Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 13/08/2018, 09:43 (GMT+7)
Công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật ở Sư đoàn 316

Sư đoàn 316 là đơn vị chủ lực của Quân khu 2, có nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện các nhiệm vụ đột xuất khác với yêu cầu cao, cường độ lớn, trên địa bàn rộng, phức tạp. Những năm qua, Sư đoàn luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; là đơn vị dẫn đầu phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân khu, được Bộ Quốc phòng và Quân khu tặng nhiều phần thưởng; trong những thành tích đó, công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật là một điểm sáng.

Quyết tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cấp

Nhằm tạo sự chuyển biến nhanh và vững chắc trong chấp hành kỷ luật của Sư đoàn trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi, tác động trực tiếp đến công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật, như: đội ngũ cán bộ thiếu, hậu phương gia đình một số cán bộ, chiến sĩ còn nhiều khó khăn; sự tác động của mặt trái kinh tế thị trường, các tệ nạn xã hội, những thông tin xấu độc trên không gian mạng, v.v. Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn xác định: nâng cao chất lượng quản lý, rèn luyện kỷ luật là một trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả trước mắt và lâu dài. Đảng ủy Sư đoàn đã ra nghị quyết chuyên đề về công tác này để đảm bảo sự thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Trên cơ sở đó, chỉ huy các cấp tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Để đạt hiệu quả, ngay từ khâu ban hành nghị quyết, xây dựng kế hoạch, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị phải đánh giá đúng thực trạng, tình hình chấp hành kỷ luật của đơn vị mình để đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, bảo đảm sát, đúng, tính khả thi cao. Khi đã có chủ trương, biện pháp đúng, phải chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chỉ huy các cấp, xây dựng quyết tâm, biến nhận thức thành hành động trách nhiệm, tự giác trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, rèn luyện kỷ luật ở đơn vị mình. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ cán bộ, đảng viên; gắn thực hiện chức trách, nhiệm vụ với phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cấp ủy và cán bộ chủ trì các cấp trong chấp hành kỷ luật của bản thân và giáo dục, quản lý, rèn luyện kỷ luật của đơn vị.

Để tránh sự dàn trải, thiếu hiệu quả, Sư đoàn xác định tập trung trước hết vào việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên trẻ, quân nhân chuyên nghiệp có hoàn cảnh gia đình khó khăn; chiến sĩ mới; các cơ quan, đơn vị yếu, thiếu vắng cán bộ, đóng quân độc lập, bộ phận làm nhiệm vụ nhỏ lẻ, hoạt động phân tán, v.v. Nhờ đó, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo vừa toàn diện, vừa trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, thông suốt, nhanh chóng và có hiệu lực trong công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật của Sư đoàn.

Hiệu quả từ những cách làm sáng tạo

Hội thi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật ở Trung đoàn 148

Thực hiện quyết tâm lãnh đạo, chỉ đạo trên, Sư đoàn đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả thiết thực. Để tạo sự chuyển biến vững chắc về ý thức, hành vi chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội, Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỷ luật cho cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp. Sư đoàn yêu cầu: trong nội dung giáo dục, tuyên truyền không chỉ trang bị cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững các chỉ thị, quy định của cấp trên1 mà quan trọng hơn là làm rõ vị trí, ý nghĩa của việc rèn luyện, chấp hành kỷ luật đối với việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị, nhằm từng bước hình thành, phát triển ở cán bộ, chiến sĩ nhu cầu sống có kỷ luật, ý thức, trách nhiệm, tính tự giác trong chấp hành kỷ luật. Các cơ quan, đơn vị đã vận dụng linh hoạt, đa dạng nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, giáo dục sát hợp với nhiệm vụ và từng đối tượng; trong đó, coi trọng các hình thức, như: sân khấu hóa, thi tìm hiểu, các trò chơi tương tác,… để “mềm hóa” nội dung tuyên truyền, tăng tính trực quan, dễ hiểu, thu hút đông đảo bộ đội tham gia. Để biến kết quả nhận thức, ý thức thành hành động chấp hành kỷ luật tự giác, nghiêm minh, đội ngũ cán bộ các cấp đã kiên trì, quyết tâm, trách nhiệm với từng chiến sĩ; kết hợp chặt chẽ giáo dục chung với giáo dục riêng; giữa gia đình, địa phương với đơn vị; giữa “xây” và “chống”. Việc làm này được tiến hành một cách kiên trì, kiên quyết, trong đó lấy xây làm chính. Đồng thời, khuyến khích, cổ vũ việc học tập gương “người tốt, việc tốt”, điển hình tiên tiến trong rèn luyện, chấp hành kỷ luật.

Cùng với đó, Sư đoàn luôn chủ động nắm và quản lý tốt tình hình tư tưởng, các mối quan hệ xã hội của cán bộ, chiến sĩ, thông qua hồ sơ quân nhân, hồ sơ thông tin chiến sĩ, phiếu khảo sát tư tưởng,… để có biện pháp giải quyết, kịp thời ngăn chặn những hành vi vi phạm kỷ luật từ sớm, từ xa, nhất là những thời điểm: đón nhận chiến sĩ mới; chiến sĩ chuẩn bị xuất ngũ; sau mỗi giai đoạn huấn luyện; cán bộ sau khi bổ nhiệm, điều động, v.v. Đồng thời, làm tốt việc phân nhóm chiến sĩ trong quản lý tư tưởng, rèn luyện kỷ luật2; thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, động viên thông qua các mô hình: “ba đồng hành, một mục tiêu”3, “cán bộ ba cùng, hai trước, hai sau”4. Từ đó, giúp lãnh đạo, chỉ huy đơn vị nắm bắt kịp thời những diễn biến tư tưởng nảy sinh của bộ đội để có biện pháp giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng kéo dài, giúp bộ đội luôn yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị. Bằng nhiều hình thức, cấp ủy, chỉ huy các cấp luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ, mật thiết với gia đình chiến sĩ để phối hợp quản lý, giáo dục, động viên bộ đội. Chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, nắm chắc tình hình địa bàn, chủ động ngăn ngừa, không để các tệ nạn xã hội, như: lô đề, cờ bạc, ma túy, vay nặng lãi,… vào đơn vị; gắn xây dựng đơn vị an toàn với địa bàn an toàn.

Thực tiễn cho thấy, xử lý đúng đắn, kịp thời các vụ việc vi phạm kỷ luật có tác dụng rất lớn đến việc giáo dục và duy trì kỷ luật ở đơn vị. Nhận thấy sự lúng túng của đội ngũ cán bộ trong quản lý tư tưởng, giải quyết các vụ việc vi phạm kỷ luật, Sư đoàn đã chú trọng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, phương pháp quản lý, chỉ huy cho đội ngũ cán bộ các cấp, trọng tâm là cấp đại đội; thực hiện “bồi dưỡng kịp thời, khen, phê công tâm”, với phương châm: yếu khâu nào, bồi dưỡng khâu ấy. Sư đoàn đã biên soạn và phổ biến các tài liệu, chuyên đề, như: “Một số kinh nghiệm quản lý tư tưởng bộ đội ở đơn vị cơ sở”, “Những điều cần biết về tội phạm và hành vi tội phạm”, “Một số kinh nghiệm trong quản lý và xử lý vi phạm kỷ luật thường gặp ở cấp phân đội”, “Giải pháp phòng ngừa hiện tượng vay nặng lãi trong Sư đoàn hiện nay”, v.v. Đây là những cẩm nang giúp cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là ở phân đội nâng cao năng lực quản lý, rèn luyện kỷ luật đơn vị. Nhờ đó, khi có hiện tượng nảy sinh về tư tưởng hoặc vụ việc vi phạm kỷ luật xảy ra, cán bộ các cấp đã thực hiện tốt quy trình giải quyết tư tưởng, chấp hành nghiêm quy định xử phạt; đảm bảo tính giáo dục, răn đe sâu sắc; khắc phục triệt để việc tùy tiện định ra các hình thức xử phạt khác ngoài quy định hoặc dùng các hình thức xử phạt xúc phạm nhân cách quân nhân.

Những cách làm sáng tạo trên đã góp phần phát huy tốt hiệu quả trong giáo dục, phòng ngừa vi phạm kỷ luật. Tình hình chấp hành kỷ luật của Sư đoàn đã chuyển biến tiến bộ, nhiều năm liền không có vụ việc vi phạm kỷ luật nghiêm trọng; các vụ việc vi phạm kỷ luật thông thường giảm còn dưới 0,2%; Sư đoàn an toàn tuyệt đối.

Điểm tựa niềm tin của bộ đội

Kinh nghiệm cho thấy: tính nghiêm minh của kỷ luật chỉ có được khi dân chủ được phát huy, bộ đội tự giác, yên tâm, tin tưởng, coi đơn vị là nhà, đồng chí, đồng đội là người thân của mình. Do đó, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa chính quy, lành mạnh, dân chủ, đoàn kết; lấy việc xây dựng chính quy làm chuẩn mực, tiêu chí trong xây dựng môi trường văn hóa. Gắn nội dung xây dựng chính quy, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện với việc nâng cao chất lượng quản lý, rèn luyện kỷ luật, tạo môi trường xã hội quân sự thuận lợi để bộ đội thi đua rèn luyện, chấp hành tốt kỷ luật. Phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, mẫu mực trong lời nói và hành động, nói đi đôi với làm; rèn luyện tác phong công tác, sinh hoạt chuẩn mực, là tấm gương cho cấp dưới noi theo; thực sự là điểm tựa niềm tin cho bộ đội. Đồng thời, luôn nêu cao dân chủ, gần gũi, sâu sát trong kiểm tra, giúp đỡ bộ đội, xây dựng tình đồng chí, đồng đội thân thiết, đoàn kết một lòng. Tổ chức sinh hoạt chính trị - tư tưởng, đối thoại dân chủ; nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức quần chúng, tổ ba người, tổ chiến sĩ bảo vệ, chiến sĩ dân vận,… thành nền nếp, thực chất, hiệu quả để phát huy dân chủ, nắm, quản lý chắc tư tưởng bộ đội. Cùng với đó, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị còn quan tâm, chăm lo bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội; tăng cường hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, dân chủ, nhất là ở cấp phân đội. Tổ chức có hiệu quả nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí, như: câu lạc bộ tuyên truyền nét đẹp văn hóa các dân tộc Tây Bắc, câu lạc bộ dân vũ, v.v. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị thể dục - thể thao để cán bộ, chiến sĩ rèn luyện nâng cao sức khỏe, tạo môi trường văn hóa lành mạnh cho bộ đội sinh hoạt, công tác. Nhờ vậy, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong Sư đoàn đều cảm thấy thoải mái, tự tin trong chấp hành các quy định; không coi kỷ luật là sự ràng buộc gò bó, nặng nề, gượng ép, miễn cưỡng trong chấp hành.

Những thành công và kinh nghiệm trên là tiền đề để công tác quản lý, rèn luyện kỷ luật của Sư đoàn 316 tiếp tục chuyển biến tiến bộ, vững chắc, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu, tô thắm thêm truyền thống của Sư đoàn Bông Lau Anh hùng.

Thượng tá TRẦN ĐẠI THẮNG, Chính ủy Sư đoàn
_______________

1 - Chỉ thị 04/CT-BQP về “Tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật và vi phạm kỷ luật nghiêm trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam”; Thông tư 192/2016/TT-BQP Quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng; Chỉ thị 02/CT-BTL về tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội trong lực lượng vũ trang Quân khu, v.v.

2 - Sư đoàn đã phân chiến sĩ thành ba nhóm: nhóm 1. Có tuổi đời cao, trình độ cao đẳng, đại học; nhóm 2. Là đảng viên hoặc đối tượng Đảng; nhóm 3. Có nhận thức thấp, hoàn cảnh khó khăn.

3 - Ba đồng hành: 1. Đồng hành trong chia sẻ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cùng nhau khắc phục khó khăn; 2. Đồng hành trong học tập nâng cao bản lĩnh, trình độ, kiến thức và khả năng thực hiện nhiệm vụ; 3. Đồng hành trong nâng cao sức khỏe, thể chất và đời sống văn hóa tinh thần. Một mục tiêu: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

4 - Ba cùng: 1. Cùng ăn; 2. Cùng ở; 3. Cùng làm. Hai trước: 1. Dậy trước; 2. Làm trước. Hai sau: 1. Ngủ sau; 2. Về sau.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...