Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 26/01/2015, 13:57 (GMT+7)
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân trong khu vực của Bộ đội Biên phòng Hải Phòng
Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng 50 tuyên truyền pháp luật cho ngư dân
tại khu vực neo đậu tàu cá ở Bến Gót (Cát Hải) (Ảnh: Báo Hải Phòng)

Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hải Phòng có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh vùng biển rộng trên 4.000 km2; tuần tra, kiểm soát các cửa sông lớn ra biển; giám sát hoạt động nghề cá tại khu vực được phân công và thực hiện nhiệm vụ khác do cấp trên phân công. Đây là địa bàn có đường hàng hải quốc tế và là nơi có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển của thành phố Hải Phòng và cả nước; song, cũng là điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, các loại tội phạm hoạt động giáo riết với nhiều thủ đoạn tinh vi, phức tạp cùng các vụ va chạm, tai nạn trên biển thường xuyên xảy ra v.v. Bởi vậy, việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên khu vực biên giới biển, vùng biển, đảo là nhiệm vụ thường xuyên mà mỗi cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) BĐBP Hải Phòng phải đảm nhiệm và hoàn thành tốt. Từ tình hình trên, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thành phố đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác biên phòng; đồng thời, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền và nhân dân trên địa bàn quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới trong mọi tình huống. Trong đó, việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PB,GDPL) cho cán bộ, nhân dân trong khu vực biên phòng được xác định là một giải pháp quan trọng.

Trên cơ sở Kế hoạch 8358/KH-BQP, ngày 19-10-2013 của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của Bộ Tư lệnh BĐBP về thực hiện Đề án “Tăng cường PB,GDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016”, Bộ Chỉ huy BĐBP Thành phố đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, tham mưu cho Uỷ ban nhân dân (UBND) Thành phố xây dựng, ban hành Kế hoạch 6541/KH-UBND, ngày 29-8-2014 và xác định chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức, lực lượng để thực hiện Đề án. Trong đó, BĐBP là lực lượng nòng cốt. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ theo Đề án đã xác định, đòi hỏi mỗi CB,CS phải nắm vững đặc điểm, phong tục, tập quán của nhân dân trong khu vực biên phòng, đề cao tinh thần trách nhiệm, có kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cao, nhất là kiến thức về pháp luật liên quan trực tiếp đến chức năng, nhiệm vụ được giao. Đảng ủy BĐBP Thành phố đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo thực hiện công tác tuyên truyền, PB,GDPL gắn với thực hiện Đề án. Chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy các cấp cụ thể hóa Nghị quyết, đưa vào chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; phát huy vai trò của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị và các tổ chức quần chúng, bảo đảm cho Nghị quyết thực sự đi vào cuộc sống. Công tác PB,GDPL được gắn chặt với công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, quản lý kỷ luật và những nội dung nghiệp vụ của BĐBP bằng các hoạt động thiết thực, cụ thể. Qua đó, xây dựng cho CB,CS có bản lĩnh chính trị, ý thức tự giác chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội và quy định công tác nghiệp vụ biên phòng. Đồng thời, là cơ sở để họ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, PB,GDPL cho cán bộ, nhân dân và vận dụng linh hoạt trong xử lý các tình huống, những hành vi vi phạm chủ quyền biên giới trên biển…, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Để triển khai Đề án có hiệu quả, Bộ Chỉ huy BĐBP Thành phố đã chủ động phối hợp với UBND các quận, huyện có biên giới biển, cảng biển ký kết chương trình, kế hoạch công tác tuyên truyền PB,GDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo1. Đồng thời, tổ chức tập huấn, triển khai Đề án cho 100% cấp ủy, chỉ huy các đơn vị BĐBP Thành phố và lãnh đạo UBND, cán bộ Tư pháp các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển, cảng biển, nhằm nâng cao kiến thức, năng lực, kỹ năng tuyên truyền PB,GDPL cho đội ngũ này. Nội dung trọng tâm là: những kiến thức cơ bản của pháp luật về biển, đảo của Nhà nước ta và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với các quần đảo trên Biển Đông; những văn bản pháp lý về biển, đảo Việt Nam đã ký kết với các nước láng giềng, các nước có liên quan; Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); Bộ quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên ở Biển Đông (COC); Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ, Hiệp định hợp tác nghề cá giữa Việt Nam - Trung Quốc. Ngoài ra, BĐBP Thành phố còn tăng cường tuyên truyền: Nghị quyết Trung ương 4 (khóa X) về “Chiến lược Biển Việt Nam đến năm 2020”; Nghị định 50/2008/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, bảo vệ an ninh, trật tự tại cửa khẩu, cảng biển; các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển và hỗ trợ ngư dân khi tham gia khai thác thủy, hải sản trên biển, v.v. Cùng với đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Thành phố đã phối hợp chặt chẽ với Sở Tư pháp, Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng xác định nội dung trọng tâm cần tuyên truyền để in các tờ rơi, tờ gấp, tài liệu sách hỏi - đáp pháp luật về biển, đảo, xây dựng đĩa DVD với nội dung thiết thực, ngắn gọn, hấp dẫn cấp cho các đơn vị để tuyên truyền cho bộ đội và nhân dân trên địa bàn.

Do đảm nhiệm công tác tuyên truyền, PB,GDPL cho cán bộ, nhân dân trên địa bàn rộng, phân tán, địa hình bị chia cắt bởi yếu tố địa lý tự nhiên của biển, đảo, nên khi thực hiện Đề án, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Thành phố yêu cầu các đơn vị phải chú trọng lựa chọn nội dung, hình thức phù hợp, sát với từng đối tượng. Theo đó, các đồn Biên phòng, Hải đội 2, Biên phòng cửa khẩu Cảng lấy đầu mối đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn để tuyên truyền, PB,GDPL. Trước khi thực hiện, các đơn vị phải xây dựng kế hoạch, xác định rõ nội dung và phối hợp chặt chẽ với địa phương, thông báo cho nhân dân biết để chủ động tham gia. Nội dung tuyên truyền bảo đảm ngắn gọn, tập trung vào những vi phạm mà nhân dân thường gặp trong quá trình lao động, công tác. Đối với ngư dân, công tác tuyên truyền, PB,GDPL tập trung làm rõ các quy định trong quá trình đi biển, nhất là trong khu vực cấm đánh bắt thủy, hải sản và kỹ năng xử lý khi có tình huống xảy ra va chạm trên biển. Việc làm này được kết hợp với tặng áo phao cho ngư dân trong quá trình CB,CS Biên phòng thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát trên biển và khi ngư dân neo đậu tàu, thuyền tại bến. Đối với lực lượng công nhân trong khu vực Cảng, do đặc thù làm việc theo ca, lực lượng phân tán, nên khó có điều kiện tập trung. Bởi vậy, BĐBP cửa khẩu Cảng phối hợp chặt chẽ với lực lượng thực thi pháp luật trong khu vực để tuyên truyền, PB,GDPL thông qua hệ thống loa truyền thanh. Đặc biệt, công tác này còn được lồng ghép “khéo” trong hội nghị khách hàng khu vực Cảng do BĐBP chủ trì được tổ chức hằng quý, năm. Đối với người nước ngoài xuất, nhập cảnh qua Cửa khẩu cảng Hải Phòng, CB,CS Biên phòng nơi đây lựa chọn những nội dung liên quan đến an ninh cảng, biển, quy trình, thủ tục xuất, nhập cảnh, xuất, nhập khẩu qua cảng theo pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế để tuyên truyền, phổ biến, thông qua các hình thức tuyên truyền miệng, phát tờ rơi, báo ảnh2 khi làm nhiệm vụ.

Ngoài việc tiến hành đồng bộ những giải pháp trên, BĐBP Hải Phòng còn vận dụng linh hoạt các hình thức, như: lựa chọn xây dựng mô hình điểm3 để nhân rộng; phát huy vai trò của các chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong nhân dân; thông qua chuyên mục An ninh biển, đảo trên đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng, chuyên trang trên Báo Hải Phòng4; khi tiến hành công tác dân vận, bám địa bàn của các tổ, đội công tác biên phòng; thực hiện “Ngày pháp luật” ở các xã, phường, thị trấn khu vực biên giới biển, hải cảng, v.v. Nhờ đó, bước đầu cán bộ, nhân dân trong khu vực do BĐBP Thành phố quản lý đã có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Năm 2014, số vụ việc vi phạm pháp luật (chủ yếu là buôn lậu, gian lận thương mại trên biển) của các đối tượng trong địa bàn giảm 37% so với năm 20135. Kết quả đó đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội vùng biên giới biển, đảo, tạo môi trường tốt để Hải Phòng đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

Từ kết quả đạt được bước đầu, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng rút ra một số kinh nghiệm để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Tăng cường PB,GDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2013 - 2016”. Thứ nhất, thực hiện Đề án phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp; thường xuyên bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa BĐBP với các sở, ban, ngành và lực lượng vũ trang trên địa bàn. Thứ hai, trước khi tiến hành tuyên truyền, PB,GDPL cho nhân dân phải xây dựng kế hoạch, xác định nội dung phù hợp và hiệp đồng cụ thể, chặt chẽ với từng đơn vị có liên quan, nhất là cấp ủy, chính quyền địa phương. Thứ ba, triển khai đồng bộ, thống nhất, nghiêm túc và thường xuyên đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng. Thứ tư, thực hiện Đề án phải gắn với nhiệm vụ chính trị của đơn vị và địa phương, coi đó là một nội dung lãnh đạo, chỉ đạo và được cụ thể hóa trong kế hoạch công tác của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy. Thứ năm, thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao trình độ sư phạm, kỹ năng thuyết trình cho đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên các cấp. Thứ sáu, phân công cấp ủy viên, cán bộ phụ trách, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Hải Phòng tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đưa công tác tuyên truyền, PB,GDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo trong khu vực biên phòng trở thành thường xuyên đạt hiệu quả cao, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đại tá ĐÀO QUANG THỨC, Chính ủy BĐBP Hải Phòng
__________________________

1 - Đề án được triển khai tại 29 xã, phường, thị trấn ven biển của 7 quận, huyện, 2 xã Lập Lễ, Phả Lễ (huyện Thủy Nguyên) và địa bàn Cảng Hải Phòng.

2 - Bằng hai thứ tiếng Anh và Trung Quốc.

3 - Gồm: xã Vinh Quang (huyện Tiên Lãng), xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy), phường Ngọc Hải (quận Đồ Sơn), phường Nam Hải (quận Hải An), xã Hoàng Châu, thị trấn Cát Bà (huyện Cát Hải).

4 - Bộ Chỉ huy BĐBP đã xây dựng Quy chế phối hợp, hằng tháng có 01 chuyên mục, 01 chuyên trang riêng của BĐBP Thành phố trên các báo, đài của Thành phố để tiến hành tuyên truyền lồng ghép các nội dung về pháp luật (năm 2014, có 286 tin, bài).

5 - Năm 2014, BĐBP Hải Phòng phát hiện và xử lý 34 vụ/75 đối tượng vi phạm.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...