Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Năm, 19/05/2016, 11:39 (GMT+7)
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn 134

Lữ đoàn Thông tin 134 (thuộc Binh chủng Thông tin liên lạc) có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho Bộ Quốc phòng chỉ huy, chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn các tỉnh phía Bắc và một phần Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, Lữ đoàn gặp không ít khó khăn, nổi lên là: đơn vị đóng quân phân tán, gồm nhiều tổ, trạm lẻ, độc lập ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn rộng (21 tỉnh, thành phố); thường xuyên có lực lượng cơ động tham gia giao thông nên đặt ra yêu cầu cao về đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, mặt trái kinh tế thị trường, các tệ nạn xã hội tác động nhiều chiều đến lối sống, tâm tư, tình cảm bộ đội, v.v. Vì vậy, đòi hỏi cán bộ, chiến sĩ phải có tinh thần trách nhiệm cao, ý thức tự giác chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, các quy định của Đơn vị mới hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Nhận thức rõ điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn luôn triển khai đồng bộ các chủ trương, biện pháp nhằm khắc phục những yếu tố tác động đến công tác quản lý bộ đội, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động, trau dồi văn hóa pháp luật cho cán bộ, chiến sĩ; trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là một biện pháp cơ bản.

Để thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với đặc điểm đóng quân vừa tập trung, vừa phân tán của Đơn vị, chỉ huy Lữ đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chú trọng đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức, phương pháp. Theo đó, đối với lực lượng hoạt động ổn định, tổ chức tốt hình thức giáo dục tập trung, bảo đảm đúng, đủ chương trình, nội dung, thời gian theo quy định. Trọng tâm là các chỉ thị, hướng dẫn, quy định liên quan trực tiếp đến duy trì, chấp hành kỷ luật, pháp luật, làm cơ sở vận dụng trong quá trình học tập, công tác. Tiêu biểu như: Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2014, Luật Giao thông đường bộ năm 2008; Chỉ thị 04/CT-BQP, ngày 09-02-2012 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về “Tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Quyết định 04/QĐ-BQP, ngày 05-6-2013 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về xử lý kỷ luật đối với hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, v.v. Đội ngũ báo cáo viên các cấp được bồi dưỡng nâng cao trình độ pháp luật, khả năng truyền đạt, luôn nêu cao trách nhiệm, chuẩn bị chu đáo bài giảng, chú trọng đổi mới phương pháp theo hướng kết hợp giữa giảng bài truyền thống với sử dụng các phương tiện công nghệ thông tin; giữa giới thiệu tập trung với gợi mở vấn đề, tăng cường đối thoại, gắn với mô hình, bảng biểu, trình chiếu, bảo đảm sinh động, hấp dẫn, có tính thuyết phục cao.

Đối với các tổ, trạm lẻ, được thực hiện bằng nhiều hình thức, phương pháp, phát huy tối đa cơ sở vật chất, ưu thế về công nghệ thông tin, tuyên truyền miệng, các phương tiện trực quan,… bảo đảm 100% cán bộ, chiến sĩ được học tập các nội dung theo quy định: Đơn vị tổ chức xây dựng, thi các vi-đi-ô clip về tuyên truyền pháp luật; lựa chọn những vi-đi-ô clip có chất lượng cùng với các bài giảng giáo dục pháp luật đưa lên trang web của Lữ đoàn, thông qua Cổng thông tin điện tử của Binh chủng,… tạo sự phong phú, hấp dẫn để bộ đội học tập. Nhằm phát huy tốt vai trò cán bộ “lên tuyến” phải kết hợp thực hiện nhiều nhiệm vụ: vừa kiểm tra các mặt, vừa huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, phổ biến, giáo dục pháp luật,… Lữ đoàn yêu cầu các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch, lựa chọn, bố trí cán bộ, làm tốt việc bồi dưỡng về nội dung, phương pháp. Nhờ đó, số cán bộ này mỗi khi “lên tuyến” đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, cả về chuyên môn và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần tiết kiệm nhân lực, vật lực cho Đơn vị. Mô hình “Mỗi tuần một câu hỏi pháp luật” được các cơ quan, đơn vị, tổ, trạm lẻ vận dụng có hiệu quả. Căn cứ vào chương trình, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật, các đơn vị lựa chọn những điều luật cơ bản liên quan trực tiếp đến đời sống, công tác, sinh hoạt của đơn vị để bộ đội tìm hiểu. Đến cuối tuần, các tổ trưởng, trạm trưởng kiểm tra, đánh giá kết quả, bảo đảm sau thời gian học, bộ đội nắm được tinh thần cơ bản của một luật, bộ luật.

Thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, Lữ đoàn đã chú trọng gắn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật với công tác giáo dục chính trị, thông qua các đợt sinh hoạt chính trị, Ngày Chính trị và văn hóa tinh thần, Ngày Pháp luật hằng tháng, làm cho công tác này ngày càng đổi mới, với nhiều cách làm phong phú, sáng tạo, thu hút bộ đội tham gia. Việc xây dựng “Tủ sách pháp luật” kết hợp với các sách, báo, tạp chí văn học, nghệ thuật được các cơ quan, đơn vị quan tâm. Đến nay, Đơn vị có hàng trăm đầu sách các loại để bộ đội đọc, tham khảo; hằng tháng thực hiện luân chuyển sách báo giữa các tổ, trạm để cán bộ, chiến sĩ tiếp cận được nhiều loại hình báo chí, làm cơ sở nghiên cứu, học tập và giải trí. Lữ đoàn đã triển khai học tập thông qua sổ tay “Hỏi - Đáp một số điều luật” do Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật của Binh chủng biên soạn, gồm những nội dung liên quan trực tiếp đến sinh hoạt, công tác của bộ đội và làm “cẩm nang” vận dụng xử lý khi xảy ra các tình huống về kỷ luật, pháp luật. Việc kiểm tra nhận thức, đánh giá kết quả bảo đảm nghiêm túc, kết hợp giữa viết thu hoạch với kiểm tra viết, trắc nghiệm, vấn đáp, phúc tra; kết quả hằng năm, 100% đạt yêu cầu, trong đó có 75% khá, giỏi. Định kỳ hằng quý, Lữ đoàn mời cơ quan điều tra hình sự, viện kiểm sát, tòa án quân sự khu vực và của địa phương đến giới thiệu chuyên đề về tình hình chấp hành kỷ luật, pháp luật trong và ngoài Quân đội, phân tích cho bộ đội thấy nguyên nhân, hậu quả của các vụ việc đó, nhất là những yếu tố dẫn đến vi phạm do thiếu hiểu biết về pháp luật, điều lệnh, điều lệ. Từ đó, mỗi người tự rút ra bài học cho bản thân, nâng cao ý thức học tập, chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước. Ngoài ra, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn còn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ, trạm làm tốt công tác dân vận, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân. Qua đó, tạo tình gắn kết quân - dân, giữa cấp ủy, chính quyền địa phương với đơn vị, góp phần xây dựng địa bàn đóng quân vững mạnh, ngăn ngừa các tệ nạn xã hội xâm nhập vào Đơn vị, tạo “hành lang an toàn về kỷ luật, pháp luật” cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ.

Một nội dung quan trọng để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là, Lữ đoàn đã gắn kết chặt chẽ công tác này với các biện pháp hành chính, duy trì nghiêm các chế độ nền nếp, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật, sẵn sàng chiến đấu, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ở từng cấp luôn làm tốt công tác tư tưởng, nhất là việc nắm tình hình của các đối tượng phải rất cụ thể, chính xác, từ chất lượng công tác đến các mối quan hệ, sinh hoạt, chấp hành kỷ luật, v.v. Hằng tháng, quý, các đơn vị tổng hợp báo cáo về Lữ đoàn, làm cơ sở đề ra các chủ trương, biện pháp giáo dục, quản lý bộ đội. Cơ quan chức năng duy trì nghiêm việc kiểm tra các loại giấy tờ theo quy định, đội mũ bảo hiểm của cán bộ, nhân viên sử dụng phương tiện giao thông cá nhân khi ra, vào doanh trại, kiên quyết không cho tham gia giao thông đối với các trường hợp vi phạm. Lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị, hằng ngày, thông qua các “kênh”, hoặc trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình mọi mặt của đơn vị, nhất là các trạm, tổ lẻ để kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở bộ đội thực hiện nhiệm vụ và chấp hành các chế độ, xử lý các sai phạm.

Cùng với đó, Lữ đoàn đẩy mạnh việc xây dựng “Tổ, trạm 4 tốt” - mô hình đã mang lại hiệu quả trên thực tế với nhiều nội dung, hình thức phong phú, thu hút cán bộ, chiến sĩ học tập, rèn luyện theo tiêu chí, chuẩn mực đã xác định. Đồng thời, tổ chức tốt phong trào Thi đua Quyết thắng, Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”. Thường xuyên làm tốt công tác khen thưởng; xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, v.v.

Với cách làm trên, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của Lữ đoàn đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức và hành vi chấp hành kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước của bộ đội. Do đó, Đơn vị không xảy ra vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tỉ lệ vi phạm kỷ luật thông thường dưới 0,2%, góp phần giữ vững ổn định tình hình Đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm và các nhiệm vụ đột xuất khác được giao.

Tuy vậy, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn nhận thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn có hạn chế, chưa theo kịp sự phát triển của tình hình, còn biểu hiện hình thức, khô cứng, thiếu hấp dẫn; mức độ chuyển biến từ nhận thức đến hành động của một số quân nhân chưa rõ nét. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến còn xảy ra các vụ vi phạm kỷ luật của bộ đội, nhất là các vụ mất an toàn giao thông, làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích của Đơn vị và kết quả lãnh đạo của Đảng bộ.

Từ kết quả và kinh nghiệm thu được, Đảng ủy Lữ đoàn xác định, thời gian tới phải tập trung nâng cao chất lượng công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, biện pháp quan trọng để thực hiện thắng lợi khâu đột phá về xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật theo Nghị quyết chuyên đề 101-NQ/ĐU, ngày 27-10-2015 của Đảng ủy về “Nâng cao năng lực lãnh đạo của các cấp ủy, chi bộ đối với công tác quản lý tư tưởng, quản lý kỷ luật và đảm bảo an toàn”.

Để làm được điều đó, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt những trọng tâm sau: 1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra các chủ trương, biện pháp, mục tiêu, chỉ tiêu sát, hợp, có tính khả thi cao và lấy kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật là một tiêu chí để đánh giá thành tích, khen thưởng cá nhân, tập thể, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. 2. Phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy và đội ngũ cán bộ chính trị, báo cáo viên trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện. 3. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, tạo sự phong phú, thu hút bộ đội tham gia. 4. Đẩy mạnh các phong trào thi đua, cuộc vận động, sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, tạo phong trào hành động cách mạng thúc đẩy cán bộ, chiến sĩ phát huy truyền thống, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - “Bộ đội Thông tin” trong thời kỳ mới, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xây dựng Đơn vị vững mạnh toàn diện, Đảng bộ trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với truyền thống 50 năm Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Thượng tá PHẠM TRUNG KIÊN, Chính ủy Lữ đoàn

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...