Thứ Sáu, 22/11/2024, 14:29 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Thực hiện công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc là vấn đề có ý nghĩa quan trọng. Ý thức rõ điều đó, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó, đổi mới phương pháp giảng dạy được xác định là khâu đột phá.
Ngay từ cuộc kháng chiến chống Mỹ, công tác huấn luyện quân sự phổ thông cho học sinh, sinh viên (HS,SV) từ trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học đã được thực hiện theo quy định tại Nghị định 219/CP, ngày 28-12-1961 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Đây là tiền đề cho việc tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) cho HS,SV sau này. Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị nhằm đẩy mạnh thực hiện công tác này. Đặc biệt là sau khi Luật GDQP&AN được ban hành và có hiệu lực thì công tác GDQP&AN đã trở thành bộ phận không thể tách rời của hệ thống giáo dục quốc dân, là môn học chính khóa trong chương trình giáo dục, đào tạo từ trung học phổ thông đến đại học.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị định của Đảng, Chính phủ về công tác GDQP&AN, những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tích cực phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện tốt công tác GDQP&AN cho HS,SV. Qua đó, giáo dục thế hệ trẻ nhận thức đúng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần quan trọng hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Tuy nhiên, việc tổ chức, phương pháp giảng dạy chưa phù hợp với đặc thù môn học và đối tượng HS,SV, dẫn đến chất lượng GDQP&AN cho HS,SV ở một số nơi còn thấp, nhất là ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và một số trường cao đẳng, đại học.
Vì thế, đổi mới phương pháp giảng dạy môn học GDQP&AN là yêu cầu cấp thiết, quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng môn học. Đặc biệt, đây lại là môn học mang tính đặc thù cao, nếu giáo viên, giảng viên không có phương pháp giảng dạy phù hợp, linh hoạt dễ dẫn tới sự “khô cứng”, nhàm chán. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy phải dựa trên cơ sở bảo đảm đủ nội dung, chương trình, thời gian học tập và phải lấy chất lượng, hiệu quả dạy - học là mục tiêu hàng đầu. Theo quy định của Luật GDQP&AN, môn học được lồng ghép trong chương trình từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở và học trong chương trình chính khóa từ cấp trung học phổ thông đến đại học. Do đó, có hai phương pháp dạy học cơ bản cho hai nhóm chương trình, đó là: phương pháp giảng bài lồng ghép nội dung GDQP&AN và phương pháp dạy môn học chính. Đối với bài giảng lồng ghép từ cấp tiểu học đến trung học cơ sở, nội dung được thiết kế dựa trên bài học của các môn học khác nhau nhưng lồng ghép nội dung GDQP&AN, thông qua đó học sinh có được khái niệm sơ lược về quốc phòng - an ninh, tình yêu quê hương đất nước, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc,… kèm theo nội dung chính gắn với chủ đề của bài. Để thiết kế được bài giảng lồng ghép, giáo viên phải nghiên cứu kỹ, có lượng kiến thức phong phú về quốc phòng - an ninh để đưa vào bài giảng cho nhuần nhuyễn, phù hợp, sử dụng các hình ảnh minh chứng, lời nói, phim ảnh, các giản đồ, sơ đồ,… giúp việc truyền thụ kiến thức diễn ra tự nhiên, không gượng ép để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ.
Trong kết cấu chương trình giáo dục bậc trung học phổ thông đến đại học, môn học GDQP&AN được phân ra thành hai loại bài giảng là lý thuyết (lý luận) và thực hành. Để giảng dạy đạt hiệu quả, đòi hỏi giáo viên, giảng viên phải có sự nghiên cứu cặn kẽ cả lý luận và thực tiễn, gắn kết chặt chẽ lý thuyết với thực hành. Theo đó, với bài giảng lý thuyết ở giáo dục phổ thông, cần được thiết kế chi tiết, xác định rõ phương pháp nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu cho học sinh, kết hợp các phương pháp hiện đại, tích cực gợi ý câu hỏi và khung thông tin cho trước hoặc học phối hợp trong tổ, nhóm. Đồng thời, giáo viên chú trọng hướng dẫn cho học sinh chủ động nghiên cứu để từng bước hình thành phương pháp học tích cực, tự học, tự nghiên cứu theo cách riêng, sáng tạo. Đối với bậc học cao hơn (trung cấp, cao đẳng, đại học), giáo viên, giảng viên cần sử dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, tích cực; là người thiết kế, tổ chức cùng người học đối thoại tìm phương pháp nghiên cứu, nắm nội dung cốt lõi, khẳng định kết luận của người học để đánh giá kết quả.
Đối với các nội dung thực hành, như: điều lệnh, kỹ thuật, chiến thuật, thuốc nổ, bắn súng, võ thuật,… là những nội dung đặc thù có yêu cầu cao về chuẩn hóa kỹ năng các động tác kỹ, chiến thuật chiến đấu bộ binh từng người, tổ, tiểu đội và phân đội. Do đó, giáo viên, giảng viên nên kết hợp giữa phương pháp giáo dục truyền thống (độc thoại, chủ động truyền đạt kỹ năng, làm mẫu, học viên làm theo) với khích lệ, động viên tinh thần học tập, cố gắng của từng cá nhân, tổ, nhóm và tổ chức hội thi, hội thao đánh giá chất lượng thực hành của HS,SV. Cùng với đó, trong quá trình giảng dạy, giáo viên, giảng viên kết hợp nêu những kinh nghiệm hay, tình huống sáng tạo, vận dụng kỹ thuật, chiến thuật trong chiến đấu, huấn luyện, diễn tập; kết hợp giữa học chính khóa với hoạt động ngoại khóa, như: giao lưu, kể chuyện truyền thống, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, tham quan bảo tàng, di tích lịch sử để bồi đắp thêm kiến thức từ thực tiễn.
Để đổi mới phương pháp giảng dạy GDQP&AN cho HS,SV đạt hiệu quả cao, bên cạnh việc nghiên cứu, biên soạn giáo án phù hợp với chương trình, đối tượng; sử dụng phương pháp dạy học tích cực, hiện đại các cơ sở đào tạo, nhà trường cần đẩy nhanh việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên, tăng cường đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phục vụ dạy học. Đây là vấn đề cốt lõi có tính chất quyết định. Những năm qua, phần lớn các trường phối hợp với cơ quan quân sự địa phương, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn huy động cán bộ, sĩ quan tham gia giảng dạy môn học GDQP&AN cho học sinh. Với các trung tâm, cơ sở giáo dục đại học, đội ngũ giảng viên chủ yếu là sĩ quan biệt phái nên phương pháp giảng dạy, kỹ năng sư phạm còn có những hạn chế. Vì vậy, cùng với tăng cường giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm, nhiệt huyết cần đẩy nhanh việc xây dựng, chuẩn hoá đội ngũ cán bộ, giáo viên, giảng viên giảng dạy môn học GDQP&AN, trong đó đặc biệt coi trọng việc trang bị, bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy. Những năm gần đây, công tác này đã được coi trọng, thông qua bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo giáo viên ghép môn và đào tạo văn bằng 2 GDQP&AN. Tuy nhiên, số lượng chưa đáp ứng được nhu cầu, chất lượng đào tạo chưa đồng đều. Để giải quyết tình trạng này, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh triển khai Quyết định 607/QĐ-TTg, ngày 24-4-2014 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt “Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên GDQP&AN cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020”, phấn đấu đến năm 2020, đào tạo đáp ứng được 90% nhu cầu giáo viên và 70% nhu cầu giảng viên GDQP&AN giảng dạy ở các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng nghề và các cơ sở giáo dục đại học.
Đổi mới phương pháp giảng dạy là một khâu quan trọng của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI). Thực hiện tốt việc đổi mới phương pháp sẽ thiết thực nâng cao chất lượng GDQP&AN, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thiếu tướng, TS. NGND. NGUYỄN THIỆN MINH, Vụ trưởng Vụ GDQP - Bộ Giáo dục và Đào tạo
Đổi mới,phương pháp,giáo dục,quốc phòng,an ninh
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh