Thứ Sáu, 22/11/2024, 18:31 (GMT+7)
Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
Thực hiện Quyết định số 1602/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Đề án tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Dân quân tự vệ” (gọi tắt là Đề án 1602), hai năm qua, công tác này đã đạt được những kết quả tích cực, khá toàn diện. Để góp phần đưa Luật Dân quân tự vệ vào cuộc sống, công tác tuyên truyền, phổ biến trong thời gian tới cần được tăng cường và trở thành việc làm thường xuyên.
Để triển khai thực hiện Đề án 1602 một cách thống nhất, hiệu quả trên toàn quốc, Bộ Quốc phòng (BQP) đã ban hành Thông tư số 96/2010/TT-BQP “Quy định việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, bồi dưỡng, tập huấn pháp luật về dân quân tự vệ (DQTV)”. Theo đó, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) được giao nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan, xây dựng Kế hoạch số 1523/KH-TM về “Triển khai thực hiện Đề án 1602”; thành lập Ban Chỉ đạo Đề án và Cơ quan Thường trực; ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, quân khu, địa phương tiến hành tổ chức tập huấn cán bộ, tổ chức thi và xây dựng mô hình điểm cấp xã về tuyên truyền, phổ biến Luật DQTV và các văn bản pháp lý liên quan. Trên cơ sở đó, các quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng đã nghiên cứu, quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cấp dưới tổ chức thực hiện.
Nội dung quan trọng hàng đầu trong triển khai thực hiện Đề án 1602 là tổ chức tập huấn cho các đối tượng theo 4 cấp (toàn quốc, quân khu, tỉnh và huyện) và tập huấn khối các bộ, ngành Trung ương. Theo đó, BQP đã tổ chức tập huấn cho 528 cán bộ trong toàn quốc; các quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã tổ chức 9 lớp, tập huấn cho 3.129 cán bộ; 63 tỉnh (thành phố) và 690/697 cấp huyện tổ chức 5.827 lớp tập huấn cho 399.275 cán bộ; các bộ, ngành Trung ương tổ chức 98 lớp, tập huấn cho 14.700 cán bộ ở Trung ương và các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Tại các lớp tập huấn, cán bộ đã được nâng cao nhận thức, thống nhất về nội dung và phương pháp tiến hành công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV theo Đề án 1602 của Thủ tướng Chính phủ.
Tổ chức thi tìm hiểu pháp luật về DQTV là hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật DQTV có hiệu quả, được thực tiễn khẳng định và các địa phương, các ngành, các cấp quan tâm. Đối tượng dự thi là: chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự (CHQS) cấp xã, chỉ huy trưởng ban CHQS cấp huyện, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, phó chỉ huy trưởng - tham mưu trưởng bộ CHQS cấp tỉnh. Nội dung thi gồm: nhận thức về pháp luật về DQTV (thi tự luận, vấn đáp và trắc nghiệm); bắn súng K54 bài 1 và bắn súng tiểu liên AK bài 1. Thời gian tiến hành hội thi: từ tháng 4 đến tháng 9-2011. Để tổ chức các hội thi thành công, BTTM đã chủ trì phối hợp với Tổng Cục Chính trị, Tổng Cục Hậu cần, Tổng Cục Kỹ thuật chỉ đạo, hướng dẫn các quân khu, địa phương tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật về DQTV ở cả 4 cấp (huyện, tỉnh, quân khu và toàn quốc). BTTM đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-TM về “Tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về DQTV và công tác DQTV năm 2011”; thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thi và ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hội thi, đồng thời nghiên cứu xây dựng các bộ đề thi.
Thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn trên, các quân khu, địa phương đã thành lập các ban chỉ đạo, ban tổ chức hội thi; giúp cấp ủy, chính quyền tiến hành công tác chuẩn bị chu đáo cho các hội thi. Nhờ đó, hội thi các cấp được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả. Đến tháng 10-2011, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 100% quân khu và 693/697 cấp huyện (4 huyện đảo không tổ chức thi) đã tổ chức hội thi, với gần 17.000 lượt cán bộ tham gia. Qua các hội thi, cán bộ dự thi có điều kiện nghiên cứu sâu, nắm chắc những nội dung chủ yếu của pháp luật về DQTV và gắn với cương vị, chức trách, góp phần đưa Luật DQTV vào cuộc sống.
Cấp xã có nhiều đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật về DQTV, do đó, công tác tuyên tuyền, phổ biến pháp luật về DQTV ở cơ sở cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và lực lượng vũ trang có ý nghĩa rất quan trọng. Thực hiện công tác này, BTTM đã chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Hướng dẫn số 334/HD-TM về “Tổ chức xây dựng điểm cấp xã về tuyên truyền pháp luật về DQTV”. Theo đó, mỗi tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương xây dựng một xã điểm về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương, những mô hình điểm được xây dựng đã thực sự phát huy tác dụng, nhiều nơi đã có cách làm sáng tạo, hiệu quả, như: lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV với các phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Xóa đói giảm nghèo”... các hoạt động quốc phòng, quân sự, lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao... Đặc biệt, nhiều nơi còn tổ chức tuyên truyền pháp luật về DQTV bằng hình thức “sân khấu hóa” rất có hiệu quả. Hiện nay, các tỉnh (thành phố) đang tiến hành rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình này.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được tiến hành một cách tích cực, hiệu quả. BQP đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về DQTV cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên. Đến nay, thời lượng tin, bài, chuyên trang, chuyên mục về DQTV trên các phương tiện thông tin đại chúng đều tăng mạnh. BQP còn chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với Điện ảnh Quân đội xây dựng phim tài liệu về truyền thống của lực lượng DQTV, về công tác huấn luyện, hoạt động sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ biên giới, biển, đảo và tham gia các nhiệm vụ khác của lực lượng DQTV.
Cục DQTV đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan biên soạn 9 đầu sách, tài liệu liên quan đến pháp luật về DQTV để phát hành rộng rãi từ Trung ương đến cơ sở và trở thành “cẩm nang” đối với cán bộ quân sự địa phương và các ngành, phục vụ trực tiếp cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Luật DQTV.
Sau hai năm thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV theo Đề án 1602 đã đạt được kết quả tích cực, khá toàn diện; trong đó, nhiều mục tiêu đạt kết quả tốt, vượt kế hoạch đề ra. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp đối với công tác DQTV, nhất là, việc vận dụng các quy định của Luật sát với cương vị, chức trách được giao, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp của lực lượng DQTV, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức pháp luật và làm chủ pháp luật của nhân dân, tăng cường mối liên hệ giữa nhân dân với hệ thống chính trị ở cơ sở. Đến nay, nhiều tỉnh (thành phố) đã thông qua và phê duyệt Đề án Xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2011-2015. Đây là kết quả phản ánh rõ nhất về nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân với việc triển khai thực hiện Luật DQTV.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Đề án 1602 vẫn còn những hạn chế, bất cập. Một số cơ quan quân sự địa phương còn thiếu chủ động, linh hoạt, chưa tạo sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ trong tham mưu giúp cấp ủy, uỷ ban nhân dân thực hiện Đề án này. Có địa phương còn “khoán trắng” cho cơ quan quân sự; chưa tích cực, chủ động trong triển khai nhân rộng mô hình điểm ở cấp xã. Hiệu quả tuyên truyền, phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số và các doanh nghiệp còn thấp. Một số cán bộ, đảng viên, nhất là khối doanh nghiệp chưa nhận thức đúng về vị trí, vai trò của của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV...
Để phát huy kết quả bước đầu và khắc phục những hạn chế, bất cập trên, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt những vấn đề chủ yếu sau:
Một là, cần xác định rõ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về công tác quốc phòng, quân sự nói chung, pháp luật về DQTV nói riêng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, địa phương và của lực lượng vũ trang. Nhiệm vụ này cần được cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả.
Hai là, cần có sự phối hợp giữa BQP với Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương trong việc tuyên truyền pháp luật về DQTV. Trong đó, tập trung tuyên truyền cho khối các doanh nghiệp và các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh việc thường xuyên đưa tin về các sự kiện, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cần duy trì việc phổ biến kiến thức trên VTV2, mở chuyên mục phát sóng định kỳ trong Chương trình Truyền hình Quân đội nhân dân về công tác DQTV. Báo Quân đội nhân dân, Tạp chí Quốc phòng toàn dân, Tạp chí DQTV - Giáo dục quốc phòng... tiếp tục duy trì và phát huy các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục quốc phòng, qua đó kịp thời làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác DQTV, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xây dựng lực lượng DQTV. Mặt khác, báo chí cũng là diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và phát hiện những nhân tố mới, các điển hình trong triển khai và thực hiện Luật DQTV.
Ba là, cần tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm về xây dựng mô hình điểm cấp xã về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV và triển khai nhân rộng mô hình này cho phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ của từng địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV bằng nhiều hình thức, biện pháp khác, nhất là thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên, báo cáo viên ở cơ sở. Hiện nay, cả nước có hàng vạn nhà văn hóa cấp xã, thôn là thiết chế văn hóa có nhiều tiềm năng, nhưng chưa được sử dụng có hiệu quả do nhiều nguyên nhân. Vì vậy, các địa phương cần đầu tư kinh phí, huy động các nguồn lực, nhất là từ các doanh nghiệp, những người hảo tâm để sửa chữa, nâng cấp, mua sắm trang, thiết bị, sách, báo, tài liệu, băng hình... phục vụ cho công tác tuyên truyền pháp luật về DQTV. Trước mắt, mỗi nhà văn hóa nên có tủ sách để phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật và đọc sách, báo của nhân dân.
Bốn là, thông qua tuyên truyền, phổ biến và kết quả triển khai thực hiện Luật DQTV, các địa phương, cơ sở, cần kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập và có những kiến nghị, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, giúp cho hệ thống pháp luật về DQTV ngày càng hoàn thiện hơn, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu, nhiệm vụ QP-AN trong tình hình mới. Các cơ quan chức năng cần giúp BQP chủ trì phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hệ thống tài liệu, giáo trình pháp luật về DQTV, in và phát hành các tài liệu này đến từng địa phương, cơ sở.
Bộ CHQS các tỉnh (thành phố) cần đẩy mạnh việc tham mưu giúp cấp ủy, uỷ ban nhân dân cùng cấp, gắn việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về DQTV với việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng thông qua và phê duyệt Đề án Tổ chức, xây dựng lực lượng DQTV giai đoạn 2011-2015 theo quy định./.
Đại tá PHẠM HỒNG KỲ
Phó Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 18/11/2024
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 07/11/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543 30/10/2024
Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục quốc phòng và an ninh 07/10/2024
Vùng Cảnh sát biển 3 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật 09/09/2024
Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Trường Đại học Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội đẩy mạnh đổi mới, phát triển toàn diện 05/09/2024
Tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh 28/08/2024
Sư đoàn 308 nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 26/08/2024
Bắc Giang đẩy mạnh giáo dục quốc phòng và an ninh tạo nền tảng phát triển bền vững 15/07/2024
Lữ đoàn 170 nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật 09/07/2024
Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở Lữ đoàn Công binh 543
Lữ đoàn Pháo binh 675 nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật
Tỉnh Đồng Tháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh