nay.
Ngày 12-4-2010, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 472/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Đề án Đào tạo Giáo viên giáo dục quốc phòng - an ninh (GDQP-AN) cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp dạy nghề giai đoạn 2010 - 2016”. Đây là văn bản pháp lý cao nhất về công tác đào tạo giáo viên GDQP-AN, tạo cơ sở cho việc xây dựng đội ngũ giáo viên theo hướng chuẩn hóa, bảo đảm số lượng, chất lượng; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng môn học này cho học sinh, sinh viên (HS,SV), đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
GDQP-AN được xác định và trở thành môn học chính khóa trong hệ thống giáo dục quốc dân từ năm học 2001 theo Nghị định 115/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, việc đào tạo giáo viên cũng sớm được đặt ra. Các văn bản pháp quy về đào tạo giáo viên và xác định tiêu chuẩn, nhiệm vụ, biên chế cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQP-AN đã được ban hành1. Thực hiện các văn bản này, việc đào tạo giáo viên GDQP-AN đã có bước chuyển biến quan trọng. Đến nay, cả nước đã đào tạo ngắn hạn (6 tháng) được trên 4.400 giáo viên và đào tạo ghép môn (Giáo dục công dân, Lịch sử, Thể dục với GDQP-AN) được hơn 1.500 giáo viên. Nhìn chung, chất lượng đội ngũ giáo viên tương đối bảo đảm về phẩm chất, năng lực và kỹ năng, tham gia có hiệu quả hoạt động dạy - học và các hoạt động thể dục, thể thao quốc phòng trong các nhà trường và ở địa phương; một bộ phận giáo viên còn tiếp tục được đào tạo sau đại học, hoặc giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng. Đây cũng là cơ sở và giải pháp quan trọng để từng bước xây dựng đội ngũ giảng viên GDQP-AN thay thế bộ phận sĩ quan biệt phái trong các trường cao đẳng, đại học, các trung tâm GDQP-AN. Từ kết quả trên, đa số các trường trung học phổ thông trong cả nước hiện nay đã thực hiện giảng dạy môn GDQP-AN theo phân phối chương trình; chất lượng, hiệu quả môn học ở các trường ngày càng ổn định và nâng cao.
Tuy nhiên, đào tạo giáo viên GDQP-AN theo các hình thức trên cũng chỉ là “giải pháp tình thế”, nhằm xây dựng đội ngũ giáo viên (chủ yếu là bảo đảm số lượng) một cách nhanh nhất để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của môn học. Vì thế, công tác này không tránh khỏi những hạn chế, bất cập. Điều đó được nêu trong Chỉ thị số 25/2009/CT-BGD&ĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT): “Đội ngũ giáo viên, giảng viên GDQP-AN chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của môn học, mất cân đối về số lượng, cơ cấu và chất lượng đào tạo; một số địa phương đến nay vẫn chưa có giáo viên đã qua đào tạo ở bất cứ hình thức nào”. Trên thực tế, số lượng giáo viên đã qua đào tạo còn ít so với nhu cầu và một bộ phận năng lực chuyên môn còn hạn chế. Nhiều trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp dạy nghề chưa có đủ giáo viên GDQP-AN. Đáng chú ý là, phần lớn giáo viên GDQP-AN còn yếu về khả năng sư phạm và chưa có phương pháp dạy - học hiện đại.
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, bất cập trên là do chương trình, nội dung đào tạo giáo viên GDQP-AN có giai đoạn chưa phù hợp, chưa theo kịp yêu cầu, nhiệm vụ; số lượng học phần về nghiệp vụ sư phạm còn ít, chưa gắn kết giữa trang bị kiến thức chuyên môn với kiến thức sư phạm, chưa phát huy được tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ sự nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ ngành GD&ĐT và ở một số địa phương về môn học này chưa cao. Trải qua bốn thập kỷ (1961 đến 2001), nhiệm vụ huấn luyện quân sự cho HS,SV (hiện nay là GDQP-AN) đều do đội ngũ sĩ quan của các cơ quan quân sự địa phương, đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn đảm nhiệm; các trường cao đẳng, đại học, do đội ngũ sĩ quan biệt phái tiến hành. Điều đó làm cho một số người nghĩ rằng GDQP-AN là “nhiệm vụ của Quân đội”. Đến nay, nhận thức này vẫn tồn tại ở một bộ phận cán bộ có trách nhiệm, dẫn đến tình trạng dựa dẫm, ỷ lại và thiếu tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện nhiệm vụ. Điều “nghịch lý” là: giảng dạy môn học chính khóa, nhưng giáo viên GDQP-AN lại chưa được biên chế chính thức. Điển hình ở các địa phương: Tuyên Quang, Điện Biên, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu... gần như 100% giáo viên GDQP-AN là kiêm nhiệm. Đáng tiếc là, những hạn chế trên tiếp tục lặp lại trong hai năm đầu triển khai thực hiện Quyết định số 472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Để tăng cường công tác đào tạo và thực hiện tiến trình chuẩn hóa đội ngũ giáo viên GDQP-AN vào năm 2020, theo chúng tôi cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Quyết định số 472/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đó là “chìa khoá” để xây dựng đội ngũ giáo viên ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ GDQP-AN trong giai đoạn mới. Theo đó, từ năm 2012 - 2013, các cơ sở được giao nhiệm vụ sẽ tiến hành đào tạo văn bằng 2; từ năm học 2013 - 2014, sẽ tuyển sinh đào tạo giáo viên GDQP-AN hệ chính quy tập trung (4 năm). Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tham mưu cho Bộ GD&ĐT bổ sung, điều chỉnh mục tiêu, yêu cầu, thời gian đào tạo giáo viên GDQP-AN phù hợp với lộ trình thực hiện Đề án.
Giải pháp quan trọng hàng đầu là cần tăng cường quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương, các cơ quan, nhà trườngđối với công tác đào tạo giáo viên GDQP-AN. Cần thấy rằng, thực hiện tốt công tác này là thiết thực góp phần vào việc cụ thể hóa chủ trương chiến lược của Đảng về giáo dục toàn diện cho HS,SV - chủ nhân tương lai của đất nước. Mục tiêu, yêu cầu cao nhất đặt ra đối với công tác này là phải đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng, theo xu hướng xã hội hoá và hội nhập quốc tế. Do đó, công tác đào tạo giáo viên GDQP-AN cần được đổi mới đồng bộ về số lượng, chất lượng và cơ cấu để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Đề án xác định có 8 cơ sở được đào tạo giáo viên, nhưng sau hai năm triển khai cho thấy điều đó chưa thật phù hợp, chưa đáp ứng được nhu cầu về giáo viên của các địa phương, hệ thống nhà trường trong cả nước. Vì vậy, cần nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung theo hướng tăng cơ sở đào tạo thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Theo chúng tôi, nghiên cứu chọn các nhà trường quân đội để đào tạo giáo viên GDQP-AN cũng là một hướng khả thi. Bởi vì, đặc thù của môn học GDQP-AN rất gần với công tác quân sự; mặt khác, các nhà trường quân đội có sẵn lợi thế về vũ khí, trang bị, thao trường, bãi tập, có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên chuyên sâu, có kinh nghiệm trong tổ chức học tập, rèn luyện học viên.
Để tránh tình trạng sau đào tạo nhiều nơi đủ giáo viên GDQP-AN nhưng vẫn mất cân đối về cơ cấu, hoặc sinh viên ra trường không được sử dụng hay sử dụng không đúng nghề, các nhà trường, địa phương cần tiến hành rà soát, thống kê số lượng, chất lượng đội ngũ giáo viên GDQP-AN, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo khoa học, sát thực tiễn. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo được mở mã ngành đào tạo giáo viên GDQP-AN trình độ đại học, hệ chính quy tập trung, với các hình thức: đào tạo đại học văn bằng hai (18 tháng), đối tượng tuyển sinh là giáo viên đang giảng dạy tại các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, đã tốt nghiệp đại học các chuyên ngành khác và có chứng chỉ đào tạo ngắn hạn giáo viên GDQP - AN do các cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp; đào tạo đại học văn bằng hai (2 năm), đối tượng tuyển sinh là giáo viên đã tốt nghiệp đại học các ngành khác. Thực tế cho thấy, hình thức này chưa thu hút được nhiều giáo viên dự khóa đào tạo, vì phần lớn trong số đó đang giảng dạy, thường có gia đình riêng, không muốn đi học xa và lo rằng sau khi học sẽ “mất” vị trí công tác. Để khắc phục điều đó, cùng với việc bảo đảm chế độ, chính sách phù hợp, nên chăng có thể nghiên cứu vận dụng tổ chức đào tạo theo học kỳ vào các dịp hè cho đối tượng này. Bên cạnh đó, các trường cần có kế hoạch tổ chức giáo viên thay thế (hợp đồng hoặc thỉnh giảng). Về công tác đào tạo đại học chính quy (4 năm), theo quy định, đối tượng tuyển sinh là những người có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc tương đương), hình thức đào tạo tập trung, chính quy, theo học chế tín chỉ. Thực tế cho thấy, vì nhiều nguyên nhân dẫn đến một bộ phận trong thế hệ trẻ có tâm lý không muốn đào tạo trở thành giáo viên GDQP-AN. Để thu hút các em thực sự có năng lực, cần thực hiện tốt việc tuyên truyền và có các chế độ chính sách, hợp lý hơn. Có một thực tế rất đáng suy nghĩ là hằng năm có hàng ngàn sĩ quan quân đội hết tuổi phục vụ tại ngũ, nhưng vẫn có đủ điều kiện (tuổi đời, sức khỏe, trình độ) hoạt động trong ngành GD&ĐT. Nếu được đào tạo, bồi dưỡng về nội dung, chương trình GDQP-AN và kỹ năng sư phạm thì đội ngũ này có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo viên GDQP-AN. Bên cạnh đó, hằng năm còn có hàng vạn chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ, có thể tuyển chọn để đào tạo giáo viên GDQP-AN. Theo chúng tôi, cần có sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Quốc phòng và có chính sách tuyển chọn lực lượng này để đào tạo, bồi dưỡng thành giáo viên GDQP-AN. Như vậy, sẽ tận dụng được nguồn nhân lực quý, giảm kinh phí và thời gian đào tạo, mà vẫn bảo đảm chất lượng GDQP-AN cho thế hệ trẻ. Đây cũng là một hướng đi khả thi để đào tạo đội ngũ giảng viên từng bước thay thế cho sĩ quan biệt phái ở các trung tâm GDQP-AN.
Vấn đề rất quan trọng nữa là, cần tiến hành các giải pháp đồng bộ bảo đảm toàn diện cho công tác đào tạo giáo viên GDQP-AN. Thực hiện Quyết định số 472/QĐ-TTg, hai năm qua cơ quan chức năng và các cơ sở được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên GDQP-AN đã triển khai các mặt công tác này một cách khá tích cực, toàn diện. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu đặt ra thì vẫn còn những mặt hạn chế, cả về công tác bảo đảm cơ sở vật chất đến việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo của từng cơ sở. Vì vậy, cùng với việc xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn cho họ, cần tiếp tục đầu tư củng cố, xây dựng hệ thống cơ sở vật chất, thao trường, bãi tập và trang bị, phương tiện dạy học theo danh mục đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu xây dựng giáo trình, tài liệu học tập cho phù hợp với mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đào tạo và tình hình thực tế. Trong đó, cần tạo được sự liên thông với các ngành đào tạo khác, gắn kết giữa trang bị kiến thức chuyên môn với kỹ năng sư phạm; tăng số học phần về phương pháp dạy - học hiện đại, nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm. Đồng thời, cần tăng cường áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy để phát huy vai trò tích cực, chủ động trong học tập, rèn luyện và nghiên cứu khoa học của sinh viên, học viên - những giáo viên, giảng viên GDQP-AN tương lai của đất nước.
NGUYỄN THÀNH ĐÔ - PHAN XUÂN DŨNG
1 - Chỉ thị số 08/2002/CT-BGD&ĐT; Thông tư số 28/2004/TTLB; Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT/ BGD&ĐT-BNV.
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh