Thứ Bảy, 23/11/2024, 06:10 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta, có vai trò quan trọng trong chiến lược đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhận thức rõ điều đó, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội đang đẩy mạnh đổi mới hoạt động giảng dạy với nhiều giải pháp đồng bộ.
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội có nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường đại học, cao đẳng, cao đẳng nghề theo Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH của liên bộ: Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội. Những năm gần đây, Trung tâm còn mở rộng phạm vi, đối tượng giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội thông qua triển khai mô hình “Tuần giáo dục quốc phòng và an ninh”, hoạt động trải nghiệm “Kỹ năng Quân đội”. Để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã từng bước đổi mới toàn diện công tác giáo dục và đào tạo cả chương trình, nội dung, phương pháp nhằm hỗ trợ, khuyến khích người học nâng cao năng lực tiếp thu kiến thức, cũng như sự sáng tạo, nghiên cứu của giảng viên.
Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với mục tiêu đổi mới cả về nội dung, hình thức, phương pháp và đánh giá kết quả dạy - học, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, v.v. Đứng trước tình hình đó và yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ, để thích ứng với sự phát triển của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm xác định tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hoạt động giảng dạy với quan điểm: “Chuyển hoạt động đào tạo, nhất là phương pháp giảng dạy theo hướng đổi mới, sáng tạo, tăng năng lực thích ứng, lĩnh hội kiến thức cơ bản về đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về quốc phòng, an ninh, tạo điều kiện hình thành, phát triển tư duy, kỹ năng quân sự, an ninh cần thiết cho người học”. Trên cơ sở quán triệt các chỉ thị, văn bản pháp quy về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, nhất là Chỉ thị 12-CT/TW, ngày 03-5-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh và điều kiện thực tế, Trung tâm đã xây dựng Đề án “Đổi mới hoạt động giảng dạy của Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2019 - 2025”. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa, nội dung đổi mới hoạt động giảng dạy làm cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động, xác định đây là yêu cầu bắt buộc, một tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, giảng viên hằng năm. Trong đó, Trung tâm tập trung triển khai thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đột phá vào đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giảng dạy theo hướng “sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức, hấp dẫn về thực tiễn, đa dạng về phương pháp, hiện đại về phương tiện”. Theo đó, việc giảng dạy lý thuyết Trung tâm vẫn sử dụng hình thức giảng bài tập trung trên lớp, nhưng không theo truyền thống “đọc, chép” mà “nêu vấn đề, cung cấp nguồn tài liệu, phân nhóm theo cụm vấn đề”, tổ chức thảo luận; chú trọng giảm lý thuyết, ưu tiên tăng thời gian thảo luận và thực hành giải quyết vấn đề giữa người học và người dạy; kết hợp sử dụng nhiều hơn các video clip, phim tài liệu huấn luyện sát nội dung bài học. Đồng thời, tăng cường hoạt động ngoại khóa, như: mời chuyên gia, nhân chứng lịch sử tham gia tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; tham quan thực tế; tổ chức thi viết, vẽ, sưu tầm tư liệu, tranh ảnh, triển lãm, trưng bày các sản phẩm của sinh viên, v.v. Với nội dung thực hành quân sự, do chủ yếu học tập tại thao trường, bãi tập nên ngoài vận dụng hình thức giảng dạy thực hành tập trung theo đại đội (lớp), ôn luyện theo tổ, nhóm, từng cá nhân, Trung tâm bổ sung thêm hình thức học ngoại khóa, trải nghiệm theo chủ đề, tạo môi trường, điều kiện sát thực tiễn để người học chủ động, sáng tạo tiếp cận nội dung bài giảng nhanh, hiệu quả.
Về phương pháp giảng dạy, Trung tâm vận dụng phương pháp dạy - học tích cực, coi đây là yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo. Do vậy, Trung tâm chú trọng đổi mới phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp, giúp người dạy và người học phát huy hết khả năng truyền đạt, lĩnh hội kiến thức, thúc đẩy phát triển tư duy, tạo hứng thú, say mê, sáng tạo trong quá trình dạy - học. Thông qua đó, buộc người dạy phải chuẩn bị phông kiến thức rộng, sâu, không chỉ xoay quanh nội dung bài giảng mà còn am hiểu các vấn đề liên quan để tự tin, sẵn sàng giải quyết thấu đáo mọi ý kiến nảy sinh khi thảo luận nhóm; giúp người học phát triển năng lực tư duy, lĩnh hội tri thức, kỹ năng, phương pháp giải quyết tình huống tốt nhất, biến quá trình đào tạo thành tự đào tạo, gắn học đi đôi với hành. Với các bài giảng quân sự, ngoài vận dụng phương pháp giảng dạy trực quan thông qua hình ảnh, động tác mẫu, thực hành ôn luyện, hội thao, hội thi, Trung tâm dự định sẽ tập trung nghiên cứu, đề nghị trên đầu tư kinh phí xây dựng phần mềm mô phỏng 3D, nhằm tái hiện trận đánh bằng âm thanh, hình ảnh; trong đó, toàn bộ vũ khí, trang bị và cách bố trí công sự, trận địa được thể hiện gần giống như thật để người học trải nghiệm, cảm nhận không gian, thời gian, âm thanh, hình ảnh sát thực tiễn chiến đấu. Qua đó, rèn luyện bản lĩnh, tâm lý, phát huy tư duy chiến thuật, đưa ra phương án xử trí tình huống phù hợp, hiệu quả.
Cùng với đổi mới hình thức, phương pháp giảng dạy, Trung tâm xây dựng ngân hàng câu hỏi, đáp án theo nhiều mã đề khác nhau cho người học lựa chọn nhằm kiểm tra, đánh giá kết quả chính xác, khách quan, toàn diện. Ngoài ra, Trung tâm còn biên soạn, đăng tải trên website hệ thống câu hỏi, đáp án tương tự như các bộ đề thi để người học truy cập, ôn luyện, tự test kiến thức đã học đánh giá kết quả trên hệ thống. Thi kết thúc môn, Trung tâm sử dụng hình thức trắc nghiệm trên máy tính. Đây là hình thức thi khá phổ biến, có ưu điểm không mất thời gian và nhân lực chấm thi, phân loại đánh giá kết quả được ngay; công tác quản lý, lưu trữ thuận lợi; nội dung thi bao trùm toàn bộ lượng kiến thức trong chương trình. Bên cạnh đó, Trung tâm đầu tư, đưa vào vận hành phần mền quản lý điểm theo tiêu chuẩn của Đại học Quốc gia Hà Nội để nâng cao chất lượng quản lý đào tạo, khả năng thống kê, tổng hợp điểm một cách khoa học, hiệu quả.
Hai là, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy. Do quy mô đào tạo, lưu lượng sinh viên của Trung tâm ngày càng tăng, nên những năm qua, Trung tâm phải tuyển dụng, bổ sung đội ngũ cán bộ, giảng viên, người lao động. Điều này dẫn tới sự không đồng đều về trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác giữa cán bộ, giảng viên cũ và mới. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy, Trung tâm đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng quy trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu, vị trí việc làm, thực hiện đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ toàn diện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; lựa chọn cán bộ, giảng viên trẻ, có phẩm chất đạo đức, năng lực, tinh thần trách nhiệm tốt cử đi đào tạo sau đại học và đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức quốc phòng và an ninh. Đồng thời, tăng cường liên kết với các khoa, trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức bồi dưỡng kỹ năng sư phạm, tin học, ngoại ngữ,… để xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có trình độ đạt chuẩn, giàu khả năng tư duy, sáng tạo. Hằng năm, cùng với cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Trường Sĩ quan Lục quân 1 tổ chức, Trung tâm đẩy mạnh bồi dưỡng tại chỗ, nhất là duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng hoạt động phương pháp, như: tổ chức dự giờ, bình giảng, hội giảng; phân công cán bộ, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm kèm cặp, bồi dưỡng giảng viên trẻ; duy trì nền nếp hội thi giảng viên giỏi, cán bộ quản lý giỏi, v.v. Qua đó, bồi dưỡng, nâng cao năng lực toàn diện cả về kinh nghiệm và phương pháp giảng dạy cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy của Trung tâm cả trước mắt và lâu dài.
Cùng với đó, Trung tâm đổi mới quản lý công tác nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở; phối hợp với đối tác nghiên cứu, triển khai các đề tài, đề án về giáo dục quốc phòng và an ninh trong bối cảnh ảnh hưởng của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, phục vụ thiết thực quá trình đổi mới hoạt động giảng dạy, công tác quản lý, rèn luyện và bảo đảm cơ sở, vật chất phục vụ dạy - học. Nhờ đó, trình độ, năng lực nghiên cứu khoa học chuyên sâu về giáo dục quốc phòng và an ninh của đội ngũ cán bộ, giảng viên được nâng lên. Mặt khác, Trung tâm còn đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ tương xứng với vị trí, năng lực, hiệu quả công việc để cán bộ, giảng viên yên tâm công tác, tích cực phấn đấu vươn lên, xây dựng Trung tâm vững mạnh.
Ba là, tăng cường đầu tư, bảo đảm cơ sở vật chất, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ dạy - học. Hiện nay, Trung tâm được giao quản lý, sử dụng khuôn viên ký túc xá Số 4 tại Hòa Lạc. Đây là điều kiện thuận lợi để Trung tâm thực hiện nhiệm vụ. Những năm qua, Trung tâm huy động nhiều nguồn lực, cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của Cục Dân quân Tự vệ, Bộ Quốc phòng nên đã bảo đảm tương đối đồng bộ về vũ khí, trang bị, mô hình, đồ dùng huấn luyện, phòng học chuyên dùng, trang phục,… phục vụ hoạt động giảng dạy và học tập. Dự báo trong những năm tới, lưu lượng người học tiếp tục tăng1, cùng với đó yêu cầu đổi mới hoạt động giảng dạy đòi hỏi bảo đảm nhiều cơ sở vật chất với trang thiết bị dạy học hiện đại. Do đó, Trung tâm chú trọng đổi mới quy trình quản lý, sử dụng tài sản, cơ sở, vật chất, khắc phục những hạn chế trước đây, thực hiện tốt ngay từ khâu tiếp nhận, quản lý, bảo quản, khai thác đến công tác thống kê, bổ sung, sửa chữa, thay mới. Đồng thời, tăng cường đầu tư, cơ sở vật chất, vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật mới, hiện đại phục vụ dạy và học. Trước mắt, Trung tâm tập trung xây dựng phòng máy tính phục vụ cho thi, kiểm tra lý thuyết (trong đó có 01 máy chủ và khoảng 400 máy tính) để phục vụ học, thi trắc nhiệm trên máy, quản lý bằng thẻ từ và lấy mã số sinh viên làm mã số dự thi, kiểm tra. Máy tính sẽ tự động chấm điểm, sao lưu, chuyển điểm về Phòng Đào tạo và quản lý người học.
Thực hiện tốt những chủ trương, giải pháp nêu trên là cơ sở để xây dựng Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội phát triển bền vững, khẳng định uy tín, thương hiệu, vị thế, trở thành địa chỉ tin cậy trong giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, góp phần tích cực đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
TS. TRẦN DANH LỰC, Giám đốc Trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội ________________
1 - Riêng năm học 2018 - 2019, có lưu lượng trên 19.800 người học.
Giáo dục quốc phòng và an ninh,Đại học Quốc gia Hà Nội
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh