Thứ Năm, 21/11/2024, 00:43 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Đại học Thái Nguyên là một trong 3 hệ thống đại học vùng của cả nước, nằm trong nhóm đại học trọng điểm quốc gia. Cùng với đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đại học Thái Nguyên đã lãnh đạo, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh – đơn vị thành viên, đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học trực thuộc, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên địa bàn và huấn luyện chiến sĩ tự vệ của các đơn vị thuộc Đại học Thái Nguyên. Những năm gần đây, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới, Đại học Thái Nguyên đã chỉ đạo Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tăng cường tiềm lực mọi mặt, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng môn học, góp phần vào sự nghiệp phát triển giáo dục, đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giai đoạn 2020 – 2023, Trung tâm đã tổ chức giáo dục và cấp chứng chỉ cho hơn 23.300 sinh viên, với chất lượng: trên 67% khá, giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Phát huy thành quả đó, Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với các hoạt động của Trung tâm. Hằng năm, trên cơ sở các nghị quyết, chỉ thị của Đảng ủy, Ban Giám đốc Đại học Thái Nguyên và Bộ Tư lệnh Quân khu 1, Đảng ủy, Ban Giám đốc Trung tâm xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch thực hiện toàn diện, đồng bộ các mặt công tác, đề ra nhiều chủ trương, biện pháp đổi mới, nâng cao chất lượng môn học, đáp ứng nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo. Để thực hiện tốt chương trình quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo học chế tín chỉ, Trung tâm xây dựng các quy định: thực hiện chương trình môn học; khai thác sử dụng ngân hàng đề thi; tổ chức dạy, học và đánh giá kết quả học tập môn học; công tác khảo thí và đảm bảo chất lượng; công tác quản lý, rèn luyện học sinh, sinh viên; văn hóa học đường và quy tắc ứng xử của người học, v.v. Đồng thời, xây dựng kế hoạch và thực hiện tốt việc kiểm tra chấp hành nền nếp, nội quy, quy định của giảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động, nhằm xây dựng môi trường văn hóa sư phạm - quân sự lành mạnh. Cùng với đó, Trung tâm chú trọng làm tốt công tác quán triệt nhiệm vụ, phổ biến, giáo dục, xây dựng động cơ, trách nhiệm cho các đối tượng, tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong thực hiện nhiệm vụ.
Để tiếp tục giữ vững, nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện mục tiêu phát triển Trung tâm đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, bảo đảm đủ năng lực giáo dục quốc phòng và an ninh cho 15.000 sinh viên/năm, Trung tâm đã tham mưu cho Đại học Thái Nguyên và Bộ Tư lệnh Quân khu 1 triển khai nhiều biện pháp kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ tiêu chí, ngang tầm nhiệm vụ. Từ nhiều năm qua, đội ngũ sĩ quan biệt phái (chiếm gần 60% số giảng viên cơ hữu) vẫn luôn là lực lượng nòng cốt của Trung tâm trong các nhiệm vụ; tuy nhiên, do yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ này sẽ từng bước được rút ra theo lộ trình. Trước thực tế đó, thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Trung tâm bám sát Đề án nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2020 - 2025, tham mưu cho Đảng ủy, Ban Giám đốc phối hợp với Cục Chính trị Quân khu đề nghị cấp trên cân đối đội ngũ cán bộ các cấp trong quá trình tổ chức lại các đơn vị, ra hạn phục vụ tại Trung tâm cho các sĩ quan biệt phái. Mặt khác, chủ động đề xuất tạo nguồn, lựa chọn giảng viên đi đào tạo văn bằng 2 giáo dục quốc phòng và an ninh; đưa cán bộ đã có văn bằng 2 đi đào tạo sau đại học tạo nguồn bổ sung thay thế. Cùng với đó, Trung tâm tích cực cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Vụ Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Quân khu tổ chức. Đồng thời, lựa chọn các sĩ quan có kiến thức sâu về quân sự, quốc phòng, nhiều kinh nghiệm trong huấn luyện kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật để làm khung tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên cả về năng lực quản lý và năng lực chuyên môn theo phương châm “thiết thực, hiệu quả”, “yếu đâu bồi dưỡng đó”. Bên cạnh đó, để từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên, Trung tâm duy trì nền nếp hoạt động phương pháp, chế độ phê duyệt, thông qua giáo án; giao chuyên đề cho giảng viên chuẩn bị, tổ chức giảng thử, giảng mẫu rút kinh nghiệm, tổ chức hội thi giảng viên dạy giỏi môn học, coi đây là một hướng quan trọng để nâng cao kỹ năng, phương pháp sư phạm, trình độ chuyên môn, rèn luyện bản lĩnh, tác phong của nhà giáo quân sự. Đồng thời, mời cán bộ lãnh đạo của Quân khu 1, Công an tỉnh Thái Nguyên nói chuyện chuyên đề, thời sự để củng cố cho giảng viên nền tảng nhận thức về quốc phòng, quân sự trong tình hình mới. Chú trọng làm tốt công tác chính sách, công tác bảo đảm cho cán bộ, giảng viên sinh hoạt, công tác; tăng cường khuyến khích và tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên tự học, tự rèn, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng, vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, với đội ngũ cán bộ, gồm: 02 phó giáo sư, 02 tiến sĩ, 27 thạc sĩ, 29 cử nhân, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh việc tự bồi dưỡng và bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ chuyên sâu, tinh thần trách nhiệm, luôn tích cực, chủ động trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để nâng cao chất lượng môn học, Trung tâm đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy và chủ động cập nhật kiến thức mới theo chương trình môn học. Theo đó, Trung tâm chủ động nắm trình độ, nhận thức của sinh viên theo chuyên ngành đào tạo từ các trường liên kết để lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Với từng khóa học, Trung tâm chỉ đạo giảng viên chuẩn bị nội dung, phương pháp phù hợp với chuyên ngành, trình độ nhận thức của đối tượng dạy học. Chú trọng tương tác, trao đổi, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu tài liệu, vận dụng kiến thức vào thực tiễn để phát huy tinh thần tự học, tự nghiên cứu; tăng cường sử dụng giáo án điện tử, minh họa bài giảng bằng video clip, hình ảnh về hoạt động quốc phòng, an ninh, nhất là mô phỏng các tình huống chiến đấu, động tác kỹ thuật, chiến thuật,… tạo sức hấp dẫn cho người học. Đối với các học phần, như: quân sự chung, kỹ thuật chiến đấu bộ binh, chiến thuật, Trung tâm phát huy lợi thế về thao trường, bãi tập, tăng cường huấn luyện thực hành; thực hiện chia nhỏ, tập nhiều để sinh viên được quan sát, làm theo, sửa tập nhiều lượt, nắm chắc động tác cơ bản, có khả năng phối hợp, hiệp đồng trong tiểu đội, trung đội. Trung tâm chỉ đạo Phòng Đào tạo, các khoa giáo viên bám sát Thông tư số 05/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nghiên cứu, xây dựng được 08 chương trình môn học; biên soạn các đề cương chi tiết, tập bài giảng có nội dung gắn giáo dục quốc phòng và an ninh với thực tiễn ngành nghề đào tạo của sinh viên. Đồng thời, chú trọng cập nhật nội dung mới về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quốc phòng, an ninh và những vấn đề mới về tình hình thế giới, khu vực, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học đặc thù, có yêu cầu cao cả về kiến thức, kỹ năng và cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị, thao trường, bãi tập. Bởi vậy, Trung tâm luôn quan tâm tham mưu, đề xuất và phát huy nội lực để làm tốt công tác bảo đảm cho môn học, nhất là việc xây dựng, củng cố thao trường, bãi tập, phòng học trực tuyến, chuyên dùng; bổ sung vũ khí, mô hình, học cụ, v.v. Giai đoạn 2020 - 2023, Trung tâm đã xây dựng được 01 khu trải nghiệm và hoạt động ngoại khóa; củng cố ký túc xá đảm bảo đủ chỗ ở cho sinh viên; làm đường bê tông đến thao trường chiến thuật và bổ sung nhiều trang thiết bị, phần mềm mô phỏng, tạo nền tảng kỹ thuật cho ứng dụng phương pháp giảng dạy hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của môn học.
Cùng với đó, Trung tâm tăng cường giáo dục chính trị, quản lý, rèn luyện tính tổ chức, tính kỷ luật cho sinh viên, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để thực hiện tốt nội dung này, công tác quán triệt, phổ biến quy định sinh hoạt, học tập, quyền lợi, nghĩa vụ của sinh viên được Trung tâm thực hiện đầy đủ, rõ ràng; công khai trên trang mạng, bảo đảm cho sinh viên nhanh chóng ổn định sinh hoạt, học tập. Trong quá trình học tập, sinh viên được tổ chức biên chế thành các đại đội, trung đội đúng quy định; duy trì 100% cán bộ quản lý là sĩ quan biệt phái; lấy sinh viên làm tiểu đội trưởng, trung đội trưởng,… tạo điều kiện thuận lợi cho học tập, rèn luyện, nhất là khi học quân sự, thực hành. Đồng thời, Trung tâm yêu cầu giảng viên kết hợp giữa truyền thụ kiến thức với truyền thụ lý tưởng, xây dựng bản lĩnh, kỹ năng hoạt động quân sự; đề cao việc nêu gương, xây dựng văn hóa quân sự. Thực hiện phương châm “tập làm mọi việc, tăng cường trải nghiệm”, Trung tâm duy trì nghiêm các chế độ trong ngày, trong tuần, như: chào cờ, điểm danh, nội vụ, vệ sinh, hành quân rèn luyện; chú trọng kiểm tra lễ tiết, tác phong, đôn đốc thực hiện chế độ, kiểm điểm, xử phạt cá nhân vi phạm; tổ chức cho sinh viên nấu bếp Hoàng Cầm, canh gác doanh trại; quan tâm, hướng dẫn sinh viên gắn học tập, rèn luyện với sinh hoạt cá nhân khoa học, tiết kiệm,… đưa mọi hoạt động của sinh viên đến sát môi trường quân sự.
Nhằm bổ trợ cho nội dung học tập, Trung tâm tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên. Thời gian qua, Trung tâm đã xây dựng và tổ chức tốt chương trình “Sinh viên - Chiến sĩ” cho các khóa học; phối hợp với Công an thành phố Thái Nguyên tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật cho sinh viên; phối hợp với trường Đại học Y - Dược tổ chức chương trình “Chúng tôi là chiến sĩ y dược”; phối hợp với Cục Chính trị Quân khu tổ chức chiếu phim tư liệu về hoạt động quân sự, quốc phòng; thăm quan các đơn vị Quân đội; nghe nói chuyện truyền thống, giao lưu văn hóa, văn nghệ, v.v. Đặc biệt, phát huy thế mạnh của địa bàn “Thủ đô kháng chiến”, Trung tâm đã tổ chức các hoạt động ngoại khóa tham quan các di tích lịch sử An toàn khu, dâng hương nghĩa trang liệt sĩ,… nhằm củng cố kiến thức, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức chính trị, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc cho sinh viên - những chủ nhân tương lai của đất nước.
Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) đang đặt ra những yêu cầu mới rất cao và toàn diện. Điều đó đòi hỏi công tác giáo dục quốc phòng và an ninh nói chung, ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Thái Nguyên nói riêng phải tiếp tục khắc phục khó khăn, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này, góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, củng cố quốc phòng, an ninh, thực hiện thắng lợi công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại tá ĐINH VĂN LONG, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Thái Nguyên
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Thái Nguyên,sinh viên,hoạt động ngoại khóa,chương trình môn học
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh