Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Tư, 13/01/2016, 16:06 (GMT+7)
Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh ở Trường Đại học Chính trị
Trung tướng, PGS, TS. Phạm Quốc Trung, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
khai mạc các lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh khóa I năm 2015. (Ảnh:daihocchinhtri.edu.vn)

Trường Đại học Chính trị là một trong những nhà trường Quân đội được lựa chọn tham gia đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh theo Đề án “Đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho các trường trung học phổ thông, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề và các cơ sở giáo dục đại học đến năm 2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 607/QĐ-TTg, ngày 24-4-2014. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Nhà trường luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, sự phối hợp của các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, sở giáo dục và đào tạo các địa phương. Với bề dày truyền thống 40 năm xây dựng, trưởng thành, Nhà trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên được đào tạo cơ bản, có trình độ, tinh thần trách nhiệm cao. Đó là những thuận lợi cơ bản để nâng cao chất lượng giảng dạy, quản lý, rèn luyện học viên. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Nhà trường tổ chức chiêu sinh và đào tạo một đối tượng hoàn toàn mới, có nhiều khác biệt với đối tượng học viên truyền thống. Vì thế, Nhà trường gặp không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong tổ chức đào tạo, quản lý, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ dạy học và sinh hoạt cho đối tượng đặc thù này. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản, hướng dẫn về công tác này cũng thiếu và chưa đồng bộ.

Ý thức rõ những thuận lợi, khó khăn đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã tổ chức quán triệt sâu sắc nhiệm vụ được giao, xác định đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, Nhà trường tổ chức quán triệt, học tập các nội dung cơ bản của Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Quyết định 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng về đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn thể cán bộ, giảng viên trong toàn Trường. Qua đó, nâng cao nhận thức cho mỗi người về sự cần thiết, vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của nhiệm vụ này. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, khoa, hệ quản lý học viên theo chức năng; tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo, làm tốt công tác chuẩn bị, lựa chọn những cán bộ, giảng viên có trình độ, kinh nghiệm, kiến thức phù hợp tham gia giảng dạy, quản lý học viên đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh.

Đối với Nhà trường, đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh là nhiệm vụ mới; đối tượng, phạm vi tuyển sinh liên quan đến nhiều địa phương và cơ sở giáo dục. Do đó, trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nhà trường chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung, chương trình tổng thể, kế hoạch đề bài, đề cương chi tiết từng môn học phù hợp với từng đối tượng đào tạo1. Căn cứ vào chỉ tiêu đào tạo được giao, Nhà trường tích cực, chủ động liên hệ với các trung tâm giáo dục quốc phòng, sở giáo dục và đào tạo các địa phương thông báo nội dung ôn, tổ chức thi tuyển (đối với hệ văn bằng 2) và triển khai xét tuyển chặt chẽ theo đúng quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với hệ 4 năm). Đến nay, Nhà trường đã tuyển sinh được 5 khóa đào tạo hệ văn bằng 2, thời gian đào tạo 18 tháng và 24 tháng với 105 học viên; 01 khóa đào tạo hệ 4 năm với 91 học viên.

Trong quá trình tổ chức đào tạo, Nhà trường thường xuyên rà soát, phát hiện những bất cập trong nội dung, chương trình đào tạo để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Phòng Đào tạo đã phối hợp với các khoa tiến hành điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đề bài của 13/18 môn học theo hướng tăng thời gian học thực hành, gắn lý luận với thực tiễn, gắn học tập với rèn luyện, chú trọng truyền thụ kinh nghiệm, rèn luyện các kỹ năng, phẩm chất của người giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức quản lý, đào tạo, Nhà trường chủ động xây dựng cho đối tượng này những quy định riêng. Đồng thời, xây dựng lịch huấn luyện, tổ chức hiệp đồng, điều hành huấn luyện khoa học, hợp lý, tạo điều kiện cho công tác giảng dạy của các khoa chuyên ngành; giúp học viên học tập, tiếp thu kiến thức, rèn luyện kỹ năng sư phạm cần thiết đạt hiệu quả cao hơn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Đặc điểm đối tượng học viên đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh (hệ văn bằng 2) là đã học ở bậc đại học và trải qua thực tiễn công tác, giảng dạy nên Nhà trường chỉ đạo các khoa giảng viên bám sát chương trình kế hoạch đào tạo, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng, nâng cao chất lượng bài giảng. Nhà trường yêu cầu từng giảng viên phải nghiên cứu kỹ đối tượng để biên soạn giáo án, thực hành giảng bài, tổ chức thảo luận phù hợp, hiệu quả; chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang hướng dẫn cách học, cách nghiên cứu, giải quyết vấn đề, phát huy năng lực tư duy, năng lực khai thác, xử lý thông tin cũng như các tình huống xảy ra trong hoạt động quân sự; chú trọng rèn luyện cho học viên bản lĩnh, kỹ năng thuyết trình. Đồng thời, khuyến khích giảng viên vận dụng phương pháp dạy - học tích cực, tăng cường nêu vấn đề, đàm thoại, gợi mở để người học suy nghĩ, trả lời, nhất là những kiến thức, thông tin mới, mối quan hệ giữa quốc phòng - an ninh với chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để học viên liên hệ, vận dụng vào thực tiễn. Để công tác giảng dạy đạt kết cao, trong quá trình soạn giáo án, lên lớp, giảng viên được cung cấp đầy đủ tài liệu, hình ảnh, băng đĩa, phim tư liệu và các thông tin liên quan đến nội dung bài giảng. Các khoa, tổ bộ môn tổ chức chặt chẽ chế độ thông qua bài giảng, thực hiện phê duyệt theo phân cấp; tiến hành giảng thử, giảng rút kinh nghiệm, qua đó bổ sung, cập nhật sự phát triển mới về nhiệm vụ quốc phòng - an ninh trong giai đoạn hiện nay của đất nước. Nhằm giúp học viên từng bước trưởng thành, có tác phong nghiêm túc, phù hợp với vị trí của người giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh, Nhà trường còn yêu cầu đội ngũ giảng viên phải luôn mẫu mực, giữ đúng phong cách của nhà giáo Quân đội; thực hiện: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” để học viên noi theo. Mặt khác, Nhà trường chỉ đạo Ban Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục - đào tạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra huấn luyện, thực hiện đúng quy chế đào tạo đại học, bảo đảm đánh giá kết quả của người học khách quan, công bằng, chính xác, không chạy theo thành tích.

Song song với công tác giảng dạy, Nhà trường coi trọng công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, xây dựng nền nếp chính quy. Nhà trường chỉ đạo hệ quản lý học viên tổ chức quán triệt, phổ biến đầy đủ nội quy, quy định, quy chế giáo dục - đào tạo của Nhà trường; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục thông qua các buổi sinh hoạt, thực hiện Ngày Chính trị và văn hóa - tinh thần hằng tháng để mỗi học viên thấy được vinh dự, trách nhiệm, vị trí của người giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, xác định nhiệm vụ, khắc phục khó khăn, yên tâm học tập, rèn luyện, phấn đấu, sớm hòa nhập với môi trường quân sự, làm quen với nếp sống chính quy, rèn luyện tính kỷ luật, tự giác chấp hành điều lệnh, điều lệ. Nhà trường yêu cầu đội ngũ cán bộ quản lý các cấp phải luôn sâu sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của học viên, chủ động điều chỉnh phương pháp quản lý cho phù hợp; thường xuyên bám nắm, uốn nắn, rèn luyện học viên, thực sự là “người thầy tại chỗ” của học viên sau giờ lên lớp. Đồng thời, tổ chức rút kinh nghiệm trong việc học tập trên giảng đường, ngoài thao trường, tự ôn tập, đẩy mạnh hoạt động phương pháp,… giúp học viên có phương pháp học tập phù hợp, góp phần nâng cao chất lượng, kết quả học tập.

Cùng với đó, Nhà trường duy trì nghiêm nền nếp chính quy, chế độ ngày, tuần theo đúng quy định; quản lý chặt chẽ học viên, đặc biệt là trong ngày nghỉ, giờ nghỉ. Hằng tháng, hết học kỳ và khóa học, Nhà trường tổ chức phân loại rèn luyện học viên theo đúng quy chế, nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm. Vì thế, học viên thích ứng nhanh với môi trường quân đội, tự giác chấp hành quy định, điều lệnh Quân đội, tích cực tham gia các hoạt động chung của Nhà trường, không có học viên vi phạm kỷ luật phải xử lý. Kết quả phân loại rèn luyện theo học kỳ và toàn khóa, có 100% đạt khá, tốt; tiêu biểu có học viên Trần Thị Thúy Hồng, Lớp GQ1-18 cùng với đội tuyển Nhà trường tham gia Hội thi cán bộ Hội Phụ nữ Giỏi toàn quân năm 2013, đoạt giải Xuất sắc.

Trong điều kiện còn khó khăn, song Nhà trường luôn quan tâm ưu tiên bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu học tập theo yêu cầu đào tạo. Theo đó, Nhà trường chỉ đạo ưu tiên bố trí giảng đường, phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập cho các lớp đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh; tạo điều kiện thuận lợi về nơi ăn ở, sinh hoạt; quan tâm, bảo đảm đầy đủ các chế độ, chính sách, trang bị nhiều vật dụng sinh hoạt, hỗ trợ tiền tàu xe khi học viên đi thực tập, v.v. Kết thúc mỗi khóa học, Nhà trường tiến hành rút kinh nghiệm công tác tổ chức đào tạo, kịp thời điều chỉnh, bổ sung những vấn đề mới cho các khóa học tiếp theo; đồng thời, kiến nghị với trên giải quyết những vấn đề còn bất cập, nảy sinh trong quá trình đào tạo. Đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 03 khóa hệ văn bằng 2 (02 khóa thời gian 18 tháng và 01 khóa thời gian 24 tháng), kết quả có 100% học viên tốt nghiệp ra trường, trong đó, có 63,7% đạt khá, giỏi, được Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng đánh giá cao.

Đây là kết quả bước đầu, tạo cơ sở, tiền đề để thời gian tới Trường Đại học Chính trị tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, thực hiện có hiệu quả Quyết định 607/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đẩy nhanh việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh.

Thiếu tướng, PGS,TS. PHÙNG VĂN THIẾT, Phó Hiệu trưởng Nhà trường
_________________________

1 - Có 2 đối tượng đào tạo: hệ văn bằng 2 (thời gian 18 tháng, 24 tháng) và hệ 4 năm.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...