Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật

QPTD -Thứ Hai, 22/04/2024, 15:54 (GMT+7)
Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh ở Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp

Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Bộ Công thương) là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực kinh tế, kỹ thuật chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những năm qua, thực hiện mục tiêu đào tạo sinh viên thành những cử nhân, kỹ sư vừa có phẩm chất, năng lực toàn diện về chuyên môn nghiệp vụ, vừa có nhận thức đúng đắn, ý thức, trách nhiệm cao đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường không chỉ tập trung nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành, mà còn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, phát triển Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường1 và thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên. Mặc dù đứng trước không ít khó khăn, vừa phải xây dựng, vừa thực hiện nhiệm vụ, nhưng với quyết tâm cao, Nhà trường đã ưu tiên nguồn lực, nhanh chóng xây dựng Trung tâm đảm bảo đủ các tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu và được phép tự chủ giảng dạy môn học quan trọng này. Nhờ đó, chất lượng công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường đã có bước phát triển mới. Từ năm 2021 đến nay, Nhà trường đã tự chủ giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho trên 11.500 sinh viên, góp phần vào thực hiện chủ trương chiến lược của Đảng, Nhà nước, đào tạo, xây dựng thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Huấn luyện bắn súng cho sinh viên.

Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song công tác giáo dục quốc phòng và an ninh của Nhà trường vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm cho hoạt động dạy - học còn nhiều hạn hẹp, chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ, giảng viên còn thiếu về số lượng, chất lượng có mặt chưa đáp ứng yêu cầu môn học, v.v.

Theo Quyết định số 1573/QĐ-TTg, ngày 05/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ, Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh thuộc Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp được bổ sung vào quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh vùng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng nằm trên khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng. Đây là vinh dự lớn, nhưng cũng là nhiệm vụ mới, trách nhiệm nặng nề hơn đối với Nhà trường. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã và đang triển khai nhiều giải pháp củng cố, phát triển toàn diện Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng môn học.

Trước hết, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn tổ chức, biên chế, xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh bảo đảm tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Quán triệt, thực hiện Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BLĐTBXH, ngày 05/11/ 2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học, Nhà trường rà soát tổ chức biên chế hiện có, quyết liệt triển khai cơ cấu, tổ chức lại Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh. Trong đó, chú trọng tạo nguồn, tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ có trình độ, năng lực, kinh nghiệm công tác để thành lập các phòng chức năng, khoa chuyên môn và các tổ chức đoàn thể, hoàn chỉnh tổ chức biên chế, bảo đảm cho Trung tâm hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên của Trung tâm đủ về số lượng, có chất lượng cao, chuẩn hóa theo quy định. Thực hiện định hướng đó, cùng với ưu tiên tuyển dụng sĩ quan Quân đội tại các đơn vị quân sự địa phương, bộ đội chủ lực có nhu cầu chuyển ngành, đáp ứng được điều kiện, tiêu chuẩn giảng dạy môn học, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm tiếp tục ký hợp đồng chuyên gia, hợp đồng thỉnh giảng đối với một số giảng viên có trình độ chuyên môn tốt, có năng lực và giàu kinh nghiệm giảng dạy ở các trường sĩ quan đã nghỉ hưu. Mặt khác, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhằm từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, giảng viên, phấn đấu đến năm 2025, Trung tâm có 100% cán bộ, giảng viên đạt trình độ sau đại học. Để đạt được mục tiêu đó, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm lựa chọn những cán bộ, giảng viên có phẩm chất đạo đức tốt, năng lực, tinh thần trách nhiệm cao gửi đi đào tạo tại các trường trong và ngoài Quân đội để phát triển cán bộ chuyên sâu. Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng tại chỗ theo phân cấp để nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên. Đồng thời, coi trọng cử cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn do Vụ Giáo dục Quốc phòng và an ninh, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, làm cơ sở để tập huấn, bồi dưỡng cho số cán bộ, giảng viên còn lại. Với những cán bộ, giảng viên trẻ, kinh nghiệm giảng dạy ít, Trung tâm phân công những giảng viên có trình độ, kinh nghiệm kèm cặp, giúp đỡ và phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nam Định đưa đi học tập thực tế nâng cao năng lực quản lý, huấn luyện, cập nhật những kiến thức mới, kinh nghiệm thực tiễn. Cùng với đó, Nhà trường có chính sách chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, động viên, khuyến khích cán bộ, giảng viên cống hiến, phát triển.

Giảng viên hướng dẫn cách lấy đường ngắm cho sinh viên.

Thực hiện quan điểm của Đảng về “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, quốc phòng và an ninh cho cán bộ, công chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng. Chú trọng giáo dục, thống nhất, nâng cao nhận thức về đối tượng và đối tác; nắm vững đường lối, quan điểm, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”2, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm tích cực cập nhật, bổ sung nội dung, thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng sinh viên và tình hình thực tiễn. Theo đó, cùng với xây dựng kế hoạch thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình giảng dạy theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm tích cực, chủ động nắm tình hình, cập nhật những nội dung mới thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, nhất là quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước về quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc vào nội dung giảng dạy. Nâng cao chất lượng biên soạn giáo án, bài giảng, ứng dụng công nghệ thông tin vào nghiên cứu, cập nhật, khai thác thông tin, tư liệu trong biên soạn giáo án điện tử, mô phỏng các tình huống chiến đấu, động tác kỹ thuật, chiến thuật, trường bắn,... vào bài giảng, tạo sự sinh động, hấp dẫn, lôi cuốn người học qua từng nội dung, khoa mục. Do đặc thù môn học, để người học tiếp thu được kiến thức, vận dụng hiệu quả vào thực tiễn, Trung tâm yêu cầu đội ngũ giảng viên đẩy mạnh đổi mới phương pháp truyền thụ, sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy, huấn luyện, tích hợp các phương pháp dạy - học theo hướng “lấy sinh viên làm trung tâm”, tăng cường nêu vấn đề, gợi mở, tương tác, đối thoại, phát huy tính chủ động, sáng tạo của sinh viên, khắc phục triệt để phương pháp thuyết trình một chiều, lý luận đơn thuần; rèn luyện cho sinh viên năng lực tư duy, vận dụng kiến thức vào thực hành và thông qua thực hành để củng cố vững chắc nội dung lý luận.

Mục tiêu của môn học giáo dục quốc phòng và an ninh không chỉ trang bị kiến thức, kỹ năng, mà còn rèn luyện ý chí, bản lĩnh, tính tổ chức kỷ luật cho sinh viên. Vì vậy, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm tăng cường công tác quản lý, rèn luyện sinh viên, xây dựng môi trường văn hóa sư phạm quân sự lành mạnh. Thực hiện phương châm “Xây dựng đơn vị nền nếp - kỷ cương - trách nhiệm”, ngay từ khi nhập học, Trung tâm tổ chức, biên chế sinh viên thành các đại đội, trung đội, tiểu đội theo đúng quy định; bố trí, sắp xếp phân công cán bộ của Trung tâm làm khung quản lý cấp đại đội và trung đội. Để đạt hiệu quả, Nhà trường yêu cầu đội ngũ cán bộ, giảng viên môn học, nhất là cán bộ khung quản lý luôn nêu cao trách nhiệm, thực sự mô phạm, chuẩn mực từ tư thế, phong cách, tác phong ở mọi lúc, mọi nơi để làm mẫu, hướng dẫn, rèn luyện sinh viên. Cùng với đó, Trung tâm duy trì thực hiện đầy đủ các chế độ nền nếp ngày, tuần đưa sinh viên tiến sát đến môi trường quân sự nhằm nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, lễ tiết tác phong mang mặc, đi đứng, chào hỏi, nếp sống tập thể, gọn gàng, ngăn nắp, v.v. Mặt khác, để bổ trợ cho nội dung học tập, rèn luyện, Nhà trường chỉ đạo Trung tâm coi trọng đổi mới hình thức hoạt động và phương pháp quản lý sinh viên phù hợp tâm lý lứa tuổi, khơi dậy sức trẻ, lòng nhiệt huyết bằng việc kết hợp chặt chẽ giữa học tập với rèn luyện, giữa học chính khóa với hoạt động ngoại khóa; đẩy mạnh phối hợp với Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên Nhà trường tổ chức các hoạt động hội thi, hội thao, như: hội thao ba môn quân sự phối hợp; tổ chức các trò chơi quân sự; thi đấu bóng đá, bóng chuyền; hội diễn văn nghệ quần chúng, v.v. Việc làm đó đã giúp tăng cường sự liên kết giữa cán bộ với sinh viên, giữa cá nhân sinh viên với tập thể, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, tinh thần đoàn kết, chia sẻ, hình thành môi trường giáo dục lành mạnh, thúc đẩy sinh viên tự giác rèn luyện, thực hiện nghiêm nội quy, quy định và trưởng thành hơn sau khi hoàn thành nội dung môn học.

Cùng với đó, Nhà trường chú trọng huy động các nguồn lực tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục, đào tạo của Trung tâm đáp ứng sự phát triển nhiệm vụ và yêu cầu môn học. Những năm qua, Nhà trường đã nỗ lực huy động, cân đối các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, mô hình, đồ dùng huấn luyện,... phục vụ tốt nhất giảng dạy, học tập, sinh hoạt của sinh viên khi về Trung tâm. Thời gian tới, lưu lượng sinh viên học tập môn học tại Trung tâm sẽ tăng cao, từ 1.000 - 1.200 sinh viên mỗi khóa, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Nhà trường tiếp tục huy động mọi nguồn lực đẩy mạnh đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học. Trước mắt, chỉ đạo Trung tâm phối hợp với Viện Thiết kế, Bộ Quốc phòng rà soát, quy hoạch tổng thể khu ăn, ở, sinh hoạt, khu giảng đường, thao trường, bãi tập phù hợp với quy mô đào tạo; trong đó, tập trung sửa chữa, mở rộng khu ký túc xá, khu nhà ăn của sinh viên. Tiếp tục đầu tư xây dựng các phòng học chuyên dùng, đa năng; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để cán bộ, giảng viên, sinh viên khai thác có hiệu quả thư viện điện tử, phục vụ dạy và học. Đồng thời, thường xuyên liên hệ, đề xuất với cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng bổ sung vũ khí, trang bị, vật chất, như: các loại súng hoán cải, lựu đạn tập, các loại mô hình, tranh vẽ,... đáp ứng tốt yêu cầu giảng dạy môn học.

Với nhận thức đúng đắn và triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục quốc phòng và an ninh cho sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

TS. TRẦN HOÀNG LONG, Hiệu trưởng Nhà trường
_________________
        

1 - Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh được thành lập theo Quyết định số 428/QĐ-ĐHKTKTCN, ngày 22/09/2021 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 159.

Ý kiến bạn đọc (0)

Hòa Bình đẩy mạnh công tác giáo dục quốc phòng và an ninh
Cùng với việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh luôn chú trọng tăng cường quốc phòng và an ninh (QP&AN), trong đó, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQP&AN) được Tỉnh hết sức quan tâm,...