Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 25/01/2021, 08:35 (GMT+7)
Công tác liên kết đào tạo ở Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội

Những năm qua, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội luôn chú trọng thực hiện tốt công tác liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên các trường cao đẳng, đại học, trung học phổ thông trên địa bàn, trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín, nơi mong ước được trải nghiệm của thế hệ trẻ.

Thực hành tháo, lắp súng tiểu liên AK

Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội được giao liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên của 32 trường đại học, cao đẳng, khoa, viện theo Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định số 2320/QĐ-BQP, ngày 25/7/2020 của Bộ Quốc phòng. Những năm gần đây, Trung tâm còn mở rộng phạm vi giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh các trường trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội thông qua triển khai mô hình “Tuần giáo dục quốc phòng và an ninh”, hoạt động trải nghiệm “Kỹ năng Quân đội”. Đây là nhiệm vụ được Trung tâm hết sức quan tâm, triển khai bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp.

Trước hết, Trung tâm quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật về công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, trọng tâm là Chỉ thị số 12-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong tình hình mới”, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh, Thông tư số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, Quyết định số 2320/QĐ-BQP và các kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Thành phố Hà Nội. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên; chấp hành, thực hiện nghiêm các nguyên tắc liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh; giảng dạy đúng, đủ nội dung, chương trình, bảo đảm chất lượng. Trước yêu cầu đòi hỏi cao, lưu lượng sinh viên lớn, thuộc nhiều chuyên ngành nên để tạo sự thống nhất, nhịp nhàng, ăn khớp trong tổ chức giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, trước khi vào năm học mới, Trung tâm tổ chức Hội nghị liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cùng các trường liên kết trao đổi, đánh giá công tác phối hợp, hiệp đồng và chất lượng giáo dục, đào tạo của năm trước; bàn bạc, thống nhất nội dung, chương trình, thời gian liên kết năm học tới; nắm phản hồi của học sinh, sinh viên sau khi học tập, rèn luyện tại Trung tâm. Trên cơ sở đó, Trung tâm xây dựng kế hoạch năm học, xác định rõ thời gian cho từng trường; gửi kế hoạch, nội quy, quy chế để các trường phổ biến, quán triệt cho học sinh, sinh viên nắm được, tạo tâm thế hào hứng, mong chờ đến học tập tại Trung tâm. Trong quá trình thực hiện liên kết, Trung tâm chú trọng thực hiện tốt việc ký kết hợp đồng, phân cấp trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra,… tạo sự đồng thuận với các trường liên kết.

Giáo dục quốc phòng và an ninh là môn học đặc thù. Do đó, để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu giáo dục và đào tạo, Trung tâm yêu cầu đội ngũ giảng viên nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đối tượng để có phương pháp giảng dạy phù hợp, thu hút, lôi cuốn người học. Những năm gần đây, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với các trường liên kết để nắm trình độ, nhận thức của sinh viên theo chuyên ngành đào tạo, từ đó có phương pháp giảng dạy, quản lý phù hợp, hiệu quả với từng đối tượng và thường xuyên trao đổi kết quả học tập, rèn luyện của từng sinh viên. Để nâng cao chất lượng giảng dạy, Trung tâm triển khai nhiều biện pháp xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn hóa về năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, như: phối hợp với các trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo sau đại học; mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức để cập nhật kiến thức, nội dung mới liên quan đến môn học. Đáng chú ý là, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 về ban hành chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học, Trung tâm đã chủ động phối hợp với các trường liên kết nghiên cứu, xây dựng đề cương môn học, kế hoạch giảng bài; biên soạn giáo án, bài giảng; chuẩn bị sách chuyên khảo,… theo nội dung, chương trình mới, phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo của sinh viên và trường liên kết. Trong thời gian học tập, Trung tâm chú trọng phối hợp, thống nhất với các trường liên kết tổ chức hoạt động ngoại khóa, như: hành quân dã ngoại kết hợp trú quân qua đêm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, đốt lửa trại, chiếu phim, “Đền ơn đáp nghĩa”, nhằm rèn luyện tinh thần tập thể, đồng đội, tính kỷ luật, sẻ chia yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau, v.v. Thông qua đó, giúp học sinh, sinh viên tự tin, trưởng thành hơn, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, Trung tâm duy trì nghiêm công tác kiểm tra, đánh giá kết quả môn học, bảo đảm khách quan, công bằng, chính xác. Đồng thời, quản lý chặt chẽ việc in ấn, cấp phát chứng chỉ môn học cho sinh viên đúng quy chế, quy định.

Để thuận lợi cho việc học tập, sinh hoạt, rèn luyện, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, Trung tâm chủ động phối hợp, thống nhất với các trường liên kết biên chế sinh viên thành các đại đội, trung đội, tiểu đội và lựa chọn những sinh viên có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín kiêm nhiệm trung đội trưởng, tiểu đội trưởng; tổ chức quán triệt, phổ biến nội quy, quy định cho học sinh, sinh viên ngay khi về học tập. Phối hợp chặt chẽ với các trường liên kết làm tốt công tác giáo dục chính trị, nắm bắt tư tưởng, tâm trạng, động cơ,… để cùng giải quyết những vấn đề nảy sinh trong đời sống học sinh, sinh viên, tạo không khí gần gũi, thân thiện, nâng cao tính tích cực, tự giác cho họ trong quá trình học tập, rèn luyện; tổ chức chặt chẽ việc giao, nhận sinh viên khi kết thúc khóa học. Với đối tượng học sinh, do tuổi đời còn ít, nhiều bỡ ngỡ khi phải xa gia đình, tự lập, Trung tâm phối hợp chặt chẽ với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm để cùng quản lý, hướng dẫn, động viên các em trong học tập, rèn luyện.

Bên cạnh đó, Trung tâm tích cực huy động nhiều nguồn lực của trên, sự quan tâm ủng hộ, giúp đỡ của các trường liên kết để đầu tư mua sắm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, giảng đường, nơi ăn ở, sinh hoạt, quân trang, giáo trình, tài liệu theo quy định của môn học cho học sinh, sinh viên; xây dựng hệ thống thao trường chiến thuật, bắn súng, thể lực, phòng học chuyên dùng, biển, bảng chính quy1 và thường xuyên liên hệ với các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng hỗ trợ. Hiện nay, Trung tâm đang đẩy nhanh xây dựng thư viện điện tử, nâng cấp hệ thống phòng học chuyên dùng, phòng máy tính, các trang thiết bị, học liệu đảm bảo đúng, đủ, hiện đại theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo để phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học tập của học sinh, sinh viên. Đồng thời, phối hợp với cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên của các trường liên kết thường xuyên kiểm tra, giám sát bếp ăn xã hội hóa, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh, nhất là trước những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.

Năm học 2019 - 2020, mặc dù chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, song Trung tâm đã khắc phục khó khăn, làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt, tổ chức liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh cho hơn 22.600 học sinh, sinh viên của 20 học viện, trường đại học, cao đẳng và 06 trường trung học phổ thông trên địa bàn Thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, đạt chất lượng tốt, được các trường liên kết đánh giá cao.

Từ thực tiễn thực hiện liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh thời gian qua, Trung tâm nhận thấy đang còn bộc lộ một số vướng mắc, bất cập trong chỉ đạo, hướng dẫn cũng như việc thực hiện của các trung tâm, nhà trường. Đơn cử như: nội dung, chương trình, thời gian học tập môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho cùng một đối tượng là sinh viên cao đẳng nhưng chưa thống nhất. Cụ thể: nội dung, chương trình dành cho sinh viên các trường cao đẳng sư phạm được thực hiện theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, thời gian học là 165 tiết (tương ứng khoảng 28 ngày), nhưng với sinh viên các trường cao đẳng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý được thực hiện theo Thông tư số 10/2018/TT-BLĐTBXH, ngày 26/9/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian học 75 giờ (tương ứng khoảng 14 ngày). Về số lượng sinh viên theo phân luồng về Trung tâm và trên thực tế không trùng khớp. Những năm gần đây, phần lớn các trường cao đẳng thường không tuyển sinh đủ chỉ tiêu đề ra, mà chỉ tuyển sinh được rất ít, thậm chí có trường không có sinh viên, dẫn đến lưu lượng sinh viên đến trung tâm học tập hằng năm giảm. Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khác nên một số cơ sở giáo dục chưa đủ điều kiện tự chủ môn học nhưng vẫn lảng tránh việc đưa sinh viên đến liên kết tại Trung tâm theo phân luồng hoặc tự liên kết không đúng quy định, gây lãng phí nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của các trung tâm. Việc quản lý, cấp chứng chỉ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên có điểm chưa hợp lý. Hiện nay, sinh viên các trường cao đẳng sư phạm sau khi hoàn thành môn học thì được cấp chứng chỉ, nhưng sinh viên của các trường cao đẳng thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì không được cấp chứng chỉ. Trong khi đó, phần lớn số sinh viên này thường tiếp tục học liên thông đại học nên có thiệt thòi, bất lợi. Mặt khác, mức thu học phí môn học của các trung tâm, trường liên kết hiện nay không đồng đều, rất dễ dẫn đến tình trạng cạnh tranh, thương mại hóa môn học.

Những vướng mắc, bất cập trên đã, đang gây ra những khó khăn cho các trung tâm nói chung, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng trong liên kết đào tạo. Vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục nghiên cứu, tháo gỡ, nhằm đưa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên ngày càng nền nếp, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

TS. TRẦN DANH LỰC, Ủy viên Hội đồng Giáo dục, quốc phòng và an ninh Thành phố Hà Nội, Giám đốc Trung tâm
_______________

1 - Trung tâm có khả năng bảo đảm cho 2.800 học sinh, sinh viên/đợt; có 08 phòng học (trong đó có 02 phòng học chuyên dùng); 08 thao trường huấn luyện chiến thuật, bắn súng; các bãi tập thể lực, vật cản; sân bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, cầu lông, v.v.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...